Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[
Tác
giả ]
|
|
Mỗi một năm, đến độ rét mướt, tuyết rơi, trước thềm mùa Giáng sinh, Năm mới, hầu hết mọi nhà lo sắm sửa trang hoàng, tổ chức tiệc tùng, chuẩn bị những ngày đầm ấm gia đình như những ngày Tết Nguyên đán. Trẻ con chờ đợi ông già Noël, không dính gì đến đạo giáo, tuy ở các nước Đức ngữ tương đương có Sankt Nikolaus, nguyên giám mục xứ Myre (Tây Á), từ ống khói mang gùi tụt xuống phát quà vào những chiếc dày đặt sẵn dưới gốc cây thông "sapin de Noël". Chúng còn náo nức chờ xem cảnh tượng Giáng sinh chúa Giêsu nằm trong máng ăn súc vật gọi là "crèche" giữa chuồng. Cảnh phong nhắc lại hồi bà mẹ Trinh Nữ Maria nằm nơi Giêsu, ở Bethléem, trên đường đi Ai Cập, bên cạnh có ông cha Joseph, giữa những thú vật đủ thứ đặc biệt lừa và bò. Cảnh nầy có thể được dựng lên trong mỗi nhà nhưng thường là trong các nhà thờ, có khi lớn đến 4-5m như ở Nhà thờ Đức Bà Paris. Ở ngoài trời cảnh dài đến 18m trước tòa Đốc lý Paris với gần 200 người máy cử động được, chiếm một diện tích 54m2 ở Avignon với 600 nhân vật, nhưng đạt kỷ lục có lẽ là cảnh 1116m2 với 1000 nhân vật ở Grignan (tỉnh Drôme). Nếu dựng cảnh ở nhà, hoặc phải tự chế tạo nhân vật, hoặc đi mua đề trang bị. Có nhiều nhà hàng công giáo bán những nhân vật nầy nhưng đặc biệt có một loại rất đẹp gọi là santon nguồn gốc vùng Provence. Nơi thị trấn tôi ở, Sceaux, vùng nam Paris, giao hảo thuờng xuyên với vùng Provence, xem như miền đất nam lọt vào Ile-de-France, có tổ chức hầu hằng năm cả một Hội chợ santon một tuần trước Noêl. Ở đây gần hai chục gian hàng không chỉ có bán nhân vật riêng rẻ mà khách có thể mua cả một bộ trọn vẹn xây dựng quanh một túp lều... Santon là những hình tượng nhỏ cở 3-9cm (hay lớn hơn) bằng đất sét chế biến, áo quần màu sắc sực sỡ, hình dung đủ mọi nhân vật có mặt quanh cái máng súc vật "crèche" : cậu bé Giêsu, bà mẹ Trinh Nữ Maria, thánh Joseph, con lừa và con bò có nhiệm vụ sưởi ấm cậu bé mới sinh trần truồng. Muốn đầy đủ hơn cần thêm vào ba vị vua pháp theo truyền thống được xem như là đại diện cho ba châu Âu, Phi, Á, dòng dõi con cháu Noé. Gaspard, từ Ấn Độ lại, là một chàng trẻ không râu, thường được trình bày ở thế ngồi. Balthazar y phục trắng,là một ông vua đứng tuổi. Melchio, một cụ già sói tóc, râu xồm, là người dân tộc Maure ở vùng Sa mạc Sahara. Ăn mặc sang trọng, theo phong tục, mỗi vị đem dâng môt món quà riêng như khi đến trình diện một quốc vương hay một vị thần : nhựa hương tiêu biểu quyền lực tôn giáo, một dượcquyền lực tiên tri, thoi vàng quyền lực thế tục. Đối với đấng Giêsu, ba món quà nầy còn tượng trưng những lời cầu nguyện, sự hành xác cơ thể và tình yêu cao cả. Đi từ xa lại, họ được một ngôi sao sáng hướng dẫn, có khi theo sau họ là một hay nhiều con lạc đà do một người chăn dẫn đường. Theo truyền thống, cả ba vị phải có mặt ở trước