Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Cho đến thế kỷ 13, miền bắc Thái Lan và Cọng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày nay là một vùng gồm có nhiều mường phần lớn sắc tộc Thái, độc lập riêng biệt. Vào giữa thế kỷ, người Thái nổi dậy chống người Khơ Me, thành quả là những mường hợp nhau lại và vương quốc Sukhotai ra đời. Nhà vua xứ nầy, Ram Khamhaeng, ủng hộ Chao Mengrai và Chao Khun Ngam là lãnh tụ hai mường Chieng Mai và Phayao lập thành vương quốc Lan Na Thai tức là xứ "triệu ruộng lúa" gọi tắt Lan Na, bao gồm hai miền bắc và trung Thái Lan ngày nay, thêm vùng Vieng Chan.
Những ngôi chùa của vua Sai Setthathirat xứ Lào Võ Quang Yến
Là một hoàng tử Lào, sống lên ở Angkor, lấy một công chúa Khơ Me làm vợ, Fa Ngum được người Khơ Me giúp đánh chiếm Muang Sua. Năm 1353, sau khi thôn tính một phần lớn cao nguyên Khorat, miền đông bắc Thái Lan, chiếm đóng Muong Xoa mà kinh đô là Xieng Dong - Xieng Tong cạnh Luang Prabang ngày nay, ông thành lập vương quốc Muong Lan Xang tức là xứ "triệu con voi" và lên ngôi vua (1353-1373). Thường người Lào cho Lan Xang là quốc gia độc lập đầu tiên của xứ sở họ nhưng lịch sử không quên lúc đầu quốc gia ấy thuần phục đế quốc Khơ Me. Một năm sau, để vợ thay mình cai quản, ông cầm quân đi đánh Lan Na. Hai năm sau, ông lại chiếm quyền Vieng Chan (cây sồi thơm), hồi đó mang tên Vieng Nham (cây sồi vàng) và đặt lại tên Vieng Kham (bao vàng). Về phía đông, ông nới rộng bờ cỏi đến dãy Trường Sơn, nhưng ngang đây gặp sức chống cự mảnh liệt của Đại Việt, ông phải ký kết, lấy sông ngòi làm biên thùy và rút quân lui. Sau vài năm tạm nghỉ để lấy lại sức, ông lại lên đường đi đánh Ayuthya, chiếm đóng nhiều mường, sau đó trở về chỉnh đốn quân đội và hành chánh. Trong suốt 20 năm, Fa Ngum đã có công mở mang đất nước, củng cố chính quyền, phát triển kinh tế, xây dựng chùa chiền, nhưng lạm dụng quyền hành, ông làm nhiều việc quá đáng nên năm 1373 bị quân thần lật đổ, đưa đi đày và lập con là Sam Sen Thai lên thay.
Một trong những việc làm quan trọng của Fa Ngum là tuyên bố đạo Phật Theravada quốc giáo và nhận từ tay ông gia Khơ Me tượng Phật bằng vàng Phra Bang tục truyền xuất xứ từ Sri Lanka. Ngày nay, tượng nầy luôn còn được xem như là cái bùa của đất nước Lào và đặt tại Muong Sua cho nền mường nầy đổi tên thành Luang Prabang tức là "Phra Bang lớn". Hơn một thế kỷ sau, vua Phothisarat (triều đại 1520-1548) dời kinh đô về Vieng Chan, để con là Sai Setthathirat ở lại cai quản Lan Na. Nối nghiệp cha, vua Setthathirat (triều đại 1548-1571) lấy tượng Phra Bang làm mẫu, cho chạm một tượng khác bằng lục bảo, đặt tên Phra Keo, nghĩa là hình nhân đức Phật bằng ngọc thạch, đưa về Vieng Chan thờ trong chùa Phra Keo mới xây. Là một ông vua sùng đạo, trước chùa nầy, ông đã cho dựng hai chùa Vat Xieng Thong, Vat Si Muang nếu không kể Vat Ong Teu. Sau đó ông còn cho xây tiếp Vat Pha That Luang. Phần lớn các chùa ở Vieng Chan cũng như ở Luang Prabang, trừ chùa Si Khet, đều bị quân Xiêm tàn phá suốt hai thế kỷ 19 và 20.
