Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập V : Huế qua trang sử 

Võ Quang Yến

***

42- CẦU GIẤY TRONG MỘT KHÚC SỬ VIỆT NAM

Tay đã cầm bút lại cầm binh
Muôn dặm giang sơn nặng một minh
Thờ chúa, chúa lo, lo với chúa
Giữ thành, thành mất, mất theo thành

Trích bài thơđiếu Hoàng Diệu
của Phó bảng Nguyễn Trọng Tỉnh

Trên một nhánh nhỏ con sông Tô Lịch ngày xưa, phía tây thành Hà Nội, ngoài cửa ô Tây Dương, có một chiếc cầu gạch cổ kính. Gần cầu có một cái chợ chuyên bán giấy làm ở làng Hạ Yên còn gọi là làng Cót. Vì vậy cầu mang tên là Cầu Giấy. Sách Pháp dịch nguyên văn : Pont de Papier (không có nghĩa là chiếc cầu bằng giấy !). Chiếc cầu nầy chẳng có gì đặc sắc nếu không là nơi hai sĩ quan Pháp bị quân Cờ Đen hạ sát buổi ban đầu thời kỳ chinh phục Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19 : trung úy hải quân Francis Garnier (21.12.1873) và mười năm sau, thiếu tá Henri Rivière (19.05.1883).

Sinh ngày 25.07.1839 ở Saint-Etienne, vào học truờng hải quân năm 1855, Francis Garnier là một bộ mặt hấp dẫn nhất trong thời kỳ Pháp đánh chiếm Đông Dương. Lúc trẻ bạn bè thường gọi ông là "cô Bonaparte" vì ông có thân hình mảnh khảnh mà đầu óc đầy tư tưởng rộng lớn. Lần lượt ông theo đô đốc Charner tấn công Chí Hòa, được bổ nhậm thanh tra sự vụ bản xứ trong ban quản trị Chợ Lớn, rồi cộng tác với đại tá hải quân Doudart de Lagrée trong Phái đoàn Khám phá sông Mekong. Ở Thượng Hải, ông nghiên cứu cuộc giao thông trên sông Dương Tử và con đuờng lên Tây Tạng. Tháng mười 1873 ông được đô đốc Dupré triệu về Sài Gòn vì "công việc quan trọng", để phái đi Bắc Kỳ giải quyết cuộc thương lượng giữa nhà buôn Jean Dupuis và các nhà chức trách địa phương. Sinh ngày 12 tháng bảy 1827, vào học trường hải quân năm 1845, Henri Rivière phục vụ trong hải quân trên nhiều tàu khắp các biển Nam Mỹ, Địa Trung Hải, dự các cuộc chiến Pháp-Áo (1859), Pháp-Đức (1870), lần lượt từ chuẩn úy lên đại úy Capitaine de frégate, phong Capitaine de vaisseau, đầu năm 1881 được gởi qua Sài Gòn chỉ huy hải quân Nam Kỳ. Là một quân binh ham thích văn thơ, ông cũng là một nhà báo viết cho các tờ La Liberté (Tự Do), Revue des deux Mondes (Tạp chí Hai Thế giới), hy vọng hoàn thành một kiệt tác để nuôi mộng được nhận vào viện Hàn lâm. Cuối năm 1881, ông được phái đi Hà Nội cũng để giải quyết quan hệ giữa những nhà buôn Pháp với các nhà chức trách địa phương. Cả hai vị sĩ quan Francis Garnier và Henri Rivière đều thiệt mạng cùng chỗ, cách nhau mười năm, trong cùng nhiệm vụ.

