Chim Việt Cành Nam            [   Trở Về   ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

NAM HÀNH BIỆT ĐỆ 
của Vi Thừa Khánh

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra thơ Đường luật
- Khương Hữu Dụng
Dịch ra thơ lục bát
- Trần Trọng Kim
- Tương Như
- Thu Tứ
*
Đây là một bài "chia tay bờ sông" nổi tiếng trong nhiều bài chia tay bờ sông nổi tiếng trong thơ Đường. 

"Viễn khách" là người ở xa tới chứ không phải người sắp đi xa.  Thế là thế nào?  Chỉ có hai anh em đang tiễn nhau, viễn khách nào?!

Hẳn người anh tưởng tượng vài hôm nữa mình sẽ làm viễn khách (ở nơi bị đi đày) mà cảm thấy buồn nhớ quê khi chưa xa quê...

Hoa hình như ít rụng ồn ào như trái. Thường lả tả rơi từng cánh "nhất vô thanh"...

Sông có lúc chảy thế, hoa vẫn rơi thế, ai có thấy như chia xẻ lòng ai thì tốt cho ai.

Nguyên văn

Nam hành biệt đệ

Ðạm đạm trường giang thủy
Du du viễn khách tình
Lạc hoa tương dữ hận
Ðáo địa nhất vô thanh.

Dịch nghĩa

Chia tay em để xuôi nam

Nước sông dài trôi lờ đờ
Tâm sự người đi xa man mác
Hoa rụng như chia xẻ nỗi hờn
Chạm đất không một tiếng động.

Dịch ra thơ Đường luật

Khương Hữu Dụng:

Lờ đờ dòng nước chảy 
Lai láng dạ người đi 
Hoa rụng như cùng hận 
Lìa cành không tiếng chi!

Dịch ra thơ lục bát

Trần Trọng Kim:

Êm đềm mặt nước Trường Giang
Khách xa luống những ngổn ngang mối tình
Hoa rơi dường cũng bất bình
Tả tơi xuống đất lặng thinh bùi ngùi.

Tương Như:

Sông dài nước chảy lênh đênh,
Dặm nghìn đất khách mối tình mênh mông.
Hoa kia chia mối hận lòng,
Lúc rơi tới đất, tuyệt không tiếng gì.

Thu Tứ:

Êm êm mặt nước sông dài
Nhớ nhung man mác lòng người xa quê
Hoa rơi thấm cảnh tan lìa
Lả bay đáp sẽ như chia cơn sầu.