Mặc dầu là một cường quốc thời bấy giờ, những quốc vương Lan Xang không có khi nào thuần phục được mọi bộ lạc sống rải rác trong rừng sâu núi thẳm, chẳng hạn Xieng Khuang, Sam Nua vẫn luôn độc lập. Năm 1571, vua Setthathirat hành quân về phía nam, nhắm hướng Cao Mên, nhưng ông bị mất tích trong rừng rậm. Ông chết đi, để lại một nước Lan Xang lộn xộn, rối ben, nội chiến trong nhiều năm rồi bị Miến Điện đô hộ cho đến lúc vua Sulinya Vongsa (triều đại 1654-1694) lên ngôi, tạo lập thời đại vàng kim cho xứ Lào... Dù sao, vua Setthirat có thể hảnh diện đã để lại cho hậu thế bốn ngôi chùa. Là một Phật tử, dựng chùa là công đức lớn. Ở Vieng Chan, ngôi chùa được ông cho xây trước tiên là Vat Si Muang (1563), lúc ông mới vừa cho đời kinh đô về đây. Tục truyền một phụ nữ có mang hi sinh nhảy vào cái lỗ sâu vừa đào để dựng một cột đá khổng lồ gọi là lak muang (cột trụ thành phố) thu hồi từ một di tích Khơ Me kế cạnh. Chỗ nầy đã được một số hiền nhân chọn để vua dựng chùa. Muang có nghĩa là đất thánh, có người lại cho là tên cô gái. Dù sao, chùa bị phá năm 1828, đến 1915 mới được trùng tu. Trong điện thờ gọi là sim, một tấm bia gỗ chạm trổ, ở giữa khắc một đức Phật ngồi. Xung quanh có nhiều tượng Phật. Một pho ở bên trái, đặt trên một cái gối, ít nhiều hư mòn, đặc biệt được chú ý vì đã tồn tại sau vụ tàn phá và nhất là tượng được tin tưởng có quyền lực chấp thuận ước nguyện và giải đáp những vấn đề mờ ám. Như ở những chùa các bà chúa ở nước ta, người mang ơn phải trở lại trả ơn nên quanh điện thờ ngổn ngan không biết bao nhiêu là hương hoa, bánh trái. Sau điện một cái tháp cổ chedi Khơ Me, nhiều tượng bể vỡ chồng chất người ta mang lại để xin tạ tội.
Ngôi chùa thứ nhì được nói đến nhiều là Haw Phra Keo xây năm 1565 trong vương phủ cũ để thờ tuợng Phra Keo. Năm 1779, quân Xiêm lại đánh phá Vieng Chan, cướp tượng đem về thờ ở chùa Pra Keo bên Bangkok. Trong cuộc chiến năm 1828, quân Xiêm lại san phẳng chùa Phra Keo ở Vieng Chan. Từ 1936 đến 1942, người Lào bỏ công xây lại chùa. Nhưng kiến trúc lúc bấy giờ không còn giống một chùa Xiêm, Lào, Miến nào ở thời đại ấy, điện thờ vihan không có chút phong cách gì của thế kỷ 16 mà theo kiến trúc Bangkok thế kỷ 19, loại chùa Si Saket xây năm 1818. Không phải là tu viện, Haw Phra Keo ngày nay là một bảo tàng viện rộng lớn chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật đạo giáo Lào. Trước những trang trí hình dung cành lá, các thiên thần vũ nữ apsaras quanh các cửa sổ, cửa lớn, một số tượng điêu khắc xếp hàng dọc hành lang. Đáng để ý là một tượng Phật bằng đá, phong cách Dvaravati, thế kỷ 6-9, đặt giữa những tượng khác, đứng hoặc ngồi, nghệ thuật Lào hay Khơ Me, có khi lai Miến Điện. Đặc biệt nhất là những tượng Phật đứng "gọi mưa", hai tay duỗi theo cơ thể, những ngón tay hướng xuống đất ; tượng Phật "cống hiến sự bảo vệ", gan tay mặt hướng về phía trước ; tượng Phật "chiêm ngưỡng cây thức tĩnh", cổ tay chéo lên ngực. Cạnh đấy là những tấm bia ghi chữ Lào và Môn, những tủ kính trưng bày nhiều đồ vật bằng vàng, bạc hay ngọc thạch. Bên trong điện thờ sim, một bản sao tượng Phật Phra Bang và nhiều tượng Phật khác bao quanh một ngôi vua thép vàng. Khách chăm chú thấy cả những bản chép tay tiếng Phạn trên giấy cọ. Trong vưòn quanh điện thờ, một cái chum lễ tang khổng lồ có phần thô sơ đem từ Trấn Ninh về thấy như lạc lõng trong một nơi đầy vật gỗ chạm trổ tinh tế nầy.
Ngôi chùa thứ ba được vua Setthathirat cho xây trên một ngọn đồi giữa các đồng ruộng ở Vieng Chan năm 1566 là Vat Pha That Luang. Một bức tượng ông chễm chệ trước cái "thánh tháp lớn" nầy, một công trình kiến trúc quan trọng nhất nước Lào, tượng trưng "thánh sơn", kết hợp đạo Phật và vương quyền. Tục truyền chùa đuợc xây trên di tích một cái tháp cỗ đại dưới thời ông vua đầu tiên ở Vieng Chan với sự giúp sức của năm vị La hán đã từng du học bên Ấn Độ. Khi trở về nước, họ đã đem theo một thánh tích của đức Phật và xin vua xây một cái tháp để chứa đựng. Người Lào tin cái tháp nhỏ nầy (10 m rộng, 8 m cao) hiện nằm trong cái that lớn ngày nay. Lúc đầu có bốn ngôi tháp nằm quanh that, nay chỉ còn hai : Vat That Luang Tai phía nam, Vat That Luang Neua phía bắc là nhiệm sở của vị giáo trưởng tối cao Phật giáo Lào Pha Sangkhalat. Khách viếng chùa hồi đó bảo bị lóa mắt trước đỉnh tháp thếp hàng trăm kilô vàng, huy hoàng giữa một kinh thành lộng lẫy. Rủi thay, năm 1574 quân Miến, rồi đến các năm 1779, 1827 quân Xiêm lại đốt phá Vieng Chan. Năm 1896, đỉnh tháp lại bị sét đánh tan tành. Chùa That Luang bị bỏ quên hoang phế cho đến năm 1900 mới được người Pháp trùng tu. Trước đó 33 năm, một kiến trúc sư, ông Delaporte, tình cờ tìm ra được vết tích ngôi tháp tàn rụi che lấp trong cây cỏ um tùm và đã bỏ công sao vẽ cẩn thận, cống hiến một tài liệu quý báu. Tuy nhiên người Lào cho chùa mới không trung thực với tháp xưa và năm 1934 phá đi xây lại. Năm 1976, đỉnh tháp lại bị sét đánh, chính phủ cho gắn vào một cuộn xoắn bằng đồng và sơn vàng toàn bộ tháp.
Nhìn từ xa, chùa trông như một pháo đài, xung quanh có tường cao bao bọc, bên trong những tháp nhỏ dựng lên như những tên lửa ngày nay. Chỉ có tòa nhà thánh tích là tỏa ra một bầu không khí thanh bình cửa nơi tu hành. Chùa sắp đặt theo ba tầng. Tầng dưới cùng là một hình vuông (68 x 69 m), xung quanh có hành lang với 323 phiến đá sima giới hạn không gian thánh đường và bốn cửa cầu nguyện haw vai dẫn lên tầng trên. Tầng nầy nhỏ hơn (mỗi cạnh 48 m) có 120 cánh hoa sen làm tường, 288 sima và 30 tháp nhỏ parami tượng trưng 30 hiện thân hoàn thiện của đức Phật. Nghe nói những vật trang trí bằng vàng trong các tháp nầy đã bị hải tặc Tàu đánh cắp. Tầng cao nhất chỉ còn 30 m mỗi cạnh. Giữa những cánh sen, một tháp vuông vượt lên từ một vòm hình chồi sen, tượng trưng hột sen gieo trong bùn nở hoa ra trên mặt nước, ẩn dụ bước chuyển từ dốt nát con người qua thiên cảm đức Phật, giống như ở chùa Sanchi bên Ấn Độ do vua Asoka xây để chứa thánh tích của Ngài. Trên cao cùng, một đóa hoa chuối duangpi điệu hóa nhấc đỉnh tháp cao lên tới 45 m. Trong toàn bộ thánh tháp, khách hành hương mặc sức chiêm ngưỡng những mẫu hình kiến trúc minh họa học thuyết Phật giáo qua những giai đoạn đời sống đức Phật.
Ngôi chùa thứ tư được xây dựng năm 1560 ở Luang Prabang, "thành phố cây phượng" : Vat Xieng Thong. Chỉ có thư viện bộ Tam tạng haw tai được dựng thêm năm 1828 và "nhà trống" haw kawng năm 1961. Tọa lạc trên một bãi đất rộng ở ngã ba hai sông Nam Khan và Me Kong, ngôi "chùa kim đô" nầy còn được gọi "chùa cây phượng", "chùa cửa ô thành phố", là một công trình kiến trúc hài hòa, một mẫu tuyệt đẹp phong cách Luang Prabang, thừa kế kiến trúc Lan Xang và Lan Na. Trước chùa, bến nước là nơi vua và quan khách đi lại. Đập trước tiên vào mắt khách bước qua cổng là ngôi điện thờ vihan với nhiều mái cong chồng chất đổ xuống rất thấp, những đầu mái nhọn như ngọn lửa, tô điểm ở trên một "bó hoa trời" dok so fa mười bảy mũi, trong như một nữ trang lấp lánh trên tà áo người phụ nữ Lào. Những cửa cũng như những cột bằng gỗ đều được chạm trổ tinh vi, trên nền đen hoặc đỏ, hình dung đức Phật trước cây rừng điệu hóa hay những nhân vật hoang đường như kinnari, nửa người nửa chim. Bên trong, trần điện là hình vẽ tượng trưng bánh xe đạo pháp Dhammachakkas. Trên tường, những trang vẽ kể lại sự tích Thao Chanthapanith, vị vua trước Fa Ngum, mà Setthathirat muốn tôn sùng. Mặt sau điện, một bức ghép thể vạn hoa khổng lồ hình dung "cây Thong", một loại cây phượng biểu tượng đời sống, kết bằng những mảnh sành, chai đủ màu trên phông nền đỏ hoe.
