Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
__________________________________________________________________________________
Đi chơi Tết
Đỗ Đức Thu
Chúng tôi thường đi cạnh nhau hàng giờ mà không ai nói một lời. Nhất là trong những buổi đi chơi đêm, và những đêm nay, mới ở nhà chiếu bóng ra.Không gì thích hợp cho sự suy nghĩ, trầm ngâm bằng những cuộc đi chơi đêm ngoài phố. Mấy bức tường không ngăn cản tầm con mắt, cảnh bất di bất dịch của đồ vật chung quanh không làm lắm lúc đến bực mình, tâm hồn như được thỏai mái, rộng rãi, đi được xa hơn.
Hoặc chúng tôi có nói chuyện với nhau thì cũng chỉ là những câu ngắn ngủi, xen lẫn những hồi im lặng thật dài, những mẩu tư tưởng ít khi minh bạch. Người nghe phải cố mà hiểu. Một người thứ ba đi cạnh chắc khó lòng hiểu chúng tôi nói những gì.
Tôi lựa bước chân cho đúng tiếng giầy của K. và theo đuổi mấy ý nghĩ về phim ảnh vừa xem. Rồi tư tưởng miên man từ ý này sang ý khác, chúng tôi yên lặng kéo bộ suốt mấy dẫy phố dài.
K. Bỗng nói:
- Còn năm hôm nữa.
- Còn năm hôm nữa.
Tôi đột nhiên trả lời như một tiếng vang. Thì ra chúng tôi cùng đang nghĩ đến năm sắp hết, và còn năm ngày nữa thì đến tết Nguyên Đán. Nguyên nhân ý nghĩ đó có lẽ do ở chiếc máy khâu nhà thợ may đầu phố. Chiếc máy đêm nay làm việc khuya quá, lại có vẻ vội vàng. Qua cánh cửa hé, mấy người thợ còn ngồi xếp bằng trên phản bừa bộn vải màu. ít lâu nay, quang cảnh nhộn nhịp của phố xá, vẻ tấp nập của mọi người lúc ban ngày, các màu sắc lòe loẹt của tranh tết, hoa tết ở các chợ, các ngã ba, làm chúng tôi tự nhiên phải xôn xao như mọi người. Bây giờ trong đêm khuya, một cánh cửa mở, vài căn gác sáng đèn, mấy người còn vội vã trên con đường mà chúng tôi đã coi như địa phận riêng của chúng tôi, của mấy thầy cảnh sát và bọn phu xe kéo, bất giác lại nhắc đến cảnh năm cùng tháng hết.
- Mình bỏ phí nhiều thì giờ quá. Bắt đầu sang giêng phải làm công việc gì mới được. K. nói.
Câu này hình như tôi đã được nghe K. nói năm ngoái, cũng vào dạo này. Sang năm, nếu còn đi chơi với K. chắc tôi còn được nghe nữa. Mỗi năm gần hết là một dịp cho K. - và cho nhiều bạn tôi khác - nghĩ đến thời khắc trôi, tiếc ngày giờ và dự định công việc cho năm sắp tới. Nhưng dự định phần nhiều chỉ là dự định. Riêng tôi nghĩ đến một tập văn, bắt đầu từ tháng giêng, định cho xong trong mùa xuân. Tới nay, nếu chuột, gián chưa ăn thì mười trang đầu vẫn nằm lì trong ngăn kéo.
Như bào chữa cho tôi, K. cười nói:
- Trù tính một việc gì, rồi cứ theo thế mà làm là một việc ai cũng có thể làm được. Mình khác người là chỉ dự định mà không cần làm. Nghĩ đến là đủ rồi.
Đó là lời ngụy biện của anh K. mỗi lần anh không muốn tiếp chuyện ai, hoặc muốn giấu ý tưởng mình, anh thường quay câu chuyện đứng đắn ra khôi hài. Đó không phải ý thành thực của anh, nhưng nhiều bạn vẫn hiểu nhầm; K. đeo tiếng phù phiếm. Tôi thấy trong câu nói một ý nghĩa chán nản, một tấm lòng bực dọc đến nỗi tôi không còn can đảm cười theo.
Chúng tôi lại yên lặng đi thêm một phố.
K. thở hắt ra một cái mạnh, như muốn vứt những tư tưởng âm u trong người:
- Mấy ngày Tết mình nên đi chơi xa, về những vùng thôn quê chẳng hạn, thì may mới còn thấy phong vị Tết. ở Hà Nội, tôi thấy chán lắm, xong mấy ngày tấp nập sắp sửa là hết rồi. Đúng với lời một thi sĩ bạn tôi: "ăn Tết, chỉ là sắm Tết". Anh có định đi đâu không?
Tôi sực nhớ đến một câu chuyện cũ, phì cười, K. ngạc nhiên nhìn tôi. Châm một điếu thuốc lá cho ấm miệng, tôi nói:
- Về đi chơi Tết, tôi có một câu chuyện buồn cười, mà làm thầy đẻ tôi phải khóc.
