Chim Việt Cành Nam            [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]                 [ Tác giả ]


 
Harold Pinter đoạt giải Nobel văn học 2005 
Việt Hải 

Trong địa hạt văn học khi một người cầm bút dược trao tặng giải văn chương Nobel quốc tế thì đó là niềm hãnh diện cao quý nhất cho cá nhân nhà văn đó và quốc gia mà nhà văn đó đại diện. Giải Nobel văn học năm nay đã lọt vào tay nhà văn Harold Pinter, 75 tuổi, có quốc tịch Anh. Ngày 13 tháng 10 vừa qua, Ủy ban Giải thưởng Nobel Văn học đã công bố giải Nobel văn học 2005 trao cho Harold Pinter.

Harold Pinter là ai ?
Harold Pinter sinh ngày 10/10/1930, tại London trong một gia đình gốc Do Thái làm nghề thợ may ở khu dân nghèo nàn Hackney. Khi lên 9 tuổi cũng là lúc chiến tranh thế giới II lan tới London khiến ông phải theo gia đình đi chạy nạn trong 4 năm liền. Chứng kiến cảnh London bị liệng bom đạn tan hoang, ký ức chiến tranh đó đã in sâu vào tâm trí chú bé Harold Pinter, và sâu đến mức độ suốt đời ông nói rằng ông sẽ không bao giờ quên.
Khi hết chiến tranh ở lứa tuổi 12, Harold Pinter trở về London theo học trường trung học Gramar tại khu Hackney. Thuở trung học, Harold có đam mê đọc tác phẩm của Franz Kapkaz và Ernest Hemingway; tham gia đóng kịch Shakespeare trên sân khấu nhà trường; và điều ấy đã thúc đẩy ông theo nghề diễn viên. Khi tham gia đóng kịch của Shakespeare, ông thủ các vai Macbeth và Romeo. Bắt đầu từ đây ảnh hưởng của sân khấu mang tính quyết định đối với sự phát triển tài năng viết kịch bản của Harold Pinter về sau này.

Khi thông cáo của Viện hàn lâm Thụy Điển tuyên bố ông Harold Pinter được trao giải thưởng Nobel vinh dự này, lý do vì trong các vở kịch của ông đã lột tả trung thực được những chi tiết sâu sắc trong các câu chuyện phiếm hàng ngày và đi vào những ngõ ngách thầm kín của tâm hồn con người. Đó là nét đặc biệt của nhà văn, nhà thơ và nhà viết kịch bản Harold Pinter.

Một tác phẩm tiêu biểu của Harold Pinter
Năm 1948, ông được nhận vào Viện hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia. Năm 1950 Harold Pinter xuất bản những bài thơ đầu tay, kế sau đó một năm thì ông được nhận vào Trường Trình Diễn  và Kịch Nghệ Quốc Gia. Cũng năm đó ông được nhận vào làm việc tại  đoàn kịch nổi tiếng Anew McMaster với các vở kịch dược trình diễn ăn khách của Shakespeare.
Từ năm 1954 – 1957, ông sử dụng tên David Baron để hoạt động trong phạm vi sân khấu. Từ  1956 – 1980 ông kết hôn với nữ kịch sĩ người Anh là Vivien Merchant. Nhưng vì những bất hòa trong cuộc sống cuộc hôn nhân này tan vỡ. Họ đồng ý đi đến ly dị năm 1980, tức hai năm trước khi Vivien qua đời. Sau đó ông di bước kế là kết hôn với nhà văn kiêm sử gia Lady Antonia Fraser.

Harold Pinter viết vở kịch đầu tiên "Căn phòng" (The Room) năm 1957 trình diễn dã gây tiếng vang ở Bristol. Cùng năm ông cho ra đời 2 vở kịch khác, một là "Tiệc sinh nhật" (The Birthday Party) được coi là huyền thoại và là một trong những vở kịch được trình diễn nhiều lần và lâu nhất ở Anh. Vở thứ hai "Người hầu bàn câm" (The Dumb Waiter) cũng là một trong những vở được trình diễn nhiều lần. Các vở kịch nổi tiếng khác của Harold Pinter là "Người giữ trẻ" (The Caretaker) viết năm 1959 đưọc xem vô cùng được ái mộ là và "Về nhà" năm 1964.

