Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
của Võ Quang Yến Uyên Hạnh đọc và giới thiệu *** |
Gửi
thương về Huế cho Huế đầy ắp nỗi niềm, rồi gửi Huế
cho ai? Có phải tác giả đong cho đầy nỗi nhớ, chất cho
nặng cõi lòng, rồi đem tâm sự nầy viết thành sách để
đổ vào tim chúng ta chăng! Còn gì nữa, đọc quyển sách nầy
bạn sẽ thấy ở đâu cũng chỉ là tình cho Huế và với Huế
mà thôi.
Không biết những người đang ở tại Huế, đang đi trong mưa nắng gió ngàn của Huế, đang sống trong khó khăn của Huế có yêu Huế như chúng tôi yêu Huế không nhỉ? Có thương như Võ Quang Yến thương Huế hay không? Thật ra, không phải chỉ mình ông ca tụng Huế mà có rất nhiều tác gỉa đã ca tụng Huế. Huế có hai điểm đối nghịch kỳ lạ mà người Huế mang trong tim, đó là cái vàng son vương gỉa của cung đình và cái khổ cái vất vả của người dân nghèo. Một bên là niềm hãnh diện một bên là nỗi đau khổ ngậm ngùi. Có thể vì sự chênh lệch quá lớn đã làm Huế như thế đó, chỉ có chấp nhận mà không có ý nghĩ so sánh. Huế luôn luôn là một xứ của chất thơ. Cảnh sắc của Huế đẹp mà cuộc đời của Huế thì cơ cực vô vàn. Chất thơ của Huế là một không gian cho ta ẩn mình trong đó khi đời có quá nhiều giông tố phong ba. Huế có cái quý phái sang cả mà Sài Gòn không dễ gì có được. Nếu thử đem Huế so sánh với Sài Gòn, thì Huế là hình ảnh của một thiên kim tiểu thư, khuê các kín đáo trong nếp áo lụa thanh tú mượt mà, uyển chuyển nhẹ nhàng. Sài Gòn ví như người con gái tràn đầy sức sống, trong bộ áo quần thời trang năng động và hiện thực, gọn gàng tươi trẻ và đẹp mắt, với bước chân sáo tung tăng trong nắng. Mỗi mỹ nhân thể hiện một nét đẹp riêng. Chỉ là, đã thương Huế rồi thì ta ghi khắc hình bóng đó vào tim, chén thù chén tạc với lòng mình mà nghe men tình của Huế ngây ngây. Đọc Gửi Thương Về Huế của Võ Quang Yến chúng ta thấy được cái tình của ông với quê hương được thể hiện qua những sinh họat cá nhân, gia đình, cũng như đòan thể của ông. Tất cả chỉ vì cái tình của ông với Huế. Ông đã kể cho nghe những nhận xét và kinh nghiệm sống của ông và gia đình ông giữa hai nền văn hóa cách biệt. Thời gian sau nầy đã cho thấy ông trở về với Huế giữa những đổi thay với những cảm xúc như thế nào. Ông đã đi qua và nhận diện được những nơi chốn cũ với nhiều cảm động. Ông đã kể cho nghe về những sinh họat qua những hợp tác với những người cũng thương Huế như ông. Trong Gửi Thương Về Huế chúng ta biết được từ ngày còn là một sinh viên du học ở Pháp ông đã thương Huế.Về sau khi đã đỗ đạt thành danh, ông sống và lập gia đình, làm việc ở Pháp, tâm tư ông vẫn mang hình bóng Huế, vẫn nặng tình với Huế. Ta cũng thấy được những sinh họat mà ông đã thực hiện bên cạnh những bận rộn thường nhật ông dành cho Huế. Huế đáng yêu lắm, chẳng trách tác gỉa 'thương hòai ngàn năm'. Đọc Gửi Thương Về Huế của Võ Quang Yến thế nào cũng làm khơi động cả một cuốn phim dĩ vãng, cho bạn có dịp lùi về những tháng ngày năm xưa với những thằng bạn 'nối khố' sống chết có nhau. Từ ngày còn học ở tiểu học, cùng đi đá banh, bắn bi, tắm mưa, lội nước lụt... cho đến khi lên trung học, biết cùng nhau ôm sách 'lẻo đẻo'dẫm lên... vết chân ai, cho người ta thẹn thùng cuống quýt...để người ta mơ người ta mộng, là nguồn cảm hứng dệt nên lời thơ, là kỷ niệm và đời sống của Huế trong tâm tưởng của chúng ta: Ngày đó, em vừa mới lớn. Còn anh, một gã dại khờ. Anh si, tình anh vụng dại. Anh mơ và anh làm thơ. Thơ anh đong bằng hạt nắng. Lung linh ươm mắt em nồng...(Huế Vẫn Lặng Thầm/Uyên Hạnh) Dòng đời như trăm nhánh sông chia cách mỗi người mỗi ngả. Người ở lại với Huế kẻ lưu lạc phương trời xa. Quay nhìn lại những ngày qua thấy có người tóc đã bạc, có người đã nằm xuống, có người vẫn còn chua xót cho một sự chia xa. Hãy nghe lời tự tình của nhạc sĩ Nguyễn văn Hòa như một tiếng thở dài cho ta và cho Huế, là sự đồng tình rõ rệt nhất với Võ Quang Yến về cái tình của người lữ thứ với xứ Huế đã cách xa rồi: Huế
ơi, yêu Huế ngút ngàn. Huế ơi, thương Huế vô vàn. Huế
đầy kỷ niệm mênh mang.
Huế ơi, nỗi lòng ta đó xin ...Gửi Thương Về Huế, Huế ơi!
|
|
[
trang trước ] / [
trang
sau ]
|