Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
 Hai anh em
Hồ Dzếnh
Nếu cứ bình tĩnh vất hết những thành kiến trong óc đi, nếu xóa bỏ những sự bất bình nhỏ nhặt đi, cái người tôi thương nhất không ai ngoài anh Cả tôi.

Chúng tôi xung khắc nhau như chưa từng hai anh em nào xung khắc đến thế. Tuy nhỏ, nhưng bao giờ tôi cũng giữ phần thắng, không phải vì tôi át được anh tôi, mà vì quanh tôi vô số là người bênh vực. Vững vàng trong sự che chở của mẹ và các anh chị, tôi bĩu môi nhìn cái nắm đấm hằn học của anh đưa lăm lăm ra trước mặt tôi, nắm đấm mà anh thường hà hơi cho nóng hôi hổi lên để dọa.

Đó là chuyện ngày nhỏ. Tôi không muốn nhớ lại những cái gì vặt vãnh nữa. Tôi chỉ viết ra đây vì sao trước kia giữa hai anh em tôi vẫn ngấm ngầm một sự hằn học.

Anh tôi sướng từ trong bụng sướng ra. Ba tôi nưng niu anh hơn nưng trứng, ngỡ rằng mẹ tôi chỉ sinh có một mình anh là hết. Bất ngờ, bảy năm sau, anh Hai tôi ra đời. Ba, mẹ tôi thu dần cái tình thương ban quá nhiều cho anh để bắt đầu nghiêng lòng xuống người con thứ. Sau đấy ít lâu, tự nhiên lại có tôi. Đến tôi thì tình thương đã vợi. Mẹ tôi thu nhặt những cái gì là âu yếm đắp điếm vào tôi, đắp điếm một cách vội vàng nhưng tha thiết vô cùng. Đó là thứ tình thương dồn dập bất chấp cả lời kháng nghị của trời đất, bất chấp cả những nết xấu của thằng con.

Anh tôi thường bị người mắng, mỗi lần có chuyện kèn cựa với tôi:

- Mày thì ăn như vẹm ấy, sung sướng bao lâu nay chưa chán hay sao mà còn bắt nạt nó?

Anh Cả tôi lùi lũi bước lại sau lưng mẹ tôi, giơ nắm đấm lên ngấm ngầm bảo tôi:

- Mày cứ ra đây với ông!

Nhưng có bao giờ tôi lại ra dại như thế. Tôi bảo mẹ:

- Mẹ kìa! Anh Cả anh ấy dọa đánh con, kia kìa!

Mẹ tôi quay lại nhìn anh, thì tinh ý, anh đã xòe bàn tay ra, phụng phịu:

- Nó nói điêu mà mẹ cũng nghe!

Mỗi lần ba anh em chúng tôi ngủ chung với nhau là một dịp tốt cho anh Cả tôi báo thù. Anh cấm tôi ngáy, tôi đạp, mà hễ ngáy và đạp thì "đừng trách". Tôi nằm ở giữa hai người anh, một cây tre con nằm ở giữa hai cây cột. Cây cột thứ nhất bảo cây cột thứ nhì:

- Này, hai tương cho nó mấy cú, mày!

- Tội nghiệp nó, anh ạ. Nhỡ nó be lên thì nguy đấy!

Tôi vin ngay vào câu nói hòa giải của anh tôi mà mếu máo:

- Được, cứ chạm vào em mà chơi. Em khóc lên cho mà xem.

Đêm nằm, tôi không dám thở, không dám co và duỗi. Những đêm như thế, tôi thấy kiếp sống là khổ sở, anh em là những đồ tồi.

Ngoài những tính nóng nảy, bạ miệng, anh Cả tôi còn được một cái tính thứ ba rất đáng chú ý: tính mê gái.

Văn thơ của các báo Thực Nghiệp, Nam Phong, Nông Công Thương hồi ấy được anh trân trọng chép ra và thuộc lòng như cháo. Anh mê hơn điếu đổ một người con gái bên cạnh nhà, và người này cũng như anh, cũng thích thơ một cách nông nổi. Không một bức thư nào anh tôi không đặt lên ngay đầu một bài vè để phá đề.

