Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
Tập II : Làm gì cho Huế Võ Quang Yến *** |
Sau
1975, đất nước thống nhất, người Việt sống ở nước
ngoài hướng mắt về quê cũ, náo nức tính ngày hồi hương
trong lúc một số người trong nước đã thành công hay đang
thực hiện chuyện xuất dương di tản. Sự ra đi của bà con,
bạn bè dù sao đã đè nén một phần nào lên nhiệt huyết
của những đứa con sống nơi xa xứ. Về hay không về ? Rút
cuộc, ít nhất trong một vài năm, số người chần chừ chiếm
số khá đông tuy mọi người đều ý thức cần làm gì cho
tổ quốc, cho quê hương. Ai mà không yêu nơi chôn rau cắt
rốn, nhớ đến những ngày vui tươi thơ ấu trong một gia
đình đầm ấm, nơi miền sông núi hài hòa vẻ đẹp thiên
nhiên ? Từ đấy làm sao không nóng lòng về lại quê cũ, nếu
không để xây dựng một cái gì đó thì ít ra cũng gặp lại
bà con nhiều năm không tin tức, ngắm nhìn dòng nước uống
quanh cánh đồng rực vàng lúa chín hay bâng khuâng trước cánh
đồi phản chiếu ánh nắng mặt trời êm dịu vào lúc chiều
tàn ?
Du học ở Pháp lâu năm, tôi may thường gặp được đồng bào khắp nước cũng như bạn bè đồng hương quê Huế hay những người đã từng sống và làm việc ở Huế, mỗi lần hiến tôi một dịp hồi tưởng lại quá khứ. Hồi mới qua Paris, tôi được anh bạn Tôn Thất Ngộ, sau nầy có phòng mạch nha y bên Rabat, kinh đô xứ Maroc, đem lại thăm gia đình Giáo sư Trương Công Cừu. Gần sáu mươi năm sau, tôi còn nhớ rõ mồn một tiếng nói giọng Huế quen thuộc của cô cháu bé, trong khoảnh khắc đưa tôi về lại mái nhà anh tôi cạnh cầu Kho Rèn, nơi ở trọ mấy năm tiểu học, cùng chung sống với mấy cháu con anh tôi. Sau đó tôi có dịp lại giữ con cho anh chị Nguyễn Duy Thu Lương - Trương Thị Hoa Diên ở Paris, hai thầy cũ của tôi ở trường Khải Định, nay anh học trường điện, chị học trường buôn. Anh chị học hành bận bịu, tôi cũng vậy nhưng tranh thủ được thời gian đi đón cháu vào cuối chiều, khi tan học. Trong lòng tôi là thực hiện một việc thiện loại BA (bonne action) đoàn hướng đạo thời tiền chiến nhưng anh chị rất sòng phẳng, nhất quyết trả công cho được, bất đắc dĩ tôi phải nhận tiền, đóng góp vào ngân quỷ sít sao của tôi hồi đó. Nhưng đối với tôi, nếu em bé chưa nói được gì nhiều, trò chuyện bằng tiếng Huế với hai anh chị là một hạnh phúc của kẻ hằng ngày sống trong một môi trường Pháp ngữ. Vào đầu thập niên 50, những năm đầu tôi ở xứ Pháp, một số bạn trẻ quê Huế qua học trung học, có lẽ tình cờ, tập trung ở Grenoble và tôi trở nên người anh lớn hướng dẫn : những Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Vinh, Thân Trọng Cương,... Tôi đã có dịp cùng với anh bạn nầy đem xe đạp về viếng vùng nam nước Pháp, chạy ngang dọc bờ Địa Trung Hải, ở lại nhà cô Crayone một thời đã dạy ở trường trung học Đồng Khánh. Cũng ở Grenoble tôi được tiếp xúc với anh Tôn Thất Thiện, bây giờ định cư ở Canada, trước đó vài năm còn là phó đoàn trưởng đoàn hướng đạo Lê Lai của tôi ở Huế. Anh khuyên tôi đừng lấy vợ đầm và đừng làm chính trị ! Đấy là năm