Đi đôi với cặp sĩ quan nầy còn có một nhân vật thứ ba, chỉ là một lái buôn mạo hiểm nhưng mọi chuyện bắt đầu từ ông ta : Jean Dupuis (1829-1912). Sinh tại Saint-Just-la-Pendue cạnh Roannes (tỉnh Loire), ông bắt đầu hành nghề ở Ai cập, sau đó theo một cuộc viễn chinh qua Trung Quốc đồng thời với Trung úy Francis Garnier. Ông định cư ở Hán Khẩu và được Kinh lược Vân Nam đặt mua một số khí giới. Sau chuyến đi khám phá Mekong trở về Hán Khẩu, Francis Garnier gặp lại Jean Dupuis và khuyên ông nầy, muốn chở hàng hoá, cần phải tìm cách ngược dòng sông Hồng vào Trung Quốc. Đằng khác, Jean Dupuis cũng muốn tìm cách giao thông dễ dàng giữa miền tây nam Trung Quốc với Biển Đông, đặc biệt vịnh Bắc Kỳ. Ông giải thích cho các nhà cầm quyền Vân Nam tất cả những mối lợi của con đường nầy và nhất là thành công thuyết phục được họ làm môi giới với những nhà cầm quyền An Nam để tổ chức một chuyến đi rất nguy hiểm luôn phải đương đầu với những đảng cướp ngoài biển cũng như trên sông. Mặc dầu có sự bất hợp tác bên phía An Nam, năm 1871, ông thành công đi về giữa Hà Nội và Vân Nam, chứng minh sông Hồng là một con đường giao thông thuận lợi. Ông liền về Pháp mua 7000 khẩu súng, 30 khẩu đại bác, đem về Hồng Kông trang bị hai pháo hạm nhỏ, một tàu sà lúp và một chiếc thuyền mành, tiến vào sông Hồng và ngày 20 tháng hai 1873 đạt đến biên thùy Vân Nam. Sau khi trao hàng, ông cho chở về Hà Nội một số hàng thiếc. Những nhà chức trách Bắc Kỳ đến nay chỉ cấm nhân dân giúp các người Pháp, gây ít nhiều khó khăn hành chánh, nay thấy Jean Dupuis quá tự tiện sử dụng sông Hồng không một lời xin phép, liền cho bắt giam tên tay buôn quá quắt nầy. Từ Sài Gòn, đô đốc Dupré liền phái Francis Garnier ra thương lượng ở Hà Nội thời ấy còn mang tên Đông Kinh, người Pháp phiên âm ra Tongking rồi Tonkin.

Sau khi oanh tạc Đà Nẵng tức Tourane (Tour Han) năm1858, chiếm đóng Sài Gòn một năm sau, rồi chinh phục luôn ba tỉnh miền Tây (Đồng Nai, Gia Định, Vĩnh Tường). Pháp lăm le hướng mắt về miền bắc Việt Nam và vùng nam Trung Quốc quanh Vân Nam. Phái đoàn Khám phá sông Mekong của đại tá hải quân Doudart de Lagrée (1823-1868) năm 1866 nhắm mục đích tìm đường bắc tiến, xác nhận sông nầy ghềnh thác quá nhiều không đi lại được, Pháp nghĩ đến sông Hồng mà Jean Dupuis đã sử dụng. Khi ông nầy kêu cứu, soái phú Nam Kỳ Dupré chộp ngay dịp hiếm, lấy cớ bảo vệ một người đồng bào để xâm nhập miền bắc. Francis Garnier chính là người có đúng khả năng để làm nhiệm vụ nầy. Từ chối một đội quân 400 người do đô đốc Dupré cung cấp, ông chỉ huy 15 thủy thủ và 30 thủy lục quân ra Hà Nội, tại chỗ được đức Giám mục Puginier (1832-1892) và hệ thống những giáo sĩ công giáo giúp sức. Ngày 21 tháng mười một 1873, trước những địch quân bất ngờ, không phòng bị kỹ, thiếu khí giới tối tân, ông chiếm đóng dễ dàng Hà Nội và không đắn đo đóng binh ngay ở Trường Thi trong thành. Bắc kỳ Khâm mạng Tuyên sát Đổng sức Đại thần Nguyễn Tri Phương (1800-1873), một vị tướng có bản lãnh, có nhiệm vụ giữ thành, bị trọng thương, phò mả Nguyễn Lâm con ông tử trận. Francis Garnier đưa vị tướng xuống tàu chở vào nam. Ông không chịu để buộc thuốc, nhất quyết tuyệt thực để tử tiết, từ trần một tháng sau, thọ 73 tuổi, nêu một tấm gương trung liệt hiếm có. Francis Garnier thừa cơ tuyên bố sông Hồng hoàn toàn mở cửa, tự do đi lại, rồi với một nhóm quân binh, lần lượt đi đánh chiếm Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định.

