Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Tu viện, Tháp Phật ở Tích Lan Võ Quang Yến
Tích Lan mang tên Cộng hòa Sri Lanka từ 1956 là một hòn đảo có núi cao nằm về phía nam Ấn Độ, cho đến 1948 còn thuộc Vương Anh quốc Ấn Độ. Đến gần đây hai dân tộc còn chung sống hòa bình : những người từ tây bắc Ấn Độ lại đảo trước tiên gọi là Sihala hay Sinhala (người Âu Mỹ có danh từ Singhalais), những người Dravidien đến sau gọi là Tamil. Thành thử tuy nhỏ, đảo nầy có hai nền văn hóa, ngôn ngữ và đạo giáo khác nhau. Nếu phần lớn người Tamil theo Hồi giáo, những người Sihala đông hơn thì lại chọn lựa Phật giáo, tông phái Nguyên thủy Theravada. Thật ra vài thế kỷ sau khi đức Phật viên tịch, phải dùng chữ Thượng tọa bộ Sthaviravada (một tiếng Phạn dịch ra Pali) mới đúng vì mặc dù tông phái có từ lâu, danh từ Theravada (thera nghĩa là xưa, vade nghĩa là tông, trường phái) xuất xứ từ Sthaviravada chỉ xuất hiện vào thế kỷ 7 khi Đại thừa Mahayana và Kim cương thừa Vajrayana bắt đầu xâm nhập Tích Lan, cần phân biệt rõ ràng các tông phái. Vì luôn kình địch với Ấn Độ, thiên sử thi Ấn Độ Ramayana đặt kinh đô Lanka của con quỷ sứ Ravana tại đây, sau nầy bị vị anh hùng Ấn-Âu Rama, vua xứ Ayudhya, hiện thân của Visnu, đánh bại. Nghệ thuật kiến trúc Tích Lan xưa tập trung ở hai đô thị Anuradhapura, rộng đến 20 km, một ngàn năm xây dựng, và Polonnnaruwa, mới và nhỏ hơn, nối tiếp nhau làm kinh đô vương quốc Sihala. Kinh đô thứ nhất tồn tại đến thế kỷ 8 thì các tu sĩ quyết định bỏ đi vì thường hay bị quân Tamil từ miền nam lên phá nhiễu. Đô thị thứ hai, thành lập từ 368, đến thế kỷ 12 mới mở mang thành kinh đô hoành tráng để kiến trúc được các nước phía đông ca ngợi và noi theo.
Theo sử sách Sihala, một ông vua xứ Magadha (Bihar) tên là Pandukhabhaya đã sáng lập Anuradhapura với những bức tường kiên cố và một bể nước khổng lồ Abhayavapi sau đổi tên thành Basawak Kulam. Tục truyền vào năm 240 trước CN, vua Ấn Độ Ashoka phái con là Thái tử - La hán Mahinda (hay Mahendra) mang nhiều thánh tích Phật qua truyền đạo ở đây trước, sáu năm sau cô gái em thái tử là công chúa Sanghamitta cũng sang theo, mang một nhánh cây bồ đề Bhodidruma để trồng tại chỗ. Mahinda đã thành công thuyết phục được vua Devanampiya Tissa, cháu nội Pandukhabhaya, trên một đỉnh núi gần Mihintale, ngày nay trở thành một nơi hành hương lớn gọi là lễ hội Poson. Nhiều tỷ kheo bhikkhu Sihala đã thọ giới với Mahinda. Ông cho xây tu viện lớn Mahavihara ở Anuradhapura. Mấy năm sau, đến lượt những tỷ kheo nữ bhikkhuni thọ giới với Sanghamitta. Một lễ hội khác cũng rất lớn là Esala Perahera diễn ra ở Kandy với một cuộc diễu hành đàn voi trang sức tráng lệ, để ca tụng một chiếc răng