Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Về "Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh" - bài 1 - Trần Xuân An Cuối tháng 9 vừa qua, khi từ Đà Lạt về lại TP.HCM., tôi nhận được một thông tin qua một người bạn trẻ: "Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh" đã được ai đó công bố trên mạng vi tính toàn cầu. Bận nhiều việc, tôi chưa kịp đọc để giới thiệu cùng quý người đọc (bấy giờ cũng thoáng nghĩ là không "có vấn đề" gì). Cách đó chỉ khoảng hơn hai mươi ngày sau (25-10 "08), lại thấy trên tạp chí điện tử BBC Tiếng Việt có bài viết về cuốn sách ấy, cùng lời phát biểu về nó của 3 vị khoa bảng từ Việt Nam: PGS.TS. Trần Ngọc Vương, GS.TS. Trần Đình Sử, GS.TS. Mai Quốc Liên. Qua đó, mới giật mình: vậy là hồi kí của GS. Nguyễn Đăng Mạnh "có vấn đề", chứ chẳng đùa. Thế rồi, trong những ngày gần đây, trên báo chí in giấy, báo chí điện tử thuộc loại chính thống như Tạp chí Nhà văn số tháng 11 "08 (nhà thơ Đỗ Hoàng), Tuần báo Văn nghệ Trẻ, 2 số -- số 47 (629), 23-11 "08 và số 48 (630), 30-11 "08 -- (nhà thơ Đặng Huy Giang & PV.; Ô. Nguyễn Hữu Thăng), Tạp chí điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (cập nhật 09-11 "08 -- nhà văn Văn Chinh), Tạp chí điện tử Sông Cửu Long (cập nhật 02-11 "08 -- nhà văn Vũ Tú Nam), vân vân, còn thấy có những bài phê phán. Như vậy, dẫu thận trọng đến mấy cũng phải tin đó là cuốn hồi kí có thật, cho dù chỉ mới ở dạng PDF (hình như một số điểm mạng [website, weblog] khác đã bẻ khóa, đăng luôn ở dạng doc./word/ html). 1
Và tuy chưa thật tin lắm vào vào từng chữ, từng trang ở loại sách trên mạng vi tính toàn cầu, vì nó có thể bị sửa chữa, thêm bớt, nhưng không thể không tin là cuốn sách ấy có thật. Tôi biết rằng một khi đã được báo chí chính thống ở Việt Nam xới lên như thế, chắc "vấn đề" phải được giải quyết rốt ráo, nhất là những gì liên quan đến đời tư nhà thơ Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu và nhiều nhà thơ, nhà văn, họa sĩ thuộc loại chức quyền hoặc tên tuổi khác: Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Dương Thu Hương, Lưu Công Nhân, Hữu Thỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa ...
Phải chăng đó là một tín hiệu để giới sử học, văn học, lịch sử hội họa đi đến tận cùng sự thật nhằm làm sáng tỏ "vấn đề"? Oan, phải chính thức minh oan. Đúng lỗi, phải được chính thức ghi lỗi; đúng khuyết, nhược điểm (gồm cả khuyết tật bẩm sinh [*]), phải chính thức ghi khuyết, nhược điểm (và tật nguyền bẩm sinh). Tai nạn danh dự, phải chính thức ghi là tai nạn danh dự. Sống làm con người, ai cũng có lỗi hay có khuyết điểm, nhược điểm, tật điểm, ai cũng bị tai nạn danh dự, vấn đề là nặng hay nhẹ mà thôi.
2
Từ nhiều năm qua, tôi được biết GS. Nguyễn Đăng Mạnh vốn là một giảng viên đại học khả kính, một nhà nghiên cứu, phê bình văn học vượt trội trong làng văn Việt Nam, đặc biệt là mảng văn chương Miền Bắc. Điều đáng quý ở GS. là ông giảng bài, viết phê bình, nghiên cứu có văn và văn ông mang một vẻ đẹp có chiều sâu trí tuệ, nhưng đáng quý nhất là ông đã rất nhiều lần nhấn mạnh, đề cao, kêu gọi các nhà sáng tác văn chương cần phải chú trọng đến phong cách (style) và tư tưởng (ideology) riêng. Phải nói đó là cả một thái độ dũng cảm trong giai đoạn "bao cấp tư tưởng", thời mà người cầm bút sợ hãi, bấn loạn đến co rúm lại do bị săm soi về tư tưởng, vì chỉ cần có một nét riêng tư tưởng cho dù chỉ trong giới hạn ý hệ đương thời là cũng đủ bị "ngâm tôm"... Nói như thế, có nghĩa là tôi không hề có ý vô phép đánh đồng GS. Nguyễn Đăng Mạnh vào loại "phản động về chính trị". Và nói như thế, cũng không có nghĩa tôi dám nhận định chung về toàn bộ trước tác của GS. Nguyễn Đăng Mạnh, gồm cả cuốn hồi kí của ông mới "bị" ai đó công bố trên mạng vi tính toàn cầu, theo ông, là ngoài ý muốn của ông.
