Chim Việt Cành Nam          [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]                 [ Tác giả

 
Beethoven, Người Nhạc Sĩ Lãng Mạn 
Việt Hải 

Nhạc sĩ Beethoven có tên đầy đủ là Ludwig van Beethoven, sinh ngày 16 tháng 12, năm 1770, tại Bonn, Đức quốc. Cha là Johann Beethoven và mẹ là bà Maria Magdelena van Beethoven. Johann là một ca sĩ ca giọng cao nam (tenor) trong nhà thờ. Vì hoàn cảnh nghèo của gia đình, cha của Ludwig mong sao cho con mình sẽ là cậu bé thần đồng như gương của Mozart đi lưu diễn đó đây vòng quanh Âu châu lấy tiền phụ gia đình. Nhưng Ludwig không thể hiện được ý muốn của cha, người cha đâm ra chán nản. Vã lại cha Ludwig vốn nghiện rượu say sưa làm cho cậu bé đâm ra lạc lõng, rồi cậu bé Beethoven trở nên ương ngạnh, bất hòa với cha mình. Đó là những ngày mới lớn khổ sở của Ludwig van Beethoven.

Đến năm 8 tuổi, Beethoven mới chính thức trình diễn cho công chúng xem. Sang năm 12 tuổi Beethoven bỗng trở nên là một tay chơi dương cầm xuất sắc, mang nhiều triển vọng cho tương lai và tòa Tổng giám mục tại Bonn mướn chơi đàn, mà mức lương Beethoven kiếm được cao hơn cha ông gấp bội. Tới năm 17 tuổi, Tòa Tổng giám mục thấy tiềm năng dương cầm đầy hứa hẹn của Beethoven nên bảo trợ cho ông du hành sang Áo với mục đích theo thọ giáo kỹ thuật dương cầm cao cấp của tay đàn cự phách, lẫy lừng Mozart tại Vienna, khi ấy Mozart được 30 tuổi. Mozart thấy ngay tài năng đang lên của Beethoven, nên chỉ dẫn thêm. Ông ở và học nghề với Mozart được hai tháng thì chẳng may ông nhận được tin mẹ ông qua đời. Ông vội vã quay trở lại Bonn chịu tang mẹ. Đến năm 1792, ông được 22 tuổi càng say mê đàn hơn và muốn thăng tiến thêm, ông trở lại Vienna, lần này ông theo học kỹ thuật đàn từ các tay dương cầm nổi danh của Vienna như Haydn, Schenck, Albrechtsberger và Salieri. Cùng năm đó cha ông qua đời, là người anh cả ông đem hai người em trai về nuôi bên Áo. Người em kế Kaspar Karl Beethoven sau này trở thành thầy giáo dạy âm nhạc, người em út Nikolaus Johann Beethoven trông coi một cửa tiệm bán thuốc do Ludwig giúp đỡ. Trong thời gian ở tại Vienna, giới thưởng ngoạn âm nhạc xem ông là tay dương cầm quý giá. Tài nghệ ông mỗi lúc mỗi điêu luyện, tên tuổi vang dội tại Âu châu. Có điều là ông đã va chạm nặng với Haydn, người đã từng hướng dẫn ông khi trước. Khi ông cho là ông không học được điều chi mới lạ ở Hayd. Ngược lại Haydn chứng minh là bài Đại hợp tấu số Một (the First Symphony) mà Beethoven sáng tác mang âm hưởng nhạc của Haydn và Mozart, tức Beethoven đã ảnh hưởng phong cách viết nhạc của 2 người này. Có dư luận đàm tiếu cho là Beethoven là người tự cao và khó chịu. Sự thực điều đó hầu như là đặc tính chung của nhiều ngôi sao hay các vì tinh tú trị vì trên đỉnh cao của danh vọng và vinh quang. Người ta cũng ghi nhận là Mozart cũng có tính khó chịu và tự mãn về mình. Vì mặc cảm bị cho nhạc ông mang nặng âm hưởng nhạc người khác, ông quyết định đi tìm sự mới lạ khi hướng tương lai mình vào chân trời nhạc lãng mạn. Nói tới nhạc Beethoven, ta không thể không bỏ qua hai bài độc tấu dương cầm "Sáng Trăng" (piano sonata "Moonlight") và bài độc tấu dương cầm "Waldstein" mà ông thực hiện trong khoảng 1801 và 1802.

Thuở ban đầu Beethoven yêu người con gái tên là Elisa, ông tương lòng say đắm để cho ra tác phẩm bất hủ "For Elise". Sách nói rằng ông có tướng tá nhỏ thó người, tóc thường để bù xù trông như người nghệ sĩ lãng tử, bất cần đời và thê thảm hơn nữa ông bị thẹo rỗ hoa mè trên mặt. Năm 1795 ông yêu cô ca sĩ trẻ đẹp, duyên dáng chuyên hát nhạc opera là Magdalene Willmann tại Vienna, ông ngỏ lời xin cầu hôn, nhưng nàng thẳng thừng từ chối, vì cho rằng ông là người xấu trai và tính tình lại lập di. Từ đó Beethoven hầu như là người thất bại và cô đơn trên tình trường. Và chính vì không có vợ con ông dành toàn thời gian cho việc phát triển tài nghệ âm nhạc.

