Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Tìm hiểu về soạn giả Viễn Châu Việt Hải
Soạn giả Viễn Châu đã tạo ra một gia tài văn hóa đặc thù rất phong phú của hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 vở cải lương... Trong đó tôi rất thích bài tình ca vọng cổ "Tình anh bán chiếu", được nghệ sĩ Út Trà Ôn trình bày."Hò ơ...
Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm.
Công tôi cực lắm, mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu.
Tìm em không gặp... Hò ơ...
Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...1/ Ghe chiếu Cà Mau đã cấm sào trên bờ kinh ngã bảy, sao người con gái năm xưa chẳng thấy ra chào... Cửa vườn cô đã khoá kín tự hôm nào, tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau trước vắng tanh gió lạnh chiều hôm bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm.
2/ Cô đã đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng, hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo chồng. Cô ơi đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lát sợi gai nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã rời bỏ quê nhà sang qua xứ khác, tôi đứng trước cổng vườn xưa nỗi buồn man mác, còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai?...
3/ Nhớ năm ngoái khi ghe vừa tới vàm sông ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô; đưa tôi vào chốn phòng riêng để đo ni chiếc giường gõ đỏ và cô đặt tôi làm đôi chiếu, cô hỏi qua gía cả, tôi trả lời lấy giá rẻ làm quen .Năm hôm sau tôi sắp sửa lui ghe cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng, sau khi cô đà quay gót chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre, cô có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang để dấu đôi giòng nước mắt vì không muốn bàng quan thiên hạ họ cười tôi là một kẻ si tình.
(nói lối)
Khi hỏi lại xóm riềng tôi mới biết
Cô theo chồng đã được bốn trăng qua.
Mình dám đâu sai hẹn với người ta
Mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác4/ Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không hồn... nước mắt tuôn rơi như lá rụng trên đường, gió Đông vụt vù thổi mạnh lạnh đất trời lạnh đến cả tâm can.
Người ta đã có đôi rồi
Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung,
Để mình vác cặp chiếu bông
Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ.5/ Khuya đêm nay ngồi chờ nước lớn nỗi buồn đau cứ canh cánh bên lòng... tôi thấy đời tôi sao lạnh lẽo khôn cùng... còn chi buồn hơn nghề bán chiếu để tô điểm loan phòng cho những gái còn Xuân... đến khi họ cất bước sang ngang lại không một lời hỏi han từ giã đến đôi chiếu bông tôi đã bỏ công ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã mà nay vẫn còn nằm trơ ở dưới khoan thuyền.
6/ Ngọn gió Đông ơi đừng thổi nữa lòng tôi lạnh lắm gió Đông ơi. Tôi nhổ sào cho ghé chiếu trôi xuôi lòng nặng trĩu một nỗi sầu tê tái, tôi ngồi yên sau lái đôi mắt vẫn hướng về nẻo cũ vườn xưa. Hỡi ơi con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã thì lệ của tôi sao nó cũng lai láng muôn giòng. Có ai biết được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy
Sông sâu bên lở bên bồi Tình anh bán chiếu trọn đời không phai."Đó là nguyên bài sáu câu tình ca nói lên một chuyện tình buồn. Đại ý của bài vọng cổ này nói lên sự lãng mạn si tình của anh bán chiếu. Khi người con gái đặt mua chiếu, rồi anh bán chiếu đem lòng nhớ thương. Khi ghe đến ngã sông Phụng Hiệp, nơi chia ra 7 nhánh sông con gọi là Ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn anh đến tận nhà cô, cô đưa anh vào chốn phòng riêng để anh đo ni chiếc giường gõ đỏ và đặt anh làm đôi chiếu. Cô hỏi qua giá cả xong anh trả lời lấy giá rẻ để làm quen. Năm ngày sau khi anh sắp sửa lui ghe cô còn đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Sau khi cô đã quay gót chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre. Cô biết đâu rằng anh đã lấy nón lá che ngang để che giấu đôi hàng nước mắt chảy dài, và anh không muốn bàng dân thiên hạ chê cười vì anh là gã trai si tình. Yêu một người con gái với trái tim thành thật có xấu không? Rồi si tình người con gái mới quen đến độ sung sướng để hàng lệ rơi có xấu không? Thưa không, nhưng nét đẹp của văn hóa cổ xưa của đất nước chúng ta rất dễ thương vì nhà thơ Xuân Diệu nhớ người tình cũng đã để nước mắt tuôn trào như sau:
"Nằm đêm anh cứ thương em
Rơi nghiêng nước mắt một bên gối nằm
Thế này cho hết trăm năm
Đến muôn năm vẫn âm thầm thương em"
(bài "Nằm Đêm Anh Cứ Thương Em", XD)Nguyễn Bính cũng âu sầu tương tư bóng hình người láng giềng qua giậu mùng tơi, Hàn Mặc Tử nhớ Mai Đình để hàng lệ rơi, những mối tình xưa trong văn học Việt Nam còn nhiều lắm, và trong đó có "Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu. Cái đau lòng của anh bán chiếu là khi năm sau anh trở lại chốn xưa thì hỡi ơi cô khách hàng đã theo chồng. Cái đau cho cuộc tình một chiều là ở sự kiện "tan nát tình anh". Lời ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn làm cho người nghe xót xa cho chàng bán chiếu đã ươm một mối tình quá oan khiên qua mấy câu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu.
