Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập II : Làm gì cho Huế 

Võ Quang Yến

***

10-CÔNG TÁC TRÊN QUÊ HƯƠNG 

Đi tha hương cầu thực lâu năm, nay đây mai đó, dãi dầu sương gió đất khách quê người, bây giờ có dịp về lại chốn chôn dau cắt rốn, nơi đầy kỷ niệm thời niên thiếu, làm sao không hân hoan, phấn khởi được. Thêm cùng với chuyến về thăm gia đình, đất nước, gắn liến được một công tác giúp ích đồng bào, bà con thì lại càng vô cùng thú vị.

Khi đặt chân lên đất quê hương, dù chưa quen lại sức nóng nhiệt đới, cảnh tượng ồn ào tấp nập các nước phương Đông, đứa con trở về vẫn thấy rạo rực trong lòng, tâm hồn lâng lâng như khi bước vào một nơi tưởng như xa lạ mà lại quen thuộc vô chừng. Có ai đó đã viết là khi qua Paris được đưa đi dạo vườn Luxembourg ở xóm La Tinh thì tưởng như bước vào một nơi quen biết mặc dầu chưa hề bao giờ có dịp tới đây : biết bao sách truyện đã hằng miêu tả khu vườn tuyệt diệu nầy ! Thì đây cũng vậy, tuy không phải cùng trường hợp. Sau nầy, mỗi lần cho bạn bè xem hình ảnh đã chụp, bất cứ đồng bào hay người ngoại quốc, có nhiều bạn đã bảo : anh đã cảm nhận đất nước Việt Nam từ bên trong sâu đậm, từ đáy lòng đầy tình yêu, vượt hẳn tầm mắt nông cạn của một du khách thiển cận, vô tình. Thật vậy, khi viếng thăm một nơi xa lạ, dù đã có chuẩn bị từ trước, dù có hướng dẫn viên giải thích tường tận, thường được chỉ thỏa mãn về mặt kiến thức, còn về tình cảm thì mấy khi được xúc động như khi đứng trước điện đài Parthenon trên đồi cao lộng gió, trước Kim Tự Tháp nguy nga giữa bãi sa mạc mênh mông nắng cháy. Trái lại, chỉ đi dạo trên bờ đê giữa các cánh đồng lúa mướt, hay chạy dọc theo các bãi cát vắng vẻ bờ biển miền Trung, hay cả khi len lỏi trên các lề đường tấp nập, mỗi lần tôi lại cảm thấy một mối thích thú đặc biệt.

Tôi còn nhớ rõ một hôm trời mát dịu, cùng đứa cháu đạp xe đi khắp Hà Nội mà tôi ít biết, xem ba mươi sáu phố phường đông đúc, phố Hàng Đào sáng choang và ngập tràn hàng hóa, xem Bờ Hồ nhộn nhịp, những gánh hàng chập chờn bên những ngọn đèn leo lét gây nên một cảnh tượng khá lãng mạn ở chốn đô thành. Cảm hứng nhất là thấp thoáng trong bóng tối, các cặp trai gái in bóng trên mặt hồ, thản nhiên tình tự, quên hẳn vũ trụ bên ngoài như hầu hết các cặp tình nhân khác trên thế giới : ngày nào còn có tình yêu là ngày ấy còn đời sống, còn hy vọng. Làm sao quên được những ngày đi viếng quê hương Đồng Khởi, vượt Tiền Giang ở bến phà Rạch Miếu, để rồi mặc sức ngắm các cô gái Bến Tre có nét mặt thanh tao trên cơ thể vạm vỡ, với giọng nói " ngọt ngào như sông nước sông Cửu Long ". Làm sao quên được hôm ngủ lại ở hoa lạc viên Nhân Nghĩa, nghe tiếng gió rì rào trong hàng dừa cao vút đầy trái cây ngọt lịm, cùng bác Minh nhấp chén rượu thuốc ở Đài Vọng Cảnh, cạnh các khóm long, kim, thủy trúc đủ loại, các chậu nguyệt bạch, trang đài tỉa gọt công phu.

