Chim Việt Cành Nam              [  Trở Về  ]              [ Trang Chủ ]               [ Tác giả

Prague, điểm hẹn của tuổi trẻ
Trịnh Thanh Thủy
Nếu bạn là khách lữ hành, thích du lịch, vai mang ba lô, chân lang thang khắp trời Âu với một túi tiền khiêm nhường, bạn hãy ghé forum của trang nhà Travbuddy.com mà nghe các bạn trẻ rủ nhau ơi ới đi du lịch Đông Âu mà Cộng Hoà Tiệp là nơi mức sinh hoạt tương đối còn rẻ. 

Sự ảnh hưởng to lớn của biến cố "chủ nghĩa cộng sản sụp đổ" ở Âu Châu đã mở toang cánh cửa tự do của thế giới. Liên bang Sô Viết tan rã, các nước Đông Âu thoát vòng kềm toả trỗi dậy. Liên Bang Tiệp cũng hân hoan chia tay với đế quốc đỏ và tuyên bố độc lập để tách làm hai quốc gia riêng biệt: Cộng Hoà Czech (Tiệp) và Cộng Hoà Slovakia. 

Theo chân đoàn du lịch Đông Âu, tôi đến Cộng Hoà Tiệp vào một chiều Thu. Khi chiếc xe bus chở chúng tôi tới Prague, chúng tôi qua dòng sông Vltava trên những cây cầu bắc vào khu phố cổ và được ngắm nhìn thành phố tranh sáng trong một màu ráng chiều tuyệt đẹp. Có tới mới hay, có đi mới thấy tận mắt cảnh đẹp của Đông Âu, của những căn nhà miền quê duyên dáng, của những cánh đồng bát ngát, của tường cao, mái vòm, lầu đài thành quách, của hồn xưa thu thảo. 

Prague được chọn là thủ đô của Tiệp và chỉ trong vòng 20 năm nó đã trở thành một thành phố nổi tiếng trong thế giới du lịch ngày nay. Nó quy tụ được nhiều giới trẻ du lịch nhất trong các xứ Đông Âu tôi từng đặt chân qua. Phải nói Prague(Praha) là một thành phố nhộn nhịp du khách vào hàng thứ nhì sau Paris, Pháp. 

Khách du lịch đến Prague hầu như ai cũng được dẫn đi thăm ngôi nhà thờ Đức Bà Týn, cầu Charles Bridge, Old town Square, và quảng trường Wenceslas. Cây cầu lịch sử Charles XIV Bridge bắc ngang con sông Vltava, nối liền phố cổ với khu vực Prague Castle như động mạch chính trong trái tim thủ đô, tạo cho Prague một nét riêng, rất riêng. Tôi đứng ở một góc cầu lặng gió nhìn xuống dòng Vltava êm ả nằm bên chập chùng bóng nắng những ngôi đền cổ, cung điện xưa, phía này đồi, bên kia chen chúc nếp uy nghiêm thánh đường và phố xá. Cầu Charles mang một vẻ đẹp trung cổ đầy lãng mạn. Chả trách gì nhiều cặp tình nhân hò hẹn nơi đây và móc vào thành cầu những chiếc khoá, khoá chặt đời nhau bằng những nụ hôn ngay trên cầu mặc cho quanh họ đông nghẹt du khách. Người Việt ở Tiệp gọi nơi này là “Cầu Tình” dù cái tên lịch sử của nó (do nhà Vua Charles IV ra lệnh xây dựng từ thế kỷ 14 nên người ta đã lấy tên ông để đặt tên cầu)chả dính dáng gì tới tình yêu trai gái. 


Quảng trường khu phố cổ Wenceslas

Quảng trường khu phố cổ Wenceslas thì  bận rộn suốt 24 tiếng đồng hồ. Du khách có thể mua sắm ngày đêm đến tận khuya. Ngang qua một tiệm Apple Computer, tôi thấy dù cửa đóng, vẫn có rất nhiều thanh thiếu niên nam nữ tụ tập sắp hàng dài, chờ giờ mở cửa sau 12 giờ đêm cho đợt phát hành đầu tiên của Iphone 5 ở Âu Châu. Ở đây đặc sản nổi tiếng của Bohemia là crystal, tức thủy tinh. Bohemia nổi tiếng về thủy tinh màu trong khi Áo nổi tiếng về thủy tinh trắng. Giá crystal nơi đây tương đối phải chăng chứ không mắc lắm so với Áo hay Ba Lan. Khắp quảng trường tiệm bán crystal nhan nhản, nên du khách tha hồ lựa chọn và so sánh giá cả. Chỉ có cái khó là mang về rất dễ vỡ, tức mang theo hành trình một gánh nặng vì thủy tinh càng tốt thì càng dày và càng nặng. 

