Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
|
|
Việt
Nam có một bờ biển dài hơn hai ngàn cây số. Một nửa dân
Việt sống gần biển, cứ như huyền sử kể lại chuyện
chia tay của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Và tôi là hậu duệ mấy
chục ngàn đời của tổ Lạc Long Quân, nên tôi cũng đã từng
lang thang trên nhiều bãi biển của đất Việt và rất yêu
biển.
Biển của tôi là một biển thơ xanh biêng biếc vẫn còn đẹp mãi trong tâm thức. Những kỷ niệm đầu đời mông lung với biển là từ Nha Trang ở tuổi lên 5 lên 6. Thời ấy dù vua Bảo Đại đã lập ra Quốc Gia Việt Nam nhưng xem ra người Pháp trên thực tế vẫn còn là chủ nhân ông; và dù chiến tranh Việt Pháp đã bùng nổ ở ngoài Bắc trong Nam nhưng miền Trung thì vẫn còn yên ổn. Riêng Nha Trang thì khỏi phải nói, miền thùy dương cát trắng hiền hòa của muôn đời. Tên Nha Trang là lối dân ta phát âm của tên gốc Chăm là Ya-tran, có nghĩa là "xóm trên con sông sậy". Vào giai đọan cuối của thực dân Pháp, Nha Trang chỉ là một thành phố biển nhỏ bé, thưa thớt dân cư mà đa số là thợ thuyền lao động, buôn bán nhỏ thủ công nghệ và chài lưới. Thành phần còn lại là công chức các công sở và lính tráng từ phương xa đến, nhiều nhất là từ Huế, và dĩ nhiên các giám đốc chủ sự hoặc sĩ quan chỉ huy đều là tây mũi lõ. Vì chiến cuộc lan tràn ở liên khu 5 nên bố tôi từ Huế đem gia đình với hai con nhỏ vào Nha Trang lập nghiệp khoảng năm 1947 và xin được một chân thư ký ở sở Đoan (Douane & Régie). Cái sở ấy tôi vẫn còn nhớ là nằm trong một ngôi villa cũ kỷ ở ngã sáu ngay đầu đường dẫn vào trường Nam tiểu học Nha Trang và sân quần vợt mà nay đã được phá bỏ và thay thế bằng Khách sạn Thế Giới. Nha Trang bấy giờ chỉ có dăm ba đường được xem là phố sá nhộn nhịp như Độc Lập, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vv... mà thôi (đó là tên gọi sau khi đất nước bị chia đôi, chứ tên tây thì tôi chẳng nhớ). Thành phố nhỏ đến độ có thể nhại theo một câu trong bài thơ "Còn Chút Gì Để Nhớ" của Vũ Hữu Định mà Phạm Duy phổ nhạc "Đi dăm phút đã về chốn cũ". Ban đầu gia đình chúng tôi cư ngụ trong một gian phòng nhỏ thuộc khu nhà cho thuê gần chợ Phường Củi và Mã Vòng. Lúc ấy thì tôi còn bé quá, khoảng 3 tuổi nên chẳng có nhớ được gì nhiều chỉ trừ vài kỷ niệm nho nhỏ như hình ảnh lính hỗn hợp tây đen, tây trắng và Việt đi bố ráp, chận đầu đường Phường Củi xét giấy để bắt lính, và những nét mặt thiểu não, kinh hoàng của thanh niên, đàn ông khi bị lùa lên các xe GMCs. Nơi căn nhà trọ một gian, được che ở giữa bằng một tấm vải để phân chia phần trước là phòng khách, phần sau là phòng ngủ đủ cho một chiếc giường gỗ. Cũng tại căn nhà này tôi được bố tôi dạy cho những chữ a b c vỡ lòng đầu tiên đã được ông viết lên trên một tấm bìa giấy cứng, hình như là cuốn lịch treo tường cũ, vừa làm cái quạt cho ông phe phẩy khi gió nồm nóng bức mùa hè. Hơn một năm sau thì gia đình tôi dọn về căn nhà thuê khác ở đường Lăng Ông (có người bảo là Lãn Ông), nhưng người dân quen gọi là Lăng Ông có thể vì phía sau có ngôi đình mà bọn nhỏ chúng tôi nghe người lớn gọi là Lăng Ông, do ngư dân địa phương xây dựng từ lâu đời để thờ Cá Ông lị, tức là cá voi chết ngoài khơi trôi giạt vào bãi biển; để bố tôi tiện việc đi làm. Con đường này vừa nhỏ vừa ngắn vừa yên tĩnh nên ít dân Nha-trang biết đến. Mỗi bên đường có khỏang bốn hay năm gia đình nên hàng xóm biết nhau rất thân tình. Một đầu mở ra đường Phan Bội Châu cạnh chợ Đầm, một bên có tiệm thuốc bắc và bên kia có tiệm chụp hình Photo Sanh. Phía sau tiệm ảnh là một tiệm hút á phiện do người Hoa làm chủ rất đông khách. Cũng vì tôi thường hay vào tiệm hút này để tìm rủ con A-Kin, con của chủ tiệm, ra chơi đánh lò cò mà đến nay dù đã già vẫn còn nhớ mùi khói thuốc phiện như thế nào, chỉ cần thoáng qua mũi là biết ngay. Tiệm may Như Ý và hiệu buôn Lý Hằng nổi tiếng cũng khởi phát từ con đường nhỏ này. Còn đầu kia