tôi nói được nhiều tiếng Huế nhất trong một thành phố tương đối nhỏ. Sau đấy, lên học Paris, tuy người Việt nhiều nhưng thành phố quá lớn để dễ gặp nhau nếu không là ở những ngày lễ hội, Tết nhất. Tôi nhớ có gặp được thầy Nguyễn Huy Bảo tuy tôi quá trẻ để theo học lớp triết lý với thầy. Thầy nói giọng Bắc nhưng thầy đã là giáo sư nhiều năm ở trường trung học Khải Định. Trong trí óc tôi luôn còn lảng vảng hình ảnh một ông giáo sư tinh nghịch, trước số đông học sinh, nhiêm nghị phán một câu : Monsieur Nồng pompe Madame Hamel khi thầy Đoàn Nồng đang lịch sự bơm xe giùm bà giáo sư Hamel. Tràng cười rũ rượi chứng minh các học sinh đã thấu hiểu lời phán hài hước của thầy Bảo nay đã qua đời. Một vị mà mà tôi hân hạnh được hội kiến nhiều lần là bác Hoàng Xuân Hãn. Bác nói giọng Nghệ Tĩnh nhưng đã từng làm bộ trưởng bộ Giáo dục trong Nội các Trần Trọng Kim ở Huế sau cuộc đảo chính Nhật. Hôm lần đầu tôi lại tự giới thiệu với bác ở thiền viện Trúc Lâm, ngoại ô xa nam Paris, tôi hân hoan được nghe : tôi đã đọc tất cả các bài của Yến viết trong Bách Khoa ! Thì ra tôi không phải là người xa lạ đối với bác. Thế là chúng tôi măc sức đàm đạo về khoa học và nhất là về phương cách phổ thông khoa học trong nhân dân, đặc biệt trong đám thanh niên. Tôi không quên thưa với bác cuốn sách đầu giường của tôi hồi mới bắt đầu viết là cuốn Danh từ khoa học của bác vì hồi đó đang còn là sinh viên tôi chỉ biết những đế tài khoa học học ở trường hay đọc trong sách báo. Sau nhiều buổi bàn cải, chúng tôi đi đến một kết luận cần cho ra một loạt những cuốn sách nhỏ loại Que sais-je ? của Pháp. Bác chịu tiếp xúc những tác giả có thể viết, tôi lo mặt ấn loát. Chuyện khó mà chúng tôi không vượt qua được là vấn đề tài chánh vì, theo tôi, không phải xuất bản một cuốn mà là một bộ sách đề cập nhiều đề tài khác nhau. Bác đã ra đi trước khi dự án đang còn trong trứng. Mùa hè truớc khi tôi rời Huế đi du học Sài Gòn, thấy Bùi Xuân Bào có mở lớp dạy Pháp văn trong cơ sở trường Thiên hựu ở Huế. Thầy đã giỏi môn nầy trước khi học và đậu cử nhân, tiến sĩ văn chương Pháp. Ở Paris, sau khi hết còn nhiệm vụ công cán, sẵn có xe hơi, thầy thường chở vợ chồng chúng tôi đi chơi và nhất là thầy chịu đọc lại luận văn tốt nghiệp trường Viễn Đông Sinh Ngữ của nhà tôi, trên đề tại cuốn sách Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Tôi cũng được tiếp xúc hai anh chị nha sĩ Bửu Điềm - Phùng Thị Cúc, chị Cúc sau nầy nổi tiếng trên thế giới với những tác phẩm điêu khắc Điềm Phùng Thị và đã để lại một nhà trưng bày ở Huế, lúc ở Paris cả hai hoàn toàn dấn thân vào công cuộc tranh đấu dành độc lập cho đất nước. Anh Điềm lúc trước là giáo sư Anh văn của tôi, cho nên hồi mới gặp nhau tôi thưa là thầy. Thấy anh mỗi lần cười lớn, tôi phải phân minh : nhất tự vi sư, bán tự vi sư mà ! Anh Điềm thích nói chuyện chính trị, nhiều khi hết cả thì giờ chữa răng. Một hôm anh tự hào kể suốt tối hôm qua đi dán áp phích ; dù thông cảm sự