Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
Tập V : Huế qua trang sử Võ Quang Yến *** |
Năm
1986 là năm tôi về nước lần đầu tiên sau mấy chục năm
tha hương và là năm tôi sung sướng được sống lại quê
Huế thời trẻ, sau nầy gởi gắm tâm tình trong nhiều bài
báo gom góp thành cuốn Gửi thuơng về Huế... Đúng một
thế kỷ trước, năm 1886, sau một vòng đi quanh ngoài bắc,
bác sĩ Hocquard từ Pháp sang cũng đã đặt chân lên đất Cố
đô, ngạc nhiên trước cảnh tượng đã thấy và kỷ niệm
sâu sắc còn lưu lại trong cuốn
Une campagne au Tonkin (Một
cuộc viễn chinh ở Bắc Kỳ). Sau khi đăng thành năm đoạn
trong tờ Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) từ 1889
đến 1891 dưới đề tài Trentemois au Tonkin (Ba tháng ở
Bắc Kỳ), sách được nhà xuất bản Hachette in toàn bộ năm
1892. Hồi ấy, kỹ thuật in ảnh chưa được thịnh hành nên
những ảnh ông chụp chỉ được vẽ lại trong sách và dẫn
trong bài nầy. Sau nầy mới thấy có in ảnh thành sách riêng.
Năm 1999, nhà xuất bản Arléa in lại cuốn sách với những
chú thích về văn hoá, sử địa, ngôn ngữ học... chính xác,
cần yếu của Philippe Papin thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ
EFEO (*). Tuy ngắn hạn, công cán của bác sĩ Hocquard, ngoài
nhiệm vụ quân sự, địa hình,...còn là ghi chép những tài
liệu sử ký, địa dư, phong tục, tập quán, kiến trúc công
sự, tổ chức xã hội, ..., nói chung những chi tiết mà một
người viết thời luận hay một nhà dân tộc học luôn để
ý đến... Cuốn sách của ông đã là một bằng chứng đặc
biệt về nước ta cuối thế kỷ 19. Riêng ở Huế, hành trình
của ông đã cống hiến một lối nhìn về quá khứ của thành
phố ta, bên phần đời sống người dân cũng như những bên
phía nội bộ triều đình, đồng thời quan hệ lúc ban đầu
với quân binh Pháp.
Charles-Edouard Hocquard sinh ngày 15 tháng một năm 1853 ở Saint-Nicolas du Port, gần thành phố Nancy ở Pháp. Năm 20 tuổi, ông vào học trường y khoa quân đội và sau khi đậu bằng bác sĩ được bổ nhiệm ở bệnh viện quân đội tại Lyon, tiếp tục phục vụ ở những trung đoàn kỵ binh, lục quân trước khi được biệt phái qua bệnh viện Bourbonne-les-Bains. Chính trong thời kỳ 1882-1883 ở đây trước khi đi Việt Nam, ông đã viết nhiều sách y khoa đặc biệt về mắt như tập Ảnh chụp áp dụng vào nhãn khoa (Iconographie photographique appliquée à l'ophtalmologie) giải thích vai trò nhiếp ảnh trong hành trình của ông. Từ ngày 11 tháng một năm 1884 đến ngày 31 tháng năm 1886, ông xin và được gởi qua Bắc Kỳ, một thời kỳ lý thú đã đưa ông lên con đường công danh. Thật vậy, trong các biên bản quân đội, ông được đánh giá là một người thông minh, hoạt động, tận tâm, tử tế, dễ thương, siêng năng, một nhà phẩu thuật có tài, một bác sĩ luôn biết tự chủ trên chiến trường. Về lại Pháp, ông được thăng bác sĩ trưởng hạng nhất trung đoàn bộ binh số 6, lấy vợ, có một con trai. Chính trong thời gian bình tĩnh nầy mà ông có thì giờ đọc lại những ghi chép trong chuyến hành trình ở Việt Nam và soạn