con đường thì mở ngay trước mặt Ty An ninh Mật thám của tây, và cũng vì người lớn kể lại nhiều chuyện kinh dị rợn người trong tòa nhà này làm tụi nhỏ chúng tôi chẳng dám đến gần. Cũng ở đoạn đường này tôi có khá nhiều bạn mà đến mấy chục năm về sau vẫn còn nhớ và nhận ra nhau. Nay thì đã tứ tán bốn phương, kẻ còn chẳng hề liên lạc mà người mất thì hơn quá nửa. Nói đến chuyện bố tôi tiện việc đi làm thì quả là về sau tôi chẳng thấy có loại công chức nào nhàn nhã hơn thời ấy. Sáng 7 giờ, ông tà tà đạp xe, thời mà đa số dân chỉ đi bộ, sang lắm mới được đi xe kéo, xe cyclo, đến sở chỉ cách khỏang hai trăm thước sau khi điểm tâm, cà-phê đầy đủ; đến 11 giờ lại lò dò về nhà thay áo quần, cơm nước phủ phê rồi đánh một giấc trưa đến 2 giờ chiều, xong lại lọc cọc đến sở cho tới khoảng 5 giờ là xong. Ngày nào cũng như ngày nấy đúng boong theo kim đồng hồ 5 ngày một tuần, cho đến ngày... tây về nước. Sau này nhìn lại mấy tấm ảnh ông chụp vào thời ấy sao mà trẻ trung thời thượng ra phết. Trở lại chuyện biển. Vì thế mỗi khi được bố tôi hô lên "Đi tắm biển!" vào mỗi sáng thứ bảy hay chúa nhật của mùa hè lúc trời yên bể lặng là mấy anh em tôi lao nhao vui mừng như mở cờ trong bụng. Thế là ba cha con ở trần, mặc độc có xà-lỏn, vai vác tấm khăn lông đi bộ từ nhà xuống bãi biển gần ty Bưu Điện để tha hồ vãy vùng tung tăng ngụp lặn trong sóng nước. Con đường dọc theo Khu Lục Lộ êm mát được phủ kín bởi hai hàng cây bàng cổ thụ rộng tàng. Đường đã vắng mà bãi biển lại còn vắng hơn, cứ như cả bãi biển từ tòa tỉnh cho đến hết viện Pasteur là dành riêng cho cha con chúng tôi. Hết đùa giỡn với những làn sóng lăn tăn liếm bải, đến lăng xăng bắt còng (dã tràng) hoặc lựơm vỏ ốc; hết bị bố tôi thỉnh thoảng đem ra chỗ sâu để nhúng nhanh toàn thân nhỏ bé của chúng tôi xuống nước, gọi là để cho ướt tóc, cái mà tôi sợ nhất trong các cuộc đi tắm biển với bố, rồi tha hồ đắp cát làm lâu đài, để bất chợt một làn sóng lớn chụp vào xóa nhòa tất cả. Biển buổi sáng thực êm ả, nước gần bờ trong suốt đến đáy, bải cát trắng ngà mịn màn điểm rãi rác những cành rong biển hay gỗ mục trôi giạt vào bờ. Ánh mặt trời chiếu nghiêng trên mặt biển xanh biếc, phản chiếu những con sóng lăn tăn trở nên lung linh như gấm dệt làm nổi bật những hòn núi lớn nhỏ ngoài khơi in hình trên nền trời không gợn áng mây. Nào đã hết niềm vui, khi ra về thế nào bố tôi cũng dừng lại ở hàng bàng sai trái vàng ửng trong công viên đối diện cổng tòa hành chánh tỉnh làm một màn tarzan leo cây rung quả cho anh em chúng tôi reo vui tha hồ nhặt và ngồm ngoàm ăn vỏ những trái bàng ngọt lịm. Gần đấy lại thêm bóng mát của những cây cốc xum xuê mà hoa thì thối không ngửi được, mà chúng tôi hay gọi là "hoa thúi ... địt". Nhân thể bố tôi còn cho chúng tôi đủ thì giờ chạy hái trong các bụi hoa gần đấy những quả nức-nẻ hình dáng như những quả đậu đũa nhưng bé hơn nhiều và vỏ khi già thì hóa đen và cứng ngắt. Muốn làm cho vỏ của nó nứt ra thì cho một đầu vào miệng đến khi nước bọt thấm lâu thì nghe một tiếng bung vỡ nhỏ kêu tách rất vui tai. Chúng tôi hay lấy những hạt bên trong của quả nức-nẻ ngậm với nước bọt sẽ thành một thứ cao dán để đắp vào vết trầy sướt làm cho chúng chóng lành. Bố tôi xưa là thế mà bây giờ đã khuất bóng ở tuổi ngoại cửu tuần. Mỗi lần nghĩ đến quê nhà là lòng nặng trĩu một nỗi ngậm ngùi của cuộc bể dâu vô thường. Cứ thế và cứ thế tôi lớn dần lên theo lời ru của biển, thân thể đượm hơi mặn của biển và phổi thì lúc nào cũng căng với gió lộng của biển. Chợt một hôm bỗng thấy mình lớn, hình như khi đã biết cắp vở đến trường sơ yếu và không còn thích đi theo bố tắm biển nữa mà chỉ thích đi theo với chúng bạn cùng lứa trong xóm. Có nhiều lúc chúng tôi bạo dạn rủ nhau ra những bờ đá lởm chởm bên hông tòa tỉnh khá gần nhà, xem như đã là phiêu lưu ghê gớm lắm, để bắt chước người lớn cạy những con hào bám vào đá mà ăn tươi, rồi