Chim Việt Cành Nam         [  Trở Về  ]           [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

PHẬT  NGỌC 
TRƯNG BÀY Ở CHÙA QUỐC TẾ VINCENNES 
TẠI PARIS

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Trong khuôn khổ cuộc du hành tượng Phật ngọc khắp hoàn cầu, ngôi Chùa Quốc tế Vincennes tại Paris đươc hân hạnh trưng bày từ 17 tháng 9 đến ngày 9 tháng 10 năm 2011. 
Gọi là chùa thật ra đây là một ngôi nhà phong cách châu Phi, cao 28m, xây dựng nhân dịp Hội chợ Thuộc địa 1931, dành cho xứ Cameroun, trên đường quanh hồ Daumesnil, quận 12 Paris. Từ năm 1933 đến năm 1971, tòa nhà chứa viện Bảo tàng Kỷ nghệ Gỗ thành phố Paris. Qua năm 1977, theo lời đề nghị của chính khách Jean Sainteny, đã từng là Cao ủy Bắc kỳ ở Hà Nội năm 1945, tòa nhà trở thành Ngôi Chùa Lớn Vincennes rồi Chùa Quốc tế Phật giáo trước cuộc di dân ào ạt qua Âu châu của người Đông Nam Á.  Đây là nơi hội tụ các hội đoàn phật tử khắp nước Pháp để cùng nhau cúng bái những lễ phật giáo như lễ Phật Đản Vesak và cũng là nơi giới thiệu với khách bản xứ những tin tưởng, văn hóa, truyền thống, đạo giáo một phương trời xa lạ. Chùa tọa lạc trên một góc hồ Daumesnil, cây cao bóng mát. Từ ga tàu hầm Porte Dorée đi bộ tới chùa phải đi dọc bờ hồ độ mười lăm phút, mặc sức ngắm vịt trời, thiên nga tung tăng hay thảnh thơi giữa những chiếc đò màu sắc rực rỡ cho thuê để khách tự chèo lấy. 
Trước khi vào chùa, khách đi ngang qua bức tượng một nhóm sáu nhà tu thiền Nhật bản, bốn người đứng, một người ngồi thiền đàng trước, một người quỳ một bên, gọi là "Những nhà hành hương mây và nước" vì họ đi khắp nơi như mây trên trời và nước dưới sông. Tượng do nhà điêu khắc Nhât Bản Tarao Yazaki tạc năm 1971 và được dựng một năm sau, cho toát lên tinh thần thiền trong một tác phẩm theo linh cảm đạo giáo như thấy ghi rõ trong một tấm bản dưới chân tưọng. Cách đó vài trăm thước, trước chùa Quốc tế Phật giáo, lấp loáng sau lùm cây một ngôi chùa nhỏ xứ Butan, phong cách Tây tạng, được xây năm 1885 theo lời chỉ dẫn của đức Lama Kalou Rimpoché. Ngài mất năm 1889, sau khi thành công du nhập vào Tây phương khoảng hai mươi trung tâm cấm cung dài hạn ba năm, ba tháng, ba ngày và cũng là người sáng lập chùa 1000 đức Phật ở vùng Bourgogne. Phía trước chùa nầy có bốn cột đỏ chói tượng trưng cho bốn Chân lý, hay là bốn đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế). Đạo đế là chân lý về con đường đạo, đoạn diệt mọi khổ đau dẫn tới cảnh giới an lạc tuyệt đối, tức là Bát chánh đạo. Trên mái chùa hai con nai ngồi chầu bánh xe pháp nhắc lại buổi thuyết minh đầu tiên của đức Phật ở vườn Lộc Uyển Sarnath. Bên hông chùa có một tượng gỗ hình dung một con voi không có ngà, đang dùng vòi mang một thanh gỗ, đứng sau một cây bồ đề Ficus religiosa mới được trồng, để nhớ lại nơi Thái tử Siddharta đạt đến Chân lý. 