Trước một chiến trận lanh chóng, ông tin tưởng ở một cuộc chinh phục dễ dàng. Nhưng ông lầm. Nghệ thuật chiến tranh không chỉ giới hạn trong kỹ thuật. Chiếm đóng một vài địa điểm không phải là chế ngự một vùng ! Và ông cũng chẳng có thì giờ để chiêm nghiệm thế trận ! Trong suốt vùng biên giới Việt Trung, từ lâu quân Việt sống chung đụng với những đám Cờ Đen là những tàn quân Thái Bình Thiên Quốc sau cuộc nổi dậy thất bại 1864 ở Nam Kinh chạy qua trốn. Dưới quyền điều khiển của chủ tướng Lưu Vĩnh Phúc (1837-1917) được Tiết chế Bắc kỳ Quân vụ Đại thần Hoàng Kế Viêm (1820-1909) thu dụng, những quân nầy được triều Nguyễn dùng, trước để dẹp loạn những bộ lạc miền núi, tiêu diệt những đám giặc cỏ, bây giờ để chống lại quân Pháp. Nghe quân Cờ Đen bao vây Hà Nội, Francis Garnier vội trở về tổ chức cách chống đở. Ngày 21 tháng mười hai 1873, trong lúc đang họp bàn với Jean Dupuis và đức Giám mục Puginier, lính canh báo có quân Cờ Đen, ông liền chạy đuổi bắt với một toán 12 quân binh. Thấy có lũy tre che mắt, ông liền chia toán ra ba nhóm, mỗi nhóm bốn người, chạy theo ba hướng, ông theo nhóm giữa. Đến trước cái đập chạy dọc sông Tô Lịch, ông kiếm cách trèo, mắt luôn hướng lên trên, không thấy một cái hố bên cạnh và té xuống. Chính ở đây một toán quân Cờ Đen ngồi rình. Ông chưa kịp đứng dậy thì bị những mủi lao đâm vào. Ông bắn tất cả đạn vào quân địch nhưng không có thì giờ lắp đạn. Ông kêu to : "A moi, les braves. Nous les batterons" (Lại với tôi, những người lính dũng cảm của tôi. Chúng ta sẽ đánh thắng chúng nó). Một người lính trong nhóm bị trúng đạn, ba người hoảng sợ chạy về thành. Hai nhóm kia ở xa lúc ban đầu không hay biết gì cả. Khi nghe tiếng súng, trung sĩ Champion chạy lại thì thấy cơ thể Francis Garnier mất đầu : quân Cờ Đen đã có thì giờ chém cắt mang đi. Trung úy hải quân Balny d'Avricourt điều khiển một nhóm quân binh khác chạy tiếp viện cũng bị bắn chết cùng với một quân binh. Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có bài văn tế tốn tiễn Francis Garnier bắt đầu và chấm dứt với những câu : Than ôi ! Mộtphút sa cơ ra người thiên cổ. Nhớ ông xưa, Ông ở bên Tây, ông sang bảo hộ...Ới ông Ngac Nhi ơi ! Nói ra càng thêm khổ !