Theo ý kiến sơ khởi của tôi, "Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh" đã được tung lên trên mạng vi tính toàn cầu như một "quả bóng thăm dò dư luận", trước khi ông hoàn chỉnh bản thảo. Dẫu sao, đó mới chỉ là bản sơ thảo. Chúng ta hãy đợi nhiều ý kiến phản hồi rộng rãi, trước hết là từ những nhà văn chương, nhà hội họa, đặc biệt là những nhà chính trị, được đề cập hoặc nhiều, hoặc ít, trong hồi kí sơ thảo của ông (vì họ có quyền tự bảo vệ, tự thanh minh), và thêm vào đó, rất quan trọng, là những ý kiến khác của nhiều người thân, người quen biết với họ (nhất là đối với các nhân vật đã quá cố) và nhiều người đọc từ nhiều giới cấp, nhiều nơi chốn. Chúng ta cũng mong rằng, việc thu thập ý kiến phản hồi công khai, dân chủ ấy không chỉ do GS. Nguyễn Đăng Mạnh, mà do nhiều người đọc, nhiều kẻ sĩ, nhiều tòa soạn trong và ngoài nước khác nữa. Và không ai có quyền ngăn chận những ý kiến phản hồi ấy. Cuối cùng, GS. Nguyễn Đăng Mạnh có thể chỉnh sửa và hoàn tất hồi kí của ông, hoàn toàn theo ý ông một cách độc lập. Tôi hi vọng, tin tưởng GS. Nguyễn Đăng Mạnh không mị dân chủ, không uốn cong ngòi bút. Có điều, những ý kiến phản hồi cũng được in chung như là phụ lục của hồi kí, cho dù trái ngược với những gì ông viết. Có lẽ như thế là công bằng, dân chủ, công khai, lại điều hòa được quyền tự do, độc lập trước tác của người viết hồi kí và quyền tự thanh minh, tự nhận thức, tự phản tỉnh, tự định giá của người được đề cập đến trong hồi kí (có thể cả người không được đề cập đến một cách thiếu công bằng hoặc do ông không có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc).
Tôi phỏng đoán và kính đề xuất như thế.
Trần Xuân An
-------- WebTgTXA. ---------
Viết tại TP.HCM., 02 & 03-12 HB8 ------ Cập nhật: 10 : 41', 04-12-HB8.
[*] Xem: Trần Xuân An -- "Mùa hè bên sông", chương 14 .
Về "Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh" - bài 2 :
Nghiên cứu khoa học trước hết phải nhìn thẳng vào sự thật, ghi chép đúng sự thật đối tượng nghiên cứu
một cách toàn diện, không được "xấu che, tốt khoe"Trần Xuân An
Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử chính trị, sự thật văn học sử, sự thật về văn nghệ sĩ, kể cả văn nghệ sĩ hiện đang còn sống và sáng tác, là tiền đề cơ bản của nghiên cứu khoa học về sử, văn và họa. Nếu chỉ nói trong phạm vi các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, và nếu chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu tác phẩm của họ không thôi, thì đã là việc thường thấy, không có gì lạ. Nhưng nghiên cứu toàn diện (nhà văn - tác phẩm, họa sĩ - tác phẩm), cũng không phải là mới. Văn học sử xưa nay đều xác định đối tượng nghiên cứu là như thế: tiểu sử tác giả (thân thế, con người...) <=> tác phẩm (tư tưởng, hình tượng nghệ thuật, thủ pháp thể hiện...). Nói theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh: đối tượng nghiên cứu của ông là "nhà văn, tư tưởng và phong cách". Vì thế, khảo sát một nhà văn, một nhà thơ (giới họa sĩ, ông chỉ đề cập đến một người vốn là bạn của ông), Nguyễn Đăng Mạnh đã thực hiện ghi chép một cách toàn diện con người ấy (phần "con"= hạ ngã = le ça, cũng như phần "người" = siêu ngã = le sur-moi, để tìm thấy con người = bản ngã = le moi [*]). Tôi cho rằng như thế là khoa học. Và đồng thời, tôi cũng phân vân: Thực sự các nhà thơ, nhà văn được (bị) GS. Nguyễn Đăng Mạnh đề cập đến có tệ hại như vậy hay không. Cũng có thể mỗi văn nghệ sĩ đều có một mặt tệ hại như thế thật, ấy là một phân số trong toàn bộ (toàn diện) con người thực chất của từng văn nghệ sĩ. Đó là mặt không có gì lạ (vì không trầm trọng lắm; quá lắm là có người vào nhà thổ, chơi gái ăn sương hay nghiêm trọng nhất là xúc xiểm, 'đâm bị thóc, thọc bị gạo'). Họ như mọi người ở mọi ngành nghề, khu vực, miền đàng, đất nước, từ xưa đến nay.
