Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]             [ Trang chủ
Truyện ngắn Xuân Tuynh

Ngôi đền thiêng

"A lô, a lô! mời các bậc lão thành cùng toàn thể bà con cô bác trong làng, đúng 7 giờ tối nay ra đình làng họp. Đây là một cuộc họp quan trọng có lãnh đạo xã về dự. A lô, a lô!...". Ông trưởng thôn Chu Đình Quầy mới sáng ra đã vác loa đi loa inh ỏi làm lũ chó trong làng đuổi theo sủa vang cả xóm làng. Mấy bà con đi chợ, đi làm đồng sớm kháo nhau: "Không biết họp làng có điều gì quan trọng mà cái lão Quầy đi loa sớm vậy?". "Ối dào, chắc lại cái chuyện cấm nuôi chó thả rông ấy mà. Sắp bước sang mùa hè rồi. Năm chó nào chẳng vậy". - Một người trong đám đông đi làm đồng sớm nói.

Bảy giờ tối, trăng đầu tháng vừa nhô lên khỏi ngọn tre đầu làng, ngoài đình đã có mặt khá đông bà con cô bác trong làng đến họp. Làng Cồ từ xưa nay có truyền thống chăm lo cho công việc làng. Mỗi khi làng có việc như cúng đình, họp bàn quyên góp tiền bạc xây dựng các công trình công cộng bà con rất hăng hái.

Tám giờ cuộc họp bắt đầu. Ông Quầy đứng lên, hai bàn tay xoa xoa vào nhau, trịnh trọng nói:

- Thưa... các bậc cao niên trong làng, thưa... bà... con cô... bác, theo chỉ thị của lãnh đạo xã, hôm nay làng ta tổ chức cuộc họp quan trọng nhằm... phát... a... a phát... tiền... à quên phát triển. - Ông Quầy, mắt kèm nhèm, lại có tật nói ngọng nên đọc nhầm "phát triển" thành "phát tiền" làm cả hội trường cười phá lên. Lời phát biểu của ông phải tạm ngưng giây lát. Ông Quầy lấy lại bình tĩnh nói tiếp:

- Xin lỗi bà con, tôi đọc nhầm. Đó là phát triển kinh tế của làng mới đúng. Đến dự cuộc họp quan trọng... này tôi xin giới thiệu có đồng chí Võ Văn Tằng, phó, phó Bí thơ Đảng ủy - Chủ tịch xã nhà về dự cùng các ban ngành trong xã. Xin bà con vỗ tay hoan hô! - Mọi người lại cười ồ lên bởi cái giọng ngọng nghịu của ông Quầy, hòa trong tiếng ồn ào là vài ba tiếng vỗ tay lộp độp.

Sau vài lời phát biểu của trưởng thôn, ông Võ Văn Tằng đứng lên phát biểu. Ông Tằng là người làng Đông Hạ, cách làng Cồ một cánh đồng. Dân làng Đông với làng Cồ từ xưa nay có hiềm khích với nhau. Cái chức Chủ tịch xã Cẩm Thượng khóa này đúng ra phải rơi vào ông Nghĩa, người làng Cồ. Ông Nghĩa là bộ đội chống Mỹ, quân hàm cấp tá về hưu. Ông sống ngay thẳng, xử sự công việc có tình, có lý, luôn bênh vực lẽ phải, lên án cái sai, được bà con trong làng xã tin yêu. Trong cuộc bầu cử khóa này ông Nghĩa chỉ kém ông Tằng có năm phiếu, đành chấp nhận thua cuộc. Trong cuộc bầu cử vừa qua, nghe đồn có sự "mờ ám". Số phiếu của ông Nghĩa cao, phiếu của ông Tằng thấp nhưng có người nhà ông Tằng trong Hội đồng bầu cử, nên số phiếu của ông Nghĩa bị đánh tráo thành số phiếu của ông Tằng. Chuyện này thực hư ra sao thì chỉ có trời mới biết. Chuyện gian lận trong bầu bán thời nay đầy rẫy, nơi nào mà chẳng có.

