Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
 Gặp gỡ
Đỗ Đức Thu
Tôi đoán là một nữ học sinh về trường sau mấy ngày nghỉ. Hôm ấy vừa hết lễ Pâques. Người nhỏ nhắn, hãy còn trẻ lắm, trạc mười bảy, mười tám, áo màu nâu sẫm có giây mực. Trên đôi má bầu bầu không một vết phấn sáp; tóc quấn sơ sài, phơ phất cả xuống trán, xuống tai.

Cô ngồi ngay ngắn, cặp mắt to và đen trông thẳng ra mũi xe, thỉnh thỏang lại nhìn chiếc va li nhỏ dưới chân. Đã mấy lần tôi đoán gợi chuyện, định sẵn những câu hỏi, nhưng không dám nói, vì ngượng với người tài xế ngồi bên trái. Hồi ấy tôi còn dút dát lắm.

Tôi quàng cánh tay ra chỗ dựa đằng sau lưng người con gái. Chiếc xe ô tô hàng đã cũ, gặp đường xấu, nhiều chỗ đương trải đá lại, lúc lắc luôn. Mỗi lần xe xóc, tôi lại đụng sát vào người cô, cánh tay trượt rời chỗ dựa - có lẽ tôi cố ý cho cánh tay trượt xuống - thành ôm ngang lưng cô. Lần đầu, tôi vội rụt tay lại, nhưng mấy lần sau, tôi để hơi lâu, liếc nhìn cô, và muốn cho đường xấu, xe xóc mãi. Người con gái như không để ý, vẫn ngồi nghiêm chỉnh, mắt vẫn đăm đăm nhìn vào con đường dài. "Có lẽ họ không để ý đến cử chỉ mình", tôi nghĩ thế. Vừa lúc đó, người phát vé trèo qua mui xe, sang phía bên kia buộc lại bó hàng. Cô con gái vội hất tay tôi ra.

Xe vẫn chạy. Phủ Lý, Cầu Guột, Đỗ Xá... Quá nửa đường mà tôi vẫn không gợi chuyện. Tôi tự hẹn đến ga sau, rồi đến ga sau, tôi lại hẹn đến ga sau nữa. Đường ngắn đi, tính rụt rè của tôi thêm lên.

Tôi có mang theo mấy tờ báo, để trên lòng. Cô bé lấy dao con cắt móng tay. Tôi toan mượn dao, thì cô ta hỏi:

- Ông làm ơn cho tôi mượn tờ báo.

Tôi vội vàng lễ phép đưa, nghĩ thầm: "ừ, đọc đi, thử xem cô đọc những gì, tôi sẽ nói tâm tính cô thế nào." Tôi liếc sang: cô ta giở coi các tin vặt và quảng cáo.

Bốn giờ chiều. Qua Quán Gánh, mấy cột vô tuyến điện Bạch Mai đã vượt khỏi ngọn cây, in hình trên bầu trời đầy mây đen sạm, nặng trĩu hơi giông tố. Người con gái gập báo lại, quay hỏi tôi:

- Thưa ông, đã gần đến Hà Nội chưa?

Tôi có thể tưởng tượng hết các câu hỏi, trừ câu ấy. Một nữ học sinh ở Hà Nội, theo tôi đoán, chẳng lẽ không biết đường, không trông thấy mấy cột dây thép gió nó gần lại, cao mãi lên, mà hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy. Sự ngạc nhiên làm tôi quên cả cách lợi dụng câu hỏi. Tôi trả lời:

- Thưa đã gần đến rồi.

Bực mình, tôi ngồi im lìm, nhìn bốn chiếc xe bò tránh dạt về bên đường. Gần về tỉnh, hàng quán, bộ hành, xe cộ đông thêm. Đến ngã tư Khâm Thiên thì ô tô đỗ lại. Hành khách xuống hết. Người con gái rũ bụi trên áo, hỏi tôi câu nữa:

- Thưa ông, về phố Gia Long xa hay gần?

Tôi nghiêm nghị nhìn cô:

- Cô hỏi thực hay hỏi rỡn?

Câu đó thật vô lý. Cô ta mỉm cười:

- Thưa ông, tôi hỏi thực đấy ạ. Tôi mới lên Hà Nội lần thứ nhất.

Tôi dịu nét mặt:

- Cũng gần đây thôi. Nếu cô chưa quen thì nhân thể tôi cũng đi đường ấy, tôi xin đưa cô về.

- Vậy thì hay quá. Có xa không ông? Để đi xe.

- Thưa không xa, chỉ mấy bước thôi.

