Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ] [
Tác giả ]
Hát
Ví Dặm ở Thị Trấn Nữ Hoàng
Võ
Quang Yến
|
Phía
nam Paris, bắt đầu từ Porte d’Orléans, chạy dọc theo Quốc
lộ 20 chừng 8 km, sau khi băng qua Montrouge, Bagneux, khách đạt
đến một khu phố tương đối sầm uất : một bên là thị
xã Sceaux, bên kia là thị xã Bourg-la-Reine, cả hai thuộc miền
cực đông tỉnh Hauts-de-Seine, mỗi bên chỉ có khoảng hai vạn
dân và mức sống thấy như có phần cao hơn so với nhiều
ngoại ô khác ở miền bắc Paris. Hồi mới dọn về ở vùng
nầy, chúng tôi vui sướng ngạc nhiên đuợc giới thiệu đến
không biết bao nhiêu là hội đoàn thể thao, văn hóa (tố chức
đi du lịch, đi nghe diễn thuyềt, xem hát, xem viện bảo tàng,...)
biểu dương những hoạt động phong phú cả cơ thể lẫn tinh
thần.
Sceaux
hay Xô thành hình thành từ đầu thế kỷ 13, trước chỉ là
một làng trồng nho, sau trở thành một trong những địa điểm
lịch sử nổi tiếng nhất trong vùng quanh Paris. Tên Sceaux phát
xuất từ chữ cellae nghĩa là nhà ở của người dân trồng
nho. Được nhà chính khách Jean-Baptiste Colbert, người tin cậy
của vua Louis XIV, phát huy giữa thế kỷ 17 giữa những đồi
nho, một cơ nghiệp lần lượt qua tay bà bá tước Du Maine
trên đỉnh một tao đàn văn chương và chính trị nổi tiếng,
rồi ông công tước De Penthièvre mà thư viện là nơi nhà trào
phúng Florian đã sáng tác một số những bài ngụ ngôn nay
còn được ưa thích. Nhà đại văn hào Voltaire đã ở lại
đây nhiều lần và khởi xướng phong trào tiểu thuyết triết
lý. Sceaux cũng là đất nguyên quán của gia đình Curie đã
sản xuất những nhà khoa học lừng lẫy. Ngày nay, Sceaux rất
có tiếng với cái công viên rất rộng và đẹp ký tên Le
Nôtre do Hội đồng tỉnh trực tiếp quản lý. Giữa những
vườn hoa hỗn hợp muôn màu, những lùm cây anh đào sặc sỡ
mùa xuân, vàng cháy mùa thu, những kênh nước soi bóng thiên
nga, những bãi cỏ mênh mông mặc sức chạy nhảy, là một
lâu đài nguyên vẹn nay được dùng làm viện Bảo tàng Ile-de-France.
Đây là lâu đài thứ nhì (thế kỷ 19) được công tước
Trévise cho xây trên ngay trên móng lâu đài truớc (thế kỷ
17) của Colbert bị đập vỡ trong thời kỳ đốc chính. Mỗi
lần dẫn lại đây bạn bè bên nhà qua, thong dong trên những
thảm cỏ cắt xén đều đặn, yên tĩnh xa vắng mọi ồn ào
xe cộ, tôi không quên gợi lên với họ những chuyện thăng
trầm của thời kỳ cách mạng. Nhà tôi ở cạnh đây nên
tôi xem công viên nầy như là chỗ nghỉ mát của mình, có
chút thì giờ là vào đây đọc sách, bách bộ. Hơn nữa, nếu
không làm biếng có thể vào đây học khí công, thái cực
quyền, có người hướng dẫn. Tôi biết ít nhất mỗi sáng
thứ bảy hay chủ nhật có các lớp dạy miễn phí do các thầy
Nguyễn Thúy Vạn, Trần Quang Đang, Hồ Mạnh Trung, Trương Công
Minh điều khiển. Vài năm một lần, Hội đồng tỉnh tổ
chức một cuộc đua thuyền trên kênh Grand Canal lấy tên Dragon
Cup : thuyền nào cũng mang một đầu rồng và trước cuộc
đấu có một cuộc múa rồng náo động, nói lên sự có mặt
của người Á Đông ngày càng phát triển trong vùng. Riêng
về phần Việt Nam thì trường trung học Marie-Curie có liên
kết với Hà Nội, mỗi năm đều có gởi học sinh qua
đây : trong hôm lễ đêm Nocturne vừa qua, tôi vui mừng ngắm
được một nữ sinh áo dài thanh thản đàn tranh dưới vòm
hoa lấp loáng ánh đèn rọi sáng.
