Chim Việt Cành Nam          [ Trở Về ]

__________________________________________________________________________________
 Một người ốm
Đỗ Đức Thu
Bát thuốc đã gần nguội, làn khói lên mỏng mảnh, yếu ớt. Cửa màn vắt một bên; trong giường một hình người trùm chăn. Gian buồng yên lặng, tối tăm, chỉ có chút ánh sáng nhạt xuyên qua những kẽ vách và các đầu kèo, sát mái lá.

Cánh cửa gỗ sang gian bên rít một tiếng nhỏ rồi quay ngang: một bà cụ già bước vào. Trông thấy bát thuốc và chén nước để cạnh, bà cụ ngạc nhiên:

- Ô hay, con chưa uống thuốc à?

Cái chăn tung lên, người thiếu niên thò đầu ra. Thấy mẹ, chàng mỉm cười, tỳ khuỷu tay trái xuống giường, cố gượng dậy:

- Con mệt quá ngủ thiếp đi mất, mẹ để con uống.

Chàng cầm lấy bát, nhắm mắt uống một hơi hết nước thuốc đen nghịt và đắng. Bà cụ nhìn con, nét mặt chứa chan vẻ âu yếm và thương sót, rồi cất tiếng nói nhỏ và run, vừa vì tuổi cao, vừa vì cảm động:

- Trong người con hôm nay đã khá chưa? 

Muốn làm vui lòng mẹ, thiếu niên trả lời:

- Con đã thấy bớt, ít nóng; miệng cũng đỡ khô.

Bà cụ đặt lòng bàn tay lên trán chàng:

- Con nên tĩnh dưỡng cho chóng khỏe, tạng con yếu lắm. Sáng ngày cụ lang bảo vì con suy nghĩ quá, ngoại cảm ít, mà nội thương thì nhiều. Cụ lang bảo con phải giữ gìn cẩn thận phòng bệnh ho.

Thiếu niên lại cười. Nụ cười trên cặp môi nhợt, trên bộ mặt gầy, xanh, không khác gì một tia nắng cuối chiều mùa đông: nhạt nhẽo và yếu đuối.

- Con có nghĩ gì mà bảo nội thương? Cụ lang nói nhảm đấy, mẹ đừng nghe. Rồi mẹ xem, chỉ mai kia là con khỏi. Con sẽ ăn uống thật nhiều là lại người ngay.

Nghe con nói giọng chắc chắn, bà cụ cũng hơi yên lòng. Nhưng trông đống sách ngổn ngang ở chân giường, bà lại rầu rầu nét mặt:

- Con hãy nghỉ xem sách, lúc khỏi tha hồ xem. Dễ thường vì thế mà ông lang bảo nội thương đấy. Cũng đừng hút thuốc lá nữa, thuốc lá ráo, hại phổi lắm.

- Không, con có hút đâu?

Bà cụ không nói lại, tuy thấy gầm giường đầy những mẩu thuốc thừa. Bà cụ quá thương con, chỉ khuyên mà không nỡ cấm. Biết rằng sách làm mệt trí chàng, mà bà cụ không có can đảm cất đi. Đã một lần, bà xếp cả sách vở ôm bỏ vào hòm, nhưng thấy cặp mắt van lơn thất vọng của con, bà lại để ngay thìa khóa đấy. Đống sách lại xuống cả đầu giường.

Vì chàng rất ham đọc sách. Trong lúc ốm, cơn đau thỉnh thỏang cũng để chàng được yên. Những lúc ấy, bao nhiêu sinh khí trong người như dồn cả vào khối óc. Chân tay đã mỏi mệt như chết, trí não chàng làm việc rất mạnh. Chàng thu hết ý nghĩ vào những câu thơ của Nguyễn Du, Ôn Như Hầu, Musset hay Samain.

Cùng với tập văn hay, người bạn thứ hai của người ưa đọc sách là điếu thuốc lá. Chàng có một gói giấu dưới đầu giường. Chàng châm hút. Khói thuốc mờ mịt quện trong màn. óc chàng mỏi dần. Chàng vẫn xem, vẫn hút, cho đến lúc một cơn sốt vùi chàng vào trong chăn, dán chiếc thân gầy yếu xuống giường.

Một cớ nữa làm chàng hay xem sách là cảnh trời lạnh lẽo và buồn tênh. Luôn mấy hôm, trời mưa sùi sụt, sương mù không mấy lúc lên khỏi ngọn tre. Trời rét sớm, mới cuối thu mà thỉnh thỏang đã có cơn gió lạnh. Chàng thường im lặng nghe diều hâu rít, hay tiếng cú ban đêm. Chàng thấy buồn: cái buồn bao bọc chàng như một cái vong vô hình, ngấm vào không khí thở, vào quần áo mặc. Chàng thấy buồn lại khó chịu hơn ốm. Thân thể đau đớn, tâm trí mỏi mệt, người ốm thường không nghĩ gì, họa chăng nghĩ đến cái chết. Lúc buồn, mình còn đủ cả tâm trí, nhưng không biết làm gì, vơ vẩn bực tức mà không ra khỏi vòng không khí nặng nề.