Vì có tính cách quốc tế, ngôi chùa Quốc tế Phật giáo Vincennes không thiên về một trường phái hay một dân tộc nào. Ngay ở trên cửa vào, một bánh xe lớn tám tia gọi là Bánh xe pháp Dharmacakra, luôn lăn tới trước đến đích giác ngộ và giải thoát, lăn tới đâu thì diệt sạch phiền não và mê hoặc, chuyển mãi không ngừng như tinh hoa, cốt lõi của  Phật pháp. Tám tia bánh xe tiêu biểu tám đường đạo tâm nhánh diệt khổ tức là Bác chánh đạo hay Đạo đế. Trong chùa, một tượng Phật cao 10m, cao nhất châu Âu, do nhà điêu khắc Nam Tư Mozes thực hiện trong xưởng vẽ của họa sĩ Miro ở Paris. Tượng trình bày ngài tập trung tư tưởng đi đến Giác ngộ, ngồi xếp bằng padmasana, hai tay đặt trước bụng, gan bàn tay ngửa lên trên, ngón tay duỗi thẳng, những ngón tay trái đặt trên những ngón tay mặt, hai ngón cái chạm nhau, theo tư thế một ấn quyết rất thông dụng ở Đông Nam Á, gọi là Thiền ấn Dhyanamudra. Bên hông trong chùa có một tượng Chuẩn Đề BồTát nhiều tay ngồi kiết già trên đài sen. Chính ở chùa nầy lễ truy diệu vua Duy Tân đã được tổ chức năm 1987 khi di cốt Ngài quá cảnh qua Pháp trên đường chở về nước. Mấy hôm trưng bày đức Phật ngọc ngoài trời, trong chùa còn có đặt bàn thờ một đức Phật ngọc khác, nhỏ hơn nhiều nhưng cũng tạc cùng loại ngọc, cùng màu xanh lục, đặc biệt để biếu tặng nhà vua Thái Lan. 
Trừ kích thước, hai tượng Phât ngọc nầy rất giống nhau. Đức Phật ngồi xếp bằng padmasana, tay mặt đặt trên đầu gối mặt, đầu những ngón tay duỗi ra đụng đất, tay trái đặt trên đùi trái, gan bàn tay hướng lên trên, trong tư thế Địa xúc ấn Bhumisparshamudra, biểu tượng một lòng tin không lay chuyển được. Đây là lúc dưới gốc cây bồ đề, đức Phật quyết ngồi cho đến lúc tìm ra được phương cách hủy bỏ mọi đau đớn trên đời nầy khi đạt đến đích. Ngài viện đất làm chứng những công đức mà Ngài đã tích lũy từ nhiều tiền thân. Tượng ngoài trời cao 2m70 đặt trên pháp tòa và đài sen 1m40, thêm một bình thuốc giữa gan bàn tay trái. Xung quanh tượng cờ Phật giáo năm băng, nhiều màu phấp phới trên một nền hai màu vàng đỏ chói lọi. Nếu tượng nhỏ thờ trong chùa chỉ toàn một màu xanh, đầu tượng lớn ngoài trời được sơn vàng theo truyền thống Tây Tạng và Nepal, do nghệ sĩ Rejeesh người Nepal thực hiện. Đấy là qua lời khuyên của đức Lama Zopa Rinpoche, để các nét mặt hiện ra rực rỡ, huy hoàng, nhưng không bóng láng để, theo tín ngưỡng dân gian, hình ảnh tín đồ khỏi phản chiếu trong tượng là một hiện tượng không hay. Tượng được tạc trong một khối khoáng nephrite xanh đậm và trong mờ nặng 18 tấn mang tên "Lòng tự hào Bắc cực" (Polar Pride), là một loại ngọc rất hiếm tìm ra được năm 2000 bên Canada, trị giá khoảng năm triệu Mỹ kim. Người đầu tiên có ý tạc tượng là một phật tử làm thợ kim hoàn ngọc ở California, ông Cheyenne Sun Hill. Ông tiếp xúc với một người Úc, đạo hữu Ian Green. Ông nầy bàn với sư phụ đức Lama Zopa Rinpoche. Chính đức nầy đã cho ý kiến tạc một tượng Phật gọi là "Phật ngọc cho Hòa bình Thế giới" soi sáng toàn cầu, đem lại hòa bình và hạnh phúc, góp phần ngăn chận mọi hủy hoại tàn phá trên thế gian thường hay xảy ra, kể cả nạn chiến tranh.