thảo cuốn sách. Sau đó ông lần lượt được bổ nhiệm bác sĩ trưởng ở Saint-Cyr, giám đốc sở y tế các quân đoàn số 8 và 13, sau cùng giám đốc y khoa quân đội ở Lyon. Bị mắt bệnh cúm nhiễm trùng, ông mất ngày 11 tháng 1 năm 1911 và được an táng tại Sens. Đến Bắc Kỳ ngay ở vịnh Hạ Long giữa tháng hai 1884, ông Hocquard được đưa đi Hà Nội, lên Bắc Ninh, Sơn Tây, rồi một vòng ba tháng quanh Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý. Vừa về lại Hà Nội, ông được chỉ định ngay áp tải một đội quân đi Phủ Lạng Thương rồi một đội khác dọc dòng sông Lô lên Tuyên Quang trước khi bị động viên vào một chiến dịch quanh Lạng Sơn. Sau sáu tháng cầm chân ở Hà Nội, một thời gian ông lợi dụng để khảo sát những cuộc nổi loạn và vấn đề giáo dục, ông lại được cử đi ngược dòng sông Đà lên vùng Hòa Bình rồi theo sông Lô trở về Hà Nội. Phần cuối hành trình của ông bắt đầu từ tháng mười hai 1885 là cùng với anh bạn họa sĩ Gaston Roullet, ông rời Bắc Kỳ vào nam, đi bộ dọc đường cái quan, vượt đèo Hải Vân, ghé qua Đà Nẵng để đi thuyền đến Huế đầu năm 1886 trước khi trở lại Hà Nội lên tàu về Pháp tháng tư năm ấy. Đồng thời với nhiệm vụ bác sĩ quân đội, ông Hocquard đã thành công thỏa mãn ham mê nhiếp ảnh của mình trong một loạt sách hình. Lúc ban đầu ban quản lý quân đội không mấy thích việc làm của ông nhưng sau lại muốn giữ bản quyền các tập ảnh vì ông đã thực hiện trong thời gian ở quân đội. Dù không được chính thức tuyển chọn, chín tập gồm có 217 tấm ảnh đã được tặng huy chương vàng ở Hội chở Quốc tế Anvers 1885. Sau đó nhà xuất bản H. Cremnitz cho in 200 tấm năm 1884-1885 và quảng cáo một cuốn 400 tấm năm 1886 nhưng không thấy có tên nhiếp ảnh gia. Phải đợi đến 1889 mới thấy có một cuốn mang tên tác giả với phụ đề : Với sự chấp thuận của tướng trưởng đạo quân viễn chinh. Trong bối cảnh nào ông Hocquard đã đạp đất Huế ? Năm 1881, chính phủ Pháp tăng cường quân đội ở Đông Dương, năm sau cho phép đánh chiếm Băc Kỳ. Sau khi Henri Rivière bị giết ở Cầu Giấy năm 1883, Pháp gởi thêm quân tiếp viện, Harmand lợi dụng lúc vua Tự Đức băng hà, nội bộ Nam triều đình lủng củng, thành công ký kết hiệp ước ngày 25 tháng tám năm ấy. Ngày mồng 6 tháng sáu năm sau, với hiệp uớc Patenôtre, Việt Nam bị chia cắt làm ba miền. Ở Huế, vua Tự Đức không có con thừ tự, hai vị đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lập phế các vua và sau cùng đưa vua Hàm Nghi lên ngôi. Sau vụ tấn công đồn Mang cá thất bại hôm mồng 4 tháng bảy 1885, hai vị Tường và Thuyết phò vua chạy ra Tân Sở khởi động phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông Hocquard và họa sĩ Roullet đến Huế vào lúc vua Hàm Nghi đã bị truất phế và vua Đồng Khánh trị vì chưa đầy một năm. Từ Cầu Hai, họ rời đường bộ và được chở trên một thuyền ngự châu vượt phá Tam Giang đến Thuận An. Họ chứng kiến phế tích đồn lũy Hải đà đã bị đô đốc Courbet phá sập hai hôm 18-19 tháng tám 1883, những công sự