Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
__________________________________________________________________________________
Thả thia lia
Đỗ Đức Thu
Rất đứng đắn, tôi phải xin phép ông bạn họ Nguyễn, mượn một câu của ông để tả tâm trạng một người trong truyện này. Chỉ một câu ấy đủ thay cả một trang tả tình, và bạn đọc nào nhiều tưởng tượng sẽ hiểu thêm được ít ý nghĩa ngộ nghĩnh. Hôm ấy lòng Thìn "vui nhộn như người ta đang rước đèn hội Tây trong bụng mình"Nói thế tưởng không quá. Anh ta đã cố trấn tĩnh, nhưng nỗi vui sướng vẫn trào ra ngoài; biểu lộ ra các cử chỉ. Anh đi như là nhẩy, không đứng ngồi yên một chỗ nào, luôn luôn huýt sáo, luôn luôn khen cảnh trời đẹp, lá cây xanh, và khí hậu mát. Những lúc này, người ta dễ thành thi sĩ lắm. Xưa nay có bao giờ anh để ý đến cảnh trời đất! Anh khen đi, khen lại mãi mấy cái lá bàng úa dưới ánh nắng. Thậm chí có một người bạn, cơ chừng đang bị nạn lo tiền, sốt ruột phải thốt ra một câu:
- ừ, lá bàng đẹp thật, nhưng giá mỗi cái lá biến thành một tờ giấy năm đồng thì đẹp hơn nhiều!
Thìn trố mắt nhìn con người thô mãng, mặc dầu người đó là một thi sĩ chính thức, đã có mấy tập thi ca xuất bản. Thìn cho là chế nhạo mình. Gặp lúc khác chắc chàng đã giận lắm, nhưng trong lúc này, Thìn quên đi ngay. Khi người ta sung sướng, thì người ta rất có độ lượng. Thìn đương sung sướng lắm, vì chàng sắp được gặp người con gái chàng săn đã gần một tháng nay.
Muốn cho cô Lý, người con gái bên láng giềng là đẹp, thì phải có cái tuổi ngoài hai mươi của anh Thìn, và cái tình bồng bột buổi đầu của anh. Tuy vậy, cô cũng không xấu. Giá đem cô trộn vào đám thiếu nữ một chợ phiên nào, thì không ai để ý đến cô, vì đẹp hay vì xấu. Thêm cái tuổi hai mươi, một thân thể nở nang, cánh tay, bắp đùi tròn trặn, cô cũng dễ coi.
Tại sao mà Thìn yêu Lý? Người ta không bao giờ giải nghĩa được những chuyện tâm tình này. Nhưng ta cũng dự đoán là tại hai người ở láng giềng nhau. Đã có nhiều mối tình bắt đầu vì thế. Thêm sự thèm khát đàn bà ở Thìn, và có lẽ là một sự thèm khát tình yêu ở người con gái mới lớn kia. Thìn đến lúc ấy chưa hề yêu ai, chưa biết một người đàn bà nào. ở cái tuổi bồng bột mà người ta đã niêm sẵn tình yêu trong phong bì, chỉ đợi đề thêm địa chỉ rồi gửi đi thì người ta không kén chọn, không khó tính.
Thìn đã tốn công theo đuổi, tốn nhiều giấy viết thư, mới được Lý hẹn một cuộc gặp gỡ. Lý hẹn gặp Thìn bốn giờ chiều chủ nhật ấy ở trước cửa nhà chiếu bóng Majestic.
Tối hôm trước, anh chàng đi mua một chiếc ca vát mới, một chiếc mùi xoa và một đôi tất; ca vát thắt trên cổ, người yêu nhìn thấy; mùi xoa thỉnh thoảng đưa lên lau mũi, chứ đôi tất đi ở chân, giầy và quần áo che đi, thì để làm gì? Thì ra muốn kỷ niệm một ngày sung sướng, ta trịnh trọng ngay với chính mình, một cử chỉ chí thành.
Mới ba giờ, Thìn đã đánh răng, chải tóc. Ba rưỡi thì quần áo chỉnh tề, múi ca vát gọn, giầy bóng loáng, Thìn bước ra. Qua nhà bên, anh chàng liếc vào thấy Lý ngồi cạnh cửa nhìn ra. Chàng nhìn Lý như muốn nói: "Tôi đi ra chỗ hẹn đây". Thấy Lý còn mặc áo ngắn, Thìn giật mình nghĩ thầm: "Sao bây giờ Lý chưa thay áo? Hay nói dối mình, không đi? Không có lẽ. Lời hẹn chắc chắn như thế. Lý không thể nói dối mình được". Anh chàng nhớ ra rằng hãy còn sớm quá mới yên tâm.
Đến nhà chiếu bóng, Thìn đứng nhìn những tranh quảng cáo dán hai bên cửa. Chán rồi, chàng vào xem ảnh bên trong, rồi lại nhìn tranh quảng cáo, vì mắt chàng còn bận, thỉnh thoảng phải dõi về phía cuối phố. Thìn xem đi, xem lại, đến nỗi đã thuộc cả từ tên các tài tử, người dàn cảnh, đến những vai phụ, và những hình vẽ chỉ còn là một đống màu lòe loẹt trước mắt. Thuốc lá hút đã khô họng, hai chân nặng, và đầu gối rít như bộ máy thiếu dầu. Lý vẫn chưa đến.
