Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
Tập II : Làm gì cho Huế Võ Quang Yến *** |
Nước Việt Nam ta là một dãy đất dài mà đến nay quyền lực thường được tập trung vào hai cực bắc nam : Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Miền Trung, dù phong cảnh có hữu tình bao nhiêu đi nữa, vẫn luôn thiếu thốn mọi bề, từ hạ tầng cơ sở qua chất xám, năng lực, ... Cách đây mấy năm, khi tôi về nước công tác trên vấn đề rau câu, chiết xuất agar, một ông thứ trưởng thân mật bảo tôi : " Anh đừng mất công với Huế, chẳng được gì đâu ! " Hồi ấy, tôi không muốn tin. Giờ đây, sau mấy năm lặn lội chật vật mà mục tiêu vẫn chưa đạt được, nhớ lại lời khuyên ấy, tôi kiếm cách tìm hiểu. Một vài nhận xét dễ thấy từ đất Pháp : giáo sư, bác sĩ, thực tập sinh Việt Nam qua Pháp tham quan hay tu nghiệp rất ít người phát xuất từ miền Trung. Cách đây tám năm, tôi gặp được một bác sĩ làm việc ở bệnh viện Huế nhưng anh là người Bắc. Nếu có thực tập sinh người Huế thì họ là người công tác ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Sau nầy, phải đợi khi có sự kết hợp giữa hai trường Đại học Huế và Paris VI mới thấy các giáo sư và bác sĩ Huế qua Pháp. Gần đây, bắt đầu có vài giáo sư Pháp ngữ. Còn thực tập sinh trường Đại học Tổng hợp Huế thì đếm trên đầu ngón tay. Người ta có thể lấy lý do là chuyên gia Huế không có đủ tài lực. Cũng có thể anh tài đã tránh về Huế làm việc, hay đã lỡ về thì lại kiếm cách bỏ đi. Hỏi Phòng Hợp tác Khoa học Kỹ thuật ở bộ Ngoại giao Pháp thì được trả lời đây là chuyện nội bộ Việt Nam, họ không muốn nhúng tay vào. Tuy nhiên, vài năm trước đây, Sứ quán Pháp ở Hà Nội rất mong muốn thực hiện một công trình gì ở miền Trung trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước. Trong một cuộc gặp gỡ giữa những nhà khảo cứu Pháp có dự án hợp tác với Việt Nam, một đề nghị được đưa ra : Pháp chỉ nên làm việc với những cơ quan, những trường đại học nào đã sẵn có một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nếu không xuất sắc, ít ra cũng phải có mức độ khá cao. Về mặt hữu hiệu, đây là một điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, tôi đã lên tiếng bắt bẻ vì đề nghị nầy ưu đãi các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Hồi ấy, đang chuẩn bị chương trình rau câu - agar cho Huế, tôi đã mạnh dạn nhấn mạnh cần phải giúp các trường học, các thành phố nhỏ mới mong họ có cơ hội ngóc đầu lên. Ngay sau cuộc bàn cãi sôi nổi đó, vị tham tán chịu trách nhiệm về văn hóa và khoa học ở sứ quán Việt Nam tại Pháp gán cho tôi danh hiệu " le fanatique de Hué ", có thể hiểu là người cuồng tín hay người nhiệt tín của xứ Huế. Tôi tưởng có thể hãnh diện với lời chê - khen nầy. Dù sao, kỳ họp năm 1987 của Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác Khoa học Kỹ thuật Pháp - Việt đã chấp thuận dự án để rồi đặt lại vấn đề kỳ họp năm 1989. Ngày nay, dự án tạm ngưng để đặt vào một chương trình rộng lớn