Viếng lạc hoa viên đất Khởi Đồng,
Dừa cây cao vút lối qua sông,
Bến Tre lừng tiếng đường xa vắng,
Băng lướt Tiền Giang ghe bập bồng.
Làm sao quên được chiều hôm đi dạo trên đồi Thiên An ở Huế, quanh rừng cây sào sạt, trong tiếng thì thầm của ngàn thông vi vút, với hình ảnh tà áo nhẹ bay dưới ánh nắng chiều tàn.
Một chiều hạ nắng trên đồi thông,
Trầm lắng chuông chiều động cửa không,
Nàng bước chân đi trong gió nhẹ,
Giữa nơi tĩnh mịch chốn hư không.
Làm sao quên được hôm ăn chay trên bờ sông An Cựu, lâu ngày chẳng còn biết cách thức hòa điệu các món được trình bày rất mỹ thuật theo kiểu Huế. Tối hôm đó, bạn bè đã hiến cho tôi một đêm văn nghệ, dành cho tôi những những bài hát hay nhất, những vần thơ độc đáo, những câu chuyện đậm đà, thú vi. Tôi chưa bao giờ có mặt ở một buổi họp mà những từ ngữ " mô, tê, răng, rứa " được dùng nhiều như vậy ; thấy như ở đây mỗi một người, kể cả tôi, đều cố ý dùng những danh từ địa phương như để khẳng định mình là người trong cuộc, mình là con người sống lên tại chỗ chứ không phải là dân ngoài nhập vào. Cảm động nhất là khi cô Diệu Hoàng tươi sáng, ví von trình diễn bài Nhớ thôn Mỹ, một bài thơ của tôi được cháu Bửu Phôi phổ nhạc, tiếng vổ tay khen ngợi làm cho tôi thơm lây được một phần nào trong giới văn nghệ quê nhà. Khích động nhất có lẽ là hôm tôi về thăm lại làng xóm cũ, nơi quê mẹ nhưng cũng là nơi tôi đã sống một thời vô tư, ấu trẻ. Bến Đình, Nghĩa trũng còn nguyên vẹn, sông Ô Lâu vẫn cuồn cuộn chảy, thờ ơ với đứa trẻ hồi xưa đã biết bao lần tung tăng bơi lội, đùa giởn nơi đây.
Đây quê mẹ ấp ủ tình thương,
Đây xóm làng bao nổi vấn vương,
Nơi đã qua những năm trẻ dại,
Những ngày sống rực nắng trong vườn.
Từ Làng Hói rồi lên Phò Trạch, những kỷ niệm xa xăm dần dần hiện ra trước mắt : mấy chục năm trước, một nhóm trai trẻ ở huyện Phong Điền có dự tính khi hết chiến tranh, tức khắc sau khi hòa bình trở lại thì lên đây khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, trồng cây nuôi thú. Các bạn ấy nay không còn nữa và truông Phò Trạch vẫn còn hoang dại dưới ánh mặt trời gay gắt. Chuyện xây đắp, kiến thiết kéo tôi trở lại với hiện tại : tôi về đây công tác chứ không phải để ôn tưởng quá khứ xa xăm. Nước ta đang nghèo, phải khai triển tài nguyên sẵn có. Đầm phá Thừa Thiên cũng như suốt bờ biển ba miền có nhiều tôm cá, rau câu, rong tảo đủ loại. Phải nuôi trồng sao đây để có sản phẩm xuất khẩu. Ta đang sống ở một thời đại mà văn minh đã đem lại ô nhiễm ở mọi môi trường. Bên cạnh kế hoạch lọc sạch nước uống, ta phải nghĩ đến chuyện huỷ đốt hay ủ men rác rưới ra khí, thành phân. Vỏ tôm vỏ cua chế biến ra thức ăn cho súc vật đã là tốt, đem chiết xuất chế biến chitin lại còn quý hơn. Những dự án nầy chỉ cần máy móc kỹ thuật, khỏi phải mua nguyên liệu ở nước ngoài. Nếu biết năm 1989 Việt Nam đã nhập cảng đến 2 tỷ rưởi đôla mà trong ấy hơn một nửa là nguyên liệu và nhiên liệu thì thấy rõ tất cả mặt quan trọng của một cuộc kỹ nghệ hóa nước nhà. Hơn nữa, nếu biết thêm cũng trong năm 1989 ta xuất cảng dưới xa 2 tỷ đôla thì lại càng thấy cần phải nổ lực cố gắng nhiều mới mong lập lại được cân bằng của cán cân. Chỉ có hai thế đôi ngả : hoặc xuất cảng nhiều hơn, hoặc nhập cảng ít lại, hay tốt nhất là vừa xuất cảng nhiều vừa nhập cảng ít lại. Cứ lấy Nhật Bản, Đại Hàn mà làm gương : những nước hầu như không có nguyên liệu mà kỹ nghệ họ lên cao đến mức nào ?