của đức Phật đem qua đây năm 313. Chiếc răng nầy lượm ra được trong giàn thiêu đức Phật, nghe nói dấu trong búi tóc một cô công chúa, kỳ diệu được đem đầu tiên đến Anuradhapura, sau chuyển qua Polonnaruva trước khi được thờ ở đền Dalada Maligawa (đền Răng) ở Kandy. Sự nhập tịch Phật giáo để lại một thành quả thứ nhất là Tích Lan cống hiến một kiến trúc tôn giáo đầu tiên phát xuất từ Ấn Độ nhưng được thay đổi để cho phù hợp với tinh thần Theravada suy diễn theo người Sihala. Mặc dầu các vua Tích Lan tuần tự tiếp nhau, khi thì Tamil, khi Sihala, tín ngưỡng người dân không hề thay đổi. Thành quả thứ nhì là từ Tích Lan, nhiều giáo sĩ đã theo đường thủy đi truyền đạo khắp Đông Nam Á, giải thích vì sao tông phái Theravada đã lan tràn khắp vùng nầy.Chỉ nhận xét hình thù những tháp dagoba, ở Tích Lan được gọi stupa hay thupa, từ Miến Điện qua Thái Lan, từ Cao Mên qua Java, Sumatra ở quần đảo Nam Dương, ta thấy khác biệt với những tháp mẫu ở Ấn Độ, trừ những tháp xây đầu tiên. Trái lại, như tuồng kiến trúc những tháp ở Tích Lan cũng có ảnh hưởng ngược dòng về nơi phát xuất : những nhà nghiên cứu cho biết đã phân biệt được trên các tháp Amaravati nhiều chi tiết đặc trưng của những tháp ở Anuradhapura. Mặc dầu xây dựng nhiều thế kỷ trước CN và nay đã bị tàn phá, những nhà khảo cổ bảo đã hồi phục lại được vài tháp nhờ những sách như Dipavamsa hay Mahavamsa viết bằng pali là chữ đạo của Phật giáo Theravada những thế kỷ 4, 5 sau CN. Rất có thể kiến trúc những tháp ở Tích Lan được xác định rất sớm và sau nầy ít thay đổi. Tính thường kỳ nầy đã gây nhiều ấn tượng lên những kiến trúc sư ngoại quốc, nhất là Ấn Độ, nên họ mới đem mẫu về nước. Nói chung, những tháp của người Sinhala chủ yếu gồm có một nền vuông lớn, có khi hai, đội ở giữa một khối tròn mang ba bậc thang pesawalallu với bốn phòng thánh tích vuông wahalkada. Trên đỉnh gaeba chiếm một khối vuông kotuwa, mọc lên ở giữa một cột trụ kota mang những chiếc lọng nhỏ chatta. Trước cửa vào chính là một chòi nhà vuông pasada đón khách hành hương lại đi vòng quanh pradakshina trên thềm tháp. To lớn, bằng gạch quét vôi trắng, ít được trang trí trừ các wahalkada với những con voi bán thân, có khi vài tượng Phật, các tháp thường được xây giống nhau. Chỉ có đỉnh gaeba có thể thay đổi chút ít theo sáu hình thức đã được ghi chép trong văn bản : những hình trứng, vòm, chuông, bọt, trụ hay hoa sen. Những tháp lúc nào cũng được xây trong các tu viện sangharama giữa những gian nhà dành cho tu sĩ và để cúng bái : những nhà pilima ge chứa đựng tượng Phật, những nhà thuyết pháp bana salawa, những nhà cầu nguyện hay hội họp prasada,... và một bể nước pokana để các tu sĩ rửa tay chân trước khi làm lễ.