Tôi ở Sinh Từ mà đường từ Khâm Thiên về Gia Long không ngắn. Nhưng tôi nói dối để cùng đi với người con gái. Cô ta nhẹ nhàng xách va ly, che chiếc ô màu lệch về phía tôi.

Hình như cô để ý dáng điệu tôi lúc vừa rồi, cô hỏi:

- Ban nãy ông có ý không tin tôi thì phải. Ông cho tôi là người thế nào?

Cô vừa nói vừa cười. Qua lần lụa mỏng chiếc ô, tôi đoán thấy cái miệng, khổ mặt đáng yêu. Nỗi bực tức của tôi tan hết. Tôi đáp lại:

- Tôi tưởng cô là nữ học sinh, không tin rằng cô mới lên Hà Nội lần này là một.

- Dễ thường ông cho tôi là cô đầu có ý trêu ghẹo ông hẳn?

Tôi cười không trả lời. Quá hội chợ thì tôi đã biết rõ cô có người chị, đem con lên đây chữa bệnh đau mắt, trọ ở phố Gia Long. Người chị dặn số nhà, gửi thư mời cô lên thăm cháu và nhân thể mang theo ít thức cần dùng. Câu chuyện chúng tôi đã hơi thân mật.

Tôi nói:

- Đi xe đã lâu và trời còn sớm, hay ta vào hiệu uống nước đã rồi đến phố Gia Long cũng không muộn.

Cô ta đáp:

- Thưa ông hãy đến đấy để tôi gặp chị tôi đã. Xong rồi đi đâu sẽ hay.

Phố Gia Long. Tìm đến số nhà thì là một dinh cơ đồ sộ. Tôi đoán người chị cũng vào bực giàu sang nên mới ở đấy. Tôi bấm chuông: một người bồi chạy ra. Chúng tôi hỏi, thì hắn trả lời:

- Đây là nhà tây, không có ai tên ấy cả.

Người con gái thất sắc, ngơ ngác nhìn lớp nhà, nhìn tôi. Cô luống cuống giây lát, hỏi:

-Hay ông nhầm, không phải đây là phố Gia Long?

Sinh trưởng ở Hà Nội, thường nện bờ hè khắp thành phố, tôi còn nhầm sao được. Tôi phải dắt cô ra chỗ cột đèn, chỉ tấm biển đề tên phố. Khi biết chắc chắn là đúng, cô luống cuống thêm. Tôi đứng lặng ngắm nét mặt tái dần, hai mắt đã có vết lệ.

Tôi chợt nghĩ ra:

- Hay phố Hàm Long chứ không phải Gia Long? Hai tên đọc giống nhau, có thể nhầm được.

Cô vội vàng đáp:

- Vâng, hay là phố Hàm Long.

Chúng tôi gọi xe. Tôi không thấy cái thú đi bộ với cô ta nữa. Đến phố Hàm Long cũng không phải, mấy nhà lân cận cũng không ai biết.

Tình thế lúc ấy thực khó khăn. người con gái đã nước mắt chạy quanh. Tôi nói:

- Cô xem lại bức thư, hay nhầm số nhà?

Cô đặt va li xuống hè, mở ra tìm. Những quần áo, phấn sáp, nước hoa, gương lược, những thức cần dùng cho phụ nữ vung vãi ra chung quanh mà bức thư vẫn không thấy. Sau cùng, cô nói bằng một giọng run run, và đầy vẻ thất vọng:

- Tôi lại bỏ quên ở nhà rồi!

Cô ta khóc thật, mà lại cố giấu nước mắt, thành dáng điệu rất ái ngại. Bao nhiêu ý tưởng bậy bạ của tôi bị dập tắt. Tôi chỉ còn thấy một người con gái bé nhỏ, một mình ở Hà Nội, không quen ai, mà tôi phải che chở. Trong trí tôi nẩy ra bao nhiêu ý tưởng hào hiệp. Nhưng tôi cũng không biết làm sao cho cô ra khỏi bước đó.

Trời tối dần. Mỗi giây khắc làm tăng thêm nỗi lo sợ của người thiếu nữ.

Tôi định:

- Đi mãi mỏi lắm rồi. Bây giờ hãy vào hiệu ăn uống gì đã rồi sẽ liệu.

Cô gật, xách va li theo tôi. Lẽ tất nhiên là cô ta không dám rời tôi ra lúc ấy. Chúng tôi vào một hiệu cao lâu gần đấy, gọi pha nước và lấy bánh ngọt. Tôi ăn qua loa, còn cô chỉ ngồi nhìn tôi với cái va li dưới chân.