Phía đông điện có nhiều nhà thờ nhỏ haw. "Nhà thờ đỏ" Haw tai pha sai nyaat chứa một pho tượng Phật đứng và một pho tượng nằm theo lối parinirvana thế kỷ 16, rất hiếm ở Lào. Trái với các tượng khác thường theo phong cách Thái Lan hay Lan Na, kiệt tác nầy được xem như là hoàn hảo nhất trong các tượng cổ điển Lào : tỷ lệ hài hòa, tà áo cuốn từ mắt cá tựa như cuộn khói bốc ra từ một pháo hoa, cánh tay mặt từ đầu giãn ra trong một cử chỉ giản dị nhưng biết bao duyên dáng. Pho tượng nầy đã được đem qua Pháp nhân cuộc triển lãm 1931, lưu trữ ở Vieng Chan trước khi đem trở về Luang Prabang. Quanh tượng, trang trí minh họa phép lạ Sravasti (Xá Vệ), khi đức Phật thị uy trước những vị chủ trì các giáo, phái cùng thời, cho tăng sinh vô kể hình mình trên trời. Bức ghép thể bên ngoài, thực hiện nhân lễ Đản sinh 2500, là một tác phẩm có một không hai vì không phải trình bày một sự tích đạo giáo mà là thể hiện đời sống dân dã ở một làng bên cạnh. Trước điện thờ vihan, cạnh cửa ra vào, là "điện xe tang" hohng kep mien xây theo phong cách Xieng Khouang. Mặt tiền, những bức gỗ chạm thếp vàng trình bày những hồi đoạn trường thiên Ramayana. Bên trong chứa đựng chiếc xe tang cao 12 m của vua Sisavong Vong (thời thuộc Pháp) do nhà điêu khác Thid Tanh thực hiện cùng những bình hài cốt dành cho hoàng gia. Dưới vòm xe, một bình chạm mười hai mặt của đức vua đặt giữa những hình chạm tám mặt các hoàng hậu và hoàng tử trưởng. Trong vườn đàng sau, một tượng Phật, tùy hướng xem, cho tỏa ra ba biểu hiện : vui, buồn, an toàn.
Là một tu viện của hoàng gia, Vat Xieng Thong được giữ gìn, chăm sóc chu đáo cho đến 1975. Thật là một điều may mắn, nhất là chùa không bị quân Cờ Đen tàn phá mặc dầu thủ lãnh của chúng là Đèo Văn Tri đã đóng đô ở đây. Là một nước Phật giáo, Lào lẽ tất nhiên có nhiều chùa. Nhưng đi viếng những chùa ở Luang Prabang, Vieng Chan và các vùng lân cận, trừ những động Tham Thing, Tham Phun ở Pak Ou (cửa sông Ou) có vẻ hoang vu, huyền bí, Xieng Thong có lẽ là nơi đất Phật dễ lưu luyến nhất. Về lúc chiều, khi ánh mặt trời dịu dần xuống, thêm vào một làn gió nhẹ thổi từ mặt sông Me Kong lên, đi bách bộ trong sân chùa, thoải mái ngắm nhìn những bức tranh ghép thể muôn màu hay những mái nhà cong yểu điệu trên trời xanh gợn chú mây trắng, tôi không sao tránh được ghép liền cảnh tĩnh mịch trong chùa với đời sống êm đềm, yên tĩnh người dân Lào. Điển hình là mấy chú tiểu da sậm, áo vàng thong dong, thanh thản vượt qua các lối đi, không hấp tấp vội vàng, không chút bận lòng với khách vãng cảnh. Có người bạn đồng hành người Pháp, lúc chia tay, thổ lộ : mình phải xét lại lối sống khi trở về Paris !
2000-2007
[ Trở Về ]