ngồi kề nhau kể những chuyện hoang đường trong tiếng gió vi vu hoặc ném những viên đá cuội ra biển. Có những ngày mưa bão âm u, biển động; chúng tôi cũng tìm đến nơi ấy để ngắm những con hải âu tan tác và nghe những đứa bạn sành sõi kể lại chuyện li kỳ về "ông quan năm" thường được dân chài ở xóm Cồn truyền lại. Khi lớn hơn về sau mới biết tiếng dân địa phương dùng để gọi ông Yersin vốn mang hàm trung tá trong quân đội Pháp và ngụ trong tư dinh to lớn ở đầu xóm Cồn. Chuyện kể có lần ông ta đem súng trường ra bắn vào một ngọn sóng thần rất lớn đang sầm xập cuộn vào bờ, ngọn sóng bị trúng đạn rút lui để lại trên bờ đá ngay chỗ chúng tôi đang ngồi một hòn máu lớn. Eo ôi, đứa nào cũng lè lưỡi xanh mặt. Nghĩ mà thương cho dân tình thuở ấy sao chất phát ngây ngô nông cạn đến vậy. Họ có thể tin và truyền tụng kỳ tài của ông Yersin một cách dễ dàng, không phải là những đóng góp y khoa của ông về việc tìm ra vi trùng của bệnh dịch hạch ở Tàu nay được mang tên ông, yersinia pestis, mà lại từ ba cái chuyện lăng nhăng như vừa kể. Trình độ dân trí của cha ông vào thời ấy mộc mạc đơn giản như vậy làm sao mà nước không rơi vào tay thực dân sớm cho được. Cũng có những lần chúng tôi rủ nhau đi xa hơn dọc theo bờ biển đến mãi những bãi ma-dương gần phi trường độc nhất của thành phố để tìm hái và ăn trái ma-dương trong những bụi đầy gai nhọn, hoặc làm bẫy thòng lọng đặt ở những lỗ hang trên bải cát để bắt những con kỳ nhông mang về chơi, hoặc đào hang bắt dế nếu nghe được tiếng gáy của chúng. Bây giờ xem lại thì chỉ là một đoạn đường ngắn nhưng sao lúc bấy giờ đối với tuổi thơ thì cứ như là con đường dài hun hút và đìu hiu vào một vùng hoang dã. Không đìu hiu sao được khi chung quanh nào thấy bóng người, chỉ là một bãi cát mênh mông hoang sơ phủ đầy bụi dại và đủ loại cây dây bò hoang trên cát chẳng thấy nhà cửa cư dân nào cả. Một bên là biền cả xanh lơ ngút mắt với bãi cát vàng chói chang dưới nắng và một bên là cái phi đạo nhỏ bé nằm xa xa chìm vào trong cái toàn thể của cảnh sắc mông lung quạnh quẽ. Thỉnh thoảng vào buổi trưa dân chúng trong thành phố nghe những tiếng động cơ rù rù buồn buồn của những chiếc máy bay bà già lòng vòng trên trời xanh tít không một gợn mây. Tiếng động cơ này không hiểu có rơi đúng vào mức thẩm âm "trầm cảm" của con người hay không sao mà ấn tượng của "sầu khúc" này cứ kéo dài mãi suốt đời. Vế sau lớn lên, có những buổi trưa ở những làng quê êm ả lúc nằm dưới bóng những rặng tre già trong căn vườn quạnh quẻ mà chợt nghe nó vọng lại từ trời cao thực buồn muốn chết. Thành phố biển nhỏ xíu này bấy giờ yên ắng lắm; chẳng xe hơi nhà, chẳng xe gắn máy và con đường dọc bờ biển từ phi trường đến Chụtt (xin nhớ thời tây viết với hai chữ t) vẫn chưa được trải nhựa nữa; Từ Chụtt đến Cầu Đá là một vùng đầy phi lao hoang dã rãi rác có vài xóm chài. Tiếng gió mãi vi vu trong những hàng thùy dương, và tiếng sóng biển rì rào từng đợt xa xa; thảng hoặc mới có tiếng vang vọng cuả những con chim hải âu tranh dành mồi cá. Bây giờ nhớ lại mới thấy đó có phải là một cảnh thiên đường đã mất? Với đất đai thừa thãi và dân cư thưa thớt như vậy không lạ gì những cái biệt thự của tây dọc theo đường Duy Tân, mà nay đã cải thành Trần Phú, cái nào hay cái nấy rộng thênh thang gió lộng. Lại nữa, cái lối kiến trúc thuộc địa kín cổng cao tường làm cho mỗi cơ ngơi là một thế giới riêng tầy với sân trước sân sau thừa mứa, che phủ bởi những dãy hoa sứ còn gọi là hoa champa thơm ngào ngạt, rồi lại thêm những giàn bông giấy rực rỡ, những hàng cây tra, cây bàng, cây me chạy vòng tường che mát một vùng. Trước cổng thế nào cũng có tấm bảng con đề mấy câu đe dọa bằng tiếng Pháp "Attention, Chien méchant" (Coi chừng chó dữ). Lạng quạng đến gần thì thế nào cũng khiếp vía bởi tiếng sủa vang trời của những con chó Berger to tổ bố. Vô phúc cho anh dân ngu khu đen thuộc địa nào mà bị