đóng góp tích cực của anh, tôi nhẹ nhàng góp ý : dán bích chương thì ai làm cũng được, nhưng khảo cứu cách phòng răng, chữa răng dễ dàng, ít tốn cho dân nghèo thì chỉ nha sĩ mới là người có khả năng thực hiện hữu hiệu nhất. Dù sao, những buổi nói chuyện với anh chị Điềm dần dần đã dẫn tới nhu cầu thành lập một hội đồng hương Huế ở Paris. Sau đó, qua nhiều buổi gặp gỡ, bàn tán, một nhóm anh chị em đồng ý khai sinh Hội Người Yêu Huế, tên gọi ban đầu hơi khó nghe nhưng không biết dịch chữ amis de Hué làm sao cho ổn. Điều lệ và nội dung của Hội rất dễ dàng được đặt ra : - bảo dưỡng và tăng cường tình bạn giữa những người yêu Huế, - góp phần vào cuộc mở mang du lịch và văn hóa ở Huế trong tinh thần lời kêu gọi của ông Giám đốc UNESCO ngày 25.11.1981 mong muốn Huế bảo tồn một môi trường đô thị biết bao tràn đầy lịch sử trong một dấu ấn hài hòa sâu đậm và bảo vệ sự phong phú sinh động một linh hồn tập thể, đem lại hạnh phúc cho người ở Huế cũng như đem lại thú vị cho khách đến viếng. Từ đấy, những mục tiêu đã được nêu ra : - động viên tất cả bạn bè yêu Huế, không phân biệt Nam Bắc Trung, không phân biệt chính kiến ; - góp phần làm cho Huế trở thành một trung tâm văn hóa và du lịch của cả nước và của Á châu ; - chứng tỏ người Việt Nam ở xa vẫn khắng khít với quê hương và do đó phá vỡ sự phân biệt giữa người Việt ở trong và ngoài nước : Huế là một bằng chứng cụ thể cho tinh thần đó. Chọn bầu ban điều hành không gặp gì khó khăn nêu không là khi chỉ định chức vị chủ tịch. Ai cũng khiêm tốn không chịu nhận lời. Sau cùng một giải pháp được được ra, tuy không cổ điển nhưng tích cực giải quyết được khó khăn là bạn nào có thùng thơ lớn nhất (vì hy vọng thư từ sẽ rất dồi dào) thì được bầu vào cương vị đó ! Vào dạo ấy, tôi vừa mới tự xây nhà, mua nhiều sách báo, dĩa hát cở to nên có xây một thùng thơ thật lớn, có thể nhận bất cứ sách dĩa loại nào, vì vậy anh chị em đồng ý bầu tôi làm chủ tịch đầu tiên, một chức vụ tôi làm tròn được sáu nhiệm kỳ một năm (1984-1990). Để cho hợp lệ, điều lệ, nội dung Hội và tên tuổi ban trị sự được gởi lên toà thị chính, xin được thành lập một hội bất vụ lợi trong khuôn khổ đạo luật 1901. Và tờ công báo xuất bản ngày 12.04.1984 ghi Hội được đăng ký chính thức ngày 21.03.1984. Từ đây, lần lượt nhiều cuộc gặp gỡ tại nhà anh nầy, chị nọ trong ban điếu hành để thiết lập và thi hành chương trình hành động cụ thể. Thường là sáng chủ nhật và sau đó chủ nhà mời dùng cơm. Mấy bà Huế là những nhà làm bếp rành nghề nên giải pháp nầy hoàn toàn được tán thành. Anh chị bác sĩ Lê Thái ở Le Chesnay cạnh Versailles là những người đầu tiên đón tiếp Hội. Chị Cẩm Hà tìm đâu được một trại chăn nuôi gần nhà chịu cho ấp trứng theo chỉ dẫn của chị nên chúng tôi năng được thưởng thức món trứng gà lộn. Tôi còn nhớ hôm đến lượt vợ chồng chúng tôi tiếp Hội, nhà tôi là bà đầm chính cống không biết nấu cơm Huế cũng không dám nấu cơm Việt cho người Việt, sợ bị so sánh, nên sau nhiều hôm