Đại khái đều là:

"... Đường lên ga lắm cát mát chân,
Cô em bóng bẩy làm chi.
Để cho quân tử sớm đi, tối về."
Người con gái cũng đáp lại bằng một điệu như thế:
"Bắc thang lên hái hoa vàng.
Vì ai cho thiếp với chàng quen nhau."
Năm ấy, anh tôi ngoài hai mươi tuổi, mới bập bẹ biết viết và tập đọc quốc ngữ Việt Nam. Cuộc tình duyên vụng trộm kia, chỉ có tôi biết rõ hơn ai hết, vì tôi được anh giao cho cái trọng trách là đưa thư, với số tiền thuê ba hào một chuyến. Cứ mười bức thư, tôi chỉ giao có bốn, còn bao nhiêu đưa cả cho anh Hai tôi để đọc chung với nhau cho vui. Với cách chuyền tay ấy, không bao lâu mẹ tôi biết chuyện, cả nhà người con gái biết chuyện. Mẹ cô ta cong cớn:

- Con tôi có phải lá ngọc cành vàng đâu mà thằng con bà cứ nay trêu, mai ghẹo. Có lấy được thì cứ hỏi, việc gì mà hẹn hò cho mang tiếng.

Mẹ tôi phải xin lỗi mãi mới êm chuyện, rồi gọi anh tôi vào trị tội. Không bao giờ tôi quên được cái thùng nước đặt trên đầu anh tôi, mà cứ mỗi giọt rơi ra ngoài là một roi phết quắn đít. Mẹ tôi bắt anh lạy, bắt thề từ nay không được vượt lễ nghi như thế nữa. Anh tôi vâng dạ luôn miệng và sau khi được mẹ tôi cho phép đứng dậy đi chơi, anh nắm ngay quả đấm, đi sướt ngang mặt tôi, hằm hằm:

- Hừ! Mày làm hại ông, liệu!

Tôi biết lỗi nên im lặng. Bắt đầu từ đấy, tôi tránh anh tôi như tránh tà. Giữa chúng tôi, không có một cuộc hội kiến nào, nếu không có mẹ tôi dự thính. Những hôm mẹ tôi đi đâu, tôi xem ý anh có vẻ xun xoe lắm. Anh liếc tôi, lườm tôi, vừa dận gót giầy vừa cười khẩy. Hai tháng qua, tôi chưa bị anh đánh lần nào, bởi tôi trốn rất giỏi. Hai tháng qua và một hôm, đột nhiên bước vào buồng riêng, tôi giật mình thấy anh bưng mặt khóc. Anh đưa cặp mắt đỏ ngầu nhìn tôi, như người nhìn một kẻ thù địch. Tôi toan rú lên, lui ra, thì anh tôi nức nở:

- Em làm hại anh! Em làm anh chết mất! Liệu hồn mày!

Tâm thần xúc động, tôi tiến lại gần anh, quên cả sự đề phòng, dịu ngọt:

- Em trót dại, anh tha lỗi cho nhé. Để bắt đầu từ ngày mai, em lại đưa thư cho anh. Anh nín đi, anh ạ.

Anh tôi mếu máo:

- Đưa cái đầu mày nữa. Nó đi... lấy chồng mất rồi!

Tôi bàng hoàng như chính mình là vai chính trong truyện, chính mình vừa thấy vỡ cái hạnh phúc tốt đẹp nhất đời. Bây giờ, những cuộc chia rẽ giữa các người con gái khác và tôi càng khiến tôi nhớ đến cái đau khổ ngày nào của anh tôi. Với một chút hối hận ấy, tôi cũng đã sẵn lòng tha thứ những hành vi ngông dại của anh tôi đối với tôi rồi.

Như trên kia tôi đã nói, chúng tôi xung khắc nhau như chưa từng hai anh em nào xung khắc đến thế. Anh Cả tôi chỉ chơi với anh hai tôi, và mỗi khi phải đem tôi đi đâu, anh cho là một sự bực bội nhất. Anh thường bảo:

- Nó nhác, nó tồi thế mà ba mẹ cũng yêu được.

Ngày nhỏ, anh Cả tôi có tính lấy vắng mặt tiền, ta gọi nôm là ăn cắp. Một lần, anh tiện tay thủ một bánh thuốc lào bỏ túi áo, ra ngoài bán cho các trẻ khác để đánh đáo. Mẹ tôi biết chuyện, trói anh vào cây cột, lấy roi đánh túi bụi.

Anh hai tôi cuống cuồng lên, chạy vòng quanh người anh vừa đỡ hộ roi, vừa khóc:

- Lạy mẹ! Mẹ đừng đánh anh con nữa. Con biết chỗ anh dấu thuốc lào rồi, để con lấy đưa mẹ.

Nói xong, anh ôm quần chạy ra vườn lấy cái tang vật dấu dưới hai tàu lá chuối phủ kín lại.

Câu chuyện trên kia làm tôi cảm động lắm. Tôi ân hận mãi sao mình không hào hiệp, che chở cho anh Cả tôi như thế. Nhưng từ đấy, anh tôi không thèm lấy vặt vãnh nữa. Đôi khi, tôi định làm thân với anh tôi, thì anh trợn mắt:

- Cút! Ai chơi với mày!

Sau chuyện thất tình tôi kể trên kia được vài tháng, anh tôi sang Tàu học rồi lấy vợ. Mấy hôm trước ngày lên đường, hai anh tôi bàn với nhau những chuyện rất thân mật và rất kín đáo. Tôi có tò mò ghé lại nghe thì họ lại:

- Kín nhá! Chỉ có ta biết với nhau thôi nhá!

Anh Hai tôi gật gù cúi đầu trông có dáng thích lắm. Tôi muốn nói với người anh sắp xa tôi một câu gì thật buồn bã, nhưng tôi không thể nói được. Đôi mắt anh luôn luôn nhìn tôi, mà sự giận dữ để lộ ra hình như bảo: "Tao với mày không anh em gì nữa đâu, đừng có chuyện!"

ức quá, tôi chạy đến khóc với mẹ tôi:

- Mẹ ạ, các anh ấy không chơi với con.

- Chúng nó không chơi thì thôi, thèm vào! Đã có mẹ!

Tôi nũng nịu:

- Nhưng mẹ không biết nói chuyện.

Sáng hôm sau, anh Hai tôi ở đâu chạy lại bảo tôi:

- Anh Cả bằng lòng chơi với em đấy.

Sung sướng quá, tôi toan chạy lại ôm lấy anh, thì ngạc nhiên tôi thấy anh nức nở khóc. Tuy không biểu nỗi buồn gì đã làm anh xúc động đến thế, tôi cũng cảm thấy một sự tiêu điều hoang vắng xâm chiếm linh hồn. Chúng tôi cùng quên hết thù cũ, cùng ngồi xúm lại với nhau, và ba tấm lòng cùng thông công trong một sự buồn bã tương tự. Chúng tôi nói chuyện bên Tàu, nhắc đến những người xa lạ. Tôi hỏi anh:

- Anh có biết bao giờ về không?

Anh tôi ngoảnh mặt nhìn lên trời, rồi bậm miệng lại, khó khăn lắm mới thốt được ra:

- Hàng năm ấy!

Trùng dương bật ra trong óc tôi, với cảnh dậm trường xa cách. Tôi chớp mi cho nước mắt mắt chảy xuống, rồi cầm lấy tay anh:

- Bao giờ ở bên Tàu về, anh cũng cứ chơi với em nhé!

Anh Cả tôi gật đầu. Tối hôm ấy, chúng tôi cùng ăn cơm và đi chơi với nhau. Tôi hối hận lắm, khi nghĩ đến cách đây mấy tháng, tôi làm cho anh tôi thất vọng. Tôi không hiểu làm sao chỉ ở lúc sắp xa cách, lòng người mới bấu víu lấy nhau, mà lại không là lúc đang sum họp? Hay vì đi là "hơn" chết một ít, đi là "gần như" không trở về?

Tôi còn thấy cả sắc trời hôm đưa chân anh tôi lên tàu, một sắc trời xanh ngắt, bao la, đem vọng lên nền cao những tiếng còi lanh lảnh. Anh tôi mặc bộ quần áo sọc mới, ở túi bên trái dắt một chiếc "mùi xoa". Tất cả người nhà tôi xúm lại bên anh, mỗi người dặn một câu, tỏ một sự âu yếm.

Lúc tàu chuyển bánh, tôi thấy lòng thắt lại, và mếu máo bảo mẹ tôi:

- Sao mẹ không giữ anh Cả lại cho con?

- Mẹ giữ làm sao được. Anh con phải về đi học chứ!

Từ đấy, ngày sống của tôi trở nên bơ vơ, trong lúc thanh xuân, với tôi, còn là một kho tàng vô tận...