Quy lai, Thuận hòa mà hai vị Tường và Thuyết cho xây để phòng ngăn chận quân Pháp truớc ngày tấn công đồn Mang Cá. Đi ngược dòng sông Hương, ông Hocquard nhận thấy hai bên bờ xen lẫn với đồng ruộng là những nhà vườn xinh xắn, trắng trẻo. Khi vào thành phố, dọc theo một trong hai cánh sông, ông ngắm nhìn bên mặt xóm Đông Ba tập nập, ồn ào tuy chỉ còn lại vài ngàn dân cư so với trước kia có đến ba mươi ngàn binh sĩ, bên trái sừng sững kinh thành tường gạch cao ráo, yên tĩnh. Trước hiệp uớc Patenôtre, không một người Âu Tây nào có quyền vào trong thành nội, sau ngày Kinh đô thất thủ tháng bảy 1885, có đến ba ngàn rưởi quân binh Pháp ngang nhiên đi lại làm gai mắt không ít người dân ở đây. Dạo ấy, quân Pháp tập trung ở ba điểm : quanh đại nội, đồn Mang Cá và tòa công sứ ở Trường Thủy bên kia sông với những ngôi nhà giống các biệt thự ở Pháp. Lúc đầu, tháng năm 1876, viên công sứ Rheinart chỉ ở trong một ngôi nhà tranh, phên đất, dần dần qua thời Philastre hai năm sau mới xây nhà ngói có tầng. Tòa công sứ lúc bấy giờ đã được trang hoàng rất lịch sự, đầy đủ tiện nghi theo kiểu Âu Tây. Chính ở phòng khách trong tòa nầy mà ngày mồng 6 tháng sáu năm 1884, chiếc ấn bạc vuông mỗi cạnh 11 phân, nặng 5 kg 9, trên có chạm hình một con lạc đà nằm (biểu hiệu sự thuần phục) Trung Quốc ban cho vua Gia Long, được nấu chảy trước mặt quan khách Việt và Pháp, một cử chỉ sau nầy gây cơn giận bên phía Trung Quốc vì theo hiệp ước Thiên Tân ký ngày 11 tháng năm 1884 ngay trước đó, Pháp không có quyền hành động xúc phạm phẩm cách Thiên triều ! Ngay trước tòa công sứ, bên kia sông, ngoài kinh thành, gần cửa Đông Nam, là nhà Thương Bạc, lúc bấy giờ là nơi cư trú của tướng Prudhomme, chỉ huy quân đội Pháp ở Trung Kỳ, nhưng trước kia là nơi thượng thư bộ lễ tiếp đón khách ngoại quốc, thay vì ở Cung Quán gần cửa Kẻ Trài. Thương Bạc cũng là nơi khách nước ngoài lại thương lượng để được vào trong kinh thành hay để yết kiến nhà vua. Từ khi vua Đồng Khánh lên ngôi, việc đi lại trở nên dễ dàng đối với người Pháp, nhất là các cửa đều có lính Pháp đứng canh. Trên tường cao bằng gạch, trong 24 pháo đài, có đặt nhiều súng đại bác bằng đồng thanh hay bằng gang. Một số cửa cao to trên có tháp canh hai tầng cứ tối đến là đóng lại. Vào hoàng thành qua cửa Ngọ Môn, cần phải có giấy phép của nhà vua. Mọi người ra vào phải bước qua cửa hai bên, cửa giữa đến nay chỉ dành cho nhà vua và tướng De Courcy là người Pháp đầu tiên dùng cửa giữa nhân hôm lễ đăng quang vua Đồng Khánh. Hai bên một con đường đầy bóng mát có những ngôi nhà đồ sộ sau những sân lớn là lục bộ, động lực chính của Nam triều, đứng đầu mỗi bộ là một vị thượng thư, giúp việc có những tham tri, thị lang. Vào một lúc, đây là nơi náo nhiệt và sống động nhất của kinh thành với hàng trăm ký lục, bút lông cài trên khăn đóng, tay cắp hồ sơ, xung xăng từ bộ nầy qua bộ khác, hàng ngàn người dân lại ngồi chờ, tìm đón một vị quan có