chó ta dựa chủ tây này ngoạm cho một cái thì chỉ có khổ đến thân và cho gia đình mà thôi; đó là chưa kể đến chuyện bị ông tây thực dân ra đá cho một cái vào mông và hét tướng "fout le camps" đã là mừng. Khoảng năm 1953, khi tôi đang học lớp nhì ở trường Nam tiểu học Nha Trang thì sở Đoan được dời xuống một công thự lớn ở đường Duy Tân sát biển, cạnh Viện Pasteur và cách Bưu điện một con đường. Khuôn viên rất rộng, sân trước là một bãi cỏ rộng nhìn ra biển, sân sau có khá nhiều cây bàng, cây trứng cá, hoa sứ champa và mãng cầu phủ kín cứ như một công viên nhỏ. Cả quần thể được bao quanh bởi một vòng tường cao bằng gạch. Dãy cơ ngơi chính có tầng hầm nhìn ra biển là công sở và nơi cư trú của gia đình ty trưởng người Pháp; hai bên là hai dãy nhà thấp dọc tường và thẳng góc với tòa nhà chính dành cho một số nhân viên gồm cả lái xe và nhà chứa xe hơi của ty trưởng. Gia đình tôi cũng được cấp cho một căn ở phía sau, có cổng mở ra sân quần vợt và cạnh cổng sau của Viện Pasteur, vì thế việc đi học của tôi cũng tiện lợi vì chỉ là một đoạn ngắn. Cũng ở nơi đây, tầm mắt của tôi mở rộng hơn theo tuổi lớn. Có lần cùng tụi bạn ở tuổi lên mười, con của các công chức khác sống trong cư xá, leo lên mấy cây hoa sứ để xem buổi tiếp tân đám cưới của cô con gái cưng của ông tây chủ sự ngay trong đại sảnh của sở Đoan. Hình ảnh cô dâu đầm xinh đẹp mảnh mai trong chiếc váy trắng đang cùng chú rể đi đáp lễ tân khách đêm hôm đó sao cứ lảng vảng theo ký ức tôi mãi. Nó thật đẹp, lãng mạnvà mơ màng cứ như trong mộng hoặc trên màn ảnh ciné, nhưng nó thật gần ngay trước mắt mà có lẽ không thể nào tôi với tới được trong tầm tay của trẻ đang lớn với. Hoặc có những buổi hoàng hôn dừng chân ở tam cấp cạnh sàn nhảy lộ thiên của nhà hàng Frégate đễ nhìn tây với đầm ăn vận lịch sự trang nhã thoải mái nói cười quanh những chiếc bàn nhỏ phủ vải trắng tinh cạnh chiếc đèn con ấm cúng dưới những dàn hoa kèn vàng chạy quanh sân, rồi những bồi bàn trong đồng phục trắng lăng xăng lui tới với những chai rượu vang, sâm banh, rồi ban nhạc sống với những điệu nhạc êm ái để cho thực khách thỉnh thoảng dìu nhau ra sân khiêu vũ. Chao ôi sao nó thơ mộng và an nhàn đến thế! Làm tây thực dân cũng sướng thật. Nha Trang đấy, Nha Trang trong tuổi ấu thơ của tôi đấy. Nhưng cuộc đời đâu có dừng lại để êm ả mãi như thế! Rồi thời gian dần trôi với chiến sự Việt Pháp dồn dập đến hồi kết thúc với trận Điện Biên Phủ, và tôi đã kinh hoàng chứng kiến cảnh kho xăng Nha Trang bị đánh phá cháy bùng trong đêm khuya ở một nơi thật xa, nhưng ánh lửa bập bùng soi sáng một vùng trong đêm khuya thực là hãi hùng. Cục diện chính trị xoay chiều nhanh chóng. Ngay sau hiệp định Geneva chia cắt đất nước thì tôi vừa xong tiểu học, bố tôi lại được lệnh đổi ra Đông Hà. Chúng tôi di chuyển bằng đường biển, vì đường quốc lộ đã bị hư hại khá nặng bởi chiến tranh; cầu kỳ bị hủy họai, và mìn bẫy còn sót lại quá nhiều. Tôi vẫn còn nhớ một buổi sáng được chở xuống Cầu Đá để được chiếc ca-nô đưa ra chiếc tàu Ville de Haiphong, tàu hàng hải dân sự của Pháp, to lớn như một ốc đảo. Mỗi lần được bế từ bực đá sang ca-nô hay leo cầu thang lên tàu mắt tôi cứ dán chặt vào lòng biển xanh biếc thăm thẳm đến rợn người, những nô nức hứng thú biến đâu mất. Khi tàu di chuyển ngoài khơi ven duyên, qua cửa sổ tròn ở cabin tôi chỉ thấy đại dương xanh biếc và bọt nước xủi trắng xóa cạnh tàu, còn cảnh vật ở đất liền thì xa xăm mù mịt chân mây. Chúng tôi chỉ ngủ một đêm đến sáng hôm sau là tàu đã vào cảng Đà Nẳng. Không có giấc ngủ nào êm đềm cho bằng ở trên chiếc tàu to lớn ây với giường êm nệm ấm và được ru bởi tiếng động cơ ì ầm đồng điệu và tiếng sóng lướt rù rì bên ngoài. Khoảng hơn một năm sau thì bố tôi lại được đổi về Ba Ngòi, một phố biển nhỏ bé hiền hòa nằm bên vịnh Cam Ranh, cách Nha Trang khoảng 60 cây số về hướng nam; và đây cũng là nơi đã ghi lại khá