Chim Việt Cành Nam        Trở Về   ]         [  Tác giả  ] 
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du 
Dạ tọa
Phạm Thảo Nguyên
夜 坐
四壁蛩聲鬧夜眠  矮床移向曲欄邊
微風不動霜垂地  斜月無光星滿天
今古閒愁來醉後  蓴鱸鄉思在秋先
白頭所計惟衣食  何得狂歌似少年
Dạ Tọa
 
Tứ bích cùng thanh náo dạ miên
Ải sàng di hướng khúc lan biên
Vi phong bất động sương thùy địa
Tà nguyệt vô quang tinh mãn thiên
Kim cổ nhàn sầu lai túy hậu
Thuần lô* hương tứ tại thu tiên
Bạch đầu sở kế duy y thực
Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên
Đêm Ngồi
 
Tiếng dế quanh tường phá giấc ngơi
Kéo giường gần lại phía hiên ngoài
Trời im gió lặng sương tràn đất
Trăng xế tối đen sao ngập trời
Kim cổ sầu ơi, say lại đến
Cá, rau quê nhớ tại thu thời
Bạc đầu lo mỗi cơm cùng áo
Sao được hát ngông như trẻ trai.

Bình Chú:

Bài thơ Dạ Toạ được Nguyễn Du viết ra trong thời kỳ làm quan cho nhà Nguyễn 1804-1820. Ta hãy nghe tâm sự của nhà thơ trong lúc đó.

Những sầu đau thuở trước, với thời gian, hình như đã mờ nhạt bớt trong lòng người đứng tuổi, đã lắng sâu và trở nên nên tiềm ẩn trong con người sầu mộng Nguyễn Du, đã tạo thành cái "nhàn sầu" man mác, cô đọng trong hồn thơ của ông.

Để rồi, trong đêm yên lặng mờ mờ sương phủ, dưới bầu trời tối đen đầy sao, cứ sau chén rượu la đà là lại thấy chúng lững thững trở về:

Kim cổ nhàn sầu lai tuý hậu
Kim cổ sầu ơi, say lại đến
Ngày xưa, các nhà nho chỉ có thể làm hai nghề "Tiến vi quan, thoái vi sư " và thêm nghề thứ ba là 'thầy lang' nữa là hết. Họ Nguyễn Tiên Điền có tập sách thuốc gia truyền nhan đề " Nam Dương Tập Yếu Kinh Nguyên ". Em khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Trứ đã hành nghề thầy lang nơi quê mẹ, suốt đời. Nguyễn Du cũng đã thử nghề y, lập vườn thuốc (Sơn Cư Mạn Hứn có nói tới Dược phố xuân hàn lũng trúc thưa= Xuân lạnh, dậu tre vườn thuốc thưa), nhưng không thành công. Bạc cả đầu cũng chỉ quanh quẩn lo miếng cơm manh áo nuôi vợ con, nếu không ra làm quan thì sống làm sao?
Bạch đầu sở kế duy y thực
Bạc đầu lo mỗi cơm cùng áo
Đây chỉ là những lời tâm sự não lòng của ông quan bất đắc chí, phải thờ hai chúa. Hoàn cảnh kinh tế làm ông đành phải xuất xử đấy thôi. Nỗi lòng đau của ông đến bao giờ mới có người chia sẻ:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
Câu kết 8, dư vị của những ngày "tuổi trẻ đẹp đẽ" cái thời "hát ngông ", " đi hái sen ", làm thơ ứng đối, vui đùa, thỉnh thoảng vẫn thấp thoáng hiện lên, như một niềm tiếc nuối
Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên
Sao được hát ngông như trẻ trai
Ôi, cái quá khứ bất khả đắc! Có ai mà không nhớ nó !
Phạm Thảo Nguyên