K. càng ngạc nhiên hơn. Tôi tiếp:
- Hay nói cho đúng, là làm các cụ thôi khóc. Trước kia, chừng mỗi tháng, đẻ tôi lại khóc một lần, thầy tôi lại mắng tôi là con vô phúc, bất hiếu, và nhiều danh từ khác nữa. Chỉ vì tôi không chịu lấy một người con gái các cụ hỏi cho; con ông V. ở Bắc Giang. Hình như các cụ cần dâu da với nhau, tìm hạnh phúc cho con. Tôi không biết rõ cô bé, nhưng sau cùng cũng phải bằng lòng. Bằng lòng cho yên nhà, và định hết sức chậm ngày cưới lại. Rồi biết đâu.
Mùng hai Tết năm ấy, tôi đi mừng tuổi nhà vợ. Công việc tập làm rể, tuy không vui, nhưng cũng thấy hay hay, nhất là được dịp một cuộc đi chơi Tết. Xe lửa hôm ấy đông lắm, toàn những người sạch sẽ. Vẻ bẩn thỉu của xe hạng tư cũng mất đi. Hành khách phần nhiều là những người buôn bán, thuyền thợ, có lẽ mấy hôm trước còn tất tả, chật vật vì tết, mà bây giờ cũng xúng xính trong quần áo còn in nếp gấp, và tới gần còn phảng phất mùi long não. Tiếng cười nói lẫn trong khói thuốc, những câu lễ phép nhiều lúc đến cầu kỳ, thay cho ngôn ngữ hàng ngày. Một cảnh tượng thái bình, no ấm tràn ngập xe, những trán dăn deo như cũng có vẻ tươi cười.
Tôi lên xe hạng ba thì gặp Y. Anh đã biết tính Y. mỗi khi gặp một người bạn, thì thường xoắn xuýt chuyện trò, tự nhiên như người con trai. Y. cũng lên Bắc Giang thăm một người bạn gái. Lẽ tất nhiên là chúng tôi nói chuyện. Y. không chút e lệ, có lúc lại dùng cả tiếng Pháp. Cái vui lây sang tôi. Chúng tôi tính đến Bắc Giang sẽ đi chơi phố xem cảnh Tết trước khi đến nhà quen. Tôi tưởng tượng: một ngày kia tôi sẽ cùng vợ về thăm nhà, trong một ngày Tết như hôm nay. Có khi lại kèm thêm đứa con nhỏ nữa. Nhưng chưa chắc đã được vui vẻ như với Y. bây giờ.
Xe đỗ, một người đàn ông lên, người đẫy đà, mặt to, tròn, da hồng hào, ria vểnh hai bên mép, áo gấm, bài ngà, trông đủ vẻ quan dạng. Hình như ông tự biết trọng trách đeo những thức đó, và trong một ngày Tết. Kính cẩn như một viên bồi tế, ông ngồi trước mặt chúng tôi. Một lúc lâu, cử chỉ chúng tôi như làm ông chướng mắt, ông nhìn ra ngoài. Tôi chắc ông còn nhìn bóng chúng tôi trong miếng kính cửa xe đang nghĩ đến tuổi xuân đã mất, hay đến mấy cô con gái bầu bĩnh của ông, lúc này đương nhìn hoa đào mơ màng đến chuyện lấy chồng.
Tới Bắc Giang tôi còn đi chơi với Y. hẹn giờ cùng về, rồi mới đến nhà vợ. Đã thấy ông trên xe lửa ngồi đấy. Cả ông lẫn tôi đều ngạc nhiên, nhưng cùng trấn tĩnh được ngay. Họ giới thiệu với tôi là một ông cậu. Hèn nào giống bà mẹ vợ tôi và mấy cô con gái lắm. Các cô suýt soát bằng nhau, thập thò, rúc rích ở nhà trong. Tôi cũng chẳng biết cô nào sẽ là vợ mình. Giá được tiếp chuyện ngay cô ấy có lẽ lại thú vị hơn ông chú, và nhất là mấy cậu em. ít khi anh được mọi người chú ý như vậy: họ săn sóc anh quá. Họ cho là lịch sự, lễ phép, nhưng anh nhiều lúc phải khó chịu.
Mấy tháng sau, nhà tôi nhận được thư thoái hôn.
Hình như ông cậu đã nói gì về chuyện trên xe, chắc có thêm bớt.
Họ dò la thì thấy tôi nhiều tội... như hay đi chơi đêm như thế này, chẳng hạn.
K. vẫn yên lặng đi bên tôi.
Chẳng biết anh có nghe câu chuyện tôi vừa kể không. Một lúc lâu, anh nói:
- Sang năm chúng mình phải làm việc gì chứ?
Rút từ tập truyện ngắn Nhà bên kia,
Nxb. Cộng lực, Hà Nội, 1942
[ Trở Về ]