thế lực để xin xỏ, nhờ vả. Tuy vậy, ông Hocquard nhận thấy cách cai trị thời ấy rất đúng lý. Thường những vụ kiện cáo được giải quyết theo hương ước trong làng, nếu không được mới lên huyện hòa giải, có thể bị xử phạt, giam tù ; nếu thuộc hình sự có thể lên đến quan án sát ở tỉnh và nếu là một trọng tội đưa đến tử hình thì phải do bộ tư pháp quyết định. Trên nguyên tắc, tư pháp không phải trả tiền, người khiếu nại được bảo đảm toàn vẹn nhưng trong thật tế, vì lương bổng các vị quan rất có giới hạn nên lương tâm của họ cũng dễ nao núng. Quà cáp cho các vị quan là một chuyện thường tình, nhưng có quà lớn quà nhỏ, con đường tư pháp lại rất dài dòng, phức tạp nên người khiếu nại cũng như kẻ ngồi tù lắm lúc phải đợi rất lâu mới được xét xử. Có khi việc quan trọng phải đưa lên đến Nội các xem xét trước khi đệ trình lên nhà vua. Nhà vua không chỉ phải giải quyết những vấn đề tư pháp. Hầu hết các vua đều có lo việc xây cất trong kinh thành. Bắt đầu từ vua Gia Long, con sông Ngự Hà đã được vua Minh Mạng sửa đổi, cho bắt ngang nhiều cầu như Bác Tế Kiều, Ngự Hà Kiều, cầu Thế Lại,...rồi đến vua Tự Đức cho thêm nhiều miếu điện. Xưa nhất, ngoài một điện thờ vua Gia Long, là một điện thờ vua Minh Mạng rất đẹp mà vua Thiệu Trị đổi tên từ Khánh Ninh Cung ra Hiếu Tư Điện, người Pháp thường gọi lầm chùa Thiệu Tri, rất tiếc nay không còn nữa. Ông Hocquard còn nói đến một thửa ruộng gọi là tịch điền để hằng năm, sau khi cho cày đất, trước mặt đông đủ bá quan, tự tay vua vạch hai luống cày để làm lễ tế đất, chứng tỏ nghề nông là nghề cao quý nhất. Nếu không dự được, vua thường cử hoàng tử kế vị hay một vị quan lớn trong triều thay thế. Ra khỏi kinh thành, gặp một kiệu khiêng một vị quan, ông Hocquard nhận xét ngoài bắc bất cứ quan nào cũng có theo sau nhiều chiếc lọng, ở Huế chỉ những thượng thư hay vương công mới có quyền có một chiếc mà lại khép đóng. Việc ăn uống của vua chúa được một trăm đầu bếp gọi là thượng thiện, mỗi người lo một món với một số tiền chỉ định nên khi đi chợ mua họ không thể trả hàng nhiều hơn, làm những người bán hàng tha oán mà cũng phải chịu. Ngoài những đầu bếp nầy, vua còn có một đội 500 quân gọi là vong tranh để săn những thú lớn, mỗi đội 50 quân gọi là võ bị viên để săn chim chóc, yến hộ để hái tổ chim yến, ngư hộ để bắt cá, hay thượng trà viên để lo trà nước. Theo ông Hocquard, có đến 800 người lo chuyện phục vụ cơm nước cho nhà vua. Ngoài ra, quan chức ở tỉnh còn có nhiệm vụ gởi về kinh đô những đặc sản : cá sấu miền nam, lệ chi miền bắc, gạo nếp vùng Huế,...và không quên giữ lại một phần nhỏ cho mình. Hằng ngày, đến giờ ăn cơm, khi có chuông reo, đầu bếp cho dọn món ăn trong những dĩa nhỏ bằng sành đặt trên một cái mâm sơn, đến lượt những quan hoạn trao các mâm nầy cho những thị nữ để quỳ trình vua. Cơm dọn cho vua phải thật trắng, nguyên vẹn, gạo chọn từng hột một, nồi nấu bằng đầt phải được đập vỡ sau mỗi lần dùng. Vua Tự