Đi du lịch nhiều, tôi rút kinh nghiệm, ít mua sắm và sợ mang nặng. Tôi nhớ có lần đi du lịch Trung Quốc, một phụ nữ trong đoàn mua một cái chén kiểu cổ rất mỏng thuộc đời Tống ở Bắc Kinh. Bà nghe người bán quảng cáo rằng, nó rất quí hiểm vì xưa và rất mỏng, nước men trong xanh, ít có, nên mua với một giá khá đắt. Bà cưng chiều cái chén hết mực, mỗi lần di chuyển theo đoàn từ nơi này sang nơi khác, đều xách tay rất trịnh trọng. Lúc ngồi xe, bà tránh không cho ai đụng vào người. Suốt cuộc hành trình mười mấy ngày, từ Bắc xuống Nam qua nhiều nơi, cuối cùng đoàn đến Quế Lâm. Khi dạo qua khu phố bán đồ kỷ niệm, bà chợt giật bắn mình vì hai lề đường họ bày bán toàn mấy cái chén kiểu cổ giống hệt cái chén bà đã mua với một giá rẻ mạt. Hỏi ra, tất cả đều là hàng nhái, kể cả cái chén bà mua. Bà đau nhói vì bị lừa. Tôi chỉ tội cho bà vì phải mang canh cánh bên người một vật không giá trị với thái độ trân trọng, sợ bể, đi khắp nơi như vác một gánh nặng trên lưng.

Ăn uống, ca hát

Ở quảng trường phố cổ các thanh niên tụ họp ca hát ăn uống, bất kể ngày đêm. Dân Tiệp di chuyển phần lớn bằng xe buýt hay xe điện. Hai ba giờ sáng chúng tôi còn thấy các thanh niên trẻ dưới trạm xe điện ngầm tụ tập, hút thuốc, uống bia. Bia Tiệp còn gọi là bia đen, nổi tiếng ngay ở biên giới Đức- Tiệp, uống coi chừng dễ say. Người dẫn đường kể chuyện, khi dẫn tour, anh thường gặp một anh chàng Tiệp lúc nào cũng say dắt theo một con chó say như chủ, đi ngiêng ngả. Dạo chơi nơi đây du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của Âu châu. Đặc biệt là kem, đủ mùi đủ vị, vì khắp Âu châu, nơi nào cũng có quầy kem hay tiệm kem.

Phải nói là quà vặt hay thực phẩm lề đường ở đây tạo nên một vẻ độc đáo hay nó chính là sức sống của Prague. Các món như kabab, doner kabab, xúc xích, burger, hot dog, cheese, thức ăn nhanh được bày bán trên các chiếc xe đặt hai bên lề đường. Món xúc xích ở đây đặc biệt là rất dài, đủ loại, bạn có thể ăn nóng với bánh mì và uống bia. Món crêpe của Pháp với nhân táo, dâu cũng có mặt. Nếu thích dòn bạn có thể thưởng thức món bánh kẹp crêpe mỏng, nóng, dòn nhân sô cô la và hazelnut thơm ngậy. Đêm về, từng cặp tình nhân, đi giữa trời thu Đông Âu lành lạnh, dừng lại ở một quầy bánh nướng "Staroceske Trdlo." hay "Chimmey cake" mua vài cái bánh mì ống khói này, xé từng miếng nóng dòn, nhón bỏ vào miệng, mùi quế và hạnh nhân dậy lên, thú vị biết bao. Ký ức gợi tôi nhớ những ngày mưa lạnh Sài Gòn, đi học về vừa lội nước, vừa nhai bánh cay nóng hay lạc rang bán ở lề đường, tuổi thơ tôi bất chợt bay về gõ cửa. 

Đời sống về đêm ở đây quay tròn luân vũ theo các casino, night club, thú vui dạo phố, tụ tập, uống bia, trò chuyện. Dấu chân lữ hành của khách in khắp nơi quanh con phố. Giọng cười, tiếng nói, mùi thức ăn, âm thanh đàn, trống của nhạc khí vang vọng tận một góc trời kéo gót chân con người lê la về phía ánh sáng như những con thiêu thân.

Một thanh niên trong đoàn chúng tôi đêm nào cũng vào các bar rượu, hộp đêm để tìm hiểu đời sống ban đêm của Prague nhận xét. Thanh niên Âu châu uống bia rượu không ồn ào như thanh niên VN. Họ uống lặng lẽ, hoặc trò chuyện vừa phải, không la hét, không bắt ép người khác phải cạn chén nên không quá chén. Dường như họ uống bia, rượu chỉ như uống nước chứ không phải uống một chất lỏng đã lên men, tức họ hoàn toàn kiểm soát được lý trí. Anh kể thêm về cuộc phiêu lưu dạ hành của anh như sau. Một đêm, khoảng 3 hay 4 giờ sáng,  khi ở quán rượu ra, trên đường về khách sạn, đột nhiên có một cô gái chân dài, tóc vàng sợi nhỏ, lao vào ôm anh. Cô ta hành động một cách rất bất ngờ, khiến anh không kịp phản ứng gì hết. Hai tay cô vòng ra sau và lục tìm bóp anh ở hai túi sau. May quá, anh không để bóp trong ấy. Tìm không thấy cô ta bỏ đi. Chúng tôi chọc anh, cô ta có khoá môi anh bằng một nụ hôn không?. Anh cười, thật là một bài học quý giá cho các đấng mày râu đi một mình như anh. 