Một vài người đến rạp chiếu bóng, rồi họ dần dần đến đông. Thìn mới nhớ rằng hôm ấy có buổi chiếu bóng năm giờ. Thìn bỏ những bức tranh, nhìn người đến xem, mỗi một cái hình đàn bà ở cuối phố lại làm anh chàng hồi hộp, để sự thất vọng càng lớn hơn khi nhận thấy không phải là người chàng đợi. Người đến càng đông, chàng càng mỏi, càng bồn chồn. Lúc trong rạp rung chuông, người xem đã vào cả, Thìn đã muốn quay về, thì Lý đi xe đến.
Tuy đến chậm, Lý cũng không có dáng vội vàng. Nàng ung dung trả tiền xe:
- Anh đợi có lâu không? Em phải nói dối nhà là đi xem xi nê. Nhà cứ bảo là còn sớm, thành thử bây giờ mới đến được. Vào xem xi nê đi anh đi.
Nét mặt nhìn vừa nở nang ra được một chút thì lại sắt ngay lại. Chàng thấy một điều khó chịu. Chàng muốn được tình ái tuyệt đích, tự do, thì Lý phải nói dối nhà đi xem chớp bóng để gặp chàng; mà gặp chàng nàng lại muốn vào xem chiếu bóng. Lý còn hỏi chàng đợi có lâu không! Điều đó đã có hai đầu gối chàng trả lời. Nếu Lý là một người bạn trai, thì lúc này, ít nhất là cũng được nghe những tiếng không hay. Thìn trả lời Lý:
- Đi xem xi nê làm gì? Chậm quá, những chỗ tốt hết cả rồi.
- Hết rồi thì lấy hạng trên vậy.
- Thôi xem làm gì. Đi chơi nói chuyện hơn. Tôi có nhiều chuyện nói với Lý lắm.
- Thế anh vào lấy cho tôi một cái chương trình vậy, kẻo đi xem xi nê mà không có chương trình, không biết chuyện ra sao.
Thìn nghĩ thầm: "Họ tinh quái thực", và vào xin một cái chương trình cho Lý.
- Anh đi đâu?
- Đi đâu cũng được, Lý có định chỗ nào không? Hay lên Hồ Tây đi?
- Tùy ý anh.
Trong lúc đợi xe điện, và khi ở trên xe, Thìn và Lý không nói với nhau được câu nào. Họ chỉ nhìn nhau, và nhìn những người bên cạnh. Họ có vẻ ngượng của những cặp trai gái mới đi với nhau lần đầu, như sợ người ta chú ý đến. Đến Quan Thánh, xuống xe điện, họ dễ chịu, được tự do hơn. Đường thưa người, chỉ có ít cặp trai gái khác, Thìn và Lý cũng thành một cặp đẹp mắt: con trống trông khỏe mạnh, con mái có mã ưa nhìn. Mấy người nhà quê đi ngược lại, qua họ rồi còn ngoái cổ lại trông theo.
Họ đi sát vào nhau, thủng thỉnh theo con đường lên Yên Phụ. Gió từ phía hồ Trúc Bạch, thổi hắt tà áo Lý vào người Thìn, để hở một bắp đùi bọc lụa trắng. Thìn vươn ngực ra, thở lấy những làn không khí mát và lành, và như tự lấy làm vinh hạnh được đi bên Lý. Chàng nhìn những cô gái khác, thầm so sánh họ với Lý, và ngẫu nhiên nhận ra rằng nàng có một cái nốt ruồi nhỏ dưới mắt bên trái.
Thìn lại thấy chân mỏi. Mấy phút ngồi trên xe điện không đủ bù cho hàng giờ đứng trước nhà chiếu bóng, và bây giờ lại dẫn bước một, hai đầu gối lại thấy nóng. Một điều khó chịu nữa là Thìn vẫn chưa tìm được câu gì nói với Lý. Trước khi đi tưởng chừng như sẽ nói với nhau được rất nhiều chuyện theo những bức thư họ viết cho nhau dài ba bốn trang giấy nặng trĩu những câu tình ái thống thiết. Bây giờ họ im cả, không ai biết bắt đầu từ đâu. Thìn nhớ đến câu thứ nhất Lý hỏi chàng lúc xuống xe.
- Hôm kia mấy giờ con sen nó mới đưa thư của tôi cho Lý?
- Lúc em đi ngủ nó mới đưa, tý nữa thì mẹ em bắt được. Lần sau anh viết chữ to một tý, chữ anh viết nhỏ quá, em không dám thắp đèn to, khó xem lắm.
Hai người gần đi đến đền Trấn Quốc. Bên mé hồ Trúc Bạch, lẻ tẻ ít người hoặc ngồi ở vệ cỏ hay đứng tựa gốc cây, người hóng gió một mình hay trai gái sát vai trò chuyện. Thìn và Lý cũng tạt vào, chọn một gốc cây có cánh vươn rộng nhất. Thìn như muốn nói câu gì, thì Lý nói:
- Anh có đồng hồ không? Liệu gần đến giờ tan xi nê thì nhắc em nhé.