Cũng như năm ngoái, năm nay tôi về Việt Nam với anh bạn Daniel Christiaen để tiếp tục cụ thể chương trình nuôi trồng rau câu, chiết xuất agar từ rau câu chỉ vàng, một chương trình khởi đầu từ nhiều năm trước . Mục đích năm nay là đặt nền móng cho một đơn vị sản xuất agar. Theo tính toán của hảng Pronatec, ta có thể chế tạo loại agar xuất khẩu, riêng ở Huế năm đầu tiên khoảng 45 tấn, thu nhập hơn 700.000 đôla.. Trả xong tiền vay để mua nhà máy, phí tổn điện, nước, nhân công và ngay cả tiền mua rau câu của nông dân, cũng còn lại được một phần ba. Số tiền hằng năm nầy có thể tăng lên, tỷ lệ với số lượng agar sản xuất. Ngoài chuyện lợi lọc kinh tế, nên nghĩ đến một yếu tố vô cùng quan trọng cho ta hiện nay là cuộc chuyển giao kỹ thuật. Ta cần phải học hỏi, khảo sát để hiểu biết cặn kẽ cách nuôi trồng rau câu, chiết xuất agar. Ta cũng cần phải thông thạo các phương pháp kiểm soát phẩm lượng một món hàng xuất khẩu đánh giá cao nhãn hiệu " agar Việt Nam " hay " agar Huế ". Vào một lúc mà nước ta muốn mở mang kinh tế, đây là một dịp tiện lợi để phát triển một nguồn nguyên liệu mà ta sẵn có. Tôi chỉ đổ dầu vào lửa mà thôi. Từ hơn mười năm nay, biết bao trường đại học tổng hợp, viện khoa học, ty thủy sản,... khảo cứu, học hỏi về rau câu, biết bao xí nghiệp lớn, nhỏ đua nhau chế tạo agar ở nước ta mà đã có được mấy kilô bán ra nước ngoài ? Tình trạng đáng tiếc nầy bắt nguồn từ sự thiếu thốn kỹ thuật và phương tiện.

Chương trình của chúng tôi là đề nghị đào tạo cán bộ, kiểm soát phẩm lượng và kỹ thuật chế biến tại Pháp, kiếm vốn đầu tư để xây dựng nhà máy ngay trên đất nước ta. Hảng Pronatec cam kết theo dõi qui trình từ lúc nuôi trồng rau câu cho đến khi gởi agar bán ra ngoại quốc. Công lao của họ sẽ được trả bằng agar chứ họ không đòi hỏi ngoại tệ mà ta không có. Nhưng thực hiện chương trình là ta phải đảm nhận hoàn toàn : đại học chăm lo chuyện khảo cứu, kiểm soát, xí nghiệp chịu trách nhiệm khâu chế biến, sản xuất. Đây là một cuộc hợp tác giữa các cơ quan của ta và ngoại quốc. Đã đến lúc cần phải xóa bỏ ý niệm lưu hành thông thường đến nay : hợp tác là viện trợ. Không, hợp tác chỉ có hiệu quả khi đôi bên làm tròn nhiệm vụ của mình. Và đấy là điểm khó vì ngay từ đầu, Daniel Christiaen thấy ngay ban giám hiệu Trường Đại học Tổng hợp Huế không thi hành chương trình phía mình trong khi Pronatec đã đưa qua Pháp một cán bộ giảng dạy và hai thực tập sinh. Cuộc hợp tác không thể đi xa hơn và tôi là một trong những người thất vọng nhiều nhất. Về ngồi ở nhà khách Lý Thường Kiệt, mục kích một trận mưa rào, nhìn mưa rơi tầm tã trên lá, tuôn chảy xuống cành, xuống thân cây, lan tràn ra mặt đất, tôi suýt viết : Trời mưa ở Huế sao buồn thế ? nhưng câu nầy đã được Nguyễn Bính viết thành thơ. Thôi thì ta về ta tắm ao ta.

Đã khá lâu trời Huế ủ mây,
Gió lùa thổi nước trút lay cây,
Từ phòng vắng vọng qua song cửa,
Cảm thấy lòng man mác khó khuây.
Người Việt ta làm ăn thành đạt ở nước ngoài khá nhiều, số người muốn giúp ích đất nước cũng không hiếm. Nhưng lắm người, đang lưỡng lự vì không rõ tình thế bên nhà. Nếu tạo được điều kiện tốt, mặc dầu thất vọng, tôi luôn tin tưởng những người con sống xa quê ấy sẽ là những chiếc cầu nối vững chắc trong các cuộc đầu tư giữa trong và ngoài nước, ở khối nầy hay khối kia, và các kỳ công tác của những người làm trung gian nầy là những dịp để họ vừa đóng góp vào cuộc xây dựng xứ sở vừa tìm hiểu thêm văn hóa quê hương.
Hắc Ký Ni Sơn tháng 4.1990
Đại Đoàn Kết 24 1990

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]