Tóm lại, Harold Pinter được coi là người đại diện xuất sắc của nền kịch nghệ của nước Anh thời kỳ hậu bán thế kỷ 20. Harold Pinter là người có công khôi phục nền nghệ thuật sân khấu về những yếu tố căn bản của thể loại này khi sử dụng tối thiểu những thủ pháp nghệ thuật, hay yếu tố kịch thuật của Harold Pinter. Ông cho khai thác tối đa sự nổi bật của các vai trò trong kịch bản và sự ăn khớp trong những tình tiết xen lẫn vào lời đối thoại có lập luận rỏ ràng.

Ngược dòng thời gian thì kịch bản của Harold Pinter lúc đầu bị khán giả coi là sự biến thể của sân khấu kịch nghệ ấu trĩ, rất ngớ ngẩn, nhưng sau đó ông nhanh chóng tạo dựng lại tên tuổi và được đánh giá là điển hình của loại hài kịch, mà trong đó nhà văn, kịch gia Pinter biểu lộ cho chúng ta hiểu được những điều được che đậy dưới các cuộc đối đáp duy luận rất mạch lạc và ăn khớp nhất. Trong nhận xét theo sau kết quả Nobel năm nay,  nhiều bình luận gia danh tiếng Anh Mỹ đưa ra nhận định, Harold Pinter, kịch gia của những vở kịch "xuất phát từ những vấn đề tưởng chừng như rất tầm thường, nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại có khả năng đưa người đọc vào một tâm trạng vô cùng lâm li, gây cấn xen lẫn sự hồi hộp, ngột ngạt, và nghẹt thở". Đó là ưu điểm của Harold Pinter.
Trong những vở kịch điển hình nhất của Harold Pinter, chúng ta thấy những yếu tố con người luôn bị nội tâm giằng co, xâu xé và tìm cách chạy trốn chính bản ngã của mình bằng cách cô đọng vào một khung cảnh gò bó nơi ngõ cụt. Pinter chính là người chú trọng vào việc gìn giữ những yếu tố cơ bản của các tác phẩm kịch chứa đựng một không gian khép kín, những đối thoại không thể tiên đoán hay sự gặp gỡ của lòng bao dung, quảng đại và ở đó không có sự tồn tại của những điều giả tạo". Horace Engdahl, chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết, tại lễ công bố giải thưởng là kịch gia Pinter không nói gì nhiều nhưng ông tỏ ra rất sung sướng.

Ngoài khả năng viết kịch bản sân khấu truyền thống ra, Harold Pinter còn viết kịch bản cho sân khấu truyền thanh và truyền hình. Những vở kịch nổi tiếng cho thể loại này của ông bao gồm "Người giúp việc" viết năm 1963, "Tai nạn" 1967, "Người mai mối" 1971, "Người đàn bà của viên đại uý Pháp" 1981 dựa trên tiểu tuyết về John Fowles. Chính những tác phẩm lẫy lừng và rất được ăn khách này đã tạo cho tác phẩm của ông có giá trị độc đáo, để rồi Harold Pinter vinh dự đoạt giải thưởng Nobel Văn học trong năm nay, 2005.

Hoãn công bố vì bất đồng?
Theo truyền thống, tiểu ban chấm giải gồm 18 thành viên được bầu chọn giải Nobel văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển có 219 năm tuổi, lý ra sẽ thông báo vào ngày thứ ba (04/10/05) rằng tên tuổi người đoạt giải sẽ chính thức được công bố vào ngày thứ năm (06/10/05).