nhiều kỷ niệm mộng mơ của thời trai mới lớn của tôi dù gia đình tôi chỉ trú ngụ có ba năm trước khi về lại Nha trang. Tên Ba Ngòi được dùng từ lâu đời để chỉ vùng đất nằm cạnh quốc lộ 1 và gần "ba cái ngòi, hay rạch nước" trước khi đổ ra biển của vịnh Cam Ranh. Ở vùng này các cụ già còn chỉ cho thấy thế núi thế đất tạo ra hình dáng của các linh vật "long, ly, qui, phượng chầu về; và dãy núi dài cận kề là Núi Rồng hay Long Sơn vì có hình dáng của con rồng nằm nghỉ. Lúc bấy giờ Ba Ngòi chưa có trung học nên chúng tôi lại phải ra Nha Trang trọ học và vì thế tôi có nhiều bạn. Những đứa bạn nhỏ thường rủ nhau nhảy tàu hỏa lậu vé về thăm nhà những dịp cuối tuần hay nghỉ lễ dài ngày, chỉ vì chẳng còn tiền trong túi, nên đã trở thành những chuyên viên trốn tránh tài tình các bác soát vé. Thường thì tàu hỏa Nha Trang-Sài Gòn ngừng ở Ga Ngã Ba để khách Ba Ngòi xuống chuyển sang xe lửa nhỏ hơn để về. Có một lần chúng tôi bị xếp ga Ngã Ba phát hiện không có vé đã phạt không cho lên tàu con làm chúng tôi, ba bốn đứa phải kéo nhau lội bộ dọc theo con đường sắt để về nhà cách đấy khỏang hơn 15 hay 20 cây số. Đêm đã khuya, đi trong vùng núi hoang vu lại nghe một đứa kể chuyện cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận làm cho lạnh cả gáy, thỉnh thoảng phải quay đầu nhìn lại phía sau. Đúng ra nơi gia đình chúng tôi cư ngụ là Đá Bạc trong một cái villa của tây để lại, vừa là gia cư của trưởng ty và là văn phòng ở gian giữa. Đá Bạc mới chính là đơn vị hành chánh của quận Cam Lâm cách Ba Ngòi khoảng 5 cây số, vốn là một xóm chài nhỏ êm đềm và bình lặng. Có lẽ nó có tầm quan trọng vì ba việc: thứ nhất là nó nằm bên vịnh Cam Ranh là một vịnh nước sâu nổi tiếng đã đi vào lịch sử hải chiến thế giới, nơi vào năm 1905 hạm đội của Hòang gia Nga bị thảm bại bởi hạm đội Nhật. Thứ hai, nơi đây được đặt trụ sở của Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến theo Hiệp định Geneva gồm các nhân viên thuộc phái đòan Ba Lan, Ấn Độ và Tiệp Khắc đóng trong một dinh thự phía sau nơi chúng tôi cư ngụ. Chẳng biết các ông ấy kiểm soát cái gì và ở đâu chứ suốt ngày chỉ thấy bọn họ ăn nhậu rồi tắm biển trong một cái hồ nhân tạo được bọc quanh bằng ba bức thành đá xếp, hoặc nằm phơi nắng để lộ những thân hình đầy lông lá như dã nhân, làm cho đám bồi bếp Việt phục vụ mệt nghỉ. Thứ ba là chiếc cầu đá dài khoảng một cây số đâm ra vịnh Cam Ranh, có cả đường rail xe lửa và hai ba cái cần cẩu bốc hàng ở đầu cầu nơi vùng nước sâu. Chắc là trước kia cầu tàu nhộn nhịp lắm, nhưng suốt thời gian chúng tôi cư trú ở đấy thì chẳng thấy có chiếc tàu lớn nào cặp vào, nếu có chăng là thỉnh thoảng vài chiếc tàu biển của Nhật ghé vào mua cát trắng tinh ở bên thị trấn Cam Ranh nhưng lại thả neo ở giữa vịnh. Cầu tàu vì thế bị... "xuống cấp" biến thành nơi cho các ghe máy đưa khách đi ra xóm chài ở các đảo trong vịnh như Bình Ba vv... hay kẻ nhàn hạ ra ngắm cảnh trời nước mênh mông vào mỗi buổi chiều. Thời ấy an ninh ở vùng này thực là tuyệt vời, đúng là "thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ". Tâm hồn tôi biết rung động với cảnh sắc thiên nhiên cũng từ nơi chốn thần tiên này, và biết ghi niềm xúc cảm của mình xuống giấy là nhờ được học Việt văn với thầy Võ Hồng vào năm đệ Ngũ, bởi lúc bấy giờ thầy đã khuyến khích mấy đứa nhóc chúng tôi là "muốn viết văn hay thì ngay từ bây giờ các em phải bắt đầu tập ghi nhật ký. Cứ viết xuống bất cứ thứ gì xảy ra trong ngày." Kể từ đó, thực khổ cho thằng bé là sau khi sắm một cuốn tập bìa dày không ngày nào là không "ráng" ghi vào dăm ba giòng "tào lao dịch bộp, hôm nay trời mưa ngày mai trời nắng" trong suốt mấy năm; nên khi lớn lên không thể thành "nhà văn nhớn" như thầy được, mà cuốn nhật ký ấy sau này lại giúp cho mấy đứa em tôi có dịp cười đến 'lăn chiêng đổ đèn' khi đọc được khi nó bị bỏ quên lẫn lộn trong đống sách báo cũ. Vùng Ba