*
* *

Bừng mắt dậy, chàng thấy một tia nắng trên đỉnh màn. Chàng hơi ngạc nhiên, vì lâu nay chưa được thấy. Tia nắng dần chếch xuống, chàng đoán mặt trời đương lên. Trong ánh sáng nhảy nhót muôn nghìn vật nhỏ li ti; một tia nắng chiếu ngay vào đầu giường, vẽ hình một đồng hào lớn. Chàng giơ tay nắm lấy: hình tròn nhẩy lên lưng bàn tay, như muốn đùa giỡn với chàng.

Thấy dễ chịu, chàng khoác áo ra ngoài. Người nhà đi vắng cả. Chàng cố sức kéo chiếc ghế mây dài ra hiên.

Mặt trời đã cao, ánh nắng làm chói mắt. Mấy đám mây bị gió đuổi gấp, bay vội về phía Tây Nam. Lá cây, ngọn cỏ, còn đượm sương móc ban đêm, lấp lánh dưới ánh nắng; một đàn chim sẻ đuổi nhau trên cành tre làm rơi những giọt nước cuối cùng.

Người thiếu niên thấy ấm áp, tuy nhiều lúc phải rùng mình vì những hơi gió vô tình. Chàng lim dim đôi mắt, nhìn mặt trời như một người bạn thân, vẫn mong nhớ mà lâu mới gặp. Chàng bỏ áo ngoài cho da thịt tắm ánh nắng. Khí nóng ngấm vào chân tay, lan khắp người, lên cả trái tim. Những thớ thịt bị co quắp trong mấy hôm nở ra, máu chạy mạnh và đều. Chàng quên hẳn bệnh, tưởng như có thể vùng chạy ra ngoài, lăn lộn trên bãi cỏ.

Người thiếu niên cố tìm tiếng tả cảnh trời đất và tâm hồn chàng lúc ấy. Chàng loay hoay xếp từng chữ, từng câu trong óc, nhưng đều thấy yếu ớt; không bút nào tả đúng được một tia nắng, một buổi sáng rực rỡ, hay một hơi gió lướt trên da.

Dưới sân, con vện đương yên lặng phơi mình. Thỉnh thỏang nó rũ bộ lông xù; bụi bay như khói. Con vật gừ một tiếng nhỏ, ve vẩy đuôi chạy ra cổng. Bà cụ đã về, ông lang theo sau. Thấy chàng nằm ngoài hiên, bà hỏang hốt vô cùng.

Ông lang yên lặng xem mạch, nghiêng đầu, nghé cổ nghe máu chạy và lẩm nhẩm những tiếng mà chàng chẳng hiểu gì.

Sau cùng, ông sửa lại chiếc kính trên sống mũi, nhấc chén chè nóng:

- Mạch cậu hôm nay vững lắm, không can gì, chỉ vài thang nữa là khỏi.

Dáng vui vẻ hiện trên nét mặt bà cụ.

Ông lang tiếp:

- Nhưng phải kiêng, không được ra hè phơi nắng nữa.

*
* *

Trên mặt tủ, chiếc đồng hồ báo thức hết giây đứng im lìm, mấy cái kim không nhúc nhích. Chàng đã biết nhưng cũng để mặc. Trong lúc ốm, chàng không muốn thấy cái biểu hiện thời khắc qua. Vả lại, những đêm dài khó ngủ, không gì buồn tẻ bằng phải nghe những tiếng nhỏ, và đều, tóc tách bên tai, dai dẳng, đều đặn quá làm chàng phải khó chịu. Sáng hôm nay chàng hơi vui, vì đêm qua giấc ngủ được yên tĩnh, không bị những ác mộng quấy nhiễu. Cơn sốt cũng không thấy đến. Chàng muốn quanh mình, mọi vật đều có vẻ hoạt động. Chàng với chiếc đồng hồ lên giây: những tiếng tích tắc đều đặn lại chiếm lấy gian buồng.

Chàng mong cho bà cụ đi thăm đồng để được ra ngoài. Chàng đoán cảnh bên ngoài đầy ánh sáng và màu tươi. Từ lúc được coi những phim ảnh màu, chàng mới để ý rằng mỗi vật quanh mình đều có một màu riêng, tươi hay nhạt, lộng lẫy hay kín đáo. Nhưng màu nào cũng có vẻ đẹp riêng và nhiều khi ánh sáng gợi thêm cho vẻ huyền ảo, mà mắt người thường không thấy.