Vậy soạn giả Viễn Châu là ai?
Tôi tham khảo sách "Ngũ Đại Gia của Sân khấu Cải lương" do soạn giả Nguyễn Phương biên soạn, Trường Kỳ phát hành cùng với tài liệu của nhà văn Ba Bé cung cấp như sau:
Huỳnh Trí Bá là tên thật của nhạc sĩ Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu. Vì sinh trưởng trong gia đình có 7 người con, ma ông là thứ 7 nên bạn bè trong xóm gọi tên tục thân thiện là "Bảy Bá". Ông sinh năm 1924 trong một gia đình gia giáo nho học tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca. Sự hiểu biết về bài bản cải lương là do ông học lóm chương trình ca cổ nhạc ở các dĩa nhựa và đài phát thanh, ngoài ra, ông được dịp làm quen, học hỏi nhiều về đờn ca với nghệ sĩ ở đoàn hát thời xưa như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Bảy Bá có khiếu viết văn , làm thơ và ham mê âm nhạc, năm ông 15 tuổi ông tỏ ra xuất chúng về môn đàn tranh. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar và được nhiều người khen ngợi. Ham vui, ông bỏ nhà lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh lúc bấy giờ. Nhờ tài hoa nên ông có mặt trong một dàn nhạc cùng với rất nhiều nhạc sĩ tài danh lúc đó như Jean Tịnh (violon), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)..., là một ban cổ nhạc có tiếng ở đài phát thanh bấy giờ, đàn cho các danh ca lúc đó như: Cô Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé,... Cái tên Bảy Bá được nổi danh từ lúc đó.
Một kỷ niệm đáng nhớ của nhạc sĩ Bảy Bá trong những năm đầu mới vào nghề là ông thường lui tới những nơi có đờn ca tài tử và quen biết với nhạc sĩ Mười Còn, lúc đó đang đờn cho đoàn Việt kịch Năm Châu. Bất ngờ, trước chuyến lưu diễn ra Hà Nội, nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh, ông dược dịp thế chân. Trước khả năng đó nhạc sĩ Mười Còn thuyết phục Bảy Bá theo đoàn đi lưu diễn suốt hai tháng rưỡi... nhưng khi vừa về tới Sài Gòn thì một người anh của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa. Sau khi cha mẹ mất, ông rời những thân nhân cùng cuộc đời ruộng rẫy nghèo khổ để bắt đầu cuộc phiêu lưu mới vào phạm trù âm nhạc. Ông quyết định trở lên thủ đô, tại Saigòn thì ông ở trọ nhà một người bạn cũng nghèo. Nghệ sĩ Bảy Bá phải mưu sinh bằng nghề đi đờn đám, như các đám cưới, đám hỏi, liên hoan, sinh nhật…Nhiều khi đi về quá khuya, mà cửa nhà đã đóng then cài thì ông không dám kêu cửa vì sợ phá giấc ngủ của người bạn, nên ông kê cây đờn làm gối ngủ phê một giấc cho tới sáng hôm sau ngay ở ngoài hàng ba nhà trọ. Đó là nỗi đam mê yêu nghệ thuật, và chính nó đã khiến nhạc sĩ Viễn Châu gặp nhiều lận đận, rồi cuộc đời chấp nhận sống lang thang, bụi đời trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Năm 1943, nghệ sĩ Bảy Bá tham gia vào đoàn Việt Kịch Năm Châu và lưu diễn khắp mọi miền đất nước, và được bậc thầy của sân khấu cải lương là ông Năm Châu đã tận tình nâng đỡ về nghề nghiệp. Lúc này thì soạn giả Viễn Châu bắt đầu tập viết tuồng vào những năm cuối cùng của thập niên 40, với vở đầu tay tựa đề Nát Cánh Hoa Rừng, cảm tác từ chuyện đường rừng của nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Soạn phẩm này đã thành công trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu, mở đường cho những thành công liên tiếp sau đó. Ông đã đ ược nhiều người mến mộ.