Thứ ba tuần này đã không có động tịnh gì cả, điều đó có nghĩa là giải Nobel văn học 2005 sẽ chỉ được biết rõ sớm nhất là vào thứ năm tuần sau đó, ngày 13/10. Dư luận xì xầm là có sự bất đồng nặng về sự chọn lựa nên làm kết quả trì hoản đến một tuần. Cũng chính sự chậm trễ đó dẫn tới nhiều suy đoán, theo đó đã có những tranh cãi, bất đồng, thậm chí rất trầm trọng trong số các thành viên tuyển chọn về việc nhà văn hoặc nhà thơ nào xứng đáng với giải thưởng trị giá 1.3 triệu mỹ kim cùng một huy chương vàng truy tặng và một bằng chứng nhận trúng giải; chưa kể các tác phẩm của họ sẽ được vào văn học quốc tế và sẽ bền vững trên thị trường về lâu dài. Bên ngoài tiếng thơm văn học ra, cái thực tế đáng nói là số thu về tài chánh sẽ gia tăng kinh khủng vì lòng hiếu kỳ và sự tò mò muốn biết của quần chúng.
Mặc cho những tin đồn đoán phóng ra trên báo chí, Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn không đưa ra lời giải thích nào cụ thể. Giới truyền thông, báo chí tha hồ rờ mu rùa khi bàn bạc về các ứng viên cho giải văn học Nobel. Đứng đầu phải nói là nhà thơ người Syria Ali Amah Said (thường được biết với bút danh Adonis), nhà thơ Hàn Quốc Ko Un, nhà văn nữ người Mỹ Joyce Carol Oates và nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer. Nhiều thầy bói sờ mu rùa khác thì lại bóc quẻ cho rằng xứng đáng nhận giải năm nay còn có nhà văn Mỹ Philip Roth, nhà văn Mario Vargas Llosa của Peru, nhà thơ nữ Canada Margaret Atwood và nhà văn Nuruddin Farah của Somalia. Tuần lễ trước ngày 13/10, người ta tự hỏi liệu rằng có khả năng giải văn học sẽ không được trao năm nay, hay bởi vì không tìm được tác giả thật sự có uy tín xứng dáng cho văn chương trên phạm vi toàn thế giới này. Cuối cùng thì Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công báo kết quả trong muộn màng. Vinh dự năm nay về với nền văn học cổ kính của Anh Cát Lợi.

Ban chấm giải Nobel Văn học thiếu công tâm ?
Ban chấm giải Nobel Văn học cũng thường bị dị nghị, chịu sự  phê bình là thiếu công tâm, thiên về việc ủng hộ các nhà văn thiên tả. Năm ngoái, sau khi biết tin nữ văn sĩ Jelinek đoạt giải, tuần báo bảo thủ U.S Weekly Standard đã nặng lời nhận xét rằng "những nhân vật khác thường" ở Viện Hàn lâm Thụy Điển đã lần nữa trao giải thưởng cho "một người thuộc cánh tả hoàn toàn vô danh và không có công trạng gì". Ông Horace Engdahl phủ nhận điều này. Và khách quan nhận định thì giải Nobel văn học cũng đã nhiều lần được trao cho những nhân vật ngả hẳn sang cánh hữu, chẳng hạn như Rudyard Kipling, Winston Churchill...
Nhưng biên tập viên văn học Franck Nouchi của nhật báo Le Monde thì nhận định rằng các chọn lựa thường " nghiêm chỉnh đứng đắn về mặt chính trị". Ông viết: "Tôi sẽ rất thích được ngạc nhiên bởi một hành động can đảm. Điều này không có nghĩa là trao giải cho một thi sĩ Uzbek hay một tiểu thuyết gia mà chúng ta sẽ chỉ tìm được qua giải Nobel, mà cho một ai đó không nhất thiết được xem là có thể được tưởng thưởng cho giải Nobel". Theo nhà phê bình này thì tiểu thuyết gia Philip Roth, tác giả The Human Stain đã được chuyển thành phim (được Nicole Kidman và Anthony Hopkins thủ diễn vai chính) hoặc nhà văn người Israel Aharon Appelfield rất xứng đáng được nhận Nobel Văn học 2005.

Tưởng cũng nên biết là Nobel Văn học đã được trao cho 102 tác giả. Sau Nobel Văn học 2001 được trao cho V.S. Naipaul, Pinter là nhà văn tiếp theo của Anh nhận được giải thưởng vinh dự này.
Những tác giả đoạt giải gần đây bao gồm:
2004: Elfriede Jelinek (Áo)
2003: J.M.Coetzee (Nam Phi).
2002: Imre Kertesz (Hungary).
2001: V. S. Naipaul (Anh).
2000: Cao Hành Kiện (Trung Quốc).

Nguồn tham khảo: Yahoo, Reuters, BBC, AP.

Việt Hải