Đức là người rất tỉ mỉ và sợ sệt : ông chỉ ăn những dĩa đã được ngự y nếm trước vì sợ bị đầu độc. Ông không khi nào dùng đủa bằng ngà như ở những nhà giàu vì cho là nặng mà chỉ dùng đủa tre vứt bỏ từng ngày. Ông uống nước lọc hay rượu trắng ướp sen cùng các cây hương khác. Số lượng cơm mỗi bửa được cân trước, không khi nào ông ăn quá ; nếu ông ăn không hết, lập tức ngự y được mời lại kê đơn thuốc mà ông chỉ dùng khi ông nầy đã uống thử trước. Sau bốn ngày chờ đợi, ông Hocquard được giấy phép cho vào cung cấm. Hướng dẫn viên là cha Hoàng, thông dịch viên của nhà vua. Cha Hoàng là một giáo sĩ công giáo quê gốc Vinh, đã từng được gởi đi học ở Mã Lai và ở Pháp, đã từng làm thông dịch viên cho phái đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp, và cũng là nhân viên các phái đoàn Pháp như năm 1875 ở Huế. Cha Hoàng thay thế cha Thơ, một thông dịch viên được cho là tham lam, xảo quyệt nên tướng De Courcy yêu cầu mời cha Hoàng thay thế. Cha Hoàng có nhiều ảnh hưởng lên vua Đồng Khánh nên quan chức trong triều rất sợ ông và viên toàn quyền Paul Bert, năm 1886, cũng yêu cầu ông thôi việc, đưa về lại giáo khu Yên Hoà, làm vui lòng nhiều người. Trong một ngôi nhà nhỏ, xinh xắn, có trồng hoa, có bể cá, cha sống giữa những đồ đạc quý bằng gỗ đen, chạm trỗ tinh vi, những bức liễn đỏ thép vàng, những bình hương bằng đồng chạm, những chiếc lọng quan, những lưỡi kiếm cán ngà nạm bạc, nhưng không có một chút dấu tích công giáo nào. Người nhỏ con, mắt sáng, răng đen, râu cằm trắng, khăn đóng đen, cha mặc áo dài đen, quần lụa rộng nhưng không phải y phục các giáo sĩ. Cha căn dặn khách : tôi được lệnh của nhà vua mở tất cả cửa cho ông nhưng theo một hành trình chỉ định để khỏi bất ngờ gặp vua hay các bà trong cung ; đằng khác, nhà vua rất tò mò, rất có thể theo dò ông mà không ra mặt. Cha Hoàng đưa ông Hocquard qua cửa Ngọ Môn, vượt Kim Thủy Kiều, Kim Thủy Trì để đạt tới Đại Triều Nghi và Thái Hòa Điện. Ông ngắm nghía những cột đồng chạm trổ hình rồng hư ảo, những thanh ngang nạm sành hình hoa đủ màu, những tượng cọp thép vàng trên bệ xây. Trong điện, những quái vật đầu sư tử tô điểm những mái đua, ngói đốc, vô số hình chạm trổ phủ đầy những hàng cột sơn son thép vàng, những gỗ lát tường xoi lọng từ đất lên đến mái, tất cả bao quanh một ngai vàng sau có trướng rồng thêu, trước chân có hình cọp nằm, trên phủ một tàn lụa vàng thêu màu. Chính ở đây nhà vua tiếp các sứ thần ngoại quốc, bá quan văn vỏ sắp hàng ở ngoài, trên Đại Triều Nghi, theo thứ tự ngôi thứ chỉ định. Hai bên Thái Hòa Điện có hai cửa nhỏ thông qua một sân lát gạch với ba cửa lớn sơn đỏ có hình rồng mở ra Đại Cung Môn là lối vào cấm thành. Sau xa là Cần Chánh Điện. Trong sân có hai tòa nhà. Trước khi bước qua một cửa đỏ, cha Hoàng cổi giày, hạ giọng, bảo khách phải gởi lại máy chụp hình ở ngoài. Vừa thưởng thức dĩa bánh và nước trà vua cho dọn, ông Hocquard nhìn qua cửa sổ thấy một đoàn