- Thưa bà con làng Cồ, trong thời đại ngày nay, làm ăn không chỉ trông vào một ngành nghề, từng địa phương phải biết khai thác thế mạnh của địa phương mình để làm giàu. Đó là nghị quyết của huyện Đảng bộ đã đặt ra. Làng Cồ của ta sống ở gần, rất gần khu di tích Đền Hùng, làng ta ngoài làm nông, chúng ta còn có nghề nuôi tằm, dệt vải; nghề làm bánh dầy, bánh cốm v.v... Chúng ta phải phát triển thêm nghề Du lịch. Như mọi người đã biết, Du lịch là một ngành công nghiệp "không khói" mà có lợi nhuận cao, thu hút được nhiều người tham gia. Rồi đây làng Cồ của chúng ta là một "làng du lịch". Khách thập phương sẽ đổ về làng ta. Cái làng Cồ buồn tẻ bây giờ sẽ đông vui nhộn nhịp - Ông Chủ tịch ngừng lại giây lát, uống một hớp nước lấy hơi rồi phát biểu tiếp:

- Nhưng muốn có được một làng du lịch như tôi nói trên, chúng ta phải cần có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đòi hỏi bà con trong làng phải có sự hy sinh về đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, đền đài trong làng để xây dựng làng du lịch. Nói về vốn thì làng, xã và cả huyện ta không có. Vì vậy, có sự chỉ đạo của huyện, xã mời Công ty trách nhiệm hữu hạn "Thiên Hương" do ông Chu Mã Thiên, người Trung Quốc làm giám đốc bỏ vốn ra đầu tư. - Ông Chủ tịch xã vừa nói đến hai từ "Trung Quốc" cả hội trường ồn ào như ong vỡ tổ. Một cụ già chừng tám mươi tuổi, râu tóc bạc trắng như cước, gương mặt nghiêm nghị đứng lên nói dõng dạc: "Ai đầu tư cũng được nhưng với người Trung Quốc thì thôi đi. Làm ăn với người Trung Quốc mình chỉ có thiệt. Ông Chủ tịch hẳn còn nhớ cái mùa vải năm xưa không. Dân Lục Ngạn, dân làng Cồ này đã mất trắng đấy sao?" - "Phải đó, phải đó. Không làm ăn với người Trung Quốc, cái bụng họ xấu lắm!". Mọi người đồng loạt phản đối. Cuộc họp trở nên căng thẳng. Ông Chủ tịch xã phải lệnh cho lực lượng dân phòng và công an xã vào dẹp trật tự khi đó cuộc họp mới tiếp tục được.

Ông Tằng, Chủ tịch xã chuyển sang phần báo cáo về thực thi dự án.

- Thưa bà con. Dự án này đã được huyện phê duyệt, xã và thôn ta chỉ biết thi hành. Điều quan trọng cần đến sự thông suốt của bà con trong làng là phải rời ngôi đền bà Nguyễn Thị Sinh đi nơi khác để bên chủ đầu tư xây dựng một khu nhà cao tầng hoành tráng làm nơi giới thiệu các mặt của địa phương và là nơi đón tiếp khách du lịch gần xa về nghỉ lại...

Nghe ông Chủ tịch xã nói đến rời ngôi đền bà Sinh mọi người đứng dậy, la lớn: "Không ai có quyền rời ngôi đền bà Sinh, không được, không được!". Không khí của buổi họp nóng lên. Ông Chủ tịch xã bối rối không biết xử lý ra sao. Mặt mày đỏ phừng, mồ hôi trán vã ra, ông la hét đội dân phòng: "Dân phòng đâu, dẹp, dẹp ngay những ai gây rối, có âm mưu kích động phá vỡ cuộc họp".

