Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ]          [ Trang chủ ]      [ Tác giả ]

Ngôi chùa Việt cổ nhất trên đất Pháp

VIẾNG HỒNG HIÊN TỰ TRÊN ĐỒI FRÉJUS

Bài và ảnh Võ Quang Yến

 
Miền nam nước Pháp, trên bờ Địa Trung Hải, thu gọn giữa hai khối núi Esterel và Maures, thị trấn Fréjus nằm cách xa 20km phía đông bắc Saint-Tropez, 26km phía tây nam Cannes, hai thành phố từng nổi tiếng trong ngành điện ảnh, Saint-Tropez với minh tinh màn bạc Brigitte Bardot, Cannes với những Festival hằng năm. Nguyên là một hải cảng La Mã, những công trình để lại như Nhà hát, Vũ đài, Cầu máng,...dần dần bị dân chúng phá hủy để dùng làm nguyên liệu xây dựng một trung tâm Trung Cổ. Qua thế kỷ 4, thị trấn trở nên lớn nhờ một tòa giám mục được thành lập nhưng sau đó lại suy đồi vì cảng ngày bị cát bồi. Ngày nay, với hơn một trăm cây số vuông, Fréjus là thị trấn lớn nhất phía đông tỉnh Var. Với Saint-Raphaël, đây là quê hương tướng Galliéni, một thời đã được gởi qua bình định xứ Bắc Kỳ, không dẹp nổi cuộc dấy binh Đề Thám, về Pháp được phong Bộ trưởng bộ Chiến tranh. Nhờ ông, năm 1915, qua tay đại tá Lame và đại úy Delayen, những trại gọi là "chuyển tiếp khí hậu" được thành lập ở đây để đón nhận quân đội thuộc địa. Những trại nầy nay không còn nữa, nhường chỗ lại cho một Đài kỷ niệm những cuộc Chiến tranh Đông Dương. Trong trại, lẫn lôn với người châu Phi, có một số binh sĩ quê gốc Việt Nam được đem qua Pháp trong Trung đoàn 4 Bộ binh Thuộc địa từ thế chiến thứ nhất, nay còn có tên ghi trên tường Đài
Luôn hướng lòng về quê hương, những binh sĩ Việt Nam được phép xây dựng năm 1917 một ngôi chùa thờ Phật theo kiến trúc Việt xưa trên ngọn đồi thấp cây cối sum sê cạnh trại, quanh một ngã ba trên đường đi Cannes. Khi chiến tranh chấm dứt, quân binh Việt không mấy chốc tản mát, chùa hết còn được chăm non quét dọn và trở nên hoang tàn. Một số mấy bà có chồng Pháp, ở gần trại, như bà François Salmon cùng vị phu quân, tự động đứng ra săn sóc và xin bộ Quốc phòng cho thuê chùa để tiếp tục cúng bái. Năm 1967, họ thành lập Hội Phật giáo Côte d'Azur, năm 1968 đổi thành Hội Phật giáo Pháp và năm 1970 trở nên Hội Phật giáo Pháp Việt. Chùa gồm có hai phần : trước thờ Phật, sau thờ mẫu và chiến sĩ .Mang tên chùa Galliéni lúc ban đầu, chùa được Hòa thượng Thích Thanh Vực khi qua thăm viếng và an ủi chiến binh, đặt cho một tên có ý nghĩa hơn là Hồng Hiên tự hay Chùa Hồng Hiên, theo hai câu đối trong chùa ghi lại :
Hồng Lạc linh căn phương Việt địa,
Hiên ngang hùng khí tráng Âu thiên.
(Cội gốc linh thiêng của dòng Hồng Lạc, đã làm lừng thơm nơi đất Việt,
Nay đem lại khí phách anh hùng, làm vang dội mạnh cả bầu trời Âu Châu).

Tự ảnh cao tiêu dân tộc tính,
Nguyệt quang thâm ấn bách tùng tâm.
(Bóng chùa nêu cao hồn dân tộc,
Ánh trãng in sâu vào lòng cây tùng cây bách).

