Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
 Một cuộc bút chiến
Đỗ Đức Thu
Cuộc tranh luận dần mất vẻ đứng đắn. Họ không còn giữ thái độ điềm tĩnh lúc mới đầu, họ tìm những lời lẽ chua chát, dữ dội. Họ tặng nhau những quả đấm, nhát dao.

Thanh Chi vẫn cho rằng chỉ có lối "xã hội luận đề tiểu thuyết" của hắn mới cải tạo nổi xã hội. Mấy năm nay, tiểu thuyết của Thanh Chi bán rất chạy. Được nhiều độc giả ưa, thêm những lời khen tặng, tâng bốc của nhà xuất bản, anh chàng sinh kiêu ngạo. Trong mấy bài đăng tạp chí "Nghề văn", Thanh Chi công kích các lối tiểu thuyết khác. Giọng tự phụ làm kinh động một văn sĩ: Đạm Tâm. Đạm Tâm viết lối triết học, tâm lý tiểu thuyết. Chàng trả lời Thanh Chi trong báo "Tiến hóa" cho lối "xã hội luận đề tiểu thuyết" là sai lầm, chỉ lừa được một số độc giả vô trí thức, và sách bán chạy chưa chắc đã là người viết có chân tài.

Thanh Chi, đã chắc ở cảm tình các tay phê bình, không ngờ có người phản đối. Anh chàng cũng khó chịu. Đạm Tâm tuy chỉ có một số ít độc giả, nhưng toàn là những tay xuất sắc trong văn giới, báo giới, một hạng trí thức có ý kiến chắc chắn về nghệ thuật. Thanh Chi cho ngay là Tâm ghen ghét vì sách của mình bán chạy hơn. Cuộc tranh luận thiên về mặt buôn bán.

ý đó đánh Đạm Tâm như một chiếc roi điện. Trong một bài rất dài đăng "Tiến hóa", Tâm hết sức phân trần rằng chỉ vì nghệ thuật mà chàng muốn tìm lẽ phải cho lối viết tiểu thuyết, một điều cần cho văn giới lúc ấy. Tâm bảo lối viết của Thanh Chi sai lạc, những luận đề xã hội của Chi giải quyết chỉ vừa lòng đàn bà, con gái, một số độc giả ít suy xét, chỉ có khoa học mới giải quyết được luận đề xã hội, đem luận đề đó vào phạm vi nghệ thuật, rồi giải quyết một cách dễ dàng, tự đem ý mình làm sai lạc, là có tội với nghệ thuật, một nghệ sĩ trọng ngòi bút không dùng cách nông nổi ấy.

Tôi còn nhớ mang máng một đoạn của Tâm:

"Tâm lý người ta không thẳng thắn dễ dàng như mọi người thường tưởng lầm. Đặt người ta vào một trường hợp, rồi tự đem ý mình giải quyết là một điều rất sai lầm, nhân vật đó không còn là một tâm hồn uyển chuyển, phiền phức mà chỉ còn là một thằng bù nhìn tùy theo ý mình cho cử động, người đọc tin ngay, có khi theo ngay cách giải quyết đó thì cái hại rất lớn, và lỗi người viết càng nặng lắm.

"Ta cần gì biết người quả phụ ấy lấy chồng hay không, cặp nhân tình ấy rồi sum họp không? Không cần biết. Họ lấy nhau hay không, không ích gì cho mình, chỉ cần biết tâm hồn, tư tưởng người quả phụ những lúc khắc khỏai, thèm muốn: sự xung đột của lòng thủ tiết với ý tái giá, tình ái của đôi trai gái lúc yêu, thương, hờn, giận, mục đích của nghệ thuật là giải phẫu cho ta biết những tâm hồn ấy. Rồi tùy người đọc tìm cách kết luận theo ý họ..."

Lý luận của Đạm Tâm rất chín chắn - hay là tôi tưởng vậy. Phái bênh vực chàng chắc Thanh Chi không còn chỗ trả lời. Mấy người bạn Tâm hiểu chàng thêm, lại càng khâm phục. Đêm nào họ cũng lôi Tâm đi ăn uống, chơi bời, lại có vẻ khiêu khích bọn Thanh Chi.

Người có lợi nhất trong cuộc bút chiến ấy là hai ông chủ báo, mỗi tuần, tạp chí "Tiến hóa" và "Nghề văn" in thêm nhiều mà vẫn chạy hết. Độc giả "Nghề văn" cũng xô nhau mua "Tiến hóa" để đọc bài Tâm. Theo tình thế, thì danh tiếng Thanh Chi cũng đã bị lung lay. Công chúng không muốn làm hạng độc giả "ít suy nghĩ, vô tri thức". Họ bắt đầu tách bạch những cái dở trong tác phẩm Thanh Chi. Mấy nhà phê bình lúc đầu còn bênh vực chàng bằng một vài câu u ẩn, cũng thấy im, đứng trung lập.

