Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]

PHIÊN ÂM
Du Phật Tích Sơn ngẫu đề

Ngâm tiên từ khách thượng thiều nghiêu,
Ðạp biến chiêu đề tuyệt thế hiêu.
Tùng lãng phiên phong hàn động khẩu,
Nguyên thần đà bạch lặc sơn yêu.
Quần phong yên vụ Tam Thần đảo,
Vạn khiếu sinh dung cửu tấu Thiều.
Từ thị quái kỳ hưu thuyết trước,
Bồi hồi ngâm bãi hựu xuy tiêu.

DỊCH NGHĨA
Ði chơi núi phật tích (1), ngẫu nhiên đề thơ

Ngâm nga, khách văn chương bước lên hòn núi cao chót vót,
Dạo khắp cảnh chùa, quên hẳn sự phiền nhiễu ở đời.
Gió thổi rừng thông thành tiếng sóng, lạnh đến cửa hang,
Thần đất đem những dải mây như lụa thắt vào sườn núi.
Trên các đỉnh non, mây mù phảng phất như đảo Tam Thần (2),
Muôn hốc núi, tiếng sênh, tiếng chuông tấu chín khúc nhạc Thiều (3).
Thôi, đừng nói chuyện quái đản về họ Từ nữa (4),
Bâng khuâng hết ngâm thơ lại thổi sáo.

DỊCH THƠ
Ngâm nga thẳng tếch đỉnh cheo leo,
Cảnh bụt lên thăm, dứt mọi điều.
Lụa vắt sườn non, thần núi đặt,
Gió lùa cửa động, sóng thông reo.
Bầy non mây phủ, Tam Thần đảo,
Vạn hốc chuông rung chín khúc Thiều.
Chuyện lạ họ Từ, thôi gác bỏ,
Ngâm thơ xong lại thổi bài tiêu.
Ðào Phương Bình
dịch
Chú thích:
    (1) Núi Phật Tích: Thuộc huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc (nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
    (2) Ðảo Tam Thần (Tam Thần đảo): Cũng gọi là núi Tam Thần (Tam Thần sơn), gồm có Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu; tương truyền đây là ba ngọn núi có tiên ở trên biển Bột Hải.
    (3) Chín khúc nhạc Thiều (Cửu đầu Thiều): Tức nhạc của vua Thuấn. Vì nhạc gồm có chín khúc, nên gọi là tấu "chín khúc nhạc Thiều".
    (4) Tương truyền năm Quang Thái đời Trần, có người tên là Từ Thức ở Hóa Châu (nay thuộc Bình Trị Thiên) đến chơi chùa Phật Tích, nhân một sự tình cờ cứu được cô tiên Giáng Hương. Về sau Từ Thức kết duyên cùng Giáng Hương, sống trên cảnh tiên ở núi Phù Lai, ngoài cửa biển Thần Phù. Nhưng được mấy năm Từ Thức nhớ quê hương, từ biệt Giáng Hương. Về tới quê nhà thì đã mấy trăm năm, Từ Thức muốn trở lại cảnh tiên, nhưng quên mất đường.