chuồng bò trước "lễ Hiện thân". Riêng ở Provence, ngoài những nhân vật ấy còn có một số tượng nhỏ hình dung dân cư đem quà lại dâng Giêsu : những người chăn cừu, thợ làm bánh mì, ông giáo sĩ , những cô gái giặt áo, đi chợ, những chú chăn cừu...Tất cả những nhân vật ấy được trình bày trong một bức tranh sơn thủy có đồi núi lác đác những cây ôliu, một cây cầu cong bắc ngang con sông nhỏ chảy quanh con đuờng mòn dẫn lên lều rạ Giêsu, không quên trên trời một ngôi sao sáng tỏ. |
Theo truyền thống, "crèche lễ Noël" bắt đầu từ thuở Trung Cổ. Ở bên nước Ỳ, từ đầu thế kỷ 2, đã có thấy hình vẽ Giêsu trong các hầm nhà ở Roma. Sau đấy hình vẽ lan rộng ra nghĩa địa, trên các quan tài. Năm 1223, François d'Assise, có mẹ người vùng Provence, lần đầu tiên dựng cảnh Giáng sinh Giêsu ở trong động nhà tu khổ hạnh Greccio dòng Franciscain bên Ý, những người trong làng và súc vật thật đóng vai những nhân vật làm thành một cảnh sống. Nếu truyền thống còn tồn tại đến ngày nay, dần dần những diễn viên sinh động nhường chỗ cho những hình tượng bằng các tông bột đúc, gỗ, sáp, sành, ngay cả thủy tinh. Qua thế kỷ XVI mới thấy những tu sĩ dòng Tên Jésuite bắt đầu đặt ra những cảnh Giáng sinh Giêsu tí hon nhưng chưa phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1775, ở vùng Provence, nơi có nhiều tín đố công giáo, ông Laurent dựng lên một cảnh không hoàn toàn bất động vì nhân vật là những con nộm cử động đuợc, mặc trang phục địa phương. Để cho cảnh thêm linh hoạt, ông cho ghép vào hình tuợng những con tuần lộc, hà mã, hươu cao cổ,...Vào thời buổi có thỏa ước với Tòa Thánh, trong cảnh còn có cả một cỗ xe bốn bánh, trước cửa có đức Giáo hoàng cùng các vị Hồng y đang xuống xe. Trước xe, đầy đủ Gia đình Thánh (Giêsu, Maria và Joseph), quỳ gối trong lúc đức Giáo hoàng ban phép lành. Báo chí còn cho thêm chi tiết : trước đàn cừu và người chăn kính cẩn niệm kinh, bức màn mở rộng để lộ một chiến thuyền trên mặt biển bắn ra một loạt súng lớn chào mừng chú bé Giêsu đúng lúc cựa mình thức dậy mở mắt vẩy tay. Sau Cách mạng 1789, nhiều nhà thờ bị đóng cửa, các buổi lễ đêm Giáng sinh bị cấm, từ đấy cuộc thờ cúng công cộng ngày ra đời của chúa Giêsu cũng mất dần. Bắt đầu từ đây, ở vùng Provence, để tiếp tục cuộc thờ cúng trong nhà, người ta bày ra những "crèche" với những nhân vật tí hon gọi là santoun tức là santon ngày nay, có nghĩa những vị thánh nhỏ. Phong trào dựng "crèche" ngày càng lan rộng, tín đồ ngày càng đòi hỏi santon và năm 1803 "Hội chợ santon" lần đầu được khánh thành ở Marseille. Hội chợ nầy nay vẫn còn, mở từ cuối tháng mười một đến đầu tháng giêng năm sau, tọa lạc phía trên phố Canebière trung tâm thành xưa chạy dài xuống Cảng cũ. Những santon có thể chỉ là những hình tượng tô màu nhưng cũng có những hình tượng mặc áo quần thường là các y phục cổ truyền, những thợ thuyền công nhân thì mặc thường