Và khóc, khóc; coi thật đáng thương. Tôi không nỡ nhìn cô, trân trân nhìn khói nước trà nóng và khói thuốc lá, như trong đó có cách giải quyết trường hợp ấy.

- Lên đây chữa bệnh đau mắt, mà lại ở vùng này, thì chắc chỉ quanh quẩn đây thôi, mà đề nhầm tên phố hoặc số nhà nên không tìm thấy. Bây giờ chỉ còn có cách lại nhà thương chữa mắt, hỏi xem có ai tên thế không. Có thì may, nếu không... Nếu không... Bây giờ không còn chuyến xe hỏa hoặc ô tô nào về Nam nữa. Tôi sẽ thuê một cái buồng để cô ngủ tạm đêm nay, mai cô sẽ về sớm, xem lại thư. Tôi muốn mời cô về nhà nghỉ, nhưng tôi ở chung với mấy người bạn tinh nghịch lắm. Họ có thể tưởng nhầm, bất tiện cho cô. Thuê buồng tiện hơn.

Có lẽ người thiếu nữ hiểu nhầm hai tiếng "thuê buồng" vì nét mặt lộ vẻ sợ hãi lắm. Cô cúi cầm va li. Tuy cô không giục, tôi cũng biết rằng cô muốn ra nhà thương chữa mắt ngay. ý đó là một con sào cho người sắp chết đuối. Tôi vội uống mấy hớp nước, trả tiền, đi ra.

Quả người chị ở đấy thật. Tôi đưa cô vào, một người đàn bà ở giường cuối buồng thao láo nhìn chúng tôi. Chắc bà chị thấy em đi với một người con trai lạ mặt, cũng phải ngạc nhiên mà không nói được lời nào. Tôi để cô kể lại trường hợp vừa rồi.

- Chết chửa? Tôi đãng trí quá, đề nhầm số nhà, thành phiền ông quá!

Tôi không để mất dịp kể các nỗi nguy hiểm của một thiếu nữ bơ vơ giữa Hà Nội. Mỗi câu của tôi lại được một câu cảm ơn của người chị. Tôi vươn người ra, tự đắc lắm.

- Mời ông lại chơi nhà; ngày kia, cô cháu lại xuôi Nam, nếu ông về Nam chơi, ông cùng đi với cô cháu cho vui.

Tôi từ chối. Hai hôm sau, tôi không đi Nam, và đã quên người con gái.

Hôm qua, nhân đi chơi phố, gặp lúc buồn tôi vào một tiệm khiêu vũ. Ngồi một mình, thấy họ nhảy trước mặt, tôi lại càng buồn thêm. Tôi mời một vũ nữ uống nước. Trông dáng mặt hơi quen, nhìn kỹ thì chính là người con gái trên xe hơi khi trước, nhưng gầy đi, má không còn đầy đặn. Vũ nữ hình như cũng nhận được tôi.

- Trông ông quen lắm, hình như em đã có gặp ở đâu thì phải.

- Không, tôi không nhớ là đã có được gặp cô.

Vũ nữ chăm chú nhìn tôi, rồi nói một giọng mơ màng:

- Em không nhầm được, một chuyến ô tô Nam Định - Hà Nội, cách đây năm năm.

Tôi mỉm cười:

- Chuyến ô tô nào?

Vũ nữ kể lại câu chuyện trên. Cố nhiên là thêm bớt, đại khái bỏ những quãng lúng túng, lo sợ, và khóc. Tôi buồn cười nhưng cũng vờ nghe cho đến hết. Thấy dáng giễu cợt, bí ẩn của tôi, vũ nữ tiếp:

- Chính ông rồi. Em nhớ dai lắm kia!

- Dễ thường em tôi đấy. Tôi có người em giống tôi lắm, hồi ấy thường đi Nam luôn.

Vũ nữ vui vẻ:

- Có thế chứ! Giống ông như đúc. Phải rồi, người ấy trẻ lắm, mà ông già hơn nhiều. Em ông có nhảy không? Hôm nào bảo đến đây, ông nhé. Em nhớ ông ấy lắm.

Lời vũ nữ như một nhát búa vào đầu tôi. Tôi già hơn nhiều? Mới năm năm giời, tôi đã thay đổi đến nỗi một người con gái phải nói câu ấy?

Tôi vội vàng rời tiệm khiêu vũ.

Rút từ tập truyện ngắn Vỡ lòng,
Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1940

[ Trở Về  ]