Đội dân phòng có chừng bốn năm người chưa kịp vào can ngăn đã bị bà con đẩy lùi ra ngoài cổng đình. Giữa lúc náo loạn, ông Đản, người nhiều năm nay được bà con trong làng tiến cử đứng ra chăm lo ngôi đền bà Sinh. Ông Đản là hậu duệ đời thứ năm của dòng họ Nguyễn trong làng, ông có gương mặt chữ điền, đôi lông mày to, xếch như lưỡi mác, tướng quan võ, là cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp. Ông Đản từ dưới cuối phòng họp, lấy hai tay gạt mọi người ra hai bên, áo ngực phanh ra, để lộ bộ ngực đỏ âu, đi thẳng đến trước mặt ông Chủ tịch xã, nói lớn:

- Kẻ nào dám rời ngôi đền bà cô tổ của làng này (tay phải vỗ vào ngực) thì ta đây quyết sống chết với kẻ đó!

- Đúng, đúng! Chúng tôi ủng hộ ý kiến ông Đản, quyết giữ bằng được ngôi đền bà cô tổ. Không bàn bạc, họp hành chi hết. Về, về bà con. - Mọi người giận dữ kéo nhau ra về. Cuộc họp bỏ lỡ giữa chừng.

*

Câu chuyện rời ngôi đền không dừng lại ở đó. Một tuần lễ sau, vào một buổi sáng đầu mùa hạ, trời oi bức, mới sáng ra mặt trời đã mọc lên đỏ lựng. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Hương đưa một đoàn máy xúc, máy ủi cùng hàng trăm công nhân, giương cao cờ quạt dũng mãnh kéo về làng Cồ. Bà con trong làng hô hoán nhau mang gậy, gộc, cuốc xẻng kéo nhau ra vây quanh ngôi đền. Bà con còn xua cả trâu, bò ra cản đường không cho xe ủi vào khu đền. Công nhân lao vào đụng độ với dân. Cuộc giằng co kéo dài cả giờ đồng hồ. Một vài người dân bị thương, ông Đản cùng với mấy thanh niên trong làng cởi trần, nằm lăn ra đường cản xe ủi. Chiếc xe ủi đi đầu bẻ cần lái sang bên trái để không cán lên những người nằm trên mặt đường, đường hẹp, sỏi đá lởm chởm, chiếc xe ủi nặng cả chục tấn lật ngửa lăn xuống đầm sen, chiếc xe ủi thứ hai cùng một chiếc máy xúc cũng theo nhau đổ úp xuống đầm sen. Cái đầm sen ở làng Cồ có cách đây cả trăm năm, nước sâu cả vài chục thước. Thấy cả ba chiếc xe chìm sâu xuống đầm, bà con đứng trên bờ hò reo. Mấy bà độc mồm, độc miệng nói lớn: "Bà Sinh rất thiêng. Kẻ nào đụng vào đất của bà, bà vật cho chết tươi! Đáng đời tụi bay". Toán công nhân nghe dân nói vậy hoảng sợ, mặt mày tái mét. Lục tục kéo nhau ra xa, đứng chống xẻng, chống cuốc nhìn vào làng. Lúc này, ông giám đốc công ty cùng với mấy ông cán bộ xã, huyện phóng xe hơi về làng, chứng kiến cảnh tượng như vậy, liền hô quân rút lui. Bà con trong làng mang đèn nhang, hoa tươi vào thắp đầy lên bàn thờ bà Sinh. Không khí trong làng trở lại bình an.

*

Bà Nguyễn Thị Sinh, sinh năm Nhâm Tuất, con gái cả trong một gia đình nho giáo. Cha bà, cụ tiên sinh Nguyễn Công Đắc học hành đỗ đạt được làm quan trong triều đình nhà Nguyễn. Cuộc đời làm quan của ông Đắc rất ngắn ngủi. Mới bước chân vào quan trường chưa đầy hai năm, do mắc phải sai lầm khi xử oan một con dân vô tội. Vua đã hạ chiếu phế chức quan, đưa đi đày ở Đàng trong. Ông Đắc vào Đàng trong sinh sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh và mở lớp dạy học được vài năm rồi qua đời nơi xứ người.