Vấn đề tiểu thuyết lúc ấy đương được công chúng để ý, báo giới và văn giới hết sức chú trọng vào cuộc bút chiến. Thanh Chi, Tâm là hai ngôi sao chói lọi, những ngôi bên cạnh đều bị lấn át, lu mờ.

Nửa tháng sau mới thấy bài trả lời của Chi. Anh chàng này bỏ hẳn phương diện nghệ thuật, lôi đời tư của Tâm ra công kích. Lời lẽ bạo và cục cằn, đầy vẻ tư thù. Hắn chê Tâm chưa khỏi ban sơ học đã lên mặt học giả, lý luận của Tâm chỉ là lý luận hàng thịt, hàng rau.

Trả lời chậm đã là một điều vụng, tính cách bài đó lại càng làm Thanh Chi mất tín nhiệm. Các độc giả bất bình. Chủ báo "Tiến hóa" giục Tâm viết bài trả lời, Tâm cười nhạt:

- "Nếu hắn giữ thái độ đứng đắn thì tôi sẽ theo đến cùng, nhưng giở giọng ấy thì tôi còn trả lời làm gì?"

Sự chậm trả lời của Chi bị công chúng cho là đuối lý, thì sự yên lặng của Tâm lại được cho là đứng đắn, cao thượng. Họ bỏ tạp chí "Nghề văn". Trong một ngày chủ báo "Tiến hóa" nhận tới năm mươi bức thư mua báo.

Được ít lâu, trong "Nghề văn" lại thấy một bài quyết liệt hơn. Lần này là một cuộc đấu khẩu của các phu xe. Tệ nhất đoạn cuối cùng:

"Sự im lặng tỏ ra là đuối lý. Họ định giấu cái bất tài dưới thái độ cao thượng giả dối nhưng biết đâu rằng sự im lặng có thể thơm tho như hoa, thì cũng có thể... Trong trường hợp này, tôi tin ở nghĩa dưới."

Tôi vội cầm tờ báo chạy lại nhà Tâm. Tâm đương ở phòng khách với Hồng Ngọc, nữ sĩ, chàng ngồi im, đầu gối đã có tờ báo giở đúng chỗ tôi vừa đọc, nét mặt rất bình thản, không có qua vẻ tức giận. Chàng hút thuốc lá, nhìn lên trần, không buồn để ý đến tôi. Hồng Ngọc nữ sĩ băn khoăn nhìn Tâm. Hồng Ngọc là một nữ độc giả rất trung thành, hâm mộ Tâm, nói là một tín đồ cũng không quá. Thường thấy Hồng Ngọc luôn luôn bên cạnh Tâm, tôi đã ngờ cách giao thiệp của hai người. Lối viết của Hồng Ngọc cũng theo một khuôn khổ như Tâm.

Những lúc Tâm im lìm như vậy, chúng tôi đã biết là lúc chàng suy nghĩ. Chúng tôi cũng ngồi im một lúc lâu; sau Hồng Ngọc hỏi:

- Anh phải trả lời đi chứ để im sao được. Anh viết ngay đi, mai báo đã lên khuôn rồi. Hay anh vẫn không muốn trả lời?

Tâm cười:

- Có chứ. Phải cho hắn một bài học, im sao được nữa!

Hồng Ngọc vui sướng:

- Có thế chứ! Anh đọc, em viết nhá?

Nàng vội lại bàn giấy. Tâm ngăn lại:

- Cảm ơn Ngọc, nhưng không cần.

Ngọc chưng hửng nhìn tôi. Tâm nói:

- Anh ngồi chơi tiếp Ngọc hộ. Tôi vào nhà trong một lát.

Tâm trở ra, y phục rất gọn: quần cụt, sơ mi cụt, giầy đế da. Chàng thong thả nói:

- Bây giờ chúng mình đi trả lời ông Thanh Chi!

Chúng tôi chợt hiểu. Sau một phút ngạc nhiên, tôi và Ngọc bật cười. Tâm vẫn điềm đạm:

- Với anh chàng này, không cần trả lời, viết lách gì nữa. Chỉ đến nhà hắn, lôi ra cho một trận là xong. Anh đi với tôi, tiện đường đưa Ngọc về nhân thể.