toàn quốc về khảo cứu tất cả tài nguyên biển cả, từ nuôi tôm, nuôi cá, qua trồng rau câu, vớt rong tảo, chế biến mọi hóa chất,... Trong một chương trình khuôn khổ quốc gia nầy, chưa biết số phận dự án rau câu - agar Huế sẽ trôi dạt vào đâu. Tôi đang phân vân về khả năng của một thành phố nhỏ trong cuộc thực hiện một chương trình khoa học kỹ thuật cỡ vừa hay cỡ lớn thì nhận được thư Đà Nẵng. Đà Nẵng có tiếng là năng động, người dân tháo vát. Mặc dầu không có đầm phá để nuôi trồng rau câu như ở Thừa Thiên, ty Hải sản cũng muốn xây dựng một đơn vị sản xuất agar và họ sẵn sàng bắt tay làm việc chung với Huế. Vậy thì trên một đề tài rất có giới hạn nầy, tại sao không họp ba thành phố Huế, Đà Nẵng, Nha Trang lại để cùng thực hiện chung dự án ? Nha Trang có kinh nghiệm về công tác nầy từ lâu, giúp vào một tay thì việc lại chóng thành. Gần đây, phòng thí nghiệm ở trường Đại học Lille ở Pháp đã từng làm việc với trường Đại học Tổng hợp Huế cũng có nhận được yêu cầu hợp tác của Nha Trang. Ví như làm việc riêng biệt, sao lại không hợp lực với nhau ? Như vậy, mỗi thành phố với thế mạnh của mình có thể đóng góp đắc lực. Từ một vấn đề tương đối nhỏ nầy, nếu làm chung được việc, có thể mơ đến một cuộc hợp tác rộng rãi hơn trên nhiều lĩnh vực văn hóa, kỹ thuật, kinh doanh, du lịch... Đây không phải là một cuộc hợp tỉnh (để rồi đi đến chia tỉnh) như đã thấy mà là một công tác chung, có thể nhất thời, trong một vài dự án chủ yếu, cấn thiết. Mỗi một thành phố vẫn giữ riêng nền hành chánh độc lập của mình. Lấy đề tài du lịch cho dễ thấy : có ai đi viếng thăm Huế mà không muốn tham quan toàn miền Trung ? Nha Trang, Đà Nẵng nằm cùng Huế trong một chương trình du lịch là chuyện dĩ nhiên thiết thực. Tôi nhớ đến " làng ẩm " bên nước Sri Lanka là tổ chức tụ họp những nhà nông trong một vùng với mục đích chăm lo việc chia nước, sửa sang đê, rạch để phân phối nước từ trên các ngọn núi lửa chảy về, không dính dấp gì đến " làng khô " là cơ quan hành chánh : tổ chức nầy vận dụng từ nhiều thế kỷ ! Có người bảo tôi kém trí nhớ : Đà Nẵng và Huế là anh em kình địch, trong quá khứ ít khi ăn ý với nhau. Đây là chuyện đã qua, cần chăng phải nhắc lại. Thêm nữa, đồng ý với nhau vì thấy lợi ích cho mỗi bên trên một vài đề tài là thừa đủ. Khi đã làm việc chung với nhau trong các lĩnh vực ấy, biết nhau, quý trọng nhau rồi, tất nhiên mọi kỷ niệm ít vui, ít tốt sẽ dần dần quên đi. Điểm quan trọng mà các thành phố nên luôn nhớ là giữa hai cực bắc, nam tương đối khá mạnh, một miền Trung vươn mình trổi dậy, gây lên một sức mạnh vững chắc thì dễ thực hiện một thăng bằng cần thiết cho toàn thể quốc gia. Đây là hình ảnh mà chúng tôi mong các nhà lãnh đạo lưu ý. Bên Pháp nầy, ngoài Hội Người Yêu Huế, còn có các hội thân hữu Nha Trang, Đà Nẵng : tôi chắc là các bạn sẽ sẵn sàng bắt tay hưởng ứng công cuộc kết hợp nầy. Nhưng mọi sự phải bắt đầu bên Việt Nam.
|
|
|
[
trang trước ] / [
trang
sau ]
|