Ở đây người viết xin mở ngoặc bàn sơ về 3 giai đoạn chính của âm nhạc cổ điển Tây phương khởi sự từ 1600 dến 1910 là:

* Giai đoạn Baroque - ảnh hưởng bởi nền văn minh kiến trúc và nghệ thuật: 1600 đến 1750, điển hình trong số 38 nhạc sĩ tiêu biểu trong nhóm này có nhạc sĩ Johann Sebastian Bach, người Đức, 1685 - 1750.

* Giai đoạn nhạc cổ điển (1750- 1820), giai đoạn nhạc chú trọng về nhạc cụ, tức nghe tiếng đàn thánh thót âm nhĩ, hơn là chú trọng tình cảm nội tâm. Những nhạc sĩ tiêu biểu trong giai đoạn này như: Franz Joseph Haydn, 1732 - 1809, người Áo, Wolfgang Amadeus Mozart, 1756 - 1791, người Áo, Ludwig Van Beethoven, 1770 - 1827, người Đức.

* Giai đoạn lãng mạn: (1820- 1910), giai đoạn nhạc được viết chú trọng về tình cảm cá nhân, diễn tả ước muốn của lòng mình hay diễn tả tâm tư yêu nước, lòng ái quốc hay lòng yêu quê hương. Đại diện cho nhóm này gồm các nhạc sĩ: Frédéric Chopin, 1810 - 1849, người Ba Lan, Felix Mendelssohn, 1809 - 1847, người Đức, Franz Schubert, 1797 - 1828, người Áo, Johannes Brahms, 1833 - 1897, người Đức, và Piotz Ilyitch Tchaikovsky, 1840 - 1893, người Nga. Nhiều sử gia âm nhạc cho tên Beethoven là người đứng đầu nhóm lãng mạn này.

Người ta nói rằng Beethoven ở ngay giai đoạn chuyển tiếp từ âm nhạc cổ điển sang khai phá để phát sinh ra trường phái âm nhạc lãng mạn. Ngược dòng thời gian của thế kỷ 18 trường phái lãng mạn là những hấp lực muốn phá bỏ những luật lệ cứng rắn của chính quyền hay những điều lệ chuyên chính của các vua chúa áp đặt lên người dân. Hai lãnh vực văn chương và hội họa đi tiên phong bức bỏ gông cùm hướng về một chân trời mới, mở rộng cánh cửa lãng mạn để thõa mãn những nhu cầu của tâm tư, những ước mơ vượt thoát vòng kiềm tõa của xã hội khắt khe đương thời.
Từ đó các nhạc sĩ bên lãnh vực âm nhạc không bỏ lỡ cơ hội, họ chạy theo những tư duy mới, cái âm hưởng mang một làn gió mới vào trong âm nhạc. Với Beethoven, ông nghe cuộc cách mạng Pháp khi người dân đứng lên đòi dân chủ, người dân phải được làm chủ lấy quê hương của mình, Beethoven bị mê hoặc theo cao trào của Âu châu vươn lên thời bấy giờ. Nếu Shakespeare tài ba bên văn chương khi đặt bút sáng tác những tác phẩm tiêu biểu lãng mạn thì Beethoven chẳng kém chi khi cho ra những nhạc phẩm đại hòa tấu thật xuất sắc, ví dụ như the Fifth Symphony được xem như tương đương với tác phẩm Hamlet của văn hào Shakespeare, cũng là đồng tác giả của các tuyệt tác phẩm "A Mid-Summer Night's Dream" và "Romeo and Juliette". Beethoven sáng tác những bài đại hợp tấu cho bi kịch và hài kịch. Ông hoàn tất bài the Fifth Symphony từ 1803-1809 và the Sixth Symphony trong khoảng một năm tròn (1807-1808). Những tác phẩm này tạo cho danh tiếng và tài nghệ ông lên cao thêm.