Thấy cha mình phải sa vào con đường lao lý, mẹ mất sớm, các em ly tán mỗi người mỗi nơi, bà Sinh buồn chán, năm mười sáu tuổi bỏ làng ra đi. Bà đi đâu, tha phương cầu thực nơi phương trời góc bể nào không ai biết. Có người đồn rằng bà theo một con tàu buôn của người ngoại quốc sang sinh sống nơi trời Âu. Nhưng đó chỉ là tin đồn, thực hư không ai biết. Đầu thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi bà Sinh đột ngột về làng. Lúc này bà đã ngoại tứ tuần, người gầy, mảnh khảnh, tóc đã có nhiều sợi bạc. Điều đặc biệt là bà không có chồng con. Về làng lúc này cửa nhà đất đai của cha mẹ không còn, bà xin làng cho làm một túp lều nhỏ nơi đầu làng, cạnh hồ sen làm chỗ tá túc. Hàng ngày bà trồng rau, nuôi gà lần hồi sống qua ngày. Bà Sinh sống chan hòa, cởi mở với mọi người, thương yêu những người dân nghèo khổ trong làng. Bà rất quý trẻ con. Hàng ngày tụi trẻ đi học ngang qua túp lều của bà là bà ngoắt tay gọi vào cho kẹo. Tụi trẻ trong làng vì thế rất kính trọng bà. Điều để cho tụi nhỏ trong làng kính trọng bà còn vì bà rất thông thái, giảng giải cho chúng nhiều điều hay, lẽ phải. Bà còn hát hay. Bà thuộc rất nhiều làn điệu dân ca như hát xoan, hát ghẹo, hát trống quân, hát Quan Họ... Bà hay hát bài dân ca Bắc bộ: "Bèo dạt mây trôi". Mỗi khi bà cất tiếng hát: "Bèo dạt mây trôi/ Chốn xa khơi/ Em vẫn đợi, vẫn chờ...". Làm người nghe xao xuyến trong lòng. Bèo dạt mây trôi gắn liền với thân phận bà, với cuộc đời bà vì thế mà tiếng hát của bà da diết, nhớ thương làm vậy. Nhiều khi người ta thấy bà ngồi bên hồ sen, đôi mắt thẫn thờ, nhìn về một cõi xa xôi nào đó. Giọng hát của bà đượm buồn. Mỗi lần bà cất lên tiếng hát "bèo dạt mây trôi" là dân làng Cồ cảm thấy thương bà.

Đầu năm 1950, chiến tranh lan rộng đến khắp vùng Trung du, dân chúng trong làng bỏ xứ đi tản cư, thanh niên trai tráng tình nguyện đi đánh Tây, không còn mấy ai quan tâm đến bà Sinh và túp lều nhỏ bé của bà nơi đầu làng. Cái trường học trong làng bị nghi là nơi tụ tập, hoạt động của Cộng sản, Tây đốt, học trò không còn chỗ học. Vì thế tụi trẻ con cũng không tới chơi với bà.

Vào một buổi sáng mùa đông, trời rét như cắt da, cắt thịt. Một người đàn ông trong làng có việc đi ngang qua túp lều của bà Sinh, túp lều trống trải, không có bà Sinh ở trong lều. Người đàn ông nghĩ chắc bà Sinh lại đi lang thang đâu đó. Bất chợt ông nhìn ra ngoài đầm sen thấy một đống mối đùn lên to như một đụn rơm nhỏ trên bờ đầm. Ông lại bên đống mối phát hiện ra đôi chân người thò ra, cúi xuống nhìn kỹ, rồi hoảng hốt nhận ra đó là đôi chân của bà Sinh vì chân bà có một bàn chân sáu ngón, mà ngón thứ sáu lại mọc ở mu bàn chân; khác biệt với mọi người phụ nữ trong làng Cồ. Vì vậy, thoạt nhìn ông nhận ra ngay. Ông liền chạy vào làng kêu mọi người. Dân trong làng đổ ra thấy cảnh bà Sinh chết thảm ai cũng thương. Họ bảo nhau: "Người chết mà có mối đùn lên cao là linh hồn người đó thiêng lắm", bà con bảo nhau góp tiền xây cho bà một ngôi mộ trùm lên trên đống mối. Vài năm sau ngôi mộ nứt ra, mọc lên một cây thị. Cây thị lớn rất nhanh, chẳng mấy đã cho quả chín thơm lừng. Dân làng lại càng tin vào sự linh thiêng của bà. Bà con trong dòng họ Nguyễn cùng với dân trong làng Cồ họp nhau lại, quyết định xây một ngôi đền ngay trên phần đất bà Sinh ở. Mỗi người đóng góp chút ít tiền bạc, người không có tiền thì góp công. Sau một tháng đã mọc lên một ngôi đền nhỏ, khang trang. Ngoài mặt tiền đắp nổi dòng chữ: "Đền thờ bà quả phụ Nguyễn Thị Sinh". Bên dư ghi năm tháng sinh và tháng, năm tạ thế. Vì ngày tạ thế không ai biết bà mất ngày nào nên để trống.