Cần phải năm năm mới thực hiện được kế hoạch Đại tháp lòng Trác ẩn Vạn năng (The Great Stupa of Universal Compassion) do Judy và Ian Green chủ trương. Trước phải lập ngân quỷ đặt mua khối ngọc, kiếm tiền, tìm thợ chạm, gởi  khối ngọc qua Thái Lan, làm mẫu tượng trước khi tạc. Mẫu tuợng bằng đất sét và sợi thủy tinh được ông thợ chạm Jonathon Partridge người Úc cộng tác với hảng Thái Lan Jade Thongtavee Co. Ltd thực hiện theo tượng hình đức Phật ở Bổ đề Đạo tràng.  Đây là chùa Mahabodi ở Bodi Gaya, nơi có cây bồ đề đã chứng kiến cuộc giác ngô của Thái tử Siddharta và là cũng là nơi được mọi phật tử trên thế giới công nhận. Chùa Mahabodi đã cho phép chụp hình tường tận từng chi tiết của tượng hình để thực hiện chính xác mẫu tượng và tượng. Trước khi bắt đầu, mẫu tượng được cúng bái qua một lễ ban phúc lành ở Phra Kru Bhavananuwath. Những người thợ chạm hảng Jade Thongtavee phải dùng dụng cụ bằng kim cương để tạc vì ngọc rất cứng và sau 18 tháng mới hoàn thành. Trong thời gian nầy, Jonathon Partridge luôn qua Thái Lan kiểm soát vì có nhiều nét tinh vi cần phải theo dõi kỹ càng. Khi tượng tạc xong năm 2008 thì lại có lễ chú nguyện. Từ 14 tấn khối ngọc thạch, chỉ tạc được một bức tượng 4 tấn, 10 tấn còn lại được dùng để tạc những tượng Phật nhỏ như tượng biếu cho vua Thái Lan. Những mảnh vụn vặt quá nhỏ thì được đem bán cho tín đồ những nơi có trưng bày tượng, tiền thu được đóng góp vào cuộc chuyên chở tượng qua các nước.
Bắt đầu từ tháng ba 2009, bức tượng "Phật ngọc cho Hòa bình Thế giới" lên đường du hành quanh địa cầu. Việt Nam là nước đầu tiên hân hạnh được đón rước một tượng vĩ đại, tiêu biểu nhất là bức tượng Phật ngọc nầy. Trong vòng ba tháng, từ tháng ba đến tháng năm, năm chùa có cơ duyên được chọn lựa để trưng bày tượng : Chùa Quán Thế Âm (Non Nước, Đà Nẵng), Chùa Đại Tùng Lâm (Bà Rịa Vũng Tàu), Chùa Phổ Quang (Quận Tân Bình, Tp HCM), Chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, Tp HCM), Chùa Vạn An (Châu Thành, Đồng Tháp). Phỏng chừng năm triệu người, không phân biệt tôn giáo, đã lại chiêm bái. Sau Việt Nam, tượng vượt trùng dương qua Úc (Brisbane, Sydney, Perth, Adelaide và Melbourne) rồi lần lượt đến Đài Loan,Tân Tây Lan, Hoa Kỳ, sau cùng châu Âu. Ở Đức, một tai nạn giao thông nghiêm trọng đã làm thiệt hại phần lớn tượng. Tượng đã được khôi phục hoàn toàn tuy mất ít nhiều ánh chói sáng ngời ngọc thạch nguyên thuỷ, trước khi lên đường đi Oslo bên Na Uy và đến Pháp. Ngay sau đó đức Lama Zopa Rinpoche đã có yêu cầu một tu viện Ấn Độ viết bộ Kinh Giải Thoát để cầu nguyện cho cuộc trưng bày Phật ngọc luôn được bình an, một bức tượng ngày nay được xem như là một kỳ quan thế giới. Sau Pháp và châu Âu, tượng còn trở về lại châu Á trước khi an vị tại Đại Tháp Từ Bi ở Bendigo bên Úc.

Đức Lama Zopa Rinpoche đã từng giải thích : Mục đích của cuộc trưng bày tượng Phật ngọc là tạo cơ duyên cho nhiều người đến chiêm bái và đảnh lễ, không phân biệt tôn giáo. Tất cả đều có thể  tham dự miễn là cố gắng dành thời gian để đến. Đứng thành kính chấp tay trước bức tượng đức Phật là lúc chúng ta có dịp thấy rõ hơn về giá trị của hòa bình. Cũng là lúc để cầu nguyện Phật ngọc đem lại hòa bình cho thế giới, bình an cho các mối quan hệ, cho gia đình, bè bạn, trong công sở, thanh thản trong tâm hồn. Chúng tôi hy vọng niềm khát khao mãnh liệt ấy sẽ mang đến niềm hoan hỷ và khích lệ lớn lao cho những ai có cơ hội được chiêm ngưỡng tượng Phật ngọc, đặc biệt trong thời điểm thế giới của chúng ta đang bị những bóng đen của chiến tranh và thiên tai đe dọa.
  Xô thành, mùa thu 2011
Võ Quang Yến