Ngọc không chịu về, đòi theo cho kỳ được. Mỗi lần Tâm đã định việc gì thì ít khi chàng đổi ý. Tôi và Ngọc không can câu nào. Mà Tâm nghĩ vậy cũng phải. Anh chàng Thanh Chi đáng đánh đòn. Tuy vậy, tôi vẫn không khỏi e ngại cho thân thể nhỏ bé của Tâm. Khi thấy chàng vẫn ung dung trả lời Ngọc bằng một giọng bỡn cợt: "Đàn bà, con gái mà cũng đi đánh nhau à?" thì tôi lại thấy trong thái độ điềm tĩnh, trong cặp mắt lạnh lùng và nghiêm nghị ấy có một sức mạnh phi thường. Ra đường, tôi thấy bàn tay Ngọc run run nắm tay tôi. Ngẫu nhiên tôi nắm chặt tay, lấy gân cho nổi bắp thịt, nhìn Ngọc. Nàng hiểu ý mỉm cười. Tôi thấy đầy vẻ cảm ơn, làm tôi lại càng nghi hai người vẫn có tình ý với nhau.

*
* *

Chúng tôi tự nhiên đẩy cửa vào. Thanh Chi đương ngồi viết, có lẽ soạn bài công kích Tâm. Hắn vùng đứng dậy;

- Các ông hỏi gì?

Tâm đã đến trước mặt hắn:

- Tôi xin tự giới thiệu: Tâm, và hai người bạn tôi. Tôi đến nhờ ông giải nghĩa cho bài ông nói xấu tôi trong số "Nghề văn" vừa rồi.

Thanh Chi đáp:

- Nếu ông muốn trả lời bài ấy, thì ông cứ việc lên báo. Đây là nhà tôi, không phải chỗ ông đến chất vấn.

Tâm dằn từng tiếng:

- Tôi chỉ quen trả lời những người biết trọng nghề, trả lời những ngòi bút sạch sẽ. Còn đối với ông, với lời văn dơ bẩn của ông, tôi không cần bận đến ngòi bút. Đã có một cách khác: võ lực.

Thanh Chi cao hơn Tâm đến gần một tấc. Nhưng anh chàng có vẻ luống cuống, mắt lấm lét nhìn chúng tôi, hắn lùi vào góc buồng. Tâm theo không rời một bước. Qua cái cửa vào phía trong, Tâm tiện tay quay chìa khóa lại. Tôi vẫn đứng chắn cửa ngoài. Hồng Ngọc theo sau Tâm, như không dám rời chàng.

- Tôi không bằng lòng đánh nhau với các ông, các ông nên hiểu rằng đây là nhà tôi, nếu ông lôi thôi, tôi sẽ gọi cảnh sát mời các ông ra lập tức.

Tâm cười một cách khinh bỉ:

- Không phải "các ông". Một mình tôi cũng đủ. Ông không muốn tiếp ở đây thì mời ông ra phố. Nếu ông từ chối nữa, thì tôi không biết dùng tiếng gì tặng ông được.

- Tôi không ra thì ông đã làm gì?

Tâm buông một câu: "Đồ ăn mày, hèn nhát" rồi quay lại đẩy Hồng Ngọc ra phía cửa. Một dây da quất vào mặt Thanh Chi. Tôi chưa kịp kêu thì Tâm đã bị một quả đấm vào sau gáy, chúi vào Ngọc. Chi bị thêm một đá, cả Tâm và Hồng Ngọc giúi vào tường. Tôi hoa mắt không còn nghĩ ngợi gì, nhẩy lại. Một quả đấm vào cằm, Thanh Chi gục xuống.

Tôi không nhớ rõ lúc sau, Tâm đỡ Hồng Ngọc hay Ngọc đỡ Tâm dậy. Tôi nói to: "Anh đưa Ngọc về đi để mặc tôi." Nhưng họ vẫn đứng nhìn tôi đánh lộn với Thanh Chi, cho đến lúc tôi bắt hắn phải xin lỗi bạn tôi, và hứa cải chính những bài đăng báo.

Cuộc xung đột chỉ chừng năm phút mà tôi tưởng là lâu lắm. Ra ngoài, Hồng Ngọc vẫn còn tái và run, tôi thì mặt nóng bừng, tim đập mạnh, và ngượng nghịu với quần áo nhầu nát. Duy Đạm Tâm vẫn như thường, điềm nhiên châm thuốc lá, một lúc lâu chàng nói:

- Cứ theo chính sách này, thì ít lâu nữa, trên văn đàn chỉ còn toàn những võ sĩ.

Tôi và Hồng Ngọc không có can đảm cười.

Rút từ tập truyện ngắn Nhà bên kia,
Nxb. Cộng lực, Hà Nội, 1942

[ Trở Về  ]