phục nhưng tay nắm hay vai khiêng dụng cụ ngành mình : ổ bánh, cây đàn, bình nước,...Lẽ tất nhiên những nhân vật chính là Giêsu, Maria, Joseph thì có đủ kiểu, đủ màu. Ngoài ra, một số lớn đồ phụ để dựng cảnh : chuồng bò, giếng nước, chiếc cầu, ngôi sao hay giấy xám làm hóc đá, giấy xanh làm nền trời, rong rêu thế cỏ,...Lúc ban đầu, ngưòi ta dùng ruột bánh mì, dần dần sử dụng đất sét thay thế. Nổi tiếng lúc ban đầu ở Marseille là những sáng tác của Jean-Louis Lagnel (đầu thế kỷ XIX), cạnh tranh với những santon Ý gọi là santibeli làm bằng thạch cao đươc đem qua bán ở Cảng cũ Marseille vào giữa thế kỷ. Ngày nay còn có khoảng hơn 60 nghệ nhân làm santon trong vùng Marseille, Aubagne, Aix-en-Provence, Bouches-du-Rhône, non 30 trong tỉnh Vaucluse, một số ít dưới 20 trong các tỉnh Var, Alpes-Hautes-Provence, Alpes-Maritimes. Cuộc chế tạo santon gồm có bảy đợt. Trước tiên phải thực hiện một cái mẫu. Tiếp đến là từ mẫu ấy chế tạo một cái khuôn hai phần bằng thạch cao trong ấy cho vào đất sét tươi và trét mạnh. Gập hai phần lại vói nhau, nén cho đến lúc những phần thừa lòi ra ngoài. Gạt đi xong thì mở khuôn và phơi khô. Lại phải gọt hết xờm truớc khi cho vào đun nóng trong lò 800°C vì santon đất sét tươi không bền Thao tác cuối cùng là tô màu hay cho mặc áo quấn, lẽ tất nhiên làm bằng tay. Chế tạo những santon lớn trên 10cm cần thay đổi chút ít kỹ thuật : tay chân được cho gắng vào sau khi đun nóng hay chỉ có tay chân và đầu bằng đất sét, thân mình là áo quần mặc lên những sợi dây thép. Lúc ban đầu, công việc áo quần nầy được cậy những thợ may giúp sức. Những santon sơ khai hình dung những dân chúng trong vùng, ăn mặc rất bình dân, giản dị nhưng mỗi nhân vật có một lý lịch rõ ràng như thấy trong các tuồng hát mục đồng Pastorale xứ Provence được diễn trên sân khấu trong mùa Noël. Thường trong "crèche" vùng Provence, những santon được xếp làm bồn loại : những nhân vật trong chuồng, những nhân vật biểu tượng ngành nghề ở Provence lại dâng quà, những thú vật và sau cùng những đồ vật cần thiết để trang hoàng một xóm làng đặc biệt xứ Provence từ nhà cửa, chuồng bò, nhà thờ đến sông, giếng, cối xay...Người Provence thích giới thiệu công trình của họ với tiếng địa phương : enfan Jèsu là bé Giêsu, Santo Vierge là đức Trinh nữ Maria, Sant Jousé là thánh Joseph, lou biou là con bò, ase là con lừa, li pastri là những người giữ cừu, lou tambourinaire là người đánh trống, lou pescadou là người câu cá, lou bouscatié là người tiều phu, lou boulangié là người làm bánh mì,... Nổi trội lên tất cả là vị thiên thần báo hiệu sự giáng sinh Giêsu. Ở Provence, vị thiên thần có tiếng nhất là người thổi Boufarès, tay cầm trompet, có nhiệm vụ hướng dẫn những mục đồng về chuồng bò. Ngưòi ta thường treo nó trên trần chuồng, ngay ở chỗ Giêsu nằm. Nó là một nhân vật của tác giả Yvan Audouard. Trong các tác phẩm của