Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ] [ Tác
giả ]
|
|
1. Đi lính
về, được cấp mảnh đất, ông A khởi nghiệp từ trồng
trọt rồi xoay ra kinh doanh theo thời thế. Khi khó khăn ông
cũng mang cái "mác" người lính ra, khi thuận lợi ông
cũng mang cái "mác" người lính ra...Thế là chuyện gì cũng
"xuôi chèo mát mái", thời gian sau ông được xếp vào hàng
ngũ "đại gia" trong tỉnh. Bây giờ
vợ đẹp, con khôn, có chức tước của cải, chả hiểu sao
ông A lại "đổ đốn" ra làm thơ. Nhưng, làm kinh tế
giỏi giang tinh nhạy bao nhiêu, thì thơ của ông lại cục mịch,
thô nhám, vụng về bấy nhiêu. Ông đã nghiên cứu đủ
loại "thi pháp" từ Đông Tây, Kim cổ, bỏ nhiều tiền bạc,
thời gian theo học những khóa viết văn từ cơ bản đến
mở rộng, từ cổ điển đến hiện đại mà sao thơ
ông cứ ngang phè phè, tối om om! Ông A vẫn không nguôi ngoai
mơ ước dấn thân vào chốn Thi đàn...
2. Từ thời ở lính, ông B đã có những bài thơ nức lòng người đọc bốn phương. Nhắc đến những thi nhân áo lính, không thể không nhắc đến tên ông. Xuất ngũ, ông được mời giảng dạy viết văn làm thơ. Bao nhiêu người hâm mộ chào đón, những cuốn sách ông B viết ngự ở những nơi danh giá nhất của Văn đàn, bao nhiêu cơn bão văn chương cách tân, hiện đại, đổi mới... cũng không lu mờ được tên tuổi ông... Nhưng, ông B lại cực kỳ kém cỏi trong việc làm kinh tế. Cũng được cấp mảnh đất và nhiều ưu đãi, nhưng ông lại bán phăng miếng đất với giá rẻ để mua một chiếc xe máy đắt tiền chở các người đẹp đi chơi. Rồi trong một chuyến đi "thực tế", ông B mắc vào mối tình "sét đánh" với một cô gái miền núi. Lấy nhau 2 mặt con, được một thời gian ông bà li dị và ông ra đi với hai bàn tay trắng. Cái khoản nhuận bút và tiền bồi dưỡng giảng dạy chẳng thể đủ cho ông trợ cấp 2 đứa con với vợ cũ chứ nói gì đến việc uống rượu... hay... mua nhà! Ông B vẫn không nguôi ngoai ước mơ có một nơi ở khang trang, tiện nghi... 3. Ông A và ông B ngồi cạnh nhau trong một cuộc nhậu. Trong men rượu ngà ngà, hai ông "dốc bầu tâm sự" về ước mơ của mình. Ông A thấy ngay đây là một cơ hội quý, bèn thẳng thắn đề nghị với ông B: "Cả đời tôi lao vào làm giàu, có khi bán rẻ cả lương tâm và tư cách. Giờ có tuổi rồi, chán nghe thiên hạ khen "giàu" mà muốn họ khen "sang" ông ạ. Cái gì tôi cũng mua được, chỉ có viết được câu thơ cho nó hay, nó sang sao mà khó quá... Ông giúp được tôi thì... tôi mãn nguyện lắm, tôi chẳng tiếc gì..." Ông B nghe đến đây thì "nóng mặt", nghĩ: Tay này cậy có tiền muốn mua gì cũng được sao? Cái giá "nhà thơ" rẻ mạt thế à? Hắn không biết ở đời còn những thứ không thể bán chứ? Rồi ông B đùng đùng nổi giận, ra về. Ông A bình thản mỉm cười đưa ông B danh thiếp và nói: "Tôi mong có ngày hân hạnh được ông hợp tác". Đêm ấy về nằm trong căn phòng thuê chỉ đủ kê cái giường và cái bàn cũ kỹ, nghe lũ chuột rón rén bò qua đống sách, cậy vung nồi cá trích kho, ông B nhớ đến lời đề nghị của ông A. Gió lùa qua khe cửa sổ nứt kính, kéo tấm chăn vá lên cổ vẫn lạnh, ông B bỗng thấy cái sự "sang trọng" của mình bấy lâu quả giống như tấm áo choàng ảo của ông vua cởi truồng. Ông thèm cốc trà nóng tỏa hương, thèm mảnh vườn nhỏ có khóm hoa cúc dại, thèm người đàn bà tảo tần âu yếm ông trong tấm chăn lành... Những thứ tầm thường ấy thật xa vời với ông lúc này. Người ta tung hô, ngợi ca ông bằng những mĩ từ cao siêu, phụ nữ hâm mộ, quấn quít ông, bạn bè cậy nhờ, kết thân... nhưng cuối cùng thì chẳng có người đàn bà nào dám theo ông trọn cuộc đời, chẳng người bạn nào dám sống chết cùng ông trong những lúc ốm đau, nợ nần... Những chồng sách vẫn im lặng vô cảm trước cái đói và cái rét của người viết ra chúng... 4. Ông A vừa ngạc nhiên, vừa không ngạc nhiên khi thấy ông B đến đúng hẹn. Với vẻ kiêu hãnh cố hữu, ông B nhận lời viết lại những bài thơ ngô nghê mà ông A đã "vật vã, trăn trở" làm bao năm qua, ông sẽ tập hợp lại thành một cuốn sách dày dặn, viết lời giới thiệu, tổ chức buổi hội thảo, trả lời phỏng vấn báo chí, truyền hình về một "hiện tượng văn học độc đáo"... để biến ông A thành một "thi sĩ" đích thực, sang trọng gắn tên mình lấp lánh cùng các ngôi sao trên bầu trời thi đàn... 5. Một thời gian sau, ông B có ngôi nhà khang trang trong khu VIP của thành phố. Ngày ngày, có một em chân dài tháp tùng ông đi dự các buổi tiệc linh đình của giới kinh doanh, buôn bán từ các loại nông hải sản đến quần áo lót, giấy vệ sinh... Hình như ông không để tâm đến văn thơ nữa mà chuyển sang kinh doanh nhà hàng ăn uống. Còn ông A ở một mình trong căn nhà nhỏ tận ngoại ô, cần mẫn "làm thơ", trả lời các cuộc phỏng vấn về vấn đề văn chương. Ông gia nhập hẳn Hội cầm bút chuyên nghiệp. Tất cả nhà cửa, đất đai, của cải ông để cho vợ con quản lý, ông không màng tới dù dư luận đồn đại vợ ông rửng mỡ đem tiền nuôi trai trẻ. Nghe nói chỉ trong hai năm, ông xuất bản liền mấy tập sách và còn giới thiệu cho mấy "đàn em" gia nhập Hội. Ra là thơ văn đâu có phụ lòng người!
|
Nhà thơ Vũ
Thanh Hoa tốt nghiệp Đại học Luật Thành phố Hồ Chí
Minh,
hiện là luật sư làm việc trong ngành dầu khí ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tác phẩm đã xuất bản: - Nỗi đau của lá (tập thơ, Nxb Hội Nhà Văn 2006) - Giải VHNT của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2004-2009. - Trong em có người đàn bà khác (tập thơ, Nxb Hội Nhà Văn 2009). - Người nhìn thấu linh hồn (tập truyện, Nxb Hội Nhà Văn 2011) |
|