Bà cụ vừa đi khỏi, chàng đã ra nằm chỗ hôm trước. Chàng châm điếu thuốc lá, thấy điếu thuốc có vị hơn mọi ngày. Chàng nằm, nghĩ mãi. Lâu dần đầu thấy hơi nóng, và như ánh nắng ngấm vào nhiều quá, da thấy rát và người nóng ran. Cảnh vật hơi mờ, mắt chàng đâm hoa. Những bông hoa trắng ở bãi cỏ rung rinh lan khắp mọi nơi, rồi rào rạt như từng lớp sóng bể. Chân tay tuy nóng bừng, mà chàng thấy một cảm giác lạnh giá ngấm vào các ống xương. Cái khó chịu đưa lên cổ, chàng rạo rực muốn nôn. Cảnh vật quay tít quanh mình, có lúc dốc ngược hẳn lên. Chàng nhắm mắt lại, lịm đi.

*
* *

Người thiếu niên gại mấy ngón tay xuống chiếu, ngơ ngác nhìn quanh, vật gì cũng có vẻ mới lạ. Chàng không rõ đã lịm đi bao lâu. Trong lúc mê man, chàng chỉ mang máng nhớ có người gọi tên chàng rất to và rất gấp, và ai ôm lấy chàng. Một lúc sau, một người cầm tay chàng, và tiếng ông lang văng vẳng. Chàng hơi ngạc nhiên vì còn nhớ rõ ràng:

- Khó lắm... Tôi cũng hết sức, nhưng phải lại thì... Kế đến tiếng bà mẹ, nhưng nhỏ quá, và có tiếng sụt sịt đè lên. Khó lắm! Phải lại!

Người thiếu niên rùng mình, nghĩ đến cái chết, vì có lẽ chàng không qua khỏi được. Chàng thấy mình yếu quá, nhìn cánh tay cứng và đét như cành củi khô, nhấc không nổi, như không còn là của chàng nữa.

Chết thật?... Người thiếu niên vô cùng sợ hãi. Đột nhiên, chàng như thấy thần chết đứng rình ở góc buồng, bộ xương trắng bệch nổi lên trong xó tối, cái lưỡi hái sáng quắc lăm lăm trong tay. Thần chết nhe hai hàm răng cười gằn, và sắp sửa khoa lưỡi hái cắt đứt đời chàng. Chàng rên lên một tiếng rất thê thảm, rồi nhắm nghiền mắt lại. Trong trí chàng, thần chết và lưỡi hái càng rõ rệt hơn.

Thiếu niên hỏang hốt, trán đẫm mồ hôi, tuy người chàng vẫn lạnh giá dưới hai lần chăn bông. Lần đầu tiên cái chết đối với chàng có một ý nghĩa khủng khiếp. Lúc mạnh, thỉnh thỏang chàng cũng có nghĩ đến, nhưng ý nghĩ đó không chiếm cứ được tâm trí chàng; nó tan ngay vào những công việc hàng ngày.

Một bọn thợ gặt léo xéo ngoài đường đi. Họ nói chuyện vui vẻ, thỉnh thỏang lại cười vang. Người thiếu niên thở dài, nghĩ đến những bắp thịt lẳn, những màu da rám nắng. Chàng thấy thèm thuồng. Chàng sẵn lòng đem hết tư tưởng, hoài bão một đời mà đổi lấy, miễn là được sống.

Được sống! Thở không khí, đi lại, ăn uống, cho cả đến vui buồn, đau thương; trong lúc này chàng thấy việc nào cũng có cái thú mê hồn: cái thú của người khỏe mạnh, yêu đời.

Như muốn trêu cợt người ốm một cách độc ác, giữa lúc đó những tia nắng buổi chiều xô nhau vào buồng. Người thiếu niên trân trân nhìn ánh nắng, rồi con mắt lờ đờ đưa ra khắp các vật quanh mình. Chàng cố giơ tay ra nắng: cánh tay nhúc nhích. Chàng muốn thở một hơi thật mạnh, cho không khí tràn ngập cái ngực lép, để hút lấy, níu lấy sự sống quanh mình: đờm đưa lên cổ. Hơi thở nóng như ở trong một lò than. Hình ảnh thần chết vẫn cười gằn.

Người thiếu niên cắn chặt lấy môi, rít lên một tiếng, rồi nước mắt từ từ ứa ra, chảy thấm ướt cái áo gối bông, làm lộ mấy sợi chỉ đỏ lẩn bên trong.

Rút từ tập truyện ngắn Vỡ lòng,
Nxb. Đời Nay, Hà nội, 1940

[ Trở Về  ]