Tạm chôn ở Hà Nội, thi hài Francis Garnier đưa về Sài Gòn năm 1875 và hơn một thế kỷ sau, năm 1987, tro hỏa táng mới được đem về Pháp, đặt trong chân tượng ở quảng trường Camille Julian, Paris quận 6. Đô đốc Dupré, Toàn quyền ba tỉnh miền nam, nguời khởi xuớng chính sách can thiệp vào Bắc Kỳ và cũng là người đã phái Francis Garnier ra Hà Nội, cảm kích thành tích của vị sĩ quan và các đồng đội, đề nghị truy tặng tăng chức, đồng thời phụ cấp cho một gia đình liệt sĩ nghèo bỏ thân vì nước nhưng chính phủ Pháp từ chối. Cư xử không thừa nhận công trạng của Francis Garnier nói lên mâu thuẩn trong đường lối chính trị Pháp giữa một cuộc bành trướng rộng lớn và một cuộc phiêu lưu xa lạ. Thật vậy, ngay trước vụ Francis Garnier, nhiều cuộc nổi loạn chống Pháp, chống Công giáo khắp đồng bằng Bắc Kỳ làm Đô đốc Dupré sợ hãi. Ông liền phái trung úy hải quân Paul Philastre (1837-1902), một nhà ngoại giao đã từng cùng làm thanh tra sự vụ bản xứ ở Chợ Lớn với Francis Garnier, nhưng ít đồng ý với cuộc chinh phục, ra bắc thay thế. Đến Hà Nội một ngày trước khi Francis Garnier bị giết, ông tổ chức các thành phố nhắm đuờng rút quân lui : Ninh Bình và Nam Định (ngày 5 tháng giêng 1874), Hà Nội (ngày 6 tháng hai 1874), đồng thời ra lệnh tịch thu thuyền bè và trục xuất Jean Dupuis. Chính ông cũng rời Hà Nội ngày 12 cùng tháng với những đội quân cuối cùng, để lại những quan chức thân Pháp hết còn được bảo vệ, cùng với vài vạn tín đồ công giáo bị thiệt mạng chỉ vì tin tưởng ở quân đội viễn chinh Pháp. Về đến Sài Gòn, ông soạn và ký với Đại thần Phụ chính Nguyễn Văn Tường (1824-1886) ngày 6 tháng hai 1874 hòa ước Giáp Tuất trong ấy chính quyền Pháp từ bỏ cuộc chinh phục miền bắc, Đế quốc An Nam cho phép tự do truyền đạo, mở cửa Hà Nội, Hải Phòng, Qui Nhơn, công nhận chủ quyền Pháp lên ba tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên, Châu Đốc cùng với ba tỉnh miền Tây (Đồng Nai, Gia Định, Vĩnh Tường) làm thành xứ thuộc địa Cochinchine (Cochin cạnh Trung Quốc, để khỏi lầm với Cochin ở Kerala bên Ấn Độ).

Tuy nhiên nếu trong nam tổ chức hành chánh suôn sẻ, ngoài bắc sự việc không giản dị. Với chính quyền địa phương, mặc dầu đã có ký những quy ước, thỏa thuận đủ loại chẳng hạn để cấp đất đai xây lãnh sự quán, chỗ ở cho quân binh đúng vào nơi Trường Thi phải thương lượng... Viên lãnh sự không thể làm bất cứ gì cũng được. Trạm thuế quan dựng lên trên sông Hồng chẳng thu được gì vì chính quyền địa phương đã thu trước. Dù sao chẳng có mấy hàng hóa vì những hàng sản xuất nhiều như gạo, lụa,...không được phép xuất cảng. Trong khi ấy, ở Paris, chính phủ Albert de Broglie (1821-1901) không muốn ủng hộ cuộc chinh phục xa xăm, tốn kém. Phải đợi đến năm 1877, nhiều nhà chính trị như Jules Ferry (1832-1893) nuôi mộng xâm chiếm những không gian rộng lớn để du nhập một nền văn minh hiện đại, lấy kế hoạch thuộc địa làm lý tưởng cần thiết cho những nước Âu châu đồng thời nâng cao uy tín của nước Pháp. Trong mắt họ, Bắc Kỳ không chỉ còn là nơi làm bàn đạp để tiến vào Vân Nam mà trở thành một mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu, đồng bằng trồng trọt ngũ cốc, núi non cống hiến nhựa gỗ, bên cạnh biết bao hầm mỏ than đá, kim loại,...Tháng bảy 1881, quốc hội Pháp bỏ phiếu tăng gia ngân quỷ chiến tranh, tháng ba 1882 cho phép viên toàn quyền miền nam gởi quân ra bắc. Chỉ huy một toán 700 quân binh trên bốn pháo hạm nhỏ, đại úy hải quân Henri Rivière đánh chiếm Hà Nội ngày 25 tháng tư 1882 sau khi tối hậu thư đòi giải binh không đuợc thi hành. Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) Hoàng Diệu (1828-1882) đốc quân chống giữ anh dũng nhưng chỉ cầm cự được hai tiếng đồng hồ, trong tình thế tuyệt vọng ông ra lệnh tướng sĩ giải tán để tránh thương vong. Còn lại một mình, ông chạy lên hành cung, cắn ngón tay lấy máu thảo tờ di biểu tạ tội dâng vua, lạy vọng về Triều rồi ra trước võ miếu theo gương Nguyễn Tri Phương dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử.

