Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[
Tác
giả ]
|
Bài và ảnh Võ Quang Yến |
Nhật Bản có tiếng là một nước rất đắt nên khách du lịch thường ít muốn dến viếng. Tuy nhiên, kiếm cách lại xem được thì nhận ra phong cảnh, đời sống nơi đất Phù Tang thật xứng với công lao người đã bỏ tiền, bỏ công lại đây. Tôi và nhà tôi trong rất lâu cũng ngần ngại nhưng một hôm ở San Francisco bên California được đi xem vườn zen, thấy thích quá nên chúng tôi phải kiếm cách đi ngắm cho được vườn ấy ngay trên đất Nhật. Thật ra, vườn Nhật, không hoàn toàn zen, cũng có thể dạo xem được ngay ở Pháp. Đấy là vườn Albert Kahn tọa lạc ở thị trấn Boulogne-Billancourt, phía tây nam Paris, có thể lấy tàu hầm đạt đến. Vườn mang tên người đã bỏ công thành lập. |
|
|
|
|
|
|
Ông Abraham Kahn là một người gia đình Do Thái sinh ngày 03 tháng ba 1860 tại Marmoutiet, tỉnh Haut-Rhin, vùng Alsace miền đông nước Pháp. Nhà ông tương đối khá giả, ông thân làm nghề buôn súc vật, bà mẹ lo việc nội trợ và chăm nom bốn đứa con mà Albert là con trưởng. Khi ông lên mười thì mẹ mất vào lúc cuôc chiến Pháp-Đức 1870 vừa chấm dứt, vùng Alsace và một phần Lorraine bị trao cho Đức. Như phần lớn người Alsace trung thành với nước Pháp, gia đình ông Kahn rời bỏ làng xóm năm 1872 qua định cư ở thị trấn Saint-Mihiel tỉnh Meuse. Từ 1873 đến 1876, Albert đi học ở trường trung học Saverne. Năm 16 tuổi chàng trai cùng gia đình lên Paris, ở xóm Marais, ba năm sau đổi tên Abraham Kahn thành Albert Kahn. Anh bắt đầu đi làm trong một tiệm may áo quần, sau xin vào làm công trong nhà băng của anh em Goudchaux. Đồng thời, anh kiếm cách học thêm, nhờ một sinh viên trường Đại học Sư phạm, Henri Bergson, kèm giúp, một mối tình bạn kéo dài đến cuối đời. Mặc dầu phải làm việc nhiều, có khi được nhà băng phái đi xa, anh cần mẫn học hành, thi đậu hai bằng Tú tài Văn chương và Khoa học, tiếp tục học Luât học và thi đậu Cử nhân năm 1885. Mới có 21 tuổi, anh đã được biết là một nhà tài chánh có biệt tài ở nhà băng Goudchaux. Chỉ trong vài năm, từ 1889 đến 1893, anh khôn khéo đầu tư trong các mỏ vàng, kim cương ở Nam Phi và thành công xây dựng một cơ nghiệp đáng kể. Chàng thanh niên thành tài nghiểm nhiên trở nên vị cộng tác viên chính của ông chủ ngân hàng Edmond Goudchaux. |
|
|
|
|
|
|
Năm 1893, ông thuê rồi mua một cái nhà ở thị trấn Boulogne-sur-Seine. Bắt đầu từ đây cho đến 1910, ông mua nhiều mảnh vườn đế gom góp lại làm thành một công viên lớn 4 ha. Năm 1898, ông tách ra thành lập nhà băng Kahn, đặt trụ sở ở đường Richelieu, trung tâm Paris, hợp tác với những nhà băng lớn, góp phần vào những cuộc đầu tư kỹ nghệ, những công trái quốc gia và quốc tế, đặc biệt Nhật Bản. Vào dịp nầy, ông làm quen với ông đại sứ Nhât Bản Hichiro Motono và sau đấy hoàng gia Nhật Bản mà ông có dịp tiếp đón tại nhà. Những giao dịch thương mãi trên mọi chứng khoáng đầu cơ đem lại cho nhà băng khá nhiều lợi tức. Ông có nhiều thiên tư về hoạt động tài chánh, khả năng đặc biệt phát hiện rất sớm sự tăng gia chứng khoáng. Nhà băng của ông bành trướng rất mạnh và thanh danh của ông mau vượt khỏi đất Pháp lan ra nước ngoài. Trở nên giàu có, ông không muốn ngồi yên thụ hưởng mà đặt đời miønh và gia tài vào công cuộc xây dựng hòa bình thế giới. Ông thành lập nhiều hội đoàn nhắm mục đích hợp tác quốc tế, thông cảm giữa các dân tộc như Hội Vòng quanh Thế giới (Société Autour du Monde), Ủy ban Quốc gia Khảo cứu Xã hội và Chính trị CNESP, một ghế giáo sư Địa dư Nhân loại ở viện Đại học Sorbonne, hai Trung