Thì ra Hồng là để nhắc nhở nguồn gốc Hồng Lạc lừng thơm trên đất Việt, một nòi giống hiên ngang, khí phách vang dội bên phương trời Âu. Hơn ba mươi năm sau, khi cuộc chiến Pháp Việt chấm dứt sau chiến trận Điện Biên Phủ và hiệp định Gennève cắt hai đất nước năm 1954, một số người Việt di tản qua Pháp, chùa mới lại được sửa sang. Tuy tài chánh eo hẹp lúc ban đầu, nhờ sự tận tâm của nhiều Phật tử, nhờ sự đóng góp của nhiều vị ân nhân, năm 1972 chùa được hoàn tất trùng tu. Năm 1975, Hội mời Hòa thượng Thích Tâm Châu, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ Bangkok qua trù trì và một năm sau kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Phật giáo. Công lao mở mang chùa của Hòa thượng rất lớn. Từ nay chùa là thành viên của Hội Phật giáo Việt Nam Thế giới, trụ sở đặt ở Montreal bên Canada. Nhờ quyên tiền tậu thêm được đất, ban trị sự mở rộng diện tích chùa lên hơn 6000 m2. Năm 1977, khuôn viên đản sinh đuợc xây dựng. Năm 1978, chùa hãnh diện khai trương thiền đường, thư viện, phòng họp, phòng tiếp tân. Năm 1979, chùa được cúng dường một pho tượng bằng đồng cao 2m, đúc ở Thái Lan, hình dung đức Phật đạt đạo dưới gốc cây bồ đề. Cũng trong năm nầy, chính phủ Pháp tặng chùa cho Hội Phật giáo để thành lập Trung tâm Phật giáo.chùa Hồng Hiên. Vài năm sau, tượng Phật nhập Niết bàn và nhóm tượng đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên đuợc hình thành. Năm 1988 chùa xây tháp An Lạc thờ vong hồn đồng thời thỉnh một quả chuông Đại hồng chung đúc theo mẫu chuông chùa Thiên Mụ ở Huế. Năm 2008, chùa làm đại lễ kỷ niệm 91 năm thành lập dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Thích Tâm Châu đến với tư cách Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam Thế giới cùng nhiều vị chức trách trong Giáo hội Phật giáo, bốn mươi sư thầy, sư cô từ Canađa qua cùng nhiều phái đoàn Phật giáo Úc châu, Au châu, Hoa Kỳ, Việt Nam.
Một đặc sắc của chùa là bốn thời kỳ quan trọng trong lịch sử Phật giáo được trình bày trong bốn khuôn viên : nơi đức Phật đản sinh, nơi đức Phật thành đạo, nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên và nơi đức Phật nhập Niết bàn. Tục truyền trên đường về quê nằm nơi, Hoàng hậu Maya (Mada) ghé lại nghỉ chân ở vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), thưởng thức hoa tươi muôn màu, chim hát líu lo. Khi bà giương tay vịn cành cây sala hay sal tức vô ưu (Jonesia asoka hay Saraca indica) cúi xuống ngang mình thì Thái tử Siddharta (Tất Đạt Đa) sinh ra từ nách tay. Bên ta sala cũng còn được gọi cây đầu lân, hàm rồng, hay ngọc kỳ lân (Couroupita guianensis). Sử Phật chép Ngài hướng về phía Bắc, đi bảy bước, dưới chân nở ra bảy hoa sen tươi thắm. Tay mặt chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất, Ngài có câu nói tiên tri : "Ta là đấng chí tôn cao quý nhất trên đời ! Đây là lần hóa kiếp cuối cùng, ta sẽ không còn tái sinh trên cõi đời này nữa.." Ngày nay, lễ Phật Đản quốc tế có tên Vesak hay Vesakah hay Visaka, thường được cúng ngày mồng tám tháng tư âm lịch.Trong cảnh trình bày ở chùa Hồng Hiên, xung quanh sáu vị hầu cận, Hoàng hậu Maya đứng sau, áo mủ màu đỏ, thắt lưng và cánh áo mặt màu vàng, tay mặt giương lên, những ngón tay cụp lại như đang nắm cành cây. Thái tử Siddharta đứng trước, trên một đóa sen, đầu trần, áo vàng, hai tay chỉ lên trời và xuống đất. Lumbini tọa lạc dưới chân núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) ở xứ Nepal, cách 36km biên giới Ấn Độ, cách 25km kinh thành Kapilavatthu (Ca Ty La Vệ) là nơi đức Phật đã sống đến 29 tuổi, ngày nay là một trong những nơi hành hương nổi tiếng của Phật giáo.