Ngòi Đá Bạc thời bấy giờ vẫn còn hoang sơ lắm, rừng và rẫy vẫn còn chạy dọc quốc lộ 1. Phía tây lại là một dãy núi lớn xanh rì. Ngay cả con đường đất từ Ba Ngòi xuống Đá Bạc hai bên vẫn còn đầm lầy và đầy bụi cây ô đước. Đá Bạc có được một nhà máy điện nhỏ chạy bằng xăng dầu, cách nhà tôi khoảng một cái sân quần vợt, nhưng chỉ chạy từ 7 giờ đến 10 giờ tối mà thôi. Khi nhà đèn mở máy là ai cũng nghe được tiếng động ì ầm và trước khi tắt điện thì nhà đèn nhấp nháy ba lần để báo hiệu và sau đó là cả xóm chìm trong bóng tối như thời man dã, đường sá vắng tanh và toàn vùng chợt yên lặng như trong tranh. Vì vậy mà người dân tập quen thói đi ngủ sớm. Ấy, cũng nhờ thế mà những đêm trăng sáng trên vịnh Cam Ranh thật là tuyệt vời. Chẳng biết ngày xưa Lý Bạch mê trăng đến độ nào mà đã nhào xuống sông Thái Thạch ôm lấy hằng nga và chết chìm. Hay cha nội này đã nhậu quắc cần câu sơ ý rơi tõm xuống sông chết lảng nhách, rồi mấy anh hủ nho đời sau thi vị hóa... "sự cố" cho đẹp luôn thì chẳng biết. Thực ra thì Lý Bạch mắc bệnh nặng rồi chết ở huyện Đang Đồ ở tuổi 62. Riêng tôi thì không có cảnh sáng trăng nào lại huyền hoặc diễm ảo như đêm trăng rằm ở Đá Bạc thuở ấy. Hồn tôi như tan nhập vào cảnh sắc lung linh diệu vợi của những đêm trăng tròn như thế ở Đá Bạc đã nhiều lần. Hóa ra cảnh thần tiên nào có phải lao khổ lên tận non cao mới thấy; nó ở đây trong cuộc sống thường nhật và tùy theo mức độ rung động của từng tâm hồn mà cảm nhận. Những đêm như vậy tôi đã từng lững thững thả bộ ra ngồi trên những tảng đá của cầu tàu để chết trân với trời với đất. Đêm càng về khuya thì ánh trăng càng vằng vặt trên không tỏa ánh sáng trắng sữa diễm tuyệt xuống trần gian ngây ngất. Nhìn về hướng tây thì dãy núi Rồng thâm u uốn lượn, và thôn xóm như đã chìm sâu vào giấc ngủ. Trời cao thăm thẳm, biển cả mênh mông, chỉ có một mình tôi đơn côi trên bờ đá với gió gây gây lạnh thì thào, với sóng nước vỗ nhẹ lao xao, với tiếng rù rì của muôn sinh vật sống trong hốc đá cạnh mặt nước đang kiếm ăn tạo nên một điệu nhạc thần tiên cực kỳ quyến rũ sinh động. Cả mặt biển sáng lóng lánh như trải bạc, xa xa lấp lánh ánh đèn của vài chiếc thuyền câu huyền hoặc. Nơi nào mới chính là tâm của vũ trụ? Cái cảm xúc trong tôi hay trời đất bên ngoài? Cái tiểu ngã đã hoà tan cùng đại ngã thật thơ thật mộng. Khi tôi xa Đá Bạc tôi cũng đã xa luôn những đêm trăng vàng ngọc đó, mà không thể tìm được ở nơi nào khác, và dù nay có trở về sống nơi chốn cũ ấy chưa chắc tôi còn có khoảng không gian ấy nữa. Sự vật đã đổi thay nhanh chóng hay là lòng tôi đã đổi thay? Tôi không tin như thế. Và cũng làm sao tả cho được những cảnh bình minh trên biển của vịnh Cam Ranh khi ánh hồng của vần dương chỉ mới he hé ở chân trời đông nhưng đã được mặt biển lao xao phản chiếu thành một vệt dài rực rỡ. Hoặc những lúc cô đơn nhìn cảnh hoàng hôn chìm dần sau triền núi phương xa để biển đắm mình vào bóng tối nhạt nhòa. Lại có những lúc mưa phùn rơi sụt sùi trên biển từng đợt uốn theo lượn gió đổi chiều, hay những ngày mưa bão với gió thét và sóng gào giận dữ đập liên hồi vào cầu đá bọt tung trắng xóa ngập trời, hay những buổi trưa hè có nắng chói chan và mặt biển nổi chập chùng với muôn ngàn đợt sóng lăn tăn. Biển và tôi gần gũi như thế suốt thời niên thiếu đã cho tôi thấy biết bao nét vẻ đổi thay cùng cực tựa như cuộc đời đầy bất như ý của mình. Tâm hồn tôi đầy xúc cảm, cũng từ lúc sống ở Đá Bạc có lẽ kể từ ngày lòng biết bồi hồi... nhìn theo hình bóng của ai kia với mái tóc thề mỗi lần đạp xe nhàn tản trên cầu đá mà về sau dễ lặng hồn trước những trận mưa ngâu, dễ ngẩn ngơ nhìn những làn sương giăng ngang đỉnh núi, dễ mộng mơ theo những áng mây bay lửng lơ trong nắng, dễ đồng thiếp với làn khói lam chiều của buôn bản nào bơ vơ trên sườn núi thẳm, dễ say mê theo hoa nở sương rơi, trời rộng biển xanh. Đá Bạc nhỏ bé buồn thiu, nhưng với