Bình Chú:
Trong phòng học tối,
quạnh quẽ, Nguyễn Trãi nghe tiếng mưa đêm.
Thoạt đầu tiếng
mưa thanh tao khẽ lay động gối thi nhân, như nhủ như gọi.
Từng giọt nước rơi tí tách điểm canh, canh tàn, canh mới,
cứ thế đi sâu dần vào thời gian.
Tới câu 5, với
chữ "mật" kỳ đặc: Cửa sổ, "song mật" của Nguyễn Trãi,
không phải chỉ "đóng" mà hơn nhiều nữa, đang "phong kín
nghiêm mật". Vì vậy không phải đó cửa thường, mà
là tượng trưng cho những niềm u uẩn sâu thẳm hãy còn giữ
kín chưa hề ngỏ, là cõi lòng thi nhân.
Câu thơ của Nguyễn
Trãi tuyệt đẹp:
Cách trúc
sao song mật -
(Cách trúc gõ cửa
mật)
Nhưng tại sao muốn
gõ vào được chiếc cửa đóng nghiêm mật đó, chạm được
tới những niềm u uẩn giữ kín trong đáy lòng người viết
đó, giọt mưa phải "qua trúc”? Bởi vì mưa chỉ là vật
chất, làm sao động được tới, gõ được đến "cửa mật”
là tinh thần! Cho nên mưa phải nhờ "trúc”ở giữa làm trung
gian. Trúc ở đây không mang tính cách trang trí cho câu thơ,
mà xây dựng cho sự hoàn mỹ của ý tưởng.
Câu 6 tiếp theo:
Hoà chung
nhập mộng thanh -
(Cùng chuông ngân
mộng ai)
Cũng vậy muốn vào
được, xâm nhập được giấc mộng thi nhân, tới tận miền
vô thức, giọt mưa phải hoà vào tiếng chuông, cùng tiếng
chuông mang âm thanh nhập vào vô thức mộng.
Thế là từ những
tiếng mưa rơi phơn phớt bên ngoài gối, làm quen với người,
qua bốn câu thơ tả tiếng mưa, thi nhân đã mở toang cõi lòng
để hạt mưa rì rầm đi sâu vào tâm tình sâu kín của mình,
cho mưa ngao du tới cả giấc mộng ngoài ý thức.
Hình như nói ra
xong niềm u uẩn trong hai câu 5, 6 thì lòng đã nhẹ, có thể
ngồi dậy hoặc nằm đọc thơ và mưa. Nguyễn Trãi từ nghe
mưa trong phòng thơ, chuyển sang ngâm thơ đầy hứng thú trong
tiếng mưa.
Câu cuối không
biết chủ từ là giọt mưa hay người thơ, có thể chủ thể
và khách thể đã hoà vào nhau làm một, cho nên, người thì
chập chờn thức ngủ, còn mưa thì rơi rơi tạnh tạnh... đứt
nối suốt đêm.
PTN
|