Antoine Maurel thì sứ giả báo hiệu là tổng thiên thần Gabriel báo tin ngay cho các mục đồng. Họ đã được miêu tả trong Thánh Kinh và là những người có mặt trước nhất để đón chào Giêsu. Nếu Yvan Audouard chỉ ghi độc nhất một mục đồng đem theo con chó, choàng một chiếc áo không tay chống mưa và gió Mistral, vai mang bầu nước và túi dết, tay cầm gậy để lùa đàn thú và để tự vệ, Antoine Maurel trình bày đến mười một chàng : Bartoumièu, Chiquet, Flouret, Goustin, Jaque, Matièu, Meissemin, Micoulau, Nourat, Roubin và Tristet. Những mục đồng có thể trẻ hay già, đứng hay quỳ, tay luôn cầm gậy, có khi mang trên vai hay bồng một con cừu non. Cách trình bày những mục đồng ở chốn đồng quê tỏ ra cảnh Giáng sinh Giêsu thấm đậm hình ảnh bình dân. Trong số những chức trách trong làng, trước tiên có ông xã trưởng lou conse, áo quần bảnh bao, băng tam tài chéo ngang trên ngực, đội mũ cao thành, tay cầm cái dù, chiếc đồng hồ bằng vàng lửng lơ trên túi. Trong nhiều vở kịch, ông mang tên Mathieu và có nhiệm ghi tên Giêsu vào sổ hộ tịch trong làng. Qua phần tôn giáo, một bộ mặt cần thiết trong cảnh giáng sinh Giêsu là ông cha xứ hiền lành, má hồng, sói tóc, phệ bụng, tay hay đưa lên trán lau mồ hôi vì ông luôn chạy vạy để chuẩn bị buổi lễ. Một nhân vật không thể thiếu trong cảnh là ông tu sĩ. Tu sĩ đầu tiên dự cuộc chính là François d'Assise, áo len thô màu nâu, trong cảnh Giáng sinh Giêsu bằng người thật khi ông dựng lên ở Greccio. Trong lúc giảng đạo, ông không quên cúi xuống bồng bé Giêsu lên. Có một đệ tử của François d'Assise, không xuất hiện trong cảnh, nhưng có tài chạm trổ, ông chế tạo những nhân vật bằng ruột bánh mì, ướp hương với vài hột cây hồi. Thành công hoàn toàn mỹ mãn nhưng nhân vật biến mất rất mau. Ông kêu gọi tín đồ đừng ăn những nhân vật nầy trước khi làm lễ Noêl nhưng chẳng mấy ai nghe nên cha bề trên buộc ông phải ngừng làm. Từ nay ông chỉ chế tạo những nhân vật bằng gỗ. Một nhân vật không có thành tích vẻ vang nhưng rất cần thiết trong cảnh là thằng ngốc Ravi vì nó rất vui mừng khi biết Giêsu ra đời, nó đem lại hạnh phúc tuy chẳng có gì biếu tặng. Trong làng, nó làm những việc lặt vặt khi có ai sai và chính nó thường ngủ trong chuồng. Nó ăn bận rất giản dị, đầu trùm mũ không vành, hai tay luôn giơ lên trời tỏ vẻ kinh ngạc nhưng hoan hỉ. Có khi nó được kết hợp với Ravido là phần nữ của Ravi. Thường ngày chỉ biết ăn, ngủ, lo những chuyện thiết thực, nó không tin sẽ có một vị cứu tinh sắp lại. Nhưng khi thấy Giêsu sinh ra, nó trở thành một con người khác, cởi mở và tìm ra hạnh phúc trong mộc mạc, chất phác. Một người làm ở trại không ngây thơ như Ravi nhưng có tiếng là hay chạy theo gái. Trong truông Provence mọc một cây đào lạc pistachier cống hiến một trái có tính chất kích dục nên dân cư đặt cho nó tên Pistachié. Aên mặc lôi thôi, nó thường cầm một cái lồng đèn. Maurel cho nó là