tôi lúc ấy thì lại là chốn thần tiên. "Phố sá buôn bán" chỉ là một con đường đất ngắn, dẫn từ cái dốc đường xe lửa ở cầu đá đến cái chợ nhà lồng bé. Chợ chỉ họp buổi sáng, đến chiều là vắng vẻ. Ở nơi đây tôi cũng đã có rất nhiều bạn thân thuở thiếu thời mà nay nghe tin thì kẻ còn thì ít mà người mất thì nhiều. Các cô các cậu bé ngày xưa nếu còn sống thì đã tóc bạc da mồi hết cả rồi. Từ chợ nếu tiếp tục đi nữa thì con đường sẽ dẫn ra xóm chài nằm giữa một rừng dừa nhỏ và những nương rẫy kéo dài đến tận đường quốc lộ, nhưng đoạn đường này càng đi xa thì trở thành đường mòn không giao thông được. Vì cái phố chợ nhỏ bé như thế nên xem ra ai cũng biết ai, ra đường là toàn gặp người quen. Hai bên "phố" là những ngôi nhà thấp được xây cất chẳng theo qui củ nào cả chạy dọc theo ven biển, ở giữa là một lối vừa đủ cho cỡ một chiếc xe vận tải. Những căn phía biển luôn luôn có phần phía sau nối dài ra trên những nhà sàn mát rượi, thơm nồng vị mặn của biển và mùi xình khi nước thủy triều xuống, nhưng chắc là những giấc ngủ của họ thật là bình an thơ thới. Dân Đá Bạc sống quen với thủy triều lên xuống. Với tuổi thơ của chúng tôi thì buổi sáng nước dâng, có thể mang một cái cần câu vớ vẩn ra ngồi trên những tảng đá ở khoảng giữa cầu đá để câu những con cá sơn lóng lánh đua nhau bơi lội ven gềnh. Buổi chiều khi nước rút có khi ra xa cả hàng cây số để trơ mặt đất đen ẩm ướt với những vũng nước lớn và san hô. Đấy là lúc bà con tha thồ ôm thùng ôm thúng đi tìm bắt bao nhiêu là hải sản, từ cua ghẹ, cá lớn cá bé, sò ốc, hầm bà lằng đủ cho hai ba bữa ăn khoái khẩu. Lắm khi nhiều đồng bào người thượng từ Đồng Lát cũng kéo nhau đeo gùi mang con từ rừng xuống biển tìm bắt đồ tươi, trông thật vui mắt. Nhưng với chúng tôi thì thỉnh thoảng mới phiêu lưu ký một lần chứ lội xình lội bùn mò cua bắt cá như thế cũng vất vả lắm. Ở Đá Bạc, tôi và lũ bạn thỉnh thoảng còn rủ nhau cỡi xe đạp vào Trại Cá trên quốc lộ, sau khi vượt cầu qua khỏi ba cái ngòi nước từ trên rừng đổ xuống. Vui chân bọn tôi ghé thêm vào rừng dừa Hiệp Mỹ để được ăn những cái mộng dừa dòn tan xong kéo vào Kà-Rom, một buôn thượng chỉ cách Phan Rang chừng 20 cây số để thăm một người bạn học khác, một giai nhân tuổi trăng tròn nổi danh của trường Trung Học Bán Công Nha Trang, Đi như thế chúng tôi luôn được nhìn thấy mặt biển của vịnh Cam Ranh lấp lánh dưới ánh nắng vàng và bầu trời xanh biếc. Gió mát, đường êm, cảnh vắng, cây lá reo vui, biển và bạn bè nói cười bên cạnh thực ấm lòng. Khi gia đình tôi dời về lại Nha Trang trong hai năm cuối trung học của tôi, thì biển đã bắt đầu xa lạ với tôi, cứ như một cô thôn nữ lên thành phố đã mất hết vẻ thơ ngây, quê mùa chất phát, cô đã biết làm dáng với phấn son loè loẹt, tóc phi-dê, guốc cao gót váy dài váy ngắn để chiều chiều cuối tuần nhởn nhơ với mấy anh sinh viên sĩ quan của các trường huấn luyện Không quân, Hải quân, lính Mỹ viễn phương gần đấy. Cô xem ra chẳng còn mấy trung thành với tôi bé nhỏ như xưa nữa, nay cô đã biết liếc mắt đưa tình với biết bao chàng trai viễn xứ ghé chân trong những quán ăn, quán rượu đua nhau mọc lên ven bãi. Dân tứ phương đổ dồn về Nha Trang làm cho phố sá đông người. Đường Duy Tân chạy dọc biển không còn vắng vẻ êm mơ như ngày nào nữa mà luôn ì ầm xe cộ, và bầu trời luôn đinh tai nhức óc với bao phi cơ gầm rú. Tôi chỉ biết đành thở dài buồn tủi chờ đến ngày chia tay phải đến không lâu về sau khi phải xa nhà để theo đại học vào năm 1962; và từ đó tôi không còn cùng chung nhịp thở đổi thay nhanh chóng của xứ thùy dương cát trắng nữa. Đến khi ra đời lăn lộn với cuộc sống và cuộc chiến tương tàn càng lúc càng thảm khốc, tôi đã từng đi qua các bờ biển Phan Thiết, Phan Rí, Sông Cầu, Qui Nhơn, Sa Huỳnh, Thanh Khê, Sơn Trà, Tiên Sa, Lăng Cô, Thuận An, Vũng Tàu, Cà Mau, Phú Quốc vv... Nhưng những cái rung động đầu đời không còn nữa. Kỷ niệm thì nhiều mà