Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
Tập II : Làm gì cho Huế Võ Quang Yến *** |
Xuân năm nay ở Paris không giống xuân mọi năm. Sau một đợt nóng bất thường, trời trở lại dịu hơn. Sau một thời gian khô hạn, đúng vào lúc cây cỏ nẩy mầm, trời lại đổ mưa, ngay cả vào dịp cuối xuân, lúc người ta đang chờ đợi trời tốt để tổ chức các cuộc vui ngoài vườn hay những buổi dạo chơi trong rừng núi. Anh Nhuận đổ bộ lên đất Paris vào những ngày thất thường ấy, tuy nhiên trong một khung cảnh có thể nói là dễ chịu, trời hết lạnh lại bắt đầu nóng ấm, mưa nắng chập chờn làm tăng thêm độ tương phản giữa các màu sắc lung linh trong hình ảnh kinh đô ánh sáng. Trong những hôm dạo rong dọc theo phố phường, anh Nhuận đã chịu khó giải thích cho tôi, một kẻ phàm phu trong lĩnh vực hội họa, những mẫu xinh, nét đẹp, những contour - danh từ của anh - của mái nhà, tường vách của các đỉnh nhà thờ, cung điện lấp ló sau các ngõ hẻm, đường hẹp xóm La Tinh. Đây đường chợ Mouffetard, linh động không kém gì chợ Đông Ba, bắt đầu từ nhà thờ thánh Médard, cạnh ngã tư Les Gobelins thẳng lên công trường Contrescarpe, đầy dẫy quán ăn xứ Hy Lạp. Đây trường học trang nghiêm Henri IV và nhà thờ thánh Etienne-du-Mont tráng lệ xây mặt ra điện Panthéon hùng vĩ, oai phong. Đây con đường dốc cao Núi thánh Geneviève đổ ra xóm Mutualité mà trước 1975 là nơi gặp gỡ hàng ngày của Việt kiều vì là nơi có quán Thanh Bình bán thực phẩm Á Đông. Bên kia sông Seine, nhà thờ Đức Bà sừng sững đồ sộ hướng lưng vào đài kỷ niệm dân tộc Do Thái bị thảm hại trong kỳ thế chiến vừa qua. Đi dọc theo bờ sông khắp đảo La Cité nằm giữa hai nhánh sông Seine, chắc anh Nhuận không sao không nghĩ đến sông Hương bên kia chân trời. Anh rất thích thú cái hình tôi chụp anh ôm chùm cột điện, cô đơn ở mũi đảo, trước sông nước hữu tình, xa xa xếp dài những lâu đài cổ kính của một thời đại lịch sử nước Pháp. Sau nầy tôi mới biết anh nhớ vợ, nhớ con mặc dầu ra đi chưa đầy hai tháng. Nghệ sĩ nào mà không đa tình, đa cảm ! Cũng may mà trong thời gian ở Pháp tuy dài, anh cũng ít được rảnh rang. Ngoài những hôm đi thăm bạn bè, những buổi đi ngắm xem đường sá xe cộ ở công trường Concorde hay đại lộ Champs-Elysées, tháp gương giữa sân điện Louvre, hay sát với nghề nghiệp hơn, xem xét các bạn đồng nghiệp trổ tài ở Pont des Arts hay công trường Tertre trên đồi Montmartre, anh phải chuẩn bị cho hai buổi triển lãm ở Paris : từ 5 đến 15.6 ở trụ sở UNESCO và từ 16 đến 30.6.1990 tại Nhà Việt Nam. Tôi viết mấy dòng nầy hôm cuộc triển lãm ở UNESCO vừa được khánh thành. Trưng bày được 50 bức tranh giữa kinh đô nước Pháp, ở một nơi đông đảo nhất dân ngoại quốc tứ xứ, là một hân hạnh lớn cho nhà nghệ sĩ, tôi chắc anh Nhuận rất ý thức về may mắn nầy và sẽ ghi lâu trong lòng. Mặc dầu lễ khánh thành kéo dài hai tiếng đồng hồ, người ra kẻ vào liên tục, lúc tôi đọc bài diễn văn khai mạc và giới thiệu, cũng khoảng trên dưới 80 khán giả bao quanh anh Nhuận để khen ngợi các tác phẩm của anh. Tôi nhận ra những người lại xem tranh anh có thể kê làm hai loại : những đồng bào Việt Nam xa nhà và những bạn