Khi Thái tử Siddharta rời kinh thành của vua cha, Ngài kiếm chỗ thích hợp cho một cuộc thiền định. Sau một thời kỳ khổ hạnh sáu năm thấy không đưa đến giác ngộ, Ngài quyết chuyển qua một hướng trung dung,Trung đạo, từ bỏ những thái độ thái quá, Năm người tỳ kheo anh em Kondanna (Kiều Trần Như) theo Ngài từ trước, cho là Ngài đã phản bội chí hướng, rời bỏ đi nơi khác. Từ nay, một mình, sau khi xuống tắm trong dòng sông Nairanjana (Ni liên hà), uống bát sửa với mật ong của cô Sujata cúng dường, Ngài lại ngồi dưới gốc cây bồ đề (Ficus religiosa) gần thị trấn Gaya (Già da) sau nầy mang tên Bodh Gaya (Bồ đề đạo tràng), nguyện sẽ không rời chỗ trước khi đạt đến Chân lý. Thần chết Mara sợ ngài thành công, sai những bầy quỷ sứ cùng ba con gái lại phá phách, quyến rũ. Nhưng Ngài thắng mọi xung kích, cám dỗ, đạt chính pháp và đắc đạo. Sau 49 ngày, Ngài giác ngộ ra giáo lý Phật giáo, vào một buổi sớm mai trời đẹp, thực chứng Tứ Diệu Đế : Khổ, Nguyên Nhân của Khổ, sự Diệt Khổ và Con Đường Diệt Khổ.. Ngài đặt tay mặt xuống đất viện đất làm chứng những công đức Ngài đã đã tích lũy từ nhiều tiền thân trong tư thế địa xúc ấn Bhumìsparshamudra. Ngài còn ở lại đây bảy tuần nữa, tận huởng sự giải thoát, một thời gian kỳ diệu, không ăn, không uống, trước khi lên đường đi Sarnath.
Sarnath hay Mrigavasda (Lộc Uyển) là một thị trấn ở tỉnh Uttar Pradesh, cách Varanasi (Ba la nại) khoảng 10km. rút gọn từ chữ Sarangnath (Sarang : Lộc, Nai và Nath : vua) Sarnath có nghĩa là Vua các loài Nai, nên còn được gọi Vườn Nai và đức Phật là Lộc Vương. Có mặt ở đây, năm vị tỳ kheo đã từng bỏ Ngài, lúc ban đầu không muốn chào Ngài, nhưng khi lại gần thì choáng mắt trước hào quang tỏa ra từ thân Phật. Biết Ngài đã đạt đạo, tìm ra con đường cứu khổ, liền tự động quỳ xuống xin được thụ giáo sự hiểu biết sâu xa của Ngài về bản chất trí tuệ. Bắt đầu giảng pháp, đức Phật trình bày con đường dẫn đến giác ngộ và giải thoát : Tứ diệu đế, Duyên khởi và quy luật Nhân quả (Nghiệp). Những bài nầy thuộc kinh Chuyển pháp luân Dhammacakkappavattana : Phật pháp ví như bánh xe lăn khắp mọi nơi để dẹp trừ phiền não và mê hoặc. Năm vị tỳ kheo đó trở thành năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật và là hạt nhân đầu tiên của Tăng già. Ngày nay ở Sarnath còn có di tích tàn rụi những đến tháp xây dựng trong nhiều triều đại khác nhau, có công nhiều nhất là vua Ashoka (A Dục). Đặc biệt nơi đức Phật ngồi thuyết pháp có tháp Dhamekh (Chánh pháp) uy nghi cao 34m thay thế một tháp xưa 200 năm trước TC. Giữa chính điện có trụ đá Ashoka cao 20m nhưng mũ cột bị quân Thổ Nhĩ Kỳ cắt cụt. Mũ nầy hiện được trưng bày trong viện bảo tàng Sarnath, thể hiện bốn con sư tử xây lưng với nhau là biểu hiệu ngày nay của nước Cộng hòa Ấn Độ. Ở chùa Hồng Hiên, đức Phật được trình bày mặc áo vàng ngồi xếp bằng Padmasana trước năm vị tỳ kheo, tay mặt chỉ xuống đất trong tư thế địa xúc ấn Bhumìsparshamudra, ngón cái đụng đầu ngón chỉ ở tay trái trong tư thế giáo hóa ấn Vitarkamudra, say sưa trong cuộc thiền định sâu đậm.. Xung quanh, vài con nai lặng yên như cũng muốn lĩnh hội những lời giáo huấn.
Cảnh đức Phật nhập Niết bàn là tượng thứ tư trong Tứ Động Tâm. Sau 45 năm thuyết giảng, sau khi tạo điều kiện cho tỳ kheo có cơ hội cuối cùng để chất vấn hay hỏi đáp, Ngài đi về thị trấn Kusiganara (Câu Thi Na), tiến đến một rừng cây sala ven phía nam thành phố, theo truyền thuyết Pali thì vào ngày rằm tháng tư, văn bản Phạn ngữ cho ngày rằm tháng mười một. Ngài nằm giữa hai cây cao, nghiêng phía bên mặt, đầu hướng về phía bắc, măt hướng về phía tây, chân trái gác lên chân mặt. Ngài ban những lời di huấn cuối cùng : " Hãy lắng nghe, này các đệ tử, Như Lai khuyên các con. Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy nỗ lực tinh tấn tu hành để giải thoát " Thông qua các mức thiền định (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền), thọ 80 tuổi, Ngài nhập diệt rồi vào Đại Bát Niết Bàn Mahaparinibbana, một trạng thái tịch tịnh, giải thoát cuối cùng tịch diệt các phiền não, một trạng thái an tịnh, an lạc tuyệt đối. Nếu khi giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, Ngài vào Niết Bàn có dư y nghĩa là tham, sân si đã được đoạn tận nhưng thân còn do quả báo đời trước. Khi nhập diệt ở Kusinagara, Ngài chứng Niết bàn không có dư y thì báo thân cũng không còn nữa nghĩa là thân hết còn bị các phiền não ám ảnh, hết còn bị già, bệnh tật chi phối. Sách Phật viết vào đúng lúc ấy tuy không phải mùa, rừng hoa sala nở rộ, rơi phủ đấy kim thân đức Phật, trong vùng hoa Mạn Đà La và bột trầm hương đổ xuống khắp nơi, bốn huớng vang dội tiếng hát ca chúc tụng cúng dường đức Thế Tôn. Chùa Hồng Hiên trình bày đức Phật dài 9m nằm như đã tả trong sách, đầu gối lên tay mặt, hai bàn chân song song, không có dấu xe pháp Dharmacakra ơ bàn chân như thường thấy ở Á Đông.
Ngoài Tứ Động Tâm, chùa có thiền viện bên trong có tượng Tam Thế, ông Ác, ông Thiện, chuông, trống, mỏ. Bên cạnh cảnh Vườn Lộc Uyển có tháp An Lạc thờ vong hồn, bên trong có tượng Phật, đền các vị anh hùng tổ tiên các vua Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Trưng Trắc, Trần Hưng Đạo. Bao quanh sân trước thiền viện là một số các vị La Hán hay A La Hán arhat là những người đã từ bỏ ô nhiễm, các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát.. Rải rác trong vườn, xen lẫn với cây cao, núp dưới bóng mát là hai hàng các đức Phật Di Đà tiếp dẫn, hai hàng các đức Quan Âm rải nước từ bi, hai hàng các đức Địa Tạng hai bên tầng cấp từ cửa vào chùa. Ngoài ra, bên cạnh các các tượng Phật, Di Lặc, còn có các tượng Địa Tạng, Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền. Địa Tạng Kitigarbhalà một vị bồ tát chuyên cứu độ sinh linh trong địa ngục và trẻ con yếu tử, cũng là người cứu giúp lữ hành phương xa.. Ngài thường cầm minh châu và tích trượng có sáu vòng cứu độ chúng sinh trong sáu đường tái sinh Lục đạo. Tượng Ngài được dựng bên cạnh thiền viện như tượng đức Di Lặc. Bồ tát Di Lặc Maitreya cũng là vị Phật cuối cùng sễ xuât hiện trên Trái Đất, thường được trình bày với tướng mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quít xung quanh. Ở chùa Hồng Hiên Ngài và trẻ con đứng trên cầu bắc qua một bể cạn hoa sen. Bồ tát Quan Âm Avalokitesvara là tên của vị bồ tát QuánThê Âm, hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm. Tranh tượng thường trình bày Ngài dưới nhiều dạng khác nhau, nghìn mắt nghìn tay, ẳm đứa bé trên tay, tay cầm hoa sen.... Ở chùa Hồng Hiên, Ngài cầm bình nước Cam Lồ. Hai vị bồ tát thường được trình bày cạnh các đức Phật và Quan Âm là Văn Thù và Phổ Hiền. Văn Thù Manjusri là tên tắt đức Văn Thù Sư Lợi, một vị bồ tát tượng trưng cho trí tuệ, thường mang kiếm và cưởi sư tử. Phổ Hiền Samantabhadra là vị bồ tát có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới tùy mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ, cưỡi voi trắng sáu ngà. Ở chùa Hồng Hiên, tượng hai Ngài được dựng trước tượng đức Phật nhập Niết bàn, áo quần được sửa lại trong kỳ trùng tu so với hai tượng cũ. Trong vườn, lẫn lộn với cây cỏ còn có một số thú vật từ những con được nuôi như chó, dê, cá, rùa đến những con ít thấy hơn như cọp, cá sấu hay rồng... đưa chùa vào một cảnh thiên nhiên cần thiết cho một nơi thờ Phật.
Ngoài ra, chùa Hồng Hiên còn là một trung tâm Phật giáo, một trung tâm văn hóa không những cho người Việt mà còn cho cả một vùng trên bờ Địa Trung Hải. Lúc ban đầu, chùa chỉ có hoạt động trong phạm vi hai tỉnh Alpes-Maritimes và Var, dần dần mở rộng ra các tinh Bouches-du-Rhône, Lot-et-Garonne,,...ngay cả các nước lân cận. Sau 1975, người Việt di cư đông đúc vào nước Pháp, mỗi vùng xây chùa riêng, chùa Hồng Hiên trở về lại phạm vi hai tỉnh lúc ban đầu. Mặc dầu vậy, ngày nay chùa có vai trò quan trọng trong hoạt động văn hóa của vùng, ty du lịch thành phố không quên ghi tên chùa trong danh sách những di tích cần thăm viếng. Hòa thượng Thích Minh Châu có một số bài thơ vịnh chùa : Hồng Hiên tự sự, Hồng Hiên tự cảnh và sau đây Hồng Hiên cổ trại (Fréjus, tháng10, 2002)
Hồng Hiên cổ trại

Hồng Hiên cổ trại tráng Âu thiên,
Hùng khí hiên ngang chiến sĩ truyền.
Bát ngũ tiền thi nghĩa dũng,
Danh lam viễn chấn lạc kim niên.

Trại cũ Hồng Hiên

Trời Âu, trại cũ Hồng hiên,
Hiên ngang hùng khí vang truyền chiến binh.
Tám lăm năm nghĩa dũng thành,
Ngày nay chùa cảnh uy danh lẫy lừng.

Hòa thượng Thích Minh Châu

Viếng chùa Hồng Hiên hai lần, mỗi lần tôi thấy chùa được bảo quản tốt, lần sau nầy sư cô luôn bận tiếp khách hành hương, sư thầy loay hoay đốc suất nhân công sửa sang vườn tược. Tôi rất tiếc không có dịp đàm đạo với các thầy, các cô để học hỏi nhiều hơn về mặt lich sử nguyên gốc của chùa, về các vị trù trì liên tiếp ở đây. Mặc dầu nội bộ vừa rồi có chuyện lủng củng nhưng nghe nói đã dàn xếp ổn thỏa. Riêng phần tôi, tôi rất hảnh diện được thảnh thơi đi dạo trong ngôi chùa Việt Nam cổ nhất nước Pháp, kiến trúc các tượng lắm khi mộc mạc khêu gợi biết bao kỷ niệm thời xưa. Đằng khác, tôi vui mừng nhận thấy văn hóa Phật giáo đang phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài, ở châu Âu (Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Na Uy, Hòa lan, Ái Nhi Lan) cũng như ở châu Mỹ, châu Úc, những nơi đã thấy có phát triển nhiều tôn giáo khác.
Hồng Hiên tới dễ, khó về,
Nhớ nhà, nhìn cảnh, hồn quê nhẹ nhàng.
Mái chùa cổ kính hiên ngang,
Ngựa voi rồng cá hàng hàng tiếp nghinh.

Hòa Thượng Thích Tâm Châu
(Hồng Hiên tự cảnh, 2002)

Mừng Phật Đản 2557
Sau hai lần viếng chùa 2001-2012