không còn gì sâu sắc. Rồi cuộc đời đưa đẩy vào chỗ phải lén lút vượt biên và oái oăm thay nơi chúng tôi rời khỏi nước lại là từ Ba Ngòi sau hơn 15 năm xa cách không hề lui tới, trên một con tàu đánh cá nhỏ bé mà ai nghe kể cùng rùng mình bảo sao dám cả gan vậy? Thì ở đường cùng ít ra cũng còn một chút hy vọng mà liều chứ! Và lạ lùng thay sau bảy ngày bảy đêm bồng bềnh trên sóng nước với đủ hãi hùng kinh khiếp với phong ba bảo táp dập vùi; vậy mà chúng tôi vẫn còn sống sót và ngất ngư tắp vào được một hoang đảo của Phi Luật Tân. Hình như Biển đã nhận được ra tôi, đứa con quen thuộc, nên đã ra tay cứu độ tha mạng để có ngày hôm nay viết những giòng ca tụng mẹ trùng dương độ lượng hải hà như ... biển. Rồi chúng tôi lại sống ở ven biển trên bờ tây của lục địa Mỹ. Tôi cũng đã dừng chân trên các bờ biển San Diego, Long Beach, Huntington Beach, Santa Monica, Astoria, Oregon, Puget Sound, Seattle, và Vancouver B.C. nhưng lòng đã lắng và dường như biển ở xứ người không đẹp bằng biển quê nhà. Biển ở đây quả là xa lạ với tôi quá, cát không trắng, nước không ấm lại thêm tóc vàng mắt xanh mủi lõ quá. Vả lại, nó lại bị bàn tay con người cải tạo, qui hoạch, ky nghệ hóa đến độ lạnh lùng. Người ta đã đem những tòa nhà khách sạn cao tầng, những con đưòng tráng nhựa rộng rãi phẳng phiu áp đặt lên làm mất đi những vẻ duyên dáng mộc mạc tự nhiên, những xe những cộ dập dìu làm át đi tiếng sóng vỗ rì rào, bãi biển thì lúc nhúc những người và người còn đâu thơ mộng. Không lạ gì kẻ giàu tiền lại tìm cách du lịch đến những hòn đảo xa xôi vắng vẻ, kiếm tìm những chốn riêng tư để được gần gũi với thiên nhiên. Có phải là nghịch lý hay không? Khi viếng thăm lại các bãi biển ở Việt-nam gần đây như Vũng Tàu, Nha Trang, Bãi Cháy, Hạ Long, Hà Tiên vv... , lòng tôi chợt quặn thắt khi nhìn thấy hình ảnh rập khuôn vụng về của những hình thù bê tông cốt sắt đã thấy trên các bãi biển ở Mỹ. Xem ra nhà cầm quyền đã bị áp lực của giới tài phiệt quốc tế, chạy theo lợi nhuận của ngành du lịch nhất thời mà không có một qui họach thiết kế đô thị lâu dài của riêng mình để lưu giữ cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời trời phú cho đất nước Việt. Mọi người đều hiểu rằng chế độ nào, chủ nghĩa nào rồi cũng biến mất nhanh chóng, duy chỉ tồn tại giải giang sơn diễm tuyệt nếu ta biết bảo vệ. Xin đừng bắt chước vội vã khuôn mẫu của các nước Tây Phương để chụp giựt cho nhanh chóng các nguồn ngoại tệ, hay tự đánh lừa mình rằng xây dựng nhiều cao ốc cạnh bờ biển là theo kịp sự tiến bộ của Âu Mỹ. Chỉ sợ đến khi biết sai lầm muốn sửa đổi thì đã muộn rồi. Bây giờ nghiệm lại mới thấy đám tây thực dân học được cái tinh hoa của nền văn minh kiến trúc châu Âu nên đã có một cái nhìn hài hòa khi họ chỉ cho xây những villa ở cạnh biển. Vì sao? Vì mái nhà lúc nào cũng thấp hơn các tàng cây cao nên cảnh trí nhìn từ xa vẫn còn giữ được nét vẻ của thiên nhiên chưa bị con người xâm phạm thô bạo. Cũng nhờ lối qui họach xây dựng này mà thành phố hứng được gió biển mát mẻ chứ không bị dãy trường thành cao ốc ngăn chặn. Có một đêm hè nơi vùng tôi ở bị cúp điện, tôi mới chợt nhận ra bên ngoài có trăng và đêm trăng thực huyền diệu làm sao, mà bấy lâu tôi quên mất. Tôi lặng lẽ ra vườn sau ngã lưng trên chiếc võng thường treo giữa hai thân cây thông mà trân trọng từng giây phút. Đêm thực yên tĩnh và ngàn cây được thắp sáng dưới ánh trăng làm tôi bỗng nhớ đến những ngày được sống êm đềm ở Đá Bạc mà thương mà nhớ. Hèn gì thơ văn chỉ đẹp trong nỗi rung cảm cùng thiên nhiên. Theo văn minh đô thị của Âu Mỹ bây giờ hình như nàng thơ đã đội nón cao bay xa chạy từ lâu. Tiến bộ nhanh chóng của kỹ thuật đã làm thui chột và cướp mất đi những say mê tự nhiên của lòng người. Vì thế tôi vẫn luôn hòai tưởng đến một thời như thế trong đời mình mà trông vời tiếc nuối. Nhưng nào có ai tắm trong cùng một giòng nước hai lần đâu?
|
|