lính mặc quân phục đỏ, trước có lính mang kiếm, trên có hai lọng vàng che, khiên một hộp đồ cúng đưa vào miếu tổ tiên. Toà thứ nhì, với một bàn giấy trên có nghiên bút, là nơi vua tiếp khách riêng, không long trọng như ở điện kia. Chính ở đây, vua phê những châu bản bằng mực đỏ trước khi sai thị vệ đem đến những bộ hữu quan. Trong sân, những vạc đồng cao bằng con người với hoa văn hình nổi tinh vi có thể là những kiệt tác trong loại. Còn có một toà thứ ba, sau bức rèm thoáng thấy bóng nhà vua. Trong các toà nhà nầy, đi lại nhiều vị quan, hoạn quan, bài ngà lắc lư trên ngực, người giúp việc đủ thứ, ai cũng chân không, khi đi ngang trước cửa nhà vua thì cúi rạp xuống tận đất. Cạnh đấy là Duyệt thị đường, nơi trình diễn những vở kịch do vua hay Nội các viết ra. Ban kịch gồm có những cô khoảng 45 cô gái đẹp do hoàng thái phi tuyển chọn lựa khắp nước, chăm nom và tập luyện. Ông Hocquard còn may mắn được đưa vào viếng cấm thành, nơi ăn ở của nhà vua và gia đình. Những toà nhà hai tầng có cửa sổ và ban công lấp loáng sau một dãy sân và vườn : hai toà dành cho hoàng quý phi và bà thứ phi thứ nhất, những phi tần khác chiếm sáu tòa còn lại, mỗi bà có phòng riêng, ở một mình hay với những người giúp việc. Phi tần của vua Tự Đức rất đông, có đến 104, phẩm trật 9 hàm, mỗi hàm có tên riêng. Lương bổng của họ không bao lăm, nhất là các bà ở hàm thứ chín dưới cùng. Mỗi bà có phép đưa vào một số nữ tỳ, từ ba đến chín, tùy hàm. Một đội 60 bà lớn tuổi phẩm phục theo nghi lễ những phu nhân quan chức, có nhiệm vụ cai quản các nữ tỳ, chi định hằng ngày cô nào vào phục vụ ở đâu. Những bà nầy còn có bổn phận điều khiển một đội 300 nữ công, có phận sự chèo thuyền của vua hay canh gác trước cửa phòng riêng của gia đình vua. Những cô nầy mặc đồng phục, quần, áo, khăn xanh và ở một toà nhà cạnh hậu cung. Riêng nhà vua có 15 nữ công mang kiếm đứng gác ở mỗi cửa và 30 nữ tỳ phục vụ, trong số nầy 5 cô luôn chực sẵn cạnh vua. Nói chung, trong hậu cung có 579 nữ công phục vụ, thêm vào 435 nữ tỳ, tổng cộng 1014 phụ nữ, mọi phí tổn nhà nước chịu. Cung phi được tuyển vào cung thường là con các quan chức hay các nhà giàu muốn hưởng thêm chút vinh dự hay đặc quyền. Một khi vào hậu cung rồi thì các cô nầy hết còn được về nhà, trừ khi bị bệnh không chữa được. Nếu chết thì được kéo dây vượt tường đưa ra khỏi hậu cung chứ không được chở qua cửa. Khi vua băng hà, những cung phi hàm lớn được đưa lên ở cạnh lăng tẩm cùng với những hoạn quan. Những phi tần khác được thả về gia đình nhưng, dù còn trẻ đẹp, không được tái giá với người dân thường. Những vị quan lớn, vì tôn trọng ký ức nhà vua, cũng cấm không được cưới những bà nầy. Gần cung cấm là nhà ở của hoàng thái hậu Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị. Vua Tự Đức rất kính mến mẹ, lại viếng hằng ngày, thường xuyên quà cáp và nghe mọi lời chỉ bảo. Vua Đồng Khánh cũng hết sức tôn kính, lúc nào cũng chỉ nhỏ nhẹ lễ phép trả lời. Bà thích chăm nom các đào hát phục vụ vua, về già trở thành mù, có lúc theo vua lên viếng lăng Tự Đức. Sâu trong cung cấm có Hồ sấu, tương truyền những cá sấu nuôi ở đấy có nhiệm vụ bảo vệ châu báu tích trử ở tòa nhà cạnh bên. Hồi quân của tướng De Courcy vào đây lục lọi thì chỉ tìm ra được một số nhỏ thoi bạc, phần lớn kho tàng có thể đã được đề đốc Bích theo lệnh hai vị đại thần Tường và Thuyết đem dấu nơi khác. Cạnh cung vua là vườn Thượng Uyển có cây to, hồ nhỏ, có những chiếc cầu tí hon nối liền những lối đi khéo vẽ với những cây cong queo lạ lùng. Cứ ba năm một lần vua tổ chức ở đây một hội văn : những tiến sĩ mới đỗ ở các tỉnh được mời lại thi trước mặt vua, sĩ tử trúng tuyển được mời dự tiệc trong bộ áo mũ tương ứng với cấp bậc và còn được cởi ngựa hái hoa. Sau đó, tam sĩ được ghi tên vào bia đá, nhưng bia sẽ bị đập vỡ nếu viên quan phạm một tội lỗi gì đó trong ngành nghề. Ông Hocquard đến Huế đúng vào dịp Tết : giàu, nghèo, quan lại hay dân quê đều nghỉ làm việc, áo quần bảnh bao, ăn uống, vui chơi, không có tiền thì bán đồ đạc, bàn ghế hay vay mượn. Công sở đóng cửa từ ngày 25 tháp chạp cho đến ngày mười một năm mới : mọi việc đều dừng đứng... Thành phố giống như chết nếu không có tiếng pháo và nhạc. Quan lại và thị dân đi lại thăm nhau, trao đổi quà cáp, trẻ con vui nhận tiền biếu trong phong bì màu đỏ, màu của vui sướng. Trước nhà, những cây nêu hướng dẫn linh hồn tổ tiên về với gia đình, trên thềm những hình vẽ cung tên ngăn chận quỷ quái. Ngoài sân, hoa giấy treo trên thành giếng và thầy bói được mời đến múc nước, xem nặng nhẹ để tiên lượng tương lai trong năm. Trong thành nội cũng rộn rip quan chức lại chúc Tết nhà vua. Lính Tây, lính ta, súng ống đầy đủ, được huy động sắp hàng từ Ngọ Môn đến Đại Triều Nghi. Màu trắng những mũ lễ phục quân binh Pháp gây vấn đề với bộ lễ vì màu trắng là màu tang, điềm xấu ngày Tết, nhưng tướng Pháp không chịu nhượng bộ. Trên Đại Triều Nghi, quan chức đều mặc đại triều, bào dài tay rộng, trên lưng cánh diều, ủng đen đế dày, ngang lưng đai màu, trong tay hốt ngà, quan văn bên trái, quan võ bên mặt. Trước các quan chức, ngay trong điện, những hoàng thân mặc áo đỏ thêu. Hai bên điện, cạnh những lính cầm lọng là những nhạc công đồng phục toàn đỏ. Khi tiếng nhạc và tiếng hô từ xa vang lại, đồng thời với hương thơm bay thoảng, đấy là lúc nhà vua đến, giữa một đoàn rước, dưới bốn cái lọng, áo lụa vàng thêu, đầu đợi mũ miện, ngực mang kinh khánh, tay cầm hốt ngà. Vua Đồng Khánh, vừa mới ngồi xuống trên ngai là kèn lệnh Pháp nổi dậy, tướng Prudhomme đi truớc các sĩ quan và đại diện chính quyền bảo hộ, tiến đến Đại Triều Nghi. Vua Đồng Khánh xuống ngai đón tiếp. Sau lời chúc tụng và cám ơn, tất cả quan khách Pháp rút lui. Đến lượt các hoàng thân và quan chức trong triều phủ phục ba lần, trán xuống sát đất, cất lời chúc tụng mà ông Hocquard nghe như tiếng hát trong nhà thờ. Ông rất