Tôi chưa bàn sâu đến mối tương tác biện chứng giữa lí tưởng thẩm mĩ, đạo đức (mĩ & thiện) cũng như trình độ nhận thức, học vấn, vốn sống (chân) trong tương quan với tác phẩm giấy trắng mực đen, với xã hội (người đọc), đặc biệt là mối quan hệ tương tác giữa 2 mặt đối lập là "con" (phần tệ hại trong đời thật văn nghệ sĩ) và "người" (lí tưởng thẩm mĩ, đạo đức) trong lao động sáng tạo để hình thành tác phẩm; và quá trình tương tác ấy giúp họ nâng cao tâm hồn, nhân cách trong đời thật của họ. So sánh cụ thể: Một nhà giáo, vì chức năng, sứ mệnh nghề nghiệp (mô phạm), vì áp lực xã hội, vốn rất cần thiết (từ phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp, láng giềng), họ phải sống tốt hơn so với con người bản năng của họ. Nếu cũng người ấy, làm nghề khác, anh ta sẽ sống tệ hơn. Văn nghệ sĩ chân chính cũng vậy, tuy văn nghệ sĩ có quyền thâm nhập thực tế trong giới hạn cho phép. Còn loại văn nghệ sĩ dâm ô đồi trụy, chủ trương viết một cách dâm ô đồi trụy, đồng tình, đồng lõa với dâm ô đồi trụy (cái tâm thấp thua hiện thực - bản năng con người và xã hội), thì ngược lại, họ càng dâm ô đồi trụy trong đời thực.
Điều này tôi đã nói chuyện với TS. Trần Hoàng (Trần Hoàng Trần), trong buổi sáng đi dùng điểm tâm, cà phê với anh cách đây hơn một tuần.
Một điểm nữa cần được lưu ý: Tôi hoàn toàn bác bỏ các thông tin về đời tư nhà thơ Hồ Chí Minh (vụ Hà Thị Xuân...) trong "Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh", cũng như trong các trang viết của Vũ Thư Hiên, Lữ Phương, và gần đây, trong tiểu thuyết "Đỉnh cao chói lọi" của Dương Thu Hương... [**]
Hôm qua, tôi cũng chuyện trò với các bạn từ thời sinh viên của tôi, nhà giáo Ngô Thủ Lễ và nhà giáo - tác giả Nguyễn Chiến, về việc này.
Tôi chứng minh và khẳng định: Tuyệt đại đa số chúng sanh chúng ta đều có hạnh phúc lẫn khổ đau vì bộ phận sinh dục bình thường. Nhà thơ Hồ Chí Minh không có hạnh phúc lẫn khổ đau về đời sống vợ chồng, vì bộ phận sinh dục của ông không thực hiện được chức năng của nó. Nói cho đúng, riêng về điểm này, nhà thơ Hồ Chí Minh không khổ đau, không hạnh phúc vì nhu cầu sinh dục, mà chỉ khổ đau vì bộ phận sinh dục bất thường và chỉ hạnh phúc nhờ được thanh thản (không bị nhu cầu sinh dục quấy rầy). Đó là do đột biến gène thể chất ở Hồ Chí Minh cũng như ở 2 người -- anh và chị -- của ông: ông Nguyễn Sinh Khiêm, bà Nguyễn Thị Thanh. Ba anh chị em đều không vợ, không chồng. Tôi nói gène thể chất, tôi không nói đến tính cách, thói quen, "phần nhiều do giáo dục mà nên", do môi trường, xã hội mà tập nhiễm, hình thành).