một thằng nhát gan, lười biếng, thích uống rượu nhưng nhẹ dạ, khờ khạo, nó chịu bán bóng mình cho người du cư Bôhem. Audiart cho nó là chồng cô bán cá Honorine. Nó rất vụng về khi săn nhưng hôm lại xem Giêsu nó may mắn lần đầu tiên bắn được một con thỏ rừng. Những người du cư Bôhem được gọi là Boumian vì một vị bá tước buộc họ phải sống ở Saint-Baume. Vì họ sống trong những hang động (baume) nên luôn giữ tên ấy. Luôn mặc áo quần màu sắc rực rỡ, một áo choàng đen không tay khoát trên lưng, một khăn trùm đỏ trên đầu, tóc râu dài đen, họ thường có một con dao cắm ở dây nịt. Họ thường đuợc xem là có nhiều kiến thức và có khả năng chữa bệnh. Bà vợ gọi là Boumiane cũng có khăn trùm, áo chẽn màu, váy dài và đen, tay mang trống nhỏ, bồng con trên háng. Họ hành nghề tướng số, đọc đường bàn tay, suy đoán vận mệnh, được tin biết phép thuật, phù phép. Kiến thức của cặp vợ chồng nầy có sức quyến rũ từ đấy cũng làm cho dân chúng sợ họ. Mặt khác, họ cũng có tiếng là những người hay ăn trộm áo quần phơi ngoài trời, bắt cắp gà vịt, bắt cóc con trẻ...Một nhân vật khá cần thiết ở chốn đồng quê là anh thợ xay bột với cái cối xay chạy gió, luôn được trình bày cùng với con lừa mang bị bột. Lừa với bò là hai con thú không thể không có trong cảnh Giáng sinh Giêsu. Chúng đứng nhìn và thổi hơi thở vào để sưởi nóng cậu bé trần truồng. Nhưng chúng không phải là súc vật độc nhất có mặt. Cả một đàn cừu lại dâng cúng một con cừu non. Nghi lễ nầy, khởi thủy từ thế kỷ XVI, rất sinh động trong buổi lễ nửa đêm ở Provence. Nhưng bị cho là nhiễm tà đạo, tập quán bị Hội nghị các giám mục 1609 cấm một lần đầu, rồi lại bị đức Tổng giám mục Arles nhắc lại năm 1612. Tuy vậy, tập quán đã đi sâu vào lòng tín đồ và luôn vẫn tồn tại dù có khả năng bị rút phép thông công. Nếu người chăn cừu luôn đi bộ cầm gậy dẫn đàn cừu, có con chó chạy cạnh bên, ngưòi chăn bò gardian cởi ngựa, luôn theo sau có cô Arlésienne, nghĩa là người xứ Arles. Mỗi nghệ nhân trình bày cô nầy theo thị hiếu của mình nên có cô già, có cô trẻ, đủ hạng người trong xã hội, nhưng tất cả có một điểm chung là cô nào cũng ăn mặc rất đẹp, y phục xứ Arles. Có điều vùng Arles rất rộng nên y phục thay đổi khác nhiều từ vùng nầy qua vùng khác. Đáng để ý là cái mũ đặc biệt bắt buộc mấy cô phải để tóc dài : khi làm việc họ phải dùng băng vải thắt nút trên đầu. Nhà văn hào Alphonse Daudet dựng lên một vở kịch vui, sau nầy trở thành vở nhạc, trong ấy anh chàng Frédéric yêu tha thiết môt cô Arlésienne đến nổi không để ý đến một cô gái khác yêu mình và thất tình tự tử. Chuyện lạ trong vở kịch nầy là người xem chỉ nghe nói đến mà không thấy nàng Arlésienne !Vì vậy sau nầy nếu nghe nói đến một cô gái mà không thấy thì người ta bảo đó là một cô Arlésienne. Rồi đến lúc người đẹp Arlésienne có dịp xuất ngoại. Khi ghé qua Arles năm 1888, họa sĩ Vincent Van Gogh cùng đi với Paul