Trong tu viện thường có những cột trụ nguyên khối sắp thành hàng đồng tâm có thể để đặt lên trên những công trình bằng gỗ nhẹ hay mái vải khi có lễ lạt. Những prasada bằng gỗ có thể có nhiều tầng với những cột trụ bằng đá. Nhà Loha Pasada thế kỷ 2 trước Công nguyên có đến hơn 1600 cột trụ, phủ một diện tích 6000 thước vuông, trên đỉnh một vòm bằng đồng mạ vàng. Trước thềm tháp hay phòng wahalkada thường có những ngưỡng cửa bằng đá hình bán nguyệt ardha chandra đặc biệt phát xuất từ Tích Lan, nay lan rộng ra khắp vùng nam Ấn Độ và Đông Nam Á, ngay cả ở những đền đài Khơ Me, Java. Từ giữa hình hoa sen, phát ra những vòng tròn đồng tâm mà trang trí là súc vật xen lẫn với thảo mộc. Theo thường lệ, thứ tự từ trung tâm là một diềm hoa sen, ngỗng, cành lá lượn, rồi đến những thú vật như sư tử, ngựa, bò, voi, và ở ngoài cùng những ngọn lửa điệu hóa. Trang trí nầy phát triển với thời gian : những ngưỡng cửa xưa trần trụi, chẳng có chút trang hoàng. Theo những nhà khảo cổ, chúng không phải từ Ấn Độ lại mà phải tìm nguồn gốc ở miền bắc hay miền trung đảo. Đứng gác các bậc thang dẫn lên tháp thường là những thủy quái makara nữa voi nữa cá sấu, mà cái lưỡi dài uống thành hình cuộn ở đầu mút. Bên ngoài thang cũng có trang trí thú vật như voi điệu hóa. Còn ở những bậc thang thì thường thấy đầu thủy quái và cây cỏ đủ loại. Các hoa văn ở Anuradhapura là những thí dụ đặc thù của mỹ thuật Sihala những thế kỷ đầu kỷ nguyên ta. Những tranh tường hình dung những cô gái khỏa thân đẹp như tiên (nữ thần hay vũ nữ ?) hiện còn được bảo tồn toàn vẹn trong "điện sư tử" Sigiriya xây trên đồi cao 150 m, ngày nay là một trong những điểm du lịch hấp dẫn. Sử chép vua Kassyapa khi giết vua cha Dhatusena chiếm ngôi, sợ em là Mogalana đuổi đánh phải chạy lên trốn ở đây, xây thành lũy kiên cố chống cự và trị vì từ 477 đến 495 trước khi cắt cổ tự tử trước cuộc tấn công của em. Trong thời gian 18 năm, để cầu Phật phù hộ, ông hậu đải tăng lữ, đồng thời trở nên một mạnh thường quân, kêu gọi nghệ sĩ lại thực hiện những bức tranh tường tuyệt vời đầy thơ mộng có thể so sánh với những tác phẩm ở Ajanta bên Ấn Độ.
Tháp xưa nhất ở Anuradhapura là Thuparama, được vua Tissa xây thế kỷ 3 trước CN để chứa một cái xương của đức Phật được vua Ashoka biếu tặng. Tháp nầy cũng như tháp Lankarama xây thế kỷ 1 trước CN, đặc biệt có một số cột trụ nguyên khối chỉ định lối đi vòng quanh pradakshina cho khách hành hương. Vào khoảng 137-119, vua Duthagamani cho xây và được con là Saddha Tissa tiếp tục tháp Ruwanveloseya, đã nhỏ (rộng 77 m, cao 57 m) bị hoàn toàn hủy hoại và xây lại năm 1930, lại càng nhỏ hơn. Về tu viện thì không mấy còn tồn tại. Xưa nhất có Isurumuniya thế kỷ 3 trước CN, đào trong hóc đá, với những vị hộ pháp dvarapala gác ngoài cửa. Trong các hóc đá vôi cũng đã được tìm ra nhiểu hình chạm nỗi thú vật cùng tượng Phật và Avalokiteshvara (Quan Âm), Tara (bổ thể nữ tính). Tượng Phật ở đây có nét tương tự như ở Ấn Độ còn giữ trong các tượng Chàm. Trái lại, ở Piduragala, một tấm cẩm thạch trình bày đức Phật mặc áo dài để hở vai mặt, đứng trên hoa sen là một hình ảnh ít có ngay cả ở Ấn Độ vào những thế kỷ 4-5. Ở Tích lan, đức Quan Âm thường được kết hợp với Natha, một trong bốn thần hộ pháp. Một tượng của Ngài đã được tìm ra ở Situlpahuva miền nam đảo, cơ thể mềm dẻo hơn những tượng khác ở Anuradhapura. Một tượng bằng đồng thanh, cao 50 cm, ngồi theo kiểu lalitasana (hoan hỉ nhà vua) chỉ tìm ra được năm 1968. Một hình tượng đặc sắc khác là những "bàn thờ có hoa", những vạc hình hoa sen đựng đầy hoa lá mà sau nầy thấy lại trong văn phong Java thế kỷ 15. Ở Viện bảo tàng Colombo có những tấm hình thu thập ở Anuradhapura chạm những trang lịch sử gần giống văn phong Amaravati như bức "Giấc mơ của hoàng hậu Maya" nhưng sợ là những tác phẩm nhập cảng.