*
* *

Sau bốn năm trời xa cách, anh Cả tôi đã lại trở về. Nhưng những sự vui vẻ tôi hằng đợi ở anh, đã không còn nữa! Anh tôi lớn lắm rồi, gia dĩ lại cồng kềnh một người vợ mới. Kỷ niệm xưa kia, anh tôi không nhắc lại một lần nào nữa. Tình thân ái xưa cũ dần dần bỏ tôi đi, như bóng mây một buổi chiều lửng lơ kéo sang nơi khác. Anh tôi đâm ra cau có, ghen tị với chúng tôi:

- Các chú tây học rồi lo gì mà chả kiếm được nơi no ấm. Còn tôi với ngọn bút lông, chết lúc nào không biết.

Cuộc đời sung sướng của anh tôi đến đấy là hết. Và cũng đến đấy là hết mối tình thân thiết trong buổi ngây thơ giữa ba chúng tôi. Ngày xưa không bao giờ về, vì hỡi ôi! ngày xưa đi là mất. Trong lòng tôi, vết thương mà sự phản bội của thế nhân gây ra tuy lớn, nhưng chưa thấm thía bằng vết thương khơi ra vì sự lãnh đạm của các người nhà.

Xa anh, tôi bắt đầu gần lại chị dâu tôi, một linh hồn Trung Hoa lưu lạc. Cũng vì sự thân cận ấy mà có câu chuyện này, câu chuyện mà tôi nhắc lại với một giọng buồn bã, như người nhắc lại một đoạn đường thiếu êm đẹp trong đời.

Khi sinh hạ thằng cháu đầu lòng, chị tôi phải bệnh căng sữa. Trong nhà không còn ai tiện cho việc vắt cho cái sữa thừa kia vào chén bằng tôi. Tôi vui vẻ, vô tội làm cái việc ấy, và khoe với anh hai tôi:

- Anh ạ, vú chị ấy đến to!

Bất ngờ, anh Cả tôi đi qua, nhằm lúc tôi hớ hênh nói lên như thế. Anh đứng lại, và không nói, không rằng, tát tôi một cái té xỉu. Câu chuyện ấy đến tai ba tôi. Tôi được người cho gọi lại bên khay tĩnh để dạy nốt cách làm người; ba tôi bảo:

- Đại phàm là em chồng, thì nhất thiết không được vào buồng chị dâu.

- Ơ! Nhưng con vào vắt sữa kia mà!

Ba tôi vớ lấy cái dọc tẩu, khiến tôi mất vía, im lặng. Ba tôi hớp một ngụm nước trà rồi tiếp:

- Tao cấm mày không được bước chân vào buồng chị ấy nữa. Mày không biết chứ luật Tàu cấm ngặt cả em chồng không được nói chuyện với chị dâu. Vừa rồi, mày là một thằng mất dạy.

Tôi xấu hổ quá, lùi lũi bước ra ngoài, thề từ nay không thèm chơi với anh chị tôi nữa.

Ròng rã trong hai ngày sau, tôi đoán biết một sự xung đột nhỏ nổi lên giữa anh chị tôi, và khi ghé mắt qua khe cửa phòng học nhìn sang bên cạnh, tôi thấy chị dâu tôi đương quỳ trước mặt chồng khóc lóc...

*
* *

Chị dâu tôi bây giờ đã sinh được nhiều cháu, và vẫn tận tụy với cảnh dâu con. Không một vết nhơ nào, trong mười sáu năm trời, có thể làm mờ được danh tiết của người đàn bà lìa quê hương kia. Mười sáu năm qua trong một thoáng gió. Anh Cả tôi đã già, chị dâu tôi giữa hai thứ tuổi. Riêng tôi vẫn còn xuân sắc, lòng vui giữa cảnh sa mạc của đời. Tôi vẫn cảm thấy cái rát, cái nóng, gieo mạnh do một bàn tay xương xương lên má tôi, mỗi lần tôi nghiêng xuống thổi bớt những làn bụi vương trên bức họa ngày xưa. Tôi nhớ nhất cái dáng điệu vừa quỳ vừa khóc của chị dâu tôi, và tôi thấy buồn một nỗi buồn thê thiết quá.

Nhưng ngày nay anh Cả tôi đã hiểu và thương tôi rồi. Như thế đã là đủ lắm.

Chân trời cũ,
NXB Nguyễn Hà, Hà Nội, 1942.

[ Trở Về  ]