cảm kích thấy nhà vua, trông còn rất trẻ, thùng thình trong bộ triều phục vàng chói, thản nhiên như một bức tượng trước đám quan chức áo quần rực rỡ, quỳ khấn như trước đức chúa Trời, một cảnh tượng khó quên. Chiều hôm đó, theo một đoàn rước khoảng một ngàn quan chức, nhà vua đi dạo khắp các nẻo đường trong thành phố. Thường các nhà vua ít nhất mỗi năm một lần ra mặt dân chúng, nhưng từ khi quân Pháp chiếm đóng đất nước, vua Tự Đức ủ ê, buồn rầu, chỉ ra khỏi cung cấm bằng thuyền hay trong kiệu đóng kín. Nhà vua không quên dừng qua nhà Thượng Bạc để chào viên tướng Pháp cùng các nhà cộng sự và chia sẻ bánh trái với họ. Ông Hocquard còn được may mắn hơn khi ông và ông Roullet được nhà vua tiếp kiến. Vua Đồng Khánh là một vị quân vương làm việc nhiều. Ông dậy lúc 5 giờ sáng, hầu như suốt ngày ngồi đọc tất cả những báo cáo từ các bộ và các tỉnh gởi lại. Khi nào mệt, ông nhờ những bà phi có học vấn đọc những hồ sơ chính thức, trừ những công hàm mật. Những ngày lẻ, vua tiếp kiến những vị quan cần gặp. Những vị lớn, từ hàm tam phẩm trở lên, phải thay nhau ngồi trực hằng ngày ở hai nhà tả vu hay hữu vu đợi chờ lệnh của vua do hoạn quan đem đến. Nhà vua tiếp đón ân cần hai vị khách Pháp, bắt tay theo lối xã giao Tây phương. Ngài muốn xem những hình đã chụp. Roullet đề nghị vẻ chân dung của nhà vua, ngài đồng ý nhưng phải vẽ với triều phục. Họa sỉ bảo thật khó vẽ vì nhà vua không chịu ngồi yên, luôn muốn đúng dậy xem bức tranh. Đằng khác, sau bức rèm thấp thoáng những cặp mắt tò mò và những tiếng cười ỉm dập làm đảng trí nghệ sĩ. Rút cuộc, bức vẽ không xong và Roullet vẽ tiếp ở toà công sứ theo hình đã chụp. Ông Hocquard cũng được được lên ngựa đi xem đàn Nam giao và những lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Nam Giao là nơi mỗi năm vào tháng hai, vua và triều đình lại long trọng làm lễ tế Trời. Ngày hôm trước vua phải nhịn ăn. Đúng vào nửa đêm, buỗi lễ bắt đầu : một con trâu được hiến sinh trước khi vua và quan chức quỳ lạy năm lần và nhiều tấm lụa đủ màu được đốt cháy. Vì lúc trước quân Tây Sơn cho đào mã thân phụ vua Gia Long và vứt vào sông, bây giờ theo thường lệ không ai biết các nhà vua được chôn ở đâu. Ở lăng Tự Đức, nhiều toà nhà rộng rãi và trang hoàn đẹp đẽ dành cho các thứ phi và hoạn quan. Một tòa dùng làm viện bảo tàng chứa đựng cái giường, nghiên, bút, sách vở của nhà vua, đặc biệt một cuốn vở với những tờ bằng vàng ghi chép những thành tích vẻ vang nhất của triều đại. Trên đuờng về, ông ghé viếng chùa Thiên Mụ quanh tháp Phước Duyên mà người Pháp gọi là tháp Khổng Tử. Hai
ông Hocquard và Roullet rời Huế đầu tháng tư 1886. Chỉ ở
Huế không đầy 4 tháng mà ông bác sĩ đã thấy được nhiều,
biết được rộng, nhờ những giải thích của cácvị quan.
Luôn luôn nhận xét, tìm hiểu, ông Hocquard không ngừng phân
tích những sự kiện và để lại cho chúng ta một thiên phóng
sự vừa thú vị vừa bổ ích.
|
|
|
[
trang trước ] / [
trang
sau ]
|