Nhà thơ Hồ Chí Minh là một con người tự bẩm sinh có bộ phận sinh dục không thực hiện được chức năng. Đó là một loại dạng thể chất cá biệt nhưng cũng không có gì lạ. Tôi không thần thánh hóa.
Chúng tôi đã đưa ra, trao đổi nhiều chứng lí, nhưng không nêu ra ở đây một cách dài dòng, chỉ đề nghị lưu ý 3 điểm:
1) Lí giải như thế nào về ông Khiêm, bà Thanh không vợ, không chồng? Hai người này đâu phải là linh hồn của cuộc kháng chiến! Riêng về chủ tịch Hồ Chí Minh, xét trong 4.000 năm lịch sử, không lãnh tụ kháng chiến nào không vợ, nên cũng không nhất thiết phải tạo ra một tấm gương như thế. Điều cần thiết là lãnh tụ có vợ một cách bình thường nhưng vẫn mẫu mực.
2) Miền Bắc và có thể cả nước lẽ nào không có một người xứng đôi vừa lứa với Hồ Chí Minh?! Ở các nhà chính trị, yêu khác với lấy vợ, thậm chí yêu khác với giải quyết nhu cầu sinh dục. Hồ Chí Minh, một người đầy nghị lực, có thể lấy một người phụ nữ để thỏa hai yêu cầu - điều kiện trên (lấy vợ một cách bình thường, giải quyết nhu cầu sinh dục), nhưng có thể quên đi tình yêu.
3) Xin đưa ra một ví dụ tiêu biểu: Nếu ai có về Huế, xin ghé vào tiệm Bánh khoái Thượng Tứ tuyệt ngon, sẽ thấy có một gia đình có đến 3 chị em gái bị câm điếc, khá xinh đẹp, chỉ 1 cậu con trai là không câm điếc. Như vậy, tỉ lệ là 75%. Nhưng theo nhiều tài liệu y học, tỉ lệ này có đến 100% (có nhiều nhà, 4/4 đều câm điếc).
Về cuốn hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh, tôi thấy cần chốt lại 3 ý kiến như sau:
Một là, bác bỏ những dòng ghi chép về vụ Hà Thị Xuân - Hồ Chí Minh - Trần Quốc Hoàn - Tạ Quang Chiến....
Hai là, những ghi chép về các văn nghệ sĩ (Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Dương Thu Hương, Lưu Công Nhân, Hữu Thỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa ...) đã thật sự xác thực hay chưa.
Ba là, trên cơ sở phản hồi, xác minh, hoàn chỉnh ghi-chép-nghiên-cứu về nhóm văn nghệ sĩ ấy, chúng ta có thể xem đó là tư liệu văn học đúng nghĩa với tinh thần nghiên cứu khoa học: Nhìn thẳng vào sự thật, thực chất, toàn diện đối tượng nghiên cứu (con người nhà văn, tư tưởng và phong cách).
Một điều cuối bài này: Sách nghiên cứu khác với sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông (học sinh không nên tiếp xúc với phần tệ hại quá nhiều, khi chưa đủ bản lĩnh). Ngay trong sách nghiên cứu, người viết cũng cần phê và tự phê, chứ không thể đồng tình, đồng lõa, đánh đồng như nhau ('cá mòi một lứa') trước những khuyết, nhược điểm về nhân cách, đạo đức của nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ (học giả, văn nghệ sĩ nói chung; con người nói chung).
Tôi nhấn mạnh một ý chưa bàn sâu ở bài này: Người tiếp xúc thường xuyên với chân thiện mĩ, sáng tạo nên những hình tượng chân thiện mĩ, đã, đang và sẽ tự nâng cao tâm hồn, thanh tẩy, ngày mỗithật - tốt - đẹp hơn. Cũng phải coi chừng khả năng sa ngã.
Ngoài ra, còn những hạn chế trong cuốn hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh, tôi không đề cập đến, vì nhiều người đã phản hồi khá kĩ.
Trần Xuân An
Viết tại TP.HCM., 8 : đến 9 : 42, ngày 15-12 HB8 (2008).
__________________
[*] Các khái niệm này không đơn thuần theo Freud. Freud quá cực đoan, chỉ xoáy sâu vào OEdipus complex.