tâm Tư liệu Xã hội, một Trung tâm Y khoa Phòng ngừa, ...Trên thực tế, Ủy ban Cứu tế Quốc gia giúp đở những nạn nhân thường dân Đại thế chiến, Phòng thí nghiệm Sinh vật học góp phần hoàn hảo ngành vi điện ảnh, những Học bổng Vòng quanh Thế giới gởi những sinh viên và giáo viên đi lại khắp nơi để tiếp xúc thực tại thế giới là cử chỉ khuyến khích đầu tiên năm 1898. Năm 1911, ông cho xuất bản cuốn Des droits et des devoirs des gouvernements ( Quyền hành và bổn phận các chính phủ) nhắc nhủ các nhà cầm quyền. Đáng nhớ nhất là Tài liệu Lưu trử Hành tinh (les Archives de la Planète) thống kê bằng phim ảnh màu hay đen trắng mọi phương diện đời sống của con người. Ông gởi người đi khắp năm châu ghi chép mọi sự việc, đời sống đã thấy vì, theo ông, dáng thể, thực hành, phương thức hoạt động của con người sẽ sớm bị mất đi, không sao tránh dược. Cộng tác với ông trong lãnh vực nầy có Alfred Dutertre nguyên là người tài xế trở thành nhiếp ảnh viên, Stéphane Passet bắt đầu với những autochrome, Auguste Léon đặc biệt phái qua các nước Bắc Âu, Jean Brunhes là giáo sư địa dư con người ở Collège de France. Bên cạnh 180.000m phim tương đương với 50 giờ chiếu, quay ở 50 nước, trong bộ 4.000 ảnh đen trắng, 72.000 ảnh màu, có một số ảnh chụp ở Việt Nam rất đẹp và rất quý. Nói chung, những công trình của ông nhắm kích thích ý thức, mài sắc giới tinh hoa xã hội đương thời. |
Rủi cho ông Albert Kahn, năm 1929, lúc ông 69 tuổi, cuộc khủng khoảng tài chánh thế giới ảnh hưởng mạnh lên nhà băng của ông và ông không còn đủ tiền để tiếp tục những công tác đã bắt đầu. Để thử cứu một vài chủ đề, ông buộc phải cầm cố hai cái nhà ở Boulogne và Cap Martin những năm 1930-1932. Sau đó tiền ở nhà băng cũng không đủ, chứng khoáng mau chóng suy sụp. Vở nợ, ông bị đưa ra tòa và năm 1932 nhà băng Kahn phá sản. Bao nhiêu đồ đạc, của cải của ông dần dần bị tịch thu, đem bán đấu giá trong hai năm 1933, 1934. May thay, một phần gồm có chẳng hạn những bộ phim và ảnh được tỉnh Seine mua lại. Tuy không còn là chủ nhân, ông có quyền sử dụng cái nhà ở Boulogne. Băt đầu từ 1937, vườn nhà ông được mở ra cho công chúng thưởng thức. Tối hôm 13 rạng ngày 14 tháng mười một 1942, ông Albert Kahn từ trần ở Boulogne, hưởng thọ 82 tuổi. Nếu công việc làm ăn của ông được theo dõi, người ta ít biết về đời sống của ông nhất là ông không thích tự đề cao và nói về mình. Tuy nhiên, người ta nhận thấy ông ăn bận giản dị, không ăn thịt, nuôi nhiều chó, chơi đàn dương cầm, thích đi nghe hòa nhạc, mua tranh. Ông làm việc nhiều, sáng 5 giờ đã dậy, gặp nhiều bạn bè, đi lại khắp nơi, kết hợp công việc, hoc hỏi, giải trí. Giữa 1886 và 1912, ông đi viếng Âu châu, qua Venezuela, Argentin, Uruguay, Ai Cập, Nga, Nhật ; giữa tháng mười một 1908 và tháng ba 1909, ông đi một vòng khắp thế giới, ghé qua Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á. Ông có lần cho biết ông ngao du nhiều, đọc sách nhiều, may mắn gặp được nhiều vị có tiếng trên thế giới. Ông bảo ông tìm hiểu con đường của đời sống và những nguyên tắc cách vận hành của nó, tuy càng lớn tuổi ông thấy công việc nầy càng khó và bổn phận cao quý của con người là phải cố gắng đạt đến cho được. |
Hồi mới lập
công viên, ông Kahn đã nghĩ đến chuyện đối thoại giữa
các dân tộc và văn hóa nên thành hình một loại vườn gọi
là vườn sân khấu (jardin de scène) đặc biệt thế kỷ
XIX. Năm 1885, ông cậy nhà họa sĩ phong cảnh Achille Duchêne
vẽ một vườn kiểu Pháp tức là một phòng khách dưới
vòm cây xanh truớc những nhà kính một vườn mùa đông.
Kéo dài về phía nhà ở là một vườn cây quả hoa mỹ
gồm có nhiều bồn hoa, những vách ngăn lẫn lộn cây có quả
và cây hoa hồng. Kề sát là vườn kiểu Anh mà rất
tiếc nhiều một phần bố trí như nhà sửa mái tranh nay
không còn nữa. Phía nam công viên, nguyên là một vuờn kiểu
Nhật gồm có hai phần : một cái "làng" trong ấy có hai
cái nhà, một chòi trà, một cái chùa (bị sét đánh cháy năm
1952) và một cái "đền" thể hiện mặt trước một miếu
shintô,
hai cửa torii, một sôrishintô. Năm 1990, nhà họa
sĩ phong cảnh Nhật Fumiaki Takano sửa lại toàn bộ, tổng thể
chỉ còn lại hai cái cầu gỗ và hai cái nhà. Ông Kahn đã
thuê thợ Nhật cất hai cái nhà nầy với vật liệu đem từ
Nhật Bản về trước 1900 nên được xem là xác thực nên
có một giá trị lịch sử và di sản quí báu. Năm 1989, nhà
đã được trùng tu một lần đầu, được tiếp tục sửa
sang năm 2011. Phía bắc công viên, được thực hiện ba rừng
cây hoa mỹ hiếm có trong nghệ thuật vườn.
Rừng xanh
(forêt bleue) là nơi trồng những cây có lá xanh : thông tuyết
(cèdre) Atlas, vân sam (épicéa) Colorado hoà lẫn với những cây
khô (azalée) và những cây đỗ quyên (rhododendron) làm thành
một bức họa tương phản vui mắt vào mùa hoa nở.
Rừng
vàng
(forêt
dorée) hoang dã hơn là một rừng bu lô (bouleau) thường được
ca tụng ở các nước Đông Âu, nổi bật lên giữa những
cây đồng cỏ sum sê mùa hè.
Rừng Vosges trình bày quê
hương ông Kahn : phía Vosges là những cây lãnh sam (sapin), vân
sam (épicéa) mọc giữa những hóc đá hoa cương (granit), phía
Alsace là những cây thông (pin) xen lẫn với những khối đá
cát kết (grès). Tổng thể công viên biểu hiện thế giới
hòa bình mà ông Kahn thường mong muốn. Đã từng dạo bước
ở đây, ngoài ông bạn lâu năm là nhà triết học Henri Bergson,
có nhiều văn sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học như Rodin, Colette,
Anatole France, Thomas Man, Rabindranath Tagore, Jean Perrin,...nhiều
nhân sĩ kinh doanh như Marcel Dassault, Antoine Lumière, André Michelin,...Ông
Kahn cũng mở cửa rộng rãi biệt thự và vườn tược ở
Cap Martin trên bờ Địa Trung Hải. Ông có thể yên tâm công
viên của ông cũng như bộ phim ảnh ngày nay được tỉnh Hauts-de-Seine
chăm lo, quản lý, hơn nữa có ông quản đốc triønh bày cho
công chúng toàn bộ sưu tầm qua những cuộc triển lãm thường
xuyên hay nhất thời ở Pháp cũng như ở ngoại quốc.
Xô
thành Tết 2012 - Nhâm Thìn
|
|