Phải nói là trên bước đường nghề nghiệp, Bảy Bá được các nghệ sĩ đàn anh tận tình giúp đỡ, như đã nói trong đó có vợ chồng nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc là phần chính. Nhưng với bản thân ông, ông mang một nỗi niềm đam mê dào dạt bộ môn cải lương, một tâm hồn xao xuyến đa cảm và một khả năng sáng tác dồi dào đã đưa ông đến hết thành công này đến thành công khác. Vì trong khoảng thời gian hơn 60 năm mang kiếp nghệ sĩ cổ nhạc, sự nghiệp sáng tác của ông đã có hơn 70 vở tuồng và hơn 2.000 bản vọng cổ. Một gia tài quá lớn mà ông dể lại cho nền âm nhạc Việt Nam. Những khía cạnh đáng nhớ về soạn giả Viễn Châu:
Vọng Cổ Hài Hước:
Ông là người tạo ra hệ phái vọng cổ hài hước mà sau này nhiều gương mặt nổi danh nhờ những bài ca vui, dí dỏm như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,... Sáng kiến này tạo sự mới mẻ và gây tiếng vang lớn về phạm vi vọng cổ hài hước, nhạc ông đã đưa Văn Hường trở thành một ca sĩ vọng cổ hài hước duyên dáng và độc đáo. Đến nay nhiều người còn nhớ những bài: "Tôi đi làm rể", "Ba chàng rể quý", "Tư Ếch đi Sài Gòn", "Vợ tôi tôi sợ", "Văn Hường nể vợ", "Tâm sự Văn Hường", "Vợ tôi nói tiếng Tây",...Tân Cổ Giao Duyên:
Từ năm 1964, ông mạnh dạn làm một cuộc cách mạng bằng một cuộc giao duyên giữa nhạc tân và nhạc cổ. Bản đầu tiên "Chàng là ai?" (Tân nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết), bản nhạc này do nữ nghệ sĩ Lệ Thủy ca. Dù lúc đó có một số ý kiến chống báng, không đồng tình với sự giao duyên tân cổ nhạc này. Nhưng càng về sau quần chúng đã nồng nhiệt chấp nhận những tác phẩm của ông, nên các hãng đĩa thay nhau ký hợp đồng mời soạn giả Viễn Châu cộng tác. Một số đoàn hát lúc đó cũng theo loại nhạc ghép tân cổ giao duyên và thêm vào đôi hai giọng ca tân nhạc và vọng cổ.
Thời gian trôi qua vọng cổ đã thăng hoa, các danh ca được người xem ưa thích nhờ làn hơi "mùi", mượt mà, nhưng nội dung bản vọng cổ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho người nghệ sĩ thể hiện giọng ca của mình. Soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là "người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Tấn Tài với "Mùa xuân của mẹ", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu", Bạch Tuyết với "Hai sắc hoa Ti-gôn", Thanh Nga với "Nguyệt Kiểu xuất gia" và "Hai lối mộng",...Vở Tuồng Cải Lương:
Trong liên tiếp nhiều thập niên kể từ cuối thập niên 1940, soạn giả Viễn Châu đã sáng chói trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương, ông thành công với khoảng 70 vở tuồng được xem là ăn khách hàng đầu, như Sau Bức Màn Nhung, Đời Cô Nga, Hoa Mộc Lan, Hàn Mạc Tử, Nợ Tình, Qua Cơn Ác Mộng…Tóm lại, tên tuổi của soạn giả Viễn Châu đã thật sự thành công vượt bực trong ngành cổ nhạc. Như trên đã trình bày ông viết nhiều tuồng cãi lương, những bản vọng cổ ăn khách nhất với lời văn mượt mà, bay bướm, nhẹ nhàng đầy chất thơ nhạc, nhiều tác phẩm của ông gợi lại hình ảnh nông thôn lam lũ và bình dị, để châm biếm những cảnh trái tai, gai mắt trong xã hội muôn mặt, hay để hoài niệm về một thời dĩ vãng, bày tỏ tâm sự của những tâm hồn đa cảm và những mối tình dang dở. Người ái mộ ông chưa hẳn là thích cốt chuyện tình tiết éo le, nhưng vì những tuồng tích quen thuộc đó được ông đệm vào bằng những lời ca văn chương trau chuốt, mượt mà và rất trữ tình. Do đó nếu so sánh giữa những bài ca vọng cổ đơn chiếc và những vỏ tuồng cải lương dài thì vì tài viết văn ghép vào nhạc của ông quá xuất sắc hay quá điêu luyện, nên ông được nhiều bình luận gia về cổ nhạc cho rằng ông đã vượt trội về tên tuổi trong các tác phẩm vọng cổ hơn là soạn giả của những vở tuồng dài cải lương. Lời nhận xét này cũng là lời kết luận của bài viết này vậy.
Việt Hải, los angeles
[ Trở Về ]