Khi Anuradhapura bị tàn phá năm 993, vương phủ Polonnaruwa mới trở thành kinh đô nhưng thuộc Chola miền nam Ấn Độ, những công trình đầu tiên đều để thờ Siva. Đến năm 1070, khi vua Sihala Vijayabahu I thắng chiếm kinh đô, những tháp Phật mới bắt đầu được xây dựng. Các vua sau cũng tiếp tục nhưng qua năm 1262, những dân Pandya rồi Tamil lại phá hủy tan hoang. Phải đợi đến 1262 Polonnnaruwa mới trở lại dưới quyền người Sihala, nhưng vua Bhuvanaikabahu II (1293-1302) quyết định đời đô về Kurunegala nên từ đây Polonnaruwa bị bỏ hoang để mặc cây cỏ phủ kín cho đến thế kỷ 20. Mặc dù người Chola dùng đá trong kiến trúc, người Sihala vẫn tiếp tục xây tháp với gạch, vì vậy tường dày làm mất vẻ thanh nhả, đằng khác trang trí cũng khó. Tu viện Thuparama là điển hình cho tình trạng nầy. Cuối thế kỷ 12, vua Parakramabahu I (1153-1186) xa lánh ảnh hưởng Chola, xây dựng một đô thị theo một văn phong mới : trong một hình vuông với 6 km chu vi, ông cho xây tháp, tu viện, bể cạn, cung điện, những tượng Phật khổng lồ rồi những đền thờ để chứa đựng những tượng ấy. Trong điện Lankatilaka chẳng hạn, tượng Phật cao đến 12 m, tất cả đều bằng gạch. Điện Sat Mahal Pasada cao bảy tầng, hình kim tự tháp có bậc, thang chỉ dẫn lên tầng thứ nhất. Vatadagelà một điện tròn đường kính 20 m, bao quanh hai hàng cột trụ, chứa đựng một cái tháp Phật nhỏ và nhiều tượng Phật đầu cạo như những tu sĩ. Điện Demala Mahaseya xây thế kỷ 12 có nhiều tranh trang trí trên tường và một tượng Phật cao 12 m. Trong điện Atadage, còn gọi "đền chiếc Răng", trước kia có thể chứa đựng một thánh tích đức Phật. Điện Gal Vehera rất có tiếng nhờ những tượng Phật chạm ngay trong hóc đá, đặc biệt một pho tượng nằm, dài 13,80 m, được xem là kiệt tác nền điêu khắc Sinhala.
