Phạm
Thảo Nguyên giới thiệu
( tức Thảo Nguyên ) |
|
Quỳnh
Hải Nguyên Tiêu là bài thơ mở đầu cuốn thơ chữ Hán Thanh
Hiên Tiền Hậu Tập của Nguyễn Du. Cuốn này thi hào bắt
đầu viết khi đi lánh nạn, trong suốt thời gian mười năm
gió bụi (1786-1796) qua tới 1804. Có điều bài thơ đầu tiên
lại không phải là bài sáng tác trước tiên, mà có sau những
bài như Sơn Cư Mạn Hứng, Tự Thán, Khất Thực...có trong
cuốn này, cũng như những tác phẩm được viết từ khi còn
trẻ, nổi tiếng là một trong "ngũ tuyệt", rât đáng tiếc
đã mất hết trong chiến tranh
Sau khi rời kinh thành Thăng Long khói lửa, thất lạc gia đình, Nguyễn Du lang thang giang hồ nghèo khổ một thời gian, rồi về Thăng Long gập lại anh Nguyễn Nễ đang làm quan cho triều đình Tây Sơn (bài thơ Long thành Cầm giả ca). Khi Nguyễn Nễ vào Phú Xuân theo công vụ vào năm 1793, Nguyễn Du không nơi nương tựa, tới sống "gửi rể " nơi gia đình vợ ở Quỳnh Côi cho tới năm 1796. Gia đình này có tiếng văn học với anh vợ là tiến sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn, từng làm Phó sứ sang Trung Hoa năm 1789 (cùng sứ đoàn với Nguyễn Nễ), bố vợ là cố hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục, ngự sử triều Lê (đã mất). Chúng ta hãy thưởng thức Quỳnh Hải Nguyên Tiêu, bài thơ có giá trị văn chương rất cao dưới đây của đại thi hào Nguyễn Du. Người em-rể-mới chào Trăng rầm tháng giêng ở quê vợ Quỳnh Côi, vào ngày trăng đẹp nhất mỗi năm, đồng thời để ra mắt bạn bè họ hàng bên vợ, giới thiệu đôi điều về văn chương của mình và hoàn cảnh, tâm sự, mối tình riêng của mình đối với " nàng trăng ". |
|
Mở đầu bài thơ,
thi sĩ ca tụng vầng trăng rực rỡ đêm Nguyên Tiêu, tại Quỳnh
Hải. Những tên Quỳnh Hải, Quỳnh Châu đều được Nguyễn
Du đặt ra để chỉ huyện Quỳnh Côi.
Câu 2, thi sĩ gọi trăng là "cựu thuyền quyên " là cô gái đẹp quen xưa, cô bạn thân quý cũ của ta. Chúng ta quen nhau từ đã rất lâu, cô chia sẻ tâm sự, quá khứ của ta khi ta còn thơ ấu, còn sống sum họp hạnh phúc cùng cha mẹ anh em trong gia đình danh gia vọng tộc bậc nhất của kinh thành Thăng Long. Tới nay cô vẫn tươi đẹp y nguyên, không hề bị vô thường thay đổi : Y y bất cải cựu thuyền quyên (Người đẹp quen xưa nguyên vẻ tươi) Hai câu thực 3,4 tả vẻ đẹp của trăng: lồng lộng một trời xuân, sáng soi ngàn dậm. Đối lại, hai câu luận 5,6 tả cảnh điêu linh dâu bể của tác giả : không nhà, anh em phân tán, hận khổ đầy lòng, đau đớn vì bất lực không làm gì được trước thời cuộc trong khi thời gian qua quá mau. Câu 7 : Cùng đồ, liên nhữ giao tương kiến Nhữ là anh, ngươi, mày, ngôi thứ hai, nhưng ở đây là ngôi thứ nhất, chỉ tác giả. Như câu: Xuân thu hoàn nhữ lão tu mi - Năm tháng lại đưa về cho anh (ta) râu mày già nua - trong bài thơ Tự Thán.(Chú thích của Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân trong Nguyễn Du Toàn Tập, Nhà xuất bản Văn Hoc, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học 1996). Vậy "liên nhữ" nghĩa là "thương ta". Nhưng " Ai thương ta ? ". Đó chính là chủ đề của bài thơ, là " nàng trăng " thương ta. Như vậy, với hai câu 2 và 7 liên hệ nội tại kết thành cái " tứ thơ ẩn" tuyệt vời, lãng mạn, mới mẻ tới sửng sốt của một bài thơ thế kỷ thứ 18 : Trăng là cô bạn cũ, là giống hữu tình, đã chủ động vì thương ta xa nhà, phiêu bạt cùng đường, cô đơn không bè bạn, mà từ xa xôi tìm đến thăm nhau. Chỉ còn trăng nhớ tới thăm thôi. Câu kết 8 là một câu lạc khoản, đề thời gian và nơi viết bài thơ : Xác nhận tác giả đang bơ vơ không nhà cửa, không gia đình " Giác hải thiên nhai " (chân trời góc bể ), vào lúc ba chục tuổi " tam thập niên ", (vậy lúc này là khoảng năm 1794) Bài thơ toàn bích, bố cục chặt chẽ, đẹp như một viên ngọc. Với những ý tưởng hoàn toàn mới lạ, khác hẳn những bài thơ Đường xưa cũ. Có thể nói đây là một trong những bài "THƠ TRĂNG" đẹp lạ nhất của văn học Việt Nam.
|