Rồi tiếp luôn:
- Em phải đọc tờ chương trình này kẻo lại không biết chuyện ra sao.
Thìn tựa vào cây, nhìn ra hồ, tiếc rằng đã không đi xem chiếu bóng. Lý xem xong, chàng mượn cái chương trình. Lý đá chân xuống cỏ. Bỗng múi dép nàng hất lên một mảnh sành vuông vắn. Lý nhặt lên xem, rồi giơ ngang thẳng tay, văng mạnh ra hồ. Mảnh sành đập xuống mặt nước, nhảy lên, đập xuống, lại nhẩy lên, ba lần, rồi trước khi chìm xuống hồ, còn lướt thẳng một quãng dài, rẽ sóng ra hai bên, như đường đi của một con nhện nước. Thìn đứng nhìn, chàng cũng nhặt một mảnh sành lớn hơn rồi hết sức lia mạnh. Mảnh sành nẩy lên bốn lần, và đi xa hơn hòn trước. Lý như không chịu kém, cố tìm được mảnh ngói vỡ, định phá cái kỷ lục của Thìn. Nhưng mảnh ngói vừa rời tay nàng, thì rơi tõm ngay xuống nước, chìm nghỉm, để lại mấy cái tăm và ít vòng tròn lan rộng làm rung động bóng lá cây. Lý ngao ngán nhìn Thìn. Lý định tìm hòn khác, thì Thìn giữ tay nàng đưa mắt sang phía bên cạnh.
Cách đấy chừng vài chục thước, cũng có một đôi trai gái. Lúc ấy anh đàn ông đang đứng dạng hai chân, tay phải đưa đi đưa lại, điệu bộ như một lực sĩ sắp sửa ném đĩa. Rồi một vật trong bàn tay hắn vung ra mặt hồ, thì ra hắn cũng chơi thia lia! Con thia lia của hắn nẩy được nhiều lần và đi rất xa. Chị đàn bà vỗ tay cười, nhìn Thìn có ý bảo: "Anh xem, thế kia chứ?".
Thìn nghĩ cũng khó lòng mà ném hơn anh chàng kia được. Anh chàng trông cũng khỏe nhưng có vẻ ngu ngốc, vô học lạ. Người như thế, làm gì chẳng giỏi ném thia lia. Sau Thìn mới nghĩ rằng muốn nẩy nhiều, đi xa, hòn gạch phải mỏng và tay ném phải sát mặt nước. Chàng chọn một hòn vừa vặn và tụt xuống ven hồ, chàng cũng vung văng tay như anh chàng kia và dùng hết sức phóng mảnh sành ra. Quả nhiên chàng được vừa lòng; mảnh sành đi rất xa, chập chờn trên mặt nước, dùng dằng như không muốn chìm. Đến lượt Lý vỗ tay. Tức thì chàng kia cũng xuống ven hồ và có một con thia lia hay hơn.
Thế rồi thành một cuộc "thi thia lia" của hai người đàn ông. Hai người con gái đứng trên khuyến khích bằng những tiếng cười, tiếng vỗ tay, nhặt những mảnh sành, mảnh ngói đưa xuống cho họ và nhìn họ liệng. Khi sành, ngói mỏng đã khan, Lý đã bới các rễ cây, các chân cỏ, nàng bằng lòng nhặt những gạch mỏng, cạo sạch đất bên ngoài để đưa cho Thìn.
Thìn đã hết cả mỏi chân, quên cả mục đích cuộc đi chơi với Lý, mục đích của chàng lúc ấy là ném thia lia làm sao cho khéo, cho cặp trai gái kia và Lý phải phục. Tâm trí anh chàng để cả vào công việc ấy; chàng quên cả thời giờ.
Một lúc sau, Lý nhắc:
- Dễ thường đến giờ tan xi nê rồi đấy; về đi thôi anh ạ.
Thìn liệng nốt mấy hòn gạch, rồi leo lên bờ cỏ. Chàng lấy cái mùi soa - cái mùi xoa mua hôm qua - ra lau bàn tay lấm láp, rồi thủng thỉnh theo Lý. Chàng mới nhớ rằng chưa nói được chuyện gì với Lý và có ý tiêng tiếc. Bây giờ, trên con đường về, không phải là lúc nói gì nữa. Chàng tự hẹn đến một cuộc đi chơi sau, hoặc sẽ viết cho Lý một bức thư thực dài. Chàng thấy viết thư tiện hơn. Có những người chỉ can đảm ở trước mặt tờ giấy trắng, khi không có ai trước mặt.
Đến Quan Thánh thì vừa gặp xe điện.
- Anh để em về trước nhé.
Thìn tần ngần:
- Hôm nào Lý rỗi, lại có thể đi chơi được nữa?
- Anh để em xem. Hôm nào em rỗi, em sẽ bảo anh.
Rút từ tập truyện ngắn Nhà bên kia,
Nxb. Cộng lực, Hà Nội, 1942
[ Trở Về ]