Nhân dân thương tiếc, khâm phục, đưa thờ ông cùng với Nguyễn Tri Phương trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa, có câu đối

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên
(Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh)
Một năm sau chiếm thành Hà Nội, tháng ba 1883, Henri Rivière nối gót Francis Garnier trước kia đi đánh chiếm Nam Định nhưng qua tháng năm có tin quân Cờ Đen lại vây hảm Hà Nội. Ngày 19, để chặn đường địch quân; ông tổ chức một cuộc hành quân tiến vào phủ Hoài Đức, gồm có sáu đại đội thủy bộ binh 500 người, chia làm ba nhóm. Nhờ trọng pháo yểm trợ, nhóm của Henri Rivière và thiếu úy thủy quân de Marolles thành công tiến vào được ngôi chợ gần Cầu Giấy. Nhóm của tiểu đội trưởng Berthe de Villiers và đại úy hải quân Puech đi thẳng vào chiếm cầu rồi kiểm soát các làng Tiên Đồng, Yên Khê bên trái Cầu Giấy là nơi có nhiều lũy tre dày đặc, quân Cờ Đen đã mai phục sẵn bắn vào. Quân Cờ Đen ở làng Trung Tường bị nhóm của trung úy Pelletier de Ravinières đánh phải rút lui, quay qua tăng cường nhóm ở Yên Khê, chặn đường rút lui của quân Pháp. Bị phục kích, quân Pháp rối loạn bị bắn chết rất nhiều, Berthe de Villiers (1844-1883) bị thương nặng, mấy ngày sau thì chết. Henri Rivière và de Marolles liền rút quân về Cầu Giấy hổ trợ. Rủi vào lúc ấy một khẩu pháo rơi vào tay quân Cờ Đen sau khi toàn bộ nhóm pháo thủ bị hạ sát, Henri Rivière dẫn một toán quân nhảy ra để chiếm lại. Trong khi cùng một sĩ quan hì hục di chuyển khẩu pháo để đặt vào một địa thế thuận lợi thì bị một phát đạn trúng ngay giữa trán, quỵ xuống chết ngay. Quân Cờ Đen dành nhau cắt đầu đem đi. Rất có thể giá trị mỗi cái đầu khi lảnh thưởng tỷ lệ với chức vị người chết. Quân Pháp rút lui, đem theo những người bị thương; trong số ấy có phó đô đốc de Marolles, sĩ quan tùy tùng Clerc, và những xác trung úy Jacquin, thiếu úy Hérald Brisis, chuẩn úy Moulun,...Trong trận Cầu Giấy nầy, Pháp bị thiệt hại nhiều : khoảng 50 người chết, 70 bị thương. Thi hài Henri Rivière trước được chôn ở Hà Nội, sau đưa về nghĩa trang Montmartre ở Paris. Cái tượng bán thân bằng đồng đặt trên mộ nay được tháo đem tích trử trong kho bảo quản di tích.