Bourg-la-Reine
hay Thị trấn Nữ hoàng là thị xã bên kia Quốc lộ 20. Nếu
Sceaux đã từng được vua Louis XIV viếng thăm (bá tước Du
Maine là con riêng của vua Louis XIV và bà Montespan), thị xã
nầy mang tên nữ hoàng thì chắc phải có dính dáng gì với
một vương triều. Câu hỏi là nữ hoàng nào ? Thật tình,
lịch sử chưa cho biết rõ ràng. Có nhiều giả thuyết. Có
tài liệu ghi năm 584, nàng Rigunthe, con Chilperic và Frédegonde,
trên đuờng qua Tây Ban Nha lấy Reccarede, vua Wisigoths, có ghé
qua Bourg-la-Reine. Nàng được gọi là nữ hoàng. Tu viện Thánh
Geneviève có ruộng đất ở đây mang tên Campo Rutridis từ đấy
có thể là hoàng hậu Rotrude. Năm 1134, vua Louis VI cúng cho tu
viện Montmartre một mảnh đất gần đây gọi là Pré Hilodurin
và vợ ông vua nầy là hoàng hậu Adélaïde... Những nữ hoàng
nầy đều có thể là khởi thủy tên thị xã. Trái lại, sách
sử có chép rõ năm 1470 vua Louis XI có ghé ngang qua đây ; đầu
thế kỷ XVII bà Gabrielle d’Estrée, ái phi của vua Henri IV,
có ở lại một thời gian ; năm 1725, vua Louis XV, mới 12 tuổi,
đã gặp ở đây Marie Anne Victoire, 4 tuổi, hoàng nữ vua Tây
Ban Nha. Trong số những người có tên tuổi ở đây, ngoài
nhà toán học Evariste Galois, nhà văn André Theuriet, nhà phân
tích tâm lý Françoise Dolto, nhà xuất bản Albin Michel,...phải
nhắc đến kiến trúc sư François Hennebique, người đã bỏ
ra mấy chục năm để chứng minh những khả năng của bê tông,
di tích còn để lại từ đầu thế kỷ 20 là một cái tháp
cao 40 m hình thù khác thường, chứa ở phần trên một bể
cạn đựng nước để tưới những vườn treo và nhà kính
theo một khẩu hiệu : bông hoa, ánh sáng và thông gió. Một
sự kiện đặc sắc là cuộc khánh thành năm 1846 đường sắt
chạy từ Paris ngang qua Bourg-la-Reine về đến Sceaux, đóng góp
vào cuộc phát triển Bal de Sceaux là nơi giải trí cả một
thời phồn thịnh. Đường tàu Ligne de Sceaux sau nầy được
kéo dài một bên đến Robinson, bên kia ra Saint-Rémy-lès-Chevreuse,
nhập vào Hệ thống Cấp tốc Địa phương RER B. Ở trung
tâm thị trấn cũng như ở Sceaux có đường dành cho người
đi bộ, không xe cộ ồn ào, nhưng vào ngày hội cũng tấp
nập lạ thường. Trong số những thành phố ngoại quốc kết
nghĩa với Bourg-la-Reine có một thị xã Trung Quốc nên từ
những năm gấn đây, Tết đến là có chợ Tàu, múa lân,...
náo nhiệt quanh ba quán cơm Tàu ăn lanh nằm ngay ở trung tâm.
