Chim Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[
Tác
giả ]
|
|
Ngày
cưới em, anh ước nắng vàng...
Nhẹ nhàng gió mát gửi hương sang Hô Bảo Nghĩa (Ngày cưới em) |
Thường đi qua một
nước lạ, tôi hằng mong được ngắm nhìn những phụ nữ
bản xứ trong y phục của họ. Hơn nữa, nếu được chiêm
ngưỡng trang phục trong một lễ cưới tràn đầy hạnh phúc
thì lại là một nỗi vui mừng khác. Hồi qua viếng Séoul,
tôi được biết người Hàn Quốc, như ở Paris, thích làm
đám cưới ngày thứ bảy và sau đó đôi uyên ương xúng xính
trong y phục cổ truyền đem nhau ra công viên chụp ảnh kỷ
niệm. Thế là tôi tranh thủ đi xem cho kỳ được vì nếu
may mắn thì chỉ trong một buối sáng có thể thỏa mãn ước
vọng. Và cơ duyên đưa đẩy tôi đến một ngôi nhà gọi
là điện Khổng Tử vào lúc một đám cưới đang bắt đầu.
Ở một nước xưa kia theo Phật gíáo, ngày nay chỉ còn khoảng
30%, thế vào là 30% Công giáo, 20% đạo Tin lành, chân đứng
của Khổng giáo còn vững chắc được bao lâu ?
Tên y phục truyền thống của người Hàn Quốc là hanbok, gọi tắt danh từ hangukboksik. Hơn là một trang phục cổ truyền, nó là một trang phục quốc gia, phản ảnh bản sắc và di sản văn minh đất nước. Lịch sử trang phục nầy đi đôi với lịch sử Hàn Quốc vì nhiều dấu vết đã thấy trên các tranh tường lăng tẩm các vị đế vương và nhà quý tộc vương triều Goguryeo (37tTC-668). Trong hệ tư tuởng Khổng giáo, cách ăn mặc phản ảnh một tổ chức xã hôi chặt chẽ : bất chấp ở trường hợp nào, mỗi người phải có y phục của giai cấp mình. Trải qua nhiều thế kỷ, áo hay váy thay đổi độ dài, cánh tay hay váy thay đổi độ rộng... y phục thường xuyên thay đổi ít nhiều cho đến thời đại Joseon (1392-1910) mới thấy một hiện tượng thời trang do các bà truyền bá, đưa đến thể dạng ngày nay. Theo nguyên tắc áo quần không được dính vào mình mà phấp phới, tương tự y phục Việt Nam, từ đấy có tên "y phục gió", hanbok có nét đẹp dựa lên những màu sắc hài hòa, những nét uốn cong uyển chuyển. Màu sắc ngày càng nhiều, càng sặc sỡ, áo ngày càng ngắn lại, chỉ có váy mặc đã cao quá ngực thì khó lòng cao thêm. Tuy nhiên, trời nóng nực, cần vận động nhiều thì áo quần cũng cần được cải tiến cho hợp với xu hướng của một nước từng biết dung hòa hiện đại và truyền thống. Trước khi chấp nhận y phục phương Tây cách đây gần một thế kỷ, nhất là bên phía nam nhi, hanbok là áo quần hằng ngày của người Hàn Quốc. Ngày nay, trang phục nầy tuy đã cải tiến, được xem như là lễ phục, chỉ mặc khi có đám cưới.hay một lễ hội, mỗi lễ có một bộ khác nhau. Phỏng theo kiểu mẫu thời Joseon, cả hai giới đều mặc một cái áo ngắn geogori, nhưng nếu áo đàn ông ít thay đổi, áo đàn bà ngày càng ngắn lại. Tuy vậy, trên thực tế ngày nay áo phụ nữ vẫn dài hơn áo nam nhi. Áo gồm có một phần lớn nhất gọi là gil bao phủ trước và sau phần trên cơ thể và cánh tay, một dải lụa git trang trí cổ áo trắng dongleong có thể tháo ra. Đàn ông mặc một cái quần paji, lụng thụng so với quần Tây phương, bó lại ở mắt cá. Sở dĩ quần có kích thước nầy là vì thiết kế cho những người thường ngồi trên mặt đất, thói quen ở Á Đông. Phủ lên bộ áo quần nầy khi có lễ là một chiếc áo khoác durumagi màu trắng, xám hay xanh. Dùng để mặc chống rét còn các loại áo choàng po (hay jumagi), jokki, magoja. Áo po thiết kế từ thời Goryeo còn được dùng cho tới triều đại Joseon. Hai áo jokki và magoja sáng tạo chậm hơn, vào cuối triều đại Joseon, tuy chịu ảnh hưởng Tây phương, vẫn được xem như là trang phục truyền thống. Tương truyền áo magoja, còn gọi magwae, được Heungseon Daewongun tức hoàng thân Gung, thân phụ vua Gojong triều đại Joseon, đem về từ cuộc lưu đày ở Mãn Châu, rất được phổ biến nhờ khả năng giữ ấm cơ thể. Tùy thời tiết nóng lạnh, áo durumagi có thể may bằng lụa, sợi, gai, hay vải, bông, len. Những áo nhiều màu nầy đã được tặng cho đại biểu các nước lại dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Busan năm 2005. Trên đầu họ thường đội một cái mũ đen rộng vành gọi là gat làm bằng tre nhẹ lợp lông ngựa cứng rất thoáng khí. Đôi dày kotsin bằng lụa thường được thêu với những mẫu hình hoa, một trong những nét thanh lịch của trang phục. Cả hai giới đều sử dụng tất ngắn beoseon, khác nhau chút ít ở đường may, bên đàn ông thẳng hơn. Phụ nữ mặc váy truyền thống chima, danh từ chung cho các loại váy. Lớp váy trong gọi là sokchima lúc đầu giống váy ngoài nhưng dần dần đai áo đuợc thêm vào và váy trong trở thành áo lót không tay hay váy lót. Qua thế kỷ XX, chima được mặc cùng váy lót, dưới áo jeogori ở bên ngoài có thêm cổ tay kheutdong khác màu. Thường váy chima từ thân xuống rất thấp để tăng vẻ yêu kiều của người mặc. Nó có thể là đơn giản một tấm vải hay kết đôi hay có lớp lót. Có hai loại : xẻ đằng sau là pul-chima, khâu lại là tong-chima. Để trang trí chima, mọi mẫu đẹp hỗn hợp màu sắc đều được thêu vào. Phần trên trang phục jeogori nếu rộng và đơn giản bên đàn ông, tương đối ngắn và được trang trí nhiều bên đàn bà. Có nhiều mẫu áo jeogori tùy hàng vải, từ đó có nhiều màu sắc khác biệt và cũng có nhiều kỹ thuật khâu may. Phần lớn các jeogori đếu có thêm hai băng dài lủng lẳng trước váy chima, thắt ngay dưới ngực thành cái nút otgoreum, một trong những tiêu chuẩn cốt yếu đánh giá nét đẹp và màu mè của y phục. Hai tiêu chuẩn khác là đường vẽ hình cong mái nhà cổ truyền, lặp lại thành phần dưới baerae tay áo jeogori hay áo ngoài magoja, và cách chải chuốt băng vải kit quanh cổ áo jeogori. Cổ áo trắng dongleong đóng góp vào sự hài hòa của toàn bộ y phục, đặc biệt vào việc làm nổi bật nét duyên dáng đường cong của cổ các cô, các bà. Ngày cưới, không phân biệt địa vị xã hội, chú rể mặc trang phục giống các vị phò mã rễ vua. Tóc búi lên đỉnh dầu, chú đội mũ bokgeon sĩ tử hay mũ samo cánh chuồn, chân mang ủng mokhwa. Phủ lên chiếc áo dài dopo là một cái áo rộng dallyeong màu xanh nước biển hay màu đá ngọc bích, thêu trên ngực hình hai con sếu màu trắng mào đỏ. Trang phục samogwndae còn có một áo ngoài trên ngực thêu hai con hạc trắng mào đỏ như quan văn trong triều, hay thêu đôi sư tử trong trường hợp quan võ còn thường dân thì chỉ thêu hoa văn trang trí. Trang phục cô dâu chuẩn bị kỹ càng hơn. Hai đuôi sam tóc cô búi thành ssangye quanh nút dari sau gáy, dưới khăn trùm đầu thêu hoa văn. Búi tóc nầy tượng trưng cho cô gái chưa chồng, đám cưới xong thì bện lại hay dùng jjokdaenggi.buộc lại thành dải. Áo và váy phải là đồ mới may. Những cô dâu bình dân thường mặc váy hai tầng màu đỏ, áo choàng ngoài màu vàng hay màu xanh, thời trước màu xanh dành cho những cô mới lấy chồng. Phụ nữ quý phái mặc một váy dài và rộng trang trí hoa văn dát vàng seuranchima, áo khoác trang trí hoa văn màu đỏ tía quanh tay áo và hoa cây bông tương trưng cho hạnh phúc quanh cổ. Những cô công chúa còn có một áo choàng ngoài hwarof hay wonsam có xẻ nách bằng lụa, thêu rồng phượng, hoa văn dát vàng, thắt lưng daedae rủ bên hông. Nói chung, không có luật lệ khắt khe và mỗi gia đình tùy cơ định liệu trang phục.