bàn cải với tôi, nàng quyết định soạn một thực đơn Pháp lai Việt, bánh phồng tôm đệm rượu khai vị, thịt heo quay ướp ngũ vị hương...phó mát đủ loại, trái cây nhiều thứ, rượu van hay nước trà, cà phê tùy tiện. Nàng thêm nghệ tây nhuộm cơm màu vàng, như người Pháp thường dọn với nấm xào. Khi nồi cơm bưng ra, tôi để ý thấy có một vài nét nhăn trên mặt. Cha Nguyễn Đình Thi vội vớt vát : thì thử ăn đã rồi mới có ý kiến sau chứ ! Chương trình làm việc gồm có nhiều tiết mục nhưng nói chung thì có hai mục tiêu: tổ chức ở Pháp để cho người Pháp và cũng cả người Việt biết Huế và làm việc với bên nhà theo khả năng của Hội và yêu cầu của Huế. Ý kiến đưa ra ở mỗi buổi họp rất phong phú nhưng thường bị giới hạn trong việc thực hiện. Về trình diễn nghệ thuật văn hóa Huế, Hội tổ chức một đêm văn nghệ và phim ảnh (24.03.1984), hai đêm (30.11.1985 và 20.06.1987) Thanh Hải hát Trịnh Công Sơn tại Nhà Sinh viên Đông Nam Á ở Cư xá Đại học Paris. Giữa hai đêm nầy, một Đêm Hè Huế được dựng lên tối hôm 28.06.1986 tại phòng khánh tiết toà thị sảnh Paris quận 19. Tất cả các hội viên đều điều động con cháu đông đúc, hoặc dọn dẹp trong phòng, chuẩn bị thức ăn, hoặc đón chào khách khứa hay làm diễn viên trên sân khấu. Cái may là các anh chị đã có sẵn áo quần thời xưa, khỏi phải may, chỉ phải nới rộng ít nhiều. Thành thử hơn 200 người đến dự được mục kích, ngoài những bản đàn, bài hát, một đám cưới cổ truyền Huế với cô dâu mặc áo mạn lục, chú rể bận áo thụng xanh, ông gia bà gia khăn đen áo dài, đám rước có đủ cau trầu, heo quay, quạt lọng, cúng vái trước bàn thờ ,tiên chỉ dẫn đầu. Trong vai nầy, anh Nguyễn Đôn Bật (nay đã mất) rất oai nghi bệ vệ với bộ râu bạc dài. Tiền vé bán thu nhập khá nhiều, thêm vào những món tiền biếu tặng khá lớn của những nhà hảo tâm. Tôi may mắn có chị thủ quỷ Nguyễn Khoa Song Xuân tinh thông lo liệu mọi tiền bạc, chịu trách nhiệm ngay cả chữ ký các giấy tờ thu tiêu, chủ tịch khỏi phải bận tâm mệt óc. Sau nầy, anh Bửu Chỉ, rồi chính ngay anh Trịnh Công Sơn (1989) có dịp qua Pháp. Nếu chúng tôi lo chuyện triễn lãm cho họa sĩ, Hội chỉ góp sức với Nhà Việt Nam trong những buổi biểu diễn của nhạc sĩ. Qua năm 1990, Hội lại kết hợp với Nhà Việt Nam tổ chức Hai tháng Huế : Nhà Việt Nam lo liệu cho ca sĩ Thúy Vân và nghệ sĩ đàn tranh Ngọc Diệp qua Pháp, Hội thương lượng với Tổ chức Công giáo Phát triển và Chống đói CCFD để có được hai vé máy bay cho họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (rút cuộc không qua được trong chuyến nầy). Một loạt ba đêm nhạc (05.05, 26.05 và 23.06) được dựng lên ở Nhà Việt Nam với anh giáo sư Cao Huy Thuần làm người giới thiệu. Riêng phần tôi được nhờ trang hoàng phòng hát với những hình ảnh Huế, góp phần gợi tả với tiếng đàn giọng hát một tinh thần đất Thần kinh giữa đô thành ánh sáng. Cũng trong khuôn khổ Hai tháng Huế, anh giáo sư Trần Văn Khê thành công tổ chức một tối ở viện Bảo tàng Á Đông Guimet với hai cô nghệ sĩ Huế. Còn họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận thì, cũng như họa sĩ Bửu Chỉ trước đó, được chị Kim Ba thương lượng với Hội các Nhân viên AIPU để các anh được phép triễn lãm ngay trong trụ sở UNESCO ở Paris. Sau đó còn có bốn anh Trương Bé, Vĩnh Phối, Phạm Đại, Nguyễn Đức Huy, giáo sư, giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế, sau ba tháng được Hội Saint-Henri-de-Toulouse mời qua ở vùng Lauragais miền nam nước Pháp, trên đường về Huế có ghé Paris triển lãm ở Trung tâm Văn hóa Pháp Việt (1994) ở Paris,...Cũng nên biết thêm còn có qua biểu diễn ở Paris một đoàn mười lăm giáo sư, giảng sư, nhạc sĩ trường Đại học Nghệ thuật Huế tại trụ sở UNESCO (1993), một đoàn nghệ sĩ mười lăm nhạc công và hai mươi nghệ nhân nhạc cung đình Huế tại Nhà Văn hóa Thế giới (1995), một đoàn năm tu sĩ Phật giáo và ba nhạc công trong chương trình liên hoan Trí tưởng tượng (1998). Những chuyến đi nầy nằm ngoài chương trình của Hội nhưng chúng tôi luôn có mặt góp phần. Tôi còn nhớ mãi hôm các anh chị trường Đại học Nghệ thuật với ông bầu giáo sư Hà Sâm kẻ mang đàn người cầm sáo lại biễu diễn ở nhà chúng tôi trên đỉnh Hắc Ký Ni Sơn, gây vui nhộn một tối trăng tròn ấp ủ biết bao tình thương trìu mến. Về chuyện hợp tác với bên nhà, ý kiến cũng rất phong phú. Với khả năng của từng người, chúng tôi đã tiếp xúc nhiều tổ chức, cơ quan như Tổ chức Công giáo Phát triển và Chống đói CCFD, Chương trình Hợp tác Quốc tế Phát triển và Đoàn kết CIDSE,...để thử xúc tiến một vài đề tài : trạm bơm, trạm tưới nước, xây dựng nhà trẻ, công ty du lịch, chương trình thủy điện, khảo cứu nước ót, xí nghiệp thuốc lá, xí nghiệp làm đường, xí nghiệp làm nước ngọt, học bổng cho học sinh, hợp tác xã về dệt, thuốc men cho bệnh viện, sửa chữa cầu Trường tiền, máy sao chụp cho nhà in, dụng cụ cho các phòng thí nghiệm, nghiên cứu và khai thác thủy sản, chiết rút agar từ rong câu chỉ vàng, dự án hợp tác và kết nghĩa Đại học, dự án hợp tác và kết nghĩa với một thành phố lịch sử Pháp,...Các anh chị trong ban điều hành chia nhau lo liệu, ai thấy có một khả năng trong số yêu cầu thì dấn thân vào, người lo chuyện tiếp xúc với Huế nhiều là anh tổng thư ký kỷ sư Lê Huy Cận. Sau những chuyến đi về của một vài vị, có những đề tài được phát triển nhưng cũng có nhiều ý kiến phải tạm dừng. Còn ai biết cái máy sao chụp đầu tiên ở Huế là do Hội gởi biếu toà soạn báo Sông Hương ? Còn ai nhớ sau 1975, chiếc đồng hồ đầu tiên trên nhà ga Huế cũng là quà biếu của Hội. Có ai thông cảm một bạn của Hội đã kệ nệ mang về một máy vi tính cho Trung tâm Tổng hợp Hướng nghiệp ? Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (nay đã mất), họa sĩ Lê Bá Đảng, cố họa sĩ Việt Hồ, giáo sư Lê Thành Khôi, cố nữ sĩ Thái Ngộ Khê, chị Tôn Thất Hữu, ... nằm trong số những ân nhân đã đóng góp quà gởi về Huế. Để tiện việc thông tin, hai tờ báo liên lạc bằng tiếng Pháp và tiếng Việt đã được bắt đầu, nhưng chỉ ra được có vài số. Một dạo thi sĩ Thân Thị Ngọc Quế (nay cũng đã mất) tình nguyện đánh máy giúp, luôn tiện còn tặng vài bài thơ chưa in. Hội có ý muốn thực hiện một giai phẩm về Huế nhưng ngoài bài vở phải chạy xin, còn có vấn đề nan giải là tài chánh. Dự án in những sách về Huế cũng gặp cùng trở ngại. Thỉnh thoảng Hội có tổ chức những buổi nhạc như những đêm Thanh Hải hát Trịnh Công Sơn đã thấy, hay những bửa ăn, như hôm 25.10.1987 ở nhà anh chị Võ Bạt Tụy ở Longjumeau, để quyên tiền giúp bảo lụt ở Huế. Thường Hội cũng có tổ chức ăn Tết ở nhà riêng hay ở quán cơm. Tôi còn nhớ năm 1985, Hội ăn Tết Ất Sửu ở quán cơm Sông Hương của chị Phạm Thị Hoàn (27.01) trên một bờ sông thơ mộng ở Yerres. Hôm ấy bác gái Hoàng Xuân Hãn xuất thân là dược sư, vui tính kể chuyện ma quỷ gây lên những trận cười rầm vang thế pháo ngày xuân. Hội không quên tiếp xúc với những người đồng hương ngoài nước Pháp. Chị Trương Thị Hoa Diên, cựu giáo sư trường Khải Định, hiện định cư ở Mỹ, tán thành chủ trương của Hội : ...Những gì trong tiềm thức, trong thâm tâm mình ước ao làm cái gì thì nay đã có nhóm bạn bè cùng thông cảm can đảm đứng ra làm, làm tôi vừa cảm phục và mến thương...Đối với nước Đức gần gũi, một phái đoàn của Hội đã qua Munchen gặp gỡ các Việt kiều đồng hương bên đó tại nhà chị giáo sư Thái Thị Kim Lan. Có những trắc trở không cho phép chúng tôi thực hiện một Hội rộng lớn ở Âu châu, thật đáng tiếc. Tuy tôi và nhiều bạn thuở khai sinh Hội không còn hoạt động trong khuôn khổ Hội nữa, anh giáo sư Hoàng Nhân (nay đã mất), nhân chuyến qua Pháp năm 1996, cậy tôi tổ chức tại nhà tôi hôm 05.05 một cuộc gặp với cựu hội viên và cựu học sinh trường Khải Định. Thì ra danh nghĩa Hội bất chấp thời gian vẫn luôn tồn tại. Cũng như gần đây, năm 2002, nhân qua Munchen giới thiệu tuồng Lộ Địch của thân phụ, khi ghé qua Paris, nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương đã tiếp xúc với những bạn yêu Huế trong một cuộc gặp gỡ thơ văn âm nhạc với giáo sư Trần Văn Khê chiều hôm 03.11 tại Phật đường Khuông Việt ở Orsay. Riêng bản thân tôi rất hân hạnh nhân danh Hội trưởng Hội Người Yêu Huế, được mời đọc điếu văn trước mặt đông đủ bá quan Việt Pháp, hôm 28 .03.1987 tại chùa Vincennes ở Paris, kể lại cuộc đời sóng gió của Hoàng đế Duy Tân, nhân hài cốt của đức vua trên đường chở về nước. Sau nầy, Hoàng thân Nguyễn Phúc Bảo Vang, thứ nam của Hoàng thân Vĩnh San, viết trong lời đề tặng cuốn sách của ông cho tôi : "Một khúc đoạn lịch sử, một chốc lát vĩnh hằng... Thân ái ". Lịch sử dù là khúc đoạn ngắn ngủi cũng sẽ tồn tại đời đời. Hội Người Yêu Huế được khai sinh cách đây đúng 25 năm, gần một phần tư thế kỷ, nay đã trưởng thành, đúng là điểm tụ họp tình nghĩa người đồng hương nơi xa xứ. Vì ra đời trong mục tiêu một hội bất vụ lợi, Hội chắc chắn sẽ được tiếp tục hoạt động mãi mãi, ngày nào mối tình nầy còn mặn nồng và luôn hướng về thành phố thân thương của tất cả những người yêu Huế.
|
|
|
[
trang trước ] /
[
trang sau ]
|
Hết tập II