Năm
nay, đặc biệt nhân ngày Tết nguyên đáng Đinh Hợi (17.02.2007),
ngoài cuộc múa lân, diễn hành, biểu diễn qua các đường
phố với những võ đoàn Thái Cực Đạo, Song Long Võ Đường,
những cô của Hội Sinh ViênViệt Nam áo dài tha thướt, những
em trẻ các trường, đầu đội nón giấy, trá hình thành người
Á Đông..., còn có hai buổi văn nghệ cuối chiều và ban tối.
Nếu cái đinh của ban tối là múa võ và thi áo dài, buổi
ban chiều dành nhiều hơn cho hát múa và trình diễn thời trang
do phụ nữ Hoa Việt đảm nhận. Trong một gian phòng đông
nghịt vào cửa tự do trang hoàng với những hình ảnh Việt
Nam, trong hơn hai tiếng đồng hồ, khán giả được đưa qua
Á Đông với những vũ điệu uyển chuyển của các vũ nữ
mềm dẻo tài hoa : múa bướm, múa quạt, múa công, múa dĩa,
múa chén, múa dãi lụa đào. Xen lẫn với những điệu múa
nầy là những màn biểu diễn võ nghệ với những võ đoàn
Song long Tai chi, Taekwondo - Mundo, rất hấp dẫn qua những mục
như thao tác nhảy cao đập vỡ mảnh gỗ. Và chiếm một phần
lớn buổi văn nghệ ban chiều là độc tấu nhạc Việt
của chị Quỳnh Tư. Chị Quỳnh Tư không xa lạ với những
ai theo dõi văn nghệ Việt Nam ở Paris. Những năm trước đây,
không có dạ hội nào ở Nhà Tương tế mà không có giọng
hò tiếng hát của chị. Tuy xuất thân kỷ sư tin học, là
một tôn nữ đất thần kinh, rất dễ hiểu chị luôn ôm ấp
một nỗi lòng văn nghệ. Chị đã trình diễn nhiều nơi, đã
cho phát hành nhiều băng nhạc : Chants et poèmes de Hué (Thơ
ca Huế) La Voix de la Rivière des Parfums (Mười thương), Jardin
Ancien, Fleurs Modernes (Vuờn xưa, Hoa mới). Sau nầy, chị đi
học hát thêm ở nhạc viện, hoàn thiện giọng hát và, cộng
tác với nhiều dàn nhạc, đội hợp xướng, nhạc cụ Âu
Á đủ loại, chị cho ra băng nhạc Passions et Rêves (Anh với
em, với núi, với sông Việt Nam) và gần đây Si on me demandait...
(Nếu ai hỏi vì sao ?). "Nếu ai hỏi vì sao những cánh
đồng của chúng tôi xanh rờn và những ngôi nhà của chúng
tôi xinh xắn đến thế ? Tôi xin trả lời rằng sự phồn
vinh ngày nay chỉ là bộ mặt bên ngoài của bao thử thách,
bao đau khổ, bao đắng cay..."
Chiều
hôm nay, chị Quỳnh Tư bắt đầu với sự tích Huyền Trân
Công chúa đã chịu hiến thân mình đem lại hai châu Ô Lý
cho đất Đại Việt, làm bàn đạp cho cuộc Nam Tiến sau nầy.
Chị trình diễn một bài thơ của chị do chị tự phổ nhạc
qua một điệu ví dặm quen thuộc của miền Trung, một điệu
dân ca phong phú Nghệ Tĩnh, nơi thiên về hát nhiều hơn hò.
Từ thuở định cư trên đất Pháp cách đây hơn một nửa
thế kỷ, tôi may mắn lại một lần được nghe ví dặm của
thời thơ ấu, biết bao xúc động dồn dập qua thời gian và
không gian.