Nói chung, nghệ thuật cố đô Polonnaruwa không thuần túy, một phần nào lai căng giữa những thể thức đặc biệt Sihala và đền đài cốt yếu của Ấn Độ giáo thờ Siva, bằng đá, văn phong nam Ấn Độ. Kết xù, bề thế như ở Anuradhapura, kiến trúc và điêu khắc Polonnaruwa thiếu năng động, liên kết mặc dù đã để lại một vài tác phẩm nói lên tài năng của những nghệ nhân. Kỹ thuật đồng thanh thì lỗi lạc hơn. Một hình tượng đức Phật cao 0,54 m, ngồi theo kiểu vitarka-mudra (thế cải lẽ), mũi dài hơi cong, môi dày, nét mặt thanh mảnh, áo để hở vai, đã tìm ra được ở Badulla. Nhiều tượng Phật khác thế kỷ 7-9, ngồi theo kiểu dhyana-mudra (thể thiền định), được trưng bày ở Viện bảo tàng Colombo, thể hiện những kỹ thuật có phần thô sơ, có lúc đúc liền một mạch. Tượng Phật có nhiều, tượng Bồ tát hiếm hơn, lẽ tất nhiên trong một nước chọn lựa tông phái Theravada mà lý tưởng cao cả là La hán. Nói cho đúng, Therada ở Tích Lan có một nội hàm tôn giáo đặc biệt. Phật giáo quốc gia ở đây phát triển từ tu viện Mahavihara xây dựng trên sự kết hợp giữa thái tử Mahinda và vua Devanampiya, giữa tôn giáo và chính trị, đem lại một chính quyền gắn bó chặt chẽ xã hội bên đời với thể chế tăng già. Đức vua lẫn tăng già hỗn hợp với quần chúng, thành thử một công dân Sihala, trên nguyên tắc, là một tín đồ Phật giáo và chỉ những Phật tử mới là thật sự dân Sihala. Với một luận chứng bản sắc dân tộc, những tỷ kheo viết tiểu sử tô hồng những vị vua Sihala nhưng cũng nhờ những biên niên như Mahavamsa mà ngày nay ta biết được lịch sử Tích Lan thời xưa.
Mặc dù chuyên quyền, trường phái Mahavihara không cấm được những tông phái Phật giáo khác xâm nhập Tích Lan cũng như không tránh đuợc một sự ly giáo trong nội bộ, lắm khi nguyên do từ các nhà vua, tuy cùng trong một chính giáo nhưng hé mở ra Đại thừa với một vài kinh sutra mới. Hai tu viện mà Mahavihara luôn chống đối thể hiện cuộc ly giáo nầy : Abhayagiri và Jetavana ởAnuradhapura. Tu viện Abhayagiri do Vattagamani xây năm 89 khá đồ sộ (rộng 120 m, cao 74 m), thu nhận đến hơn 5000 tu sĩ. Tu viện Jetavanachỉ được thành lập thế kỷ 4 đưa quyền hành trở lại với vương triều. Tình cảnh chia rẻ nầy kéo dài đến năm 1160 mới được vua Parakramabahu I lấy trách nhiệm bắt tất cả các tu viện họp nhau lại thành một trường phái Mahavihara nhưng tông Theravada "chính thống" từ nay gọi là "cổ điển" không còn giống gì Sthaviravada thuở vua Ashoka. Chính trường phái Mahavihara tự mình cũng tiến triển sau những biến cố giữa các tu viện và tông Theravada hết còn đặc biệt Tích Lan. Đầu thế kỷ 13, người Tamil làm chủ quyền đảo vào lúc trường phái Theravada "chính thống" tàn lụi . Vua Parakramabahu II thiết lập lại uy quyền cổ sơ trường phái Mahavihara , nhưng bây giờ pháp chế ghi viết tập quán thay vì truyền miệng như truớc kia, đưa tăng già vào thể địa chủ đất đai nông nghiệp với rất nhiều nhân công, trong một cộng đồng tu sĩ ấn định theo cấp bậc mà thành viên được hưởng ngay cả những quyền lợi gia đình ! Cộng đồng "lý tưởng" những khất sĩ xa lánh cỏi đời, cắt đứt liên lạc với gia đình, xã hội, chỉ còn số nhỏ với những vị được gọi là "tu sĩ trong rừng", để chống lại với những "tu sĩ thành thị". Phải nhiều thế kỷ sau thăng bằng mới được lập lại và khi Phật giáo hoàn toàn mất tích ở Ấn Độ, Tích Lan trở thành rường cột một tông Theravada của Đông Nam Á dẫn đường đạo Phật phổ biến qua Miến Điện, Thái Lan, Cao mên Lào, chút ít vào Việt Nam,... tuy hết còn là tông "nguyên thủy" như người ta thường nói.
Xô thành 1982-2008
[ Trở Về ]