Chim Việt Cành Nam            [   Trở Về   ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

XUÂN NHẬT TÚY KHỞI NGÔN CHÍ
của Lý Bạch

Thu Tứ

Nguyên văn
Dịch nghĩa
Dịch ra thơ ngũ ngôn cổ
- Hải Đà
Dịch ra thơ thất ngôn cổ
- Bùi Khánh Đản
Dịch ra thơ lục bát
- Trần Trọng Kim
- Tản Đà
- Ngô Tất Tố
- Thu Tứ

*

Đời là mộng.  Ai lại hì hục đi xây kia dựng nọ trong mộng!  Chỉ có mỗi một việc đáng làm là... lai rai ba sợi, đợi tỉnh mộng.  Bắt đầu là ba, nhưng rồi thành ba chục, để sau đó người trong mộng lớn không thể làm gì khác hơn là... gục ngay tại chỗ, tự dìu mình vào mộng nhỏ.

"Mộng bình thường" có lẽ độ dăm ba tiếng đồng hồ gì đó thì líu lo gọi dậy.  Nhìn ra sân, thấy chim học nói trong hoa, thấy gió phất phơ cành lá... Ô kìa, "bây giờ tháng mấy rồi hỡi... Trời?" (Mấy cũng chỉ là trong mộng, hỏi làm gì!) (1)

Cảnh vui vẻ thế, nghĩ thế nào mà muốn than thở?!  Dù sao, sầu đã nhóm thì bầu lại phải nghiêng. Tối rồi, trăng lên đi chứ.  Hát chơi bài nhé.  Véo von đã đời một lúc, quên bẵng vừa lúc nãy buồn gì!

Ngày xuân một người say quắc cần câu, ngủ khò khò, thức dậy "nói chí", nghe ngộ ghê.

Nguyên văn

Xuân nhật túy khởi ngôn chí

Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Sở dĩ chung nhật túy
Ðồi nhiên ngọa tiền doanh
Giác lai miện đình tiền
Nhất điểu hoa gian minh
Tá vấn thử hà nhật
Xuân phong ngữ lưu oanh
Cảm chi dục thán tức
Ðối chi hoàn tự khuynh
Hạo ca đãi minh nguyệt
Khúc tận dĩ vong tình.

Dịch nghĩa

Ngày xuân say tỉnh dậy nói chí mình

Ðời như giấc mộng lớn
Vậy vất vả đời mình để làm gì
Bởi thế ta suốt ngày say rượu
Say nằm lăn quay bên cột nhà phía trước
Tỉnh dậy nhìn ra sân
Thấy một con chim đang hót trong khóm hoa 
Ướm hỏi hôm nay là ngày gì
Mà chim oanh bay chuyền học nói trong gió xuân
Ðộng lòng, muốn than thở
Ðối cảnh, lại tự nghiêng bầu rót thêm rượu
Cất tiếng hát vang chờ trăng sáng
Hát xong, đã quên mất nỗi băn khoăn lúc nãy.

Dịch ra thơ ngũ ngôn cổ (như nguyên tác)

Hải Đà:

Cuộc đời như giấc mộng 
Làm chi thêm cực mà 
Suốt ngày say bí tỉ 
Ngủ lăn trước hiên nhà 
Thức dậy nhìn sân trước 
Chim hót vui đời hoa 
Ngày nào hôm nay nhỉ 
Gió xuân vờn oanh ca 
Nhìn cảnh mà ngao ngán 
Thấy rượu đành rót ra 
Nghêu ngao chờ trăng sáng 
Hát xong quên sầu ta.

Dịch ra thơ thất ngôn cổ

Bùi Khánh Đản:

Đã biết kiếp người là mộng lớn
Sao còn lận đận mãi chưa thôi
Suốt ngày nghiêng ngả ta say khướt
Mê mệt nằm lăn ngủ cửa ngoài
Tỉnh giấc trông ra sân phía trước
Thấy con chim hót giữa hoa tươi
Hỏi nay tháng mấy ngày nào nhỉ
Canh đón xuân sang ríu rít hoài
Ngẫm chuyện xưa nay khơi mối cảm
Rượu ngon lại rót tự mình mời
Nghêu ngao hát mãi chờ trăng sáng
Dứt khúc đà quên hết cả rồi.

Dịch ra thơ lục bát

Trần Trọng Kim:

Ở đời tựa giấc chiêm bao,
Làm chi mà phải lao đao nhọc mình.
Suốt ngày mượn chén khuây tình,
Say rồi nghiêng ngửa bên mành hàng ba.
Tỉnh ra trông mé trước nhà,
Một con chim hót trong hoa ngọt ngào.
Hỏi xem ngày ấy ngày nào,
Chim oanh ríu rít đón chào gió đông.
Thở than cảm xúc nỗi lòng,
Chuốc thêm ít chén say cùng cảnh vui.
Hát ngao chờ bóng trăng soi,
Ca vừa dứt khúc đã nguôi mối tình.

Tản Đà:

Ở đời như giấc chiêm bao,
Cái thân còn đó, lao đao làm gì?
Cho nên suốt buổi say lì,
Nằm lăn trước cột, biết gì có ta.
Tỉnh thôi đưa mắt sân nhà,
Một con chim hót bên hoa ngọt ngào.
Hỏi xem: nay đó ngày nào?
Ngày xuân gió mát, vui chào tiếng oanh.
Ngậm ngùi cám cảnh sinh tình,
Nghiêng bầu, mình lại với mình làm vui.
Hát ran, chờ tấm trăng soi,
Thoạt xong câu hát thời rồi đã quên.

Ngô Tất Tố:

Ở đời như giấc chiêm bao,
Làm chi mà phải lao đao cho đời?
Vậy nên say suốt hôm mai,
Bên cây cột trước, nằm dài khểnh chân.
Tỉnh rồi, chợt ngó trước sân,
Tiếng chim đâu đã nghe gần trong hoa.
Ngày chi? Thử hỏi cho ra,
Gió xuân đương giục oanh già véo von.
Cảm thương, lòng những bồn chồn,
Ðoái trông cảnh vật, dốc luôn chén quỳnh.
Hát ngao chờ bóng trăng thanh,
Lời ca vừa hết, mối tình đã quên.

Thu Tứ:

Ðời xem như giấc mộng dài
Nên lòng quyết chẳng miệt mài làm chi
Rượu ngon cứ nốc tì tì
Nốc say hiên trước ngủ khì một hơi
Dã men ngồi dậy ngó chơi
Con chim hót nhảy loi choi trên cành
Ngày chi, ướm hỏi cao xanh
Gió xuân hây hẩy, cái oanh rộn ràng
Ðộng lòng, những muốn thở than
Tình ơi, buồn lại dốc ngang lưng bầu
Chờ trăng, ca lớn mấy câu
Tiếng ca vừa dứt, cơn sầu cũng tiêu.

____________
(1) Bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận có câu: "Ngủ đi em, mộng bình thường".  Ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy của Từ Công Phụng có câu: "Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?".