Trong đám cưới truyền thống taerye, tất cả trang phục nầy còn được giữ nhưng ngày nay, như ở mọi nước khác, thanh niên thiếu nữ thích chọn y phục Au châu vừa tân thời vừa giản tiện hơn. Tuy vậy, như ở nước ta, nếu nam nhi mặc đồ Tây, các cô cỏn giữ y phục hanbok truyền thống của mình. Về tục lệ tuy được đơn giản hóa và thay đổi tùy gia đình, một vài chi tiết vẫn còn hiện hành : chọn ngày lành tháng tốt, ứng định ngày cử hành hôn lễ thông qua bà mối, nhà trai biếu tặng nhà gái một con ngỗng biểu hiện sự chung thủy, nhà trai mang sính lễ tới nhà gái. Hộp quà tặng ham không có cau trầu mà thường đựng đồ trang sức cùng vải xanh vải đỏ để may y phục truyền thống. Lễ cưới thường đuợc tổ chức ở nhà cô dâu nếu không là ở điện Khổng Tử. Trang phục chỉnh tề, khi chú rễ bước vào nhà gái thì nhà cửa đã được bày biện : trên bàn thờ, đã được đặt sẵn một bình gạo tượng trưng cho sự giàu có, những quả táo sự trường thọ, một con gà sống sự sinh sôi, những cành thông, cành tre sự chung thủy,...Cô dâu cũng ăn mặc chỉnh tề, môi son má phấn, đặc biệt hai chấm son đỏ trên hai má. Chú rễ có mang theo một con chim nhạn có màu sắc sặc sỡ, đặt lên bàn thờ và quỳ vái. Ý nghĩa cử chỉ nầy là cầu chúc cho đôi uyên ương mãi mãi yêu thương sống với nhau như đôi chim nhạn. Sau đó, cô dâu chú rể đứng đối diện nhau trước bàn cưới, vái nhau nhiều lần để tỏ vẻ kính trọng nhau rồi cùng nhau uống rượu chú rễ trong một cốc nhỏ, cô dâu trong một quả bầu cắt hai. Nghi lễ nầy gọi là geunbairye nói lên sự hài hòa của đôi uyên ương nay thành vợ chồng. Trước khi vào tiệc cưới, cô dâu chú rễ vui mừng đón nhận những lời chúc mừng của gia đình, bạn bè. Lễ nghi như vậy phần nào mất bề long trọng nhưng tập tục truyền thống cơ bản của người Hàn Quốc luôn vẫn còn được gìn giữ. Rời điện Khổng tử, theo lời dặn, tôi đi quanh công viên thì thật gặp được một số vợ chồng vừa mới cưới đang làm mẫu cho những nhà nhiếp ảnh. Lập tức tôi cũng tự nhiên lẫn vào trà trộn với những nghệ sĩ bản xứ. Bất cứ trước cặp uyên ương nào tôi cũng được tặng những nụ cười cảm ơn qua ống kính đã tỏ ra có cảm tình với sắc đẹp của họ và từ đấy cùng chia sẽ hạnh phúc với đôi vợ chồng mới cưới. Các cô dâu luôn hớn hở tươi cười làm tăng vẻ duyên dáng của cô gái trước một tương lai tươi sáng và gây hào hứng cho một buổi lễ quan trọng trong đời. Có cô, có lẽ tưởng tôi cũng là người Hàn Quốc, thêm vào một tràng giải thích líu lo vui vẻ. Để khỏi làm cô thất vọng, tôi gật đầu lặng thinh mĩm cười cảm ơn rồi vội vàng rút lui để tránh làm phiền những cặp vợ chồng trong những giờ phút hạnh phúc đầu tiên của đời họ.
|
|
.