* Khúc quanh quan trọng của đời Beethoven:

Kể từ năm 1798 đến 1801 ông nhận thấy tai mình không nghe rỏ nữa, ông được bác sĩ chẩn bệnh là cho biết là ông bị điếc tai. Còn gì đau khổ hơn khi một người nhạc sĩ không còn sử dụng được đôi tai mình như thính âm nhĩ để nghe và sáng tác nhạc? Ông đâm ra khổ sở, tuyệt vọng có ý định tự vẫn và rồi ông quyết định sống ẩn dật, tránh né đám dông, quần chúng. Trong di chúc tuyệt mạng thương tâm khi gửi cho các em ông, mang tên "Chúc thư Heiligenstadt" (Heiligenstadt Testament). Ông thố lộ sự tuyệt vọng và không thiết tha với cuộc sống nữa. Chính chúc thư này là sự giải tỏa nỗi muộn phiền nội tâm để ông chuyển hướng trong âm nhạc, để từ đó ông tự tìm phương hướng đi khác cho đời mình. Trong giai đoạn giao thời này khi âm nhạc thoát thai từ cổ điển biến dạng sang khuynh hướng lãng mạn, Beethoven đã đóng góp tích cực cho trào lưu mới, ông dồn khả năng cảm nhận ông viết lên những tác phẫm mới thật tuyệt vời như "Moonlight" hay "Waldstein". Giai đoạn mà ông rung cảm con tim, tuy không nghe được, nhưng tưởng tượng ra và ghi lại nốt nhạc. Trong 3 năm từ 1801 đến 1803 ông cho ra 3 symphonies đầu tiên. Với sự chào đời của the Fifth Symphony, năm 1910 nhạc sĩ Ernst Hoffmann đem ra trình diễn ở Berlin, gây sự thành công rực rỡ cho ông cũng như gia tăng danh tiếng thêm cho Beethoven. Đến năm 1914 hầu như khắp Âu châu các chính khách đầy quyền lực và các khách thưởng ngoạn âm nhạc đều biết tên tuổi của ông, và họ càng thích nhạc của ông hơn. Năm 1812 ông cho ra bài đại hợp tấu số 7 (the Seventh Symphony) và bài số 8 ra đời sau đó không lâu. Trong giai đoạn mà Beethoven có những sáng tác sung mãn này, ba tác phẩm khác là Egmont (1810), Die Ruinen von Athen (1811) và Konig Stephan (1811) được chào đời. Các sân khấu âm nhạc Đức, Áo và các xứ khác tại Âu châu đón nhận những tác phẩm của ông một cách thật nồng nhiệt.

Hai bản đại hợp tấu nổi danh sau cùng của ông là Missa Solemnis, được làm để đón chào sự nhậm chức Tổng giám mục của cha Archduke Rudolf tại địa phận Olmutz, và bài đại hợp xướng số 9 (the Ninth Symphony known as the Choral Symphony). Thành công rồi lại thành công nối tiếp theo nhau. Khi đường danh vọng của ông càng lên cao thì ngược lại sức khỏe của ông lại càng sa sút, yếu kém. Ngoài chứng điếc tai, ông còn bị chứng viêm phổi và sưng gan hành hạ. Ông giã từ cõi đời ngày 26 tháng 3, năm 1827, hưởng dương 57 tuổi.

Nếu nhạc sĩ Mozart đã nghiễm nhiên trở thành một thần đồng lỗi lạc khi ông 5 tuổi rưởi. Mozart đã thành công hái ra tiền phụ giúp cha mẹ khi còn rất bé. Nhưng khi ông mất đi, Mozart lại là người nghệ sĩ rất nghèo. Đám tang ông rất khiêm nhường, ông được chôn cất trong khu nghiã trang của người dân nghèo. Tương phản, Beethoven khi nhỏ tài nghệ phát triển chậm hơn, điều này khiến cho cha ông thất vọng. Cuộc đời ông chịu nhiều khổ sở về gia đình, về tình ái, và bệnh tật lại theo đuổi ông. Nhưng ở cuối đời, ngày đám tang của ông được tổ chức thật linh đình, trọng thể. Đã có gần 20,000 quan khách tiễn đưa và bạn đồng nghiệp là nhạc sĩ Franz Schubert đứng ra đọc điếu văn từ giã một thiên tài trong âm nhạc.

Điều mà nhiều nhà xã hội học nhận xét về Beethoven là ông thương mẹ cha và hai em, dù là lúc nhỏ ông có bất đồng với cha khi người cha đòi hỏi ở ông một khả năng siêu việt, phi thường mà ông chưa có sẵn. Giới viết sử âm nhạc cho ông là người học nhạc và phát triển tài năng lẹ làng, vì từ 12 đến 17 tuổi ông đã đi đôi hia trong bước tiến nhảy vọt của mình. Điều đặc biệt đáng ghi nhận, Beethoven là người nhạc sĩ được liệt kê vào cả hai nhóm gồm nhóm nhạc cổ điển và nhóm nhạc lãng man. Tên tuổi ông lên ngay ở giai đoạn cuối của thời đại nhạc cổ điển và thực vậy ông cũng là người tiên phong đóng góp cho sự phôi thai của thời đại nhạc lãng mạn phát triển về sau.

Việt Hải
Tham Khảo:
1) Sách "The Great Composers", a collection of articles.
2) VRMA History of Music Materials, Dr. Hgrant Aghajanyan, Ashot Hayrapetyan, and Nguyen Tuong Van.