Cái chết của Henri Rivière, những cuộc nổi loạn liên tiếp ở Bắc kỳ không làm nao núng tham vọng chính trị của Jules Ferry và ngày 26 tháng năm 1883 Quốc hôi Pháp biểu quyết ngân sách năm triệu phật lăng đồng thời phái tướng Bouët và đô đốc Courbet điểu khiển một đội quân sang Bắc kỳ "tố chức một nền bảo hộ", bổ nhậm bác sĩ Harmand làm toàn quyền phối hợp các hoạt động quân sự và dân sự. Đúng vào lúc nầy, vua Tự Đức từ trần (19 tháng bảy 1883) không con thừa tự, mọi quyền hành nằm trong tay các vị đại thần Nguyễn Trung Hiệp chủ hòa, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ chiến với Pháp, nhất định kháng chiến đến cùng. Nhưng vì họ bất đồng ý kiến, phát sinh một cuộc đấu tranh thế lưc dẫn đến một cuộc khủng khoảng trong vương triều. Trong vòng bốn tháng, ba vị vua nối tiếp nhau trên ngai vàng ở Huế : Dục Đức (20-23 tháng bảy, chết trong ngục), Hiệp Hòa (30 tháng bảy - 30 tháng mười một, bị ép uống thuốc độc), Kiến Phúc (30 tháng mười một 1883 - 31 tháng bảy 1884, bị ép uống thuốc độc). Một câu đối nói lên tình trạng biến động nầy :

Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết, Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường. (Một sông hai nước lời khôn nói, Bốn tháng ba vua triệu bất tường) Tiếp theo, vua Hàm Nghi (2 tháng tám 1884 - 5 tháng bảy 1885) phát cờ Cần Vương chống Pháp và bị bắt đi đày...Lợi dụng cuộc rối loạn nầy, Pháp oanh tạc Đà Nẵng, buộc triều đình ký hiệp ước Harmand ngày 25 tháng tám 1883, đặt nền bảo hộ lên Bắc Kỳ. Một năm sau, hiệp ước Patenôtre ký ngày 6 tháng sáu 1884 bổ sung thêm Trung Kỳ, cùng với thuộc địa Nam Kỳ rút Đại Nam ra khỏi biên cương thống trị Trung Quốc và đặt toàn cõi dưới quyền đô hộ của Pháp, chỉ chấm dứt năm 1945.

Hai vị sĩ quan tử trận trên chiếc Cầu Giấy nhỏ bằng gạch không có gì đặc sắc cạnh Hà Nội đánh dấu bước đầu cuộc chinh phục Bắc Kỳ và cũng là khai trương cho cuộc đô hộ Pháp trên bán đảo Đông Dương trong hơn sáu mươi năm. Bên phía ta, tên tuổi hai vị tướng để lại một tấm gương trung nghĩa sáng chói, một sự hy sinh lẫm liệt được danh sĩ Nguyễn Văn Giai ca ngợi trong bài "Hà thành thất thủ chính khí ca", những câu đầu cảm khái và bi tráng tôn vinh Tổng đốc Hoàng Diệu.

...Một cơn gió thảm mưa sầu,
Đốt nung gan sắt, giãi dầu lòng son,
Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao biển rộng đất dày,
Non Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi! ...
Xô thành những ngày chuẩn bị Tết
Nhâm Thìn-2012
Huế Xưa và Nay102 2012
Tham khảo

- Những thư từ, bài viết của Francis Garnier, Henri Rivière, Amiral de Marolles, Amiral Dupré, Jean Dupuis trong Histoire de l'Indochine, La Conquête 1624-1885 par Philippe Héduy, SPL Henri Vernier, Paris 1983

- Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard 2001

- Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Indochine, la colonisation ambiguë 1858-1954, Editions la découverte, Paris 1995


  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]