Từ sau ngày miền Nam giải phóng, nhiều người trở về làng Cồ, làm ăn khấm khá, nhiều gia đình giàu có, con cái học hành đỗ đạt. Họ thường xuyên mang mâm cao cỗ đầy đến cúng bà Sinh. Nhiều người mua cả mẹt hàng mã đến đốt cho bà. Dân làng phong thánh cho bà. Đi mời các nhà điêu khắc có tên tuổi ngoài Hà Nội về tạc tượng bà để thờ. Bà Sinh mất không để lại di ảnh, các nhà điêu khắc phải tạc tượng bà theo lời kể của các bậc cao niên trong làng.

Sự tôn thờ bà Sinh cũng có nhiều điều để bàn. Đa phần người dân tôn thờ bà là thực lòng. Nhưng có không ít kẻ tôn thờ bà làm cái vỏ bọc để che giấu những việc làm khuất tất; vì mưu cầu lợi ích riêng của một "nhóm lợi ích" trong dòng họ. Thực tâm bọn người này chẳng hiểu gì về bà Sinh và cũng chẳng yêu thương gì bà.

Các bậc cao niên trong dòng họ Nguyễn làng Cồ còn răn dạy cháu con trong họ tộc phải học tập bà cô Tổ, ghi lại lời dạy bảo của bà lúc sinh thời để cho con cháu học tập.

*

Sau vụ cưỡng chế đầu tiên thất bại, ba cỗ máy vẫn còn nằm dưới đầm sen. Nhưng nhà đầu tư vẫn không từ bỏ dự án xây khu du lịch làng Cồ. Biết được ý đồ của nhà đầu tư, dân làng Cồ đồng tâm làm đơn khiếu kiện lên tỉnh. Hàng nghìn lá đơn của bà con gửi về Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan. Báo chí rầm rộ lên tiếng ủng hộ dân làng Cồ gìn giữ ngôi đền. Tỉnh ủy đã vào cuộc, cử đoàn kiểm tra về làng Cồ làm việc, lắng nghe, ghi chép đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của dân. Đoàn kiểm tra về báo cáo đầy đủ, trung thực với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo xã Cẩm Thượng, vẫn xây dựng khu du lịch theo phê duyệt của huyện nhưng không được rời ngôi đền. Ngôi đền phải được trùng tu, mở rộng để làm nơi thờ cúng bà Sinh và làm địa điểm đón tiếp khách du lịch.

Chỉ đạo của tỉnh được bà con làng Cồ nhiệt liệt hưởng ứng. Vốn đầu tư xây dựng khu du lịch không phải nhờ đến Công ty Thiên Hương mà do chính tiền bạc, công sức của bà con làng Cồ và xã Cẩm Thượng đóng góp. Sau ba tháng hăng say làm việc, có sự tư vấn của các nhà chuyên môn ở tỉnh, bộ mặt làng Cồ đã thay đổi hoàn toàn.

Làng Cồ giờ đã thành một điểm du lịch nổi tiếng. Du khách về thăm làng Cồ, theo lệ làng, trước tiên phải mang hương hoa vào cúng trong đền thờ bà thánh Sinh, khi đó mới được dân làng tiếp đón.

Nha Trang, ngày 2-7-2014

Xuân Tuynh

 

Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang 
DĐ: 0908.625.369-