Vùng nghỉ dưỡng Kalorvy Vary

Hôm sau chúng tôi đi thăm vùng nghỉ dưỡng Kalorvy Vary. Đây là nơi nghỉ mát nổi tiếng và điều trị bệnh cho người giàu bằng suối nước nóng nhiều chất khoáng từ thời cổ đến giờ. Sau khi bức rèm Chế Độ Đỏ cuốn lên, Tiệp lấy lại tự do, nhà hàng, khách sạn, cửa tiệm thương mại đua nhau mọc lên và kỹ thuật du lịch phát triển tột độ. Hầu như mỗi du khách đến đều mua một cái ly đặc chế của Kalorvy Vary để uống thử cái thứ nước khoáng được coi như thần dược này, dù nó tanh tanh đỏ quạch như nước phèn lâu ngày trong một ống nước rỉ. 

Sapa ở Tiệp

Chiều xuống, đích đến của đoàn là Trung tâm thương mại Sapa của Việt kiều Tiệp. Chúng tôi dùng cơm tối tại Lotus Restaurant tức "Hồ Sen Quán" với các món đặc sản Việt Nam như cà muối, canh cua rau đay, chả giò(nem rán), trứng đúc thịt, cá chiên. Người Viêt qua đây có người mới đến khoảng 2,3 năm, có người đã định cư hàng mấy chục năm, phần lớn từ miền Bắc như Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Khu thương mại toàn buôn sỉ này to gấp mấy lần các khu của người Việt ở Ba Lan. Chúng tôi vào vài siêu thị, thấy được  rất nhiều sản phẩm Việt Nam ở đây, kể cả rau cỏ và trái cây tươi. Có cả một vài người ngồi chồm hổm bán hàng rong như bắp luộc, xôi, chè, trước cửa chợ hệt như khu A, B, C của Bolsa ở Mỹ. Chúng tôi thấy một thanh niên đẩy chiếc xe nhỏ bán dạo cà phê, nước trà, sim card, và các thứ linh tinh khác cho các chủ tiệm buôn. Quả là một com phố Việt Nam thu nhỏ. Khi trò chuyện tâm sự với chúng tôi, có nhiều người tỏ ý muốn được đi Mỹ. 


Trung tâm thương mại Sapa của Việt kiều Tiệp

Người Tiệp ao ước đi Mỹ

Trên chuyến máy bay trở lại Hoa Kỳ, tôi tình cờ ngồi bên một cô gái Tiệp rất xinh xắn. Cô vào độ 26 hoặc 27 tuổi. Cô sinh ra và lớn lên ở Tiệp. Qua Mỹ du học đã được mười mấy năm, cô có việc làm sau khi tốt nghiệp và đang đính hôn với một người Mỹ. Trong chuyến về thăm gia đình và quê mẹ này cô lưu lại vài ba tuần. Khi được hỏi cô nghĩ gì về thực trạng của đất nước cô hiện tại? Cô cho biết, cô rất buồn vì Công Hoà Tiệp đang ở trong giai đoạn phát triển quá nhanh. Sau sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và chế độ Cộng Sản, nước cô đang bước một bước tiến quá dài trong nền kinh tế thị trường. Với lượng du khách khổng lồ mỗi năm thăm viếng Tiệp, đời sống người dân bỗng trở nên mắc mỏ. Lợi tức đầu người trung bình mỗi tháng khoảng 800 cho tới 1000 Đô mà giá xăng khoảng 8 Đô một Gallon. Mọi thứ hầu như phải nhập cảng. Ngược lại xuất cảng thì ít ỏi, trong khi Tiệp là một quốc gia nặng về nông nghiệp. Cuộc sống cao, vật giá leo thang, người dân rất khó sống. Cô cảm thấy giá trị đạo đức xuống dốc thê thảm vì đồng tiền chi phối hết mọi thứ và làm hư con người. Chính quyền lại không có biện pháp thích hợp để giải quyết vấn đề nên đất nước dưng không lạc lõng, hụt hẫng, mất phương hướng. Người con gái Tiệp không ngừng tâm sự về ý muốn thích sống ở Hoa Kỳ hơn là lưu lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình như nhiều người khác đã từng mơ về thiên đường nước Mỹ. Dù sao cô cũng là đứa con đầy may mắn và thành công vì có việc làm cùng đời sống ổn định trên xứ người như mẹ cô đã kết luận. 

Máy bay đáp xuống an toàn ở phi trường Los Angeles, chấm dứt cuộc du lịch nhiều ngày của tôi tại Đông Âu.

Trịnh Thanh Thủy