Gauguin rạo rực cảm xúc, lấy cô chủ quán cà phê làm mẫu để vẽ một cô Arlésienne. Kết quả là hơn một bức chân dung, cả một bức tranh xứ Provence sáng ngời đầy ánh nắng miền nam hiện ra và nay là một kiệt tác trưng bày ở Viện bảo tàng Mỹ thuật New York. Nếu cô Arlésienne thường được trình bày một mình, trong "crèche" cũng thấy có nhiều cặp. Ngoài đôi Boumian - Bomiane đã thấy ở trên, Grasset và Grassette là một cặp thường bình tĩnh ngổi cùng nhau trên ghế hay đứng giữa làng. Họ ăn mặc rất đàng hoàng loại y phục ngày chủ nhật, nàng khăn san thêu choàng vai, mang rổ thực phẩm, chàng khăn quàng cổ thắt thành cà vạt, tay cầm dù. Một cặp luôn rầy nhau là Jordan và Magarido. Nàng đội mũ đăng ten, khăn quàng đầy hoa, tay mang rổ liễu giỏ, chàng mặc áo ja ket, gi lê thêu, tay mang đèn lồng. Luôn theo sau cặp nầy là anh bạn Roustido mang dù đỏ, biểu hiện một công chứng viên cũ trong làng. Một cặp gây xúc động là người mù và đứa con : đứa con trưởng Chicoulet bị bắt cóc, ông khóc đến nỗi thành mù, bây giờ tay dựa lên vai đứa con thứ, Simoun, ông lại cầu xin Giêsu giúp tìm lại con. Trong lúc những nhân vật nầy đứng quanh sân làng, một điệu nhảy farandole chạy quanh họ. Ở Provence, người đánh trống là ông điều khiển, lúc nào cũng mang theo cái trống con tamboururin và chiếc sáo ba lỗ galoubet. Một trong những nhân vật chính của điệu nhảy là Guillaume. Y phục chỉnh tề, anh đội mũ dạ rộng vành, áo vét nhung đen phủ ngoài một áo sơ mi trắng cổ cột một sợi dây nhỏ, áo gi lê thêu, quần cắt siết sít, thắt lưng băng vải len đỏ điển hình vùng Provence. Người nhảy xếp một hàng dài, vừa nhảy vừa uốn lượn ngoằn ngoèo. Nguyên gốc Hy Lạp, đường nhảy quẹo qua ngoặt lại vẽ thành một hình đuờng rối labyrinthe. Nếu y phục mấy cậu giống người đánh trống, các cô ăn mặc như những Arlésienne với những thay đổi tùy theo nghệ nhân địa phương. Ngày nay có rất nhiều nghê nhân không chế tạo santon theo kiểu Provence nữa mà sáng tác những nhân vật mới, bất chấp là những bộ mặt cổ điển, mà chú trọng về mặt mỹ thuật, khi bằng vải, len, khi bằng gỗ, đồng, cống hiến những "crèche" rất hiện đại, đẹp mắt. Có thể hỏi những nhân vật mới nầy còn mang tên santon không ? Không có dịp xem "crèche" ở Provence, đi đạo một vòng ở Hội chợ santon cũng có được một ý niệm về thái độ, y phục cổ truyền của người vùng Provence. Tuy không cử động, những santon thấy như có một linh hồn và đó là sự thành công của cả một thế hệ nghệ nhân yêu nghề, hảnh diện giới thiệu tập quán cổ truyền của vùng mình. Tác giả santon : 1,2- Jean-Marie Combe ; 3- Véronique Dornier ; 4- Dardaillon ; 5-6- Marinette ; 7,8,16,17,128,19,20,21,22,23,24- Arterra ; 9- Auvergne ; 10- Burkina-Faso ; 11,12- Valériane ; 13,15- Marcel Carbonel ; 14- Fouque. Để so sánh : ảnh y phục đoàn Nhạc múa Nice la Belle trong cuộc biểu diễn Musiques et Danses de Nice tại Sceaux 2013 |
|