[**] Chú thích thêm vào ngày 17-12 HB8: Ngoại trừ GS. Nguyễn Đăng Mạnh (tôi nghĩ là ông chỉ "tung quả bóng thăm dò dư luận"), còn Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Lữ Phương, Dương Thu Hương... thì đúng là những tác giả sa-đích (sadique, sadisme), ít ra là trong các trang viết có đề cập đến "Hà Thị Xuân"...
Về "Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh" - bài 3 :
GS Nguyễn Đăng Mạnh là một nhà cầm bút dũng cảm,
mặc dù có thể ông chỉ "tung quả bóng thăm do dư luận",
trước khi chỉnh sửa lại hồi kíTrần Xuân An Cho đến giờ phút này, tôi vẫn nghĩ như thế về GS. Nguyễn Đăng Mạnh. Và cũng đến khi gõ phím những dòng này, tôi rất mong được đọc trên báo chí chính thống những trang viết phản hồi, xác minh của những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và các nhà chính trị, các cán bộ chức cao quyền to có liên can trong hồi kí, hoặc thân nhân của họ.
Riêng tôi, quả thật, không dám "cả gan đụng chạm" đến những nhân vật, những thế lực còn sống, hiện hành như vậy; lí do chính là bản tính tôi không thích như thế, và một lí do phụ khác, là bởi không có thế lực hậu thuẫn trong nước hay ngoài nước. Vả lại, tôi đã quá mệt mỏi, nhừ "đòn bẩn" của những tên nặc danh cùng dăm người hữu danh hạ cấp, sau khi tôi thực sự đi vào giảng dạy văn học ở trường phổ thông trung học, rồi nghiên cứu sử học nửa cuối thế kỉ XIX, lại nghĩ ngợi, khảo luận ít nhiều về lịch sử cổ đại, viết lách đôi điều về lịch sử hiện đại nước ta. Nói chung, chủ yếu tôi vẫn chỉ dám nghiên cứu về những sự kiện và những nhân vật lịch sử đã xưa xa, khuất bóng. Chỉ thế cũng đã quá khổ, ốm nhừ "đòn bẩn", hạ cấp (xem Wikipedia)!
Cũng cần phải nói rõ hơn, trường hợp của tôi khác với trường hợp của GS. Nguyễn Đăng Mạnh: Chủ yếu tôi chỉ mạnh dạn phê phán Thiên Chúa giáo, Đàng Ngoài nửa sau thế kỉ XIX (các thực thể được xem như đã thuộc về quá khứ hay thuộc về giai đoạn quá khứ của chúng) và phê phán các nhà viết sử một cách sa-đích (sadique, sadisme) về giai đoạn ấy... Nói cụ thể hơn, mặc dù buộc lòng phải phê phán các nhà viết sử kiểu ấy (phần lớn đã chết), tôi cũng chỉ đề cập trên phương diện văn bản học thuật và đôi nét về hành trạng chính trị - xã hội của họ mà thôi.
Do đó, đối với văn học, nhất là văn học hiện đại, nhất là hiện thời, tôi chỉ phê bình thơ ("Ngẫu hứng đọc thơ"), khảo luận (vài đề tài khác, cũng mới viết về Sơn Nam) và chỉ như thế. Trong chiều hướng tương lai, nếu có viết thêm về các mảng này, cũng chỉ theo trường phái nghiên cứu chủ yếu trên văn bản đã xuất bản với hình thức in giấy hay sách điện tử đã cố định (sách điện tử phải có bản vi tính gốc của chính tác giả để đối chiếu). Đặt ra đối tượng nghiên cứu là con người nhà văn (chính xác hơn là nhà văn chương, bao gồm nhà thơ, nhà lí luận - phê bình văn học) cùng lao động nhà văn chương hiện đại - hiện thời, như GS. Nguyễn Đăng Mạnh, thì chỉ chuốc khốn khổ vào thân. Sợ lắm. Sợ lắm.
Thế mới biết, ở nước ta, nhà văn chương có chức sắc, chức quyền (chính trị, tôn giáo) hay chỉ là nhà văn chương phó thường dân đều không chấp nhận khoa học, không có tinh thần khoa học, đối với trường phái xác lập đối tượng nghiên cứu là con người nhà văn, gồm cả đối tượng nghiên cứu là loại hình lao động văn nghệ - học thuật hiện đại - hiện thời, chỉ muốn và chỉ thích loại khoa học ấy ở dạng nửa vời với "một nửa sự thật" [*].
Bắt chước người xưa, đành buông ra lời cảm thán: Buồn thay!
Vâng, buồn thay! ...
Tuy vậy, đây là lời kiên quyết của tôi: KHÔNG BAO GIỜ DÁM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ CON NGƯỜI NHÀ VĂN CHƯƠNG, VỀ LAO ĐỘNG VĂ NGHỆ -- HỌC THUẬT, HIỆN ĐẠI - HIỆN THỜI.
Xin yên tâm.
Thật ra, nghiên cứu con người nhà văn chương cùng lao động cầm bút của họ là một trường phái nghiên cứu rất cần thiết, ngoài việc bổ trợ cho các trường phái nghiên cứu khác, như nghiên cứu chủ yếu trên văn bản chẳng hạn, còn giúp cho nhà văn chương được chứng thực về quyền sở hữu trí tuệ đích thực, trong giai đoạn hiện nay. Chắc chắn với tác dụng tích cực về khía cạnh bản quyền này, nhà văn chương nào cũng muốn, trong đó có tôi.
Trần Xuân An (WebTgTXA.)
10:44, 17-15 HB8 (Bài này đã được TXA. sửa chữa vào lúc 8 - 9:45', 14:22' & 19:23', ngày 19-12 HB8)[*] Chú thích thêm vào ngày 18-12 HB8 (2008): Tôi chỉ nói đến lượng thông tin trong "Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh". Về sắc thái biểu cảm của câu chữ trong hồi kí ấy, có nhiều người đã phê phán ("tiểu khí..."). Chính sắc thái tiểu khí ấy cũng đã khiến cho giá trị khách quan, khoa học của những lượng thông tin bị giảm sút. Nhưng GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã lên tiếng trên một đài phát thanh ngoại quốc là ông chưa công bố; bản "bị" lưu hành trên mạng là ngoài ý muốn của ông! (Có thể đó là một cách nói khi "tung bóng thăm dò"?). Do đó, cuối cùng, phải chờ bản công bố chính thức sau khi cắt bỏ, bổ sung, sửa chữa của GS. Nguyễn Đăng Mạnh, mới có thể có cơ sở chính đáng để nhận định...
Chú thích thêm vào ngày 19-12 HB8 (2008): Xin nhấn mạnh một lần nữa: Đối với những trang ghi-chép-nghiên-cứu về các nhà văn chương (và một họa sĩ) của cá nhân GS. Nguyễn Đăng Mạnh, chúng chỉ thực sự có giá trị tư liệu một khi đã được công bố tạm thời, và bản thân ông hay các tòa soạn đón nhận các phản hồi, xác minh, tự phản tỉnh của chính những người được đề cập đến hoặc thân nhân, bạn bè (đối với người quá cố), để rồi được tự tay ông chỉnh lí (cắt bỏ, bổ sung, sửa chữa). Bằng không, chúng sẽ trở thành một loại văn bản gây nhiễu, nguy hiểm, ngụy khoa học. Thiết tưởng cũng cần phân loại rõ hơn: Những ghi-chép-nghiên-cứu của cá nhân về người quá cố đã lâu hoặc loại văn bản như vậy được cá nhân ghi chép khi người được đề cập còn sống nhưng công bố sau khi người ấy chết, cho dù có phản hồi của thân nhân, bạn bè đương sự, vẫn không có nhiều giá trị lắm, thực chất vẫn đáng ngờ.
THƯỞNG NGOẠN, HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU VĂN CHƯƠNG LÀ ĐỂ CÙNG NHÀ CẦM BÚT CHÂN CHÍNH VƯƠN TỚI CHÂN THIỆN MĨ VÀ CÙNG NHẮC NHAU LUÔN LUÔN NUÔI DƯỠNG KHÁT VỌNG VƯƠN TỚI ẤY. TRONG CHIỀU HƯỚNG ĐÓ, MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ MỖI NGAøY MỘT TIẾN GẦN ĐẾN CHÂN THIỆN MĨ HƠN. BẢN THÂN NHÀ CẦM BÚT KHÔNG PHẢI LÀ HIỆN THÂN CỦA CHÂN THIỆN MĨ.
Trần Xuân An, 19-12 HB8 Quận Tân Bình - T.P. HCM
[ Trở Về ]