Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập III : Huế từ phương xa 

Võ Quang Yến

***

20- TỪ EDO PHỐ XƯA VỌNG VỀ PHÚ XUÂN THÀNH CŨ

Năm 1945, sau ngày đảo chánh mồng 9 tháng 3, đồng thời với chiến dịch chính trị, quân sự, Nhật Bản phát triển mặt trận văn hóa, gởi qua Việt Nam nào sách báo, nào nhạc sư, họa sĩ... Ở Huế, tình cờ lọt vào tay tôi một bưu ảnh bố trí ngọn núi Fuji (Phú Sĩ) với đỉnh tuyết trắng xóa nổi bật trên nền trời xanh thẳm, thấp thoáng sau những cành đào hoa thắm mùa xuân. Từ ấy, tôi nuôi mộng có ngày được tận mắt trông ngọn núi thi vị kia như đã từng mơ ước tháp Eiffel, Vạn lý Trường thành hay các Kim Tư tháp. Mãi hơn năm mươi năm sau, khi tóc đã bạc đầu, tôi mới thỏa nguyện được ước vọng của mình. Nhưng qua Nhật năm nay, trời đã qua thu mà lá vàng đỏ của các cây thích thất hẹn, đỉnh núi cũng hết còn phủ tuyết thông thường được cho là thiên thu. Hơn nữa, mây mù bao phủ, Fuji như cô gái thất thường, khi ẩn, khi hiện, phải kiên nhẫn chờ đợi mới mong có dịp chiêm ngưỡng dung nhan.

Thật ra, ngọn núi Fuji tuy là biểu trưng cho đất nước Phù Tang, cũng chỉ là một ngọn núi lửa đã tắt lâu ngày, sau mười tám lần phun thạch, với hai sườn núi bằng thẳng, cân đối đặc sắc của những lớp dung nham. Chiếm một chân đáy đường kính 40km, cao 37770m, nó chẳng lớn hơn bao lăm ngọn Fansipan của ta (3142m) nhưng theo tiếng cổ dân tộc ainu, Fuji tượng trưng thần lửa, thần bếp thiêng liêng, thần bí, từ đấy gây cảm hứng cho biết bao thi sĩ, họa sĩ và tên núi được truyền tụng khắp nơi. Ở Nhật Bản, người ta không nói Fuji yama (núi Phú Sĩ) mà Fuji san (san sơn theo chữ Hán mà cũng là tên gọi trân trọng) vì núi được cung tiến cho nữ thần Konohana Sakuya Hime. Năm 1907, lúc núi phun thạch lần cuối, tro bụi phủ ngập cả đến Tokyo (Đông Kinh) cách xa 100km.

Ngày nay kinh đô "xứ mặt trời mọc" là Tokyo nhưng nhiều người Nhật luôn còn nghĩ đến Kyoto, tương tự như khi vua Gia Long đóng đô ở Huế, nhiều người Việt vẫn còn coi Thăng Long là thủ đô. Nhân tìm biết Tokyo qua sách, báo, sau mấy giờ trầm tư trong viện Bảo tàng Edo - Tokyo, tôi không khỏi ngạc nhiên phát giác một cuộc trùng hợp mà có lẽ các sử gia thành thạo đã thấy rồi?: vào lúc Tiên vương Nguyễn Hoàng từ Thăng Long trốn vào Thuận Hóa, xây dựng chùa Thiên Mụ (1601) khởi đầu một cơ sở văn hóa Phú Xuân làm nền tảng cho thành phố Huế, thì cũng là lúc Edo từ một làng hẻo lánh được chọn làm phủ chúa để sau nầy trở thành kinh đô Tokyo.

Năm 1590, khi shogun (tướng quân, tương đương với các chúa bên ta) Toyotomi Hideyoshi bổ nhiệm Tokugawa Ieyasu làm thống đốc Kanto, ông chọn một lâu đài xưa cũ ở làng Edo làm nơi cư ngụ. Vào lúc Hideyoshi qua đời, Ieyasu đã cai quản một vùng rộng lớn miền Trung Nhật Bản và, sau trận thắng lớn các lực lượng phong kiến ở Sekigahara, đến lượt ông lên làm shogun (1600). Từ nay phủ chúa không rời khỏi Edo. Hơn nữa, để khẳng định uy quyền chính trị, các shogun dòng Tokugawa buộc những daymio (lãnh chúa các vùng) cứ hai năm phải sống một ở Edo, để gia đình ở đấy làm con tin, thành thử nhiều khu nhà sang trọng, biệt thự khang trang dần dần mọc lên như nấm. Con đường Tokaido nối liền Kyoto và Edo dập dìu tấp nập những daymio cùng gia đình và những quân binh hộ vệ samourai trở nên nổi tiếng. Tiền của các lãnh chúa tiêu hoang bao nhiêu thì Edo càng lớn lên bấy nhiêu, những thương gia càng giàu thêm thì tiểu công nghệ càng phát triển, các nghệ nhân càng được ưu đãi, mặc sức sáng tác, chế tạo,... Đủ mọi mặt, Edo mau bành trướng, mở rộng, mặc dầu những cuộc động đất, hỏa hoạn làm tổn hại rất nhiều, và qua năm 1840 trở thành thành phố thứ hai trên thế giới với 500.000 dân, chỉ đứng sau London, vượt quá kinh đô đế vương Kyoto.

Diễn biến phát triển phủ chúa Edo tiếp tục cho đến năm 1868, vua Mutsuhito, tức Meiji (Minh Trị thiên hoàng) quyết định dời triều đình từ Kyoto về Edo và đổi tên Edo thành Tokyo. Vào thời điểm nầy, lịch sử lại dành cho ta một cuộc trùng hợp khác?: trong khi hải quân Pháp oanh tạc Đà Nẵng từ chiến hạm Catinat năm 1856 để rồi sau đó gởi phái bộ Montigny đến Huế không đòi được tự do truyền giáo, thương mại và De Genouilly chiếm đóng Đà Nẵng năm 1858, một hạm đội Mỹ dưới quyền chỉ huy của đô đốc Perry tháng bảy 1853 tiến vào vịnh Tokyo yêu cầu thiết lập thương mại giữa hai nước. Hai cuộc xâm nhập lãnh thổ cùng thời nầy của hai cường Tây phương khởi đầu kỷ nguyên mới cho Việt Nam và Nhật Bản, hai nước độc nhất ở Á Đông đã thành công đương đầu chống lại được quân xâm lăng Mông Cổ vào thế kỷ 13. Tiếc thay thành quả không giống nhau như mấy trăm năm trước?!

Khi hạm đội Hoa Kỳ rút lui về Okinawa, hẹn năm sau trở lại tiếp nhận phúc đáp của shogun, cả Edo vô cùng bối rối, thái độ của phủ chúa không tránh được một cuộc khủng hoảng nội bộ. Hồi ấy, một đằng chính phủ các shogun Tokugawa càng ngày càng yếu, lại nhất định tiếp tục chính sách bế quan tỏa cảng bắt đầu từ nhiều thế hệ, đằng khác các súng ca nông khổng lồ, dữ dằn trên các tàu chiến chạy bằng hơi có sức mạnh đi ngược chiều gió, đặt Edo trước một tình thế lưỡng nan. Lần đầu, sau sáu thế kỷ độc quyền quân sự, shogun mất uy tín khi lại hỏi ý kiến nhà vua?: Kyoto không ý thức mối nguy cơ ngoại bang, nhất định từ chối mở cửa. Nhưng Edo thì không đủ sức chống chọi, buộc lòng phải ký kết một thỏa hiệp với Hoa Kỳ , mở đường sau nầy cho một số hiệp ước khác với Anh, Nga, Hoà Lan. Lo sợ Nhật Bản rồi sẽ bị cắt xé như Trung Hoa và nhiều nước Đông Nam Á khác, nhiều giới lãnh đạo hợp lực lật đổ shogun, phục hưng chính quyền quân chủ.

Cuộc "cách mạng Meiji" không đổ máu và không chút thiệt hại của cải vật chất đặc biệt nầy không phải khởi xướng từ bên dưới mà là do những cấp thấp quý tộc cũ thúc xúi với một chương trình cải cách độc đáo lúc bấy giờ?: không chống nổi phương Tây thì Tây hóa đất nước, phát triển kinh tế, quân sự theo các khẩu hiệu "một quốc gia giàu và một quân đội mạnh" hay " tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật Tây phương". Một chính phủ dân chủ hóa, tuy giới hạn vì quyền bính còn nằm trong tay nhà vua, đã giúp hiện đại hóa Nhật Bản trong thời kỳ Meiji, khoảng một nửa thế kỷ đã đưa một nước từ thời đại Trung cổ qua chính trị, kinh tế một quốc gia tân tiến.

Trong thời kỳ đó, vua Tự Đức đâu có nhắm mắt bịt tai về những thành tích kỹ thuật phương Tây. Sau chuyến kinh lý qua Hương Cảng, Quảng Đông, Pháp, Ý, Nguyễn Trường Tộ đệ trình 43 bản điều trần đề nghị cải tổ quan lại, khuyến khích thương mại, kỹ nghệ, hợp tác với các cường quốc Tây phương. Hai vị Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp chuộc lại ba tỉnh Miền đông về cũng có phúc trình về "thiết kiều" và "thạch lộ" trong Tây hành Nhựt ký. Tuy rất uyên bác nhưng bị tù túng trong một triều đại truyền thống và cũng muốn lấy lòng các giới trí thức nhất là nhân sĩ Bắc Hà, nhà vua luôn phải cắm chặt thế lực của mình lên những giá trị, nghi thức un đúc từ nhiều đời, ra sức bảo vệ Khổng giáo theo kiểu mẫu Trung Hoa, từ đấy trở nên bảo thủ chống mọi thay đổi chủ yếu, tự nhốt mình trong một cuộc dao động vĩnh viễn giữa thiên kiến cao cả và đầu hàng nhục nhã. Không chịu sớm mở cửa hợp tác với các nước ngoài, Việt Nam đã phải trả giá rất đắt những chục năm sau...

Tôi không phải là sử gia. Tôi không có tham vọng viết bài sử ký. Chỉ có mùa thu năm nay, nhân lững thững trên bờ sông Sumida, ngắm nhìn dòng nước đã từng sống những gìờ phút thăng trầm của phủ chúa Edo để tiến lên kinh thành Tokyo, tôi liên tưởng tới Hương giang cũng đã từng chứng kiến khí thế vươn mình của đất nước Phú Xuân xây đắp nền móng cho cố đô Huế bây giờ. Hai dòng nước, hai thủ phủ, hai kinh đô, cuộc trùng hợp trong nuối tiếc chỉ để lại một giá trị lịch sử.
 

Hắc Ký Ni Sơn cuối thu 1998
Huế Xưa và Nay 31 1999

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]