Công cha
nghĩa mẹ sinh thành,
Vì giang san phải
xa kinh thành cố đô.
Tiếp theo, chị
biểu diễn một bản đàn tranh theo điệu bắc, một loại
đàn bao giờ cũng hấp dẫn dù là người Việt hay người
nước ngoài. Sau đó, giữa hai vũ điệu, được đàn dương
cầm đệm theo, chị lần lượt trình bày những bài hát đã
từng được thưởng thức hằng chục năm nay : Sợi nhớ sợi
thương (Thùy Bắc, Phan Huỳnh Điểu), Khúc tình ca xứ
Huế (Trần Đại Mỹ), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh), Nhạc
rừng (Hoàng Việt). Trước khi trình diễn hai bài nhạc điệu
Tây phương Đêm Thu và Vọng ngày xanh (Khánh Băng, chị cải
biên ra Pháp ngữ), chị Quỳnh Tư đã thực hiện một sự
kiện hội nhập cần thiết tuy không bắc buộc vào nơi mình
định cư : cho người Pháp thụ động ngồi nghe nhạc Việt
không đủ, chị đã tập cho một đám học sinh Bourg-la-Reine
học hát những bài Việt và hôm ấy cho chúng trình diễn bài
Tiếng chày trên Sóc Bom Bo (Xuân Hồng). Hơn nữa, chị cho phát
bản nhạc và yêu cầu khán giả cùng hát qua các nốt nhạc
Việt họ sự xàng xê cống.
Bồng
con ra võng đong đưa,
Giã ngạo ban
đêm vì ngày bận làm mùa...
Giao
lưu Pháp Việt, nói rộng ra gặp gỡ Âu Á. Thảo nào từ năm
1994, cùng với bạn bè chị đã thành lập hội France
Asie (Pháp Á) nhắm mục đích thu thập mọi phương tiện
để quan niệm, thực hiện, xúc tiến và khai triển những
trao đổi văn hóa giữa Pháp và các nước Á Đông, đặc biệt
giúp những nghệ nhân gặp khó khăn và tạo điều kiện cho
cuộc hội nhập những người châu Á vào đời sống ở Pháp,
"một mục đích thông cảm, cho hai bên gần nhau, hiểu nhau,
trong tình yêu văn hóa cao cả, sâu đậm", nói như Lê Mộng
Nguyên, anh bạn đồng khoa thời trung học ở Huế. Có hai người
không xa lạ với công trình xây dựng nấy : Jean-Jacques
Werner, Giám đốc Trường Âm nhạc Fresnes, và Alain Weber, Giáo
sư ở Viện Đại học Âm nhạc Paris. Hôm nay tinh thần Pháp
Á đã phản phất suốt chiều, trong thị trấn cũng như trong
phòng khánh tiết. Khán giả khi từ giả hội trường cảm
thấy như mình vừa mới đi một cuôc du lịch ở Á Đông về.
Và chỉ một điều đó đã là một thành công. Tôi nhớ lại
thuở ban đầu Hội Người Yêu Huế ở Pháp cách đây hơn
25 năm, chúng tôi không mong muốn gì hơn giới thiệu với người
bản địa văn hóa của quê huơng mình cũng như đem văn hóa
của họ về trình bày với đồng bào ở quốc nội. Mấy
năm gần đây, liên tiếp bốn Festival de Huế mở rộng tầm
mắt người dân Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung,
tưởng như đồng bào trong nước luôn cùng đồng âm với
những đứa con tha hương ở nuớc ngoài.
Xô thành đầu xuân Đinh Hợi 2007
____________________________________________
( LTS:Nhạc
đệm phông bài viết : Bình minh rẻo cao / tác giả : Phương
Bảo / trình diễn : Mai Lai )
[
Trở Về ]