ngoại quốc yêu chuộng nghệ thuật. Người đã biết đất nước Việt Nam, ngoài nghệ thuật, còn chú trọng đến phong cảnh quê hương. Một giàn hoa che bóng, một triền núi cỏ may, một bụi hoa ngũ sắc, một ngôi lăng điêu tàn, một hồ Tịnh Tâm trên nền trời tím đậm, hay vài dây hàng rao kẽm gai sét rỉ xen lẫn hoa dại sáng tươi,...là những hình ảnh gợi lên biết bao thương nhớ. Vì vậy không ai lấy làm lạ khi thấy mấy bức tranh ấy được dành trước nhất. Những bạn chưa bước chân đến Việt Nam thì chỉ đánh giá tranh qua nghệ thật. Tuy hơi ngạc nhiên, nhưng tôi phải chấp nhận khiếu thẩm mỹ riêng của mỗi người khi thấy mấy người khách nước ngoài giữ phần mấy bức tranh thành phố hay đồi núi chìm đắm trong bóng tối tuy thực hiện ở một xứ chan hoà ánh nắng. Từ đó tôi đã kiếm cách tìm hiểu anh bạn họa sĩ qua mấy bài báo viết về anh bên nhà. Thì ra đường phố đã chiếm một phần lớn trong số các họa phẩm của anh. Mà không phải phố nào cũng giống nhau. " Giai điệu trong tranh biến ảo với những tiết nhịp bất ngờ : có khi là những tiết điệu đung đưa tuổi trẻ ; có khi là nhịp chậm buồn lặng lẽ ; có khúc khoan thai suy tưởng " (Trần Phương Kỳ). Đằng khác, " phố Nhuận vắng mà không buồn, chói lọi mà không phơi bày, khép và mở một thế giới nội tâm dành riêng, một thế giới đầy mơ mộng và khát vọng của những ngày người ta còn trẻ " (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Thế mới biết tâm tình một bức tranh phải qua những dòng văn đậm đà, thắm thiết của những nhà văn không kém phần nhạy cảm mới thổ lộ được rõ ràng. Chưa chắc tất cả những người mua tranh đã diễn tả nổi hứng thú của mình. Dù sao đã có nhiều người đặt mua vì phòng triển lãm đầy dẫy những tấm thiếp đề " réservé " dán dưới các bức tranh và đây là bằng chứng cụ thể lòng hâm mộ của khán giả. Chúng tôi rất mừng thấy anh Nhuận thành công trong chuyến qua Pháp nầy. Được xuất ngoại trong thời buổi nầy đã là một cái hên mà mấy nghệ sĩ được gặp. Được nhiều người ngưỡng mộ tranh mình lại là một cái may khác. Người ta thường thấy cái may hay lại với ai biết gây ra nó. Không có vẽ tranh đẹp thì ai chịu khó tổ chức chuyến đi, tổ chức cuộc triển lãm cho mình, để cho có người lại thưởng ngoạn và mua tranh ? Nhưng cũng chớ nên quên vai trò của những người đứng ra tổ chức. Riêng phần nhóm bạn Huế đã ra sức nhiều trong công chuyện nầy, chúng tôi rất hân hoan vì đã tranh thủ đưa ra trình bày được ở kinh thành xán lạn nầy một sản phẩm có giá trị của xứ Huế. Cũng có thể nói là một sản phẩm mới lạ như một cô khách lại ngắm tranh người Brazil đã gợi ý : " Tôi rất thích thú ngạc nhiên thấy ở phòng triển lãm nầy một lối vẽ không những tinh vi, độc đáo, mà còn mới mẻ, cận đại, hay ho không kém gì lối vẽ cổ điển, truyền thống của những người Á Đông các anh ! ". Chỉ một câu bình phẩm khuyến khích nhỏ đó là đủ để chúng tôi phấn khởi, đủ để đền bù mọi công lao mà chúng tôi đã bỏ ra từ mấy tháng nay. Cần thêm chăng thì chỉ là lời cám ơn nồng nhiệt hai cơ quan CCFD và AIPU đã góp phần thiết thực trong chuyện tổ chức chuyến đi và triển lãm tranh Hoàng Đăng Nhuận.
|
|
|
[
trang trước ] / [
trang
sau ]
|