Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]            [ Tác giả ]


 
Giao lưu với những người viết trẻ tuổi tại Lâm Đồng (*)
___________

Trần Xuân An

Câu hỏi:

Đã đi một chặng đường khá dài với thơ, tại sao ông lại bước vào địa hạt tiểu thuyết, rồi lại dấn sâu hơn vào vùng đất nhiều người ghé thăm, ít người trụ lại là sử học?

Phải chăng ông cho rằng: sử học chính là phương thuốc chính, đặc hiệu để chữa lành những vết thương chiến tranh và hậu chiến?

Trả lời:

Hai câu hỏi nhưng thực chất cũng chỉ là một mà người bạn viết trẻ vừa nêu ra đã khiến tôi phải nói lời cảm ơn bạn, vì tôi nghĩ, ít nhiều bạn cũng đã đọc được những tác phẩm của tôi, về sáng tác cũng như khảo cứu. Xin tách ra làm ba điểm chính:

1/ Thơ là tiếng nói kết tinh đồng thời là những phát ngôn mà chủ thể của chúng chính là cái tôi trữ tình của người làm thơ. Là tiếng nói kết tinh, nên không nhiều (so với số trang văn xuôi) và không thường xuyên; do đó không thể có nhà thơ chuyên nghiệp (hiểu định ngữ "chuyên nghiệp" theo kiểu "tám giờ vàng ngọc" cho mỗi ngày) (**). Là phát ngôn nghệ thuật của cái tôi trữ tình, thơ dẫu viết về những gì khách quan nhất vẫn nhuốm đượm nét chủ quan.

Người đọc thơ, tuyệt vời nhất, phải là người đồng thanh, đồng khí, bởi viø thơ là kết tinh, nói ít hiểu nhiều, gợi nhẹ cảm sâu. Tôi lại muốn trải bày với số đông. Để đến cùng đông đảo người đọc với ý thức tự trải lòng mình ra, tôi chuyển những tâm cảm thơ thành tiểu thuyết; tuy chưa chuyển hết tất cả nhưng cũng được một phần lớn những tâm cảm ấy. Và với tiểu thuyết, tôi có thể nói tôi là người viết chuyên nghiệp, dành trọn vẹn thời gian cho những trang viết.

Viết tiểu thuyết, người đọc có thể thấy tác giả khách quan hơn; và chính tác giả cũng cố tình khách quan hoá bản thân trong trường hợp tác giả chính là một trong các nhân vật của tác phẩm mình (khách quan hoá trong chừng mực nào đó, có thể).

2/ Theo tôi, sử học không phải là địa hạt nhiều người ghé qua, ít người trụ lại. Tôi chỉ đồng ý là so với văn học nghệ thuật, sử học ít người hơn. Để chứng minh cho điều này, ta có thể thấy là hiện nay hầu hết các tỉnh thành đều đã thành lập hội khoa học lịch sử, mặc dù số người sưu tầm, khảo cứu ở mỗi hội không nhiều.

Tôi bước vào lĩnh vực sử học là bởi những thôi thúc bên trong của bản thân trước các vấn nạn sử học của dân tộc Việt Nam chúng ta, đặc biệt là trong giai đoạn cận - hiện đại (1858 - 1975...). Nói rõ ra là không thể không hiểu sâu thời mình sống, cụ thể là các thời đoạn cuối và sau cuộc chiến tranh 117 năm (hay 131 năm), tôi phải nghiên cứu lịch sử trong giới hạn đó.

Một nguyên nhân khác, đó là nhu cầu của một hậu duệ: minh oan cho cụ Tổ của mình, một cách khách quan, khoa học. Tôi thông qua việc khảo cứu một nhân vật lịch sử để tái hiện lại giai đoạn lịch sử nửa sau thế kỉ XIX (1858 -1885/1886). Từ đó, tôi cho rằng tôi đã có thể hiểu giai đoạn sau của cuộc chiến tranh 117 hay 131 năm (1885 - 1945 - 1975...).

Nói một cách vắn tắt: Con sông Bến Hải (Vĩ tuyến 17) không phải chỉ trở thành giới tuyến - vết thương của đất nước từ 1954 đến 1975, mà nó đã bắt đầu hiện hữu từ khi người châu Âu sang truyền đạo Thiên Chúa cùng một lượt với sự tác quái của chủ nghĩa thực dân Phương Tây (từ thế kỉ XVI).

3/ Tôi khẳng định khoa học lịch sử trong chiến tranh không được khách quan. Người Pháp, người Hoa, người Mỹ, người Nhật... và cả giới sử học của chúng ta (Đàng Trong, Đàng Ngoài; Miền Nam, Miền Bắc; quốc nội, hải ngoại) (***) không khách quan, theo lập trường của mỗi phía. Nó là một trong những tác nhân làm trầm trọng thêm vết thương chiến tranh và hậu chiến. Nhưng cũng chỉ chính sử học mới là phương thuốc đặc hiệu nhất để chữa khỏi vết thương ấy. Vấn đề là trả lại đặc tính khách quan, khoa học cho sử học.

Tôi nghĩ người cầm bút sáng tác văn chương, nghệ thuật cần có một nền tảng sử học vững chắc và sâu, thật sâu, để cảm xúc, tư tưởng không sai lạc, nhằm có những hình tượng chân thật, có giá trị khách quan, đầy sức thuyết phục. Đó là thần dược để chữa lành những vết thương chiến tranh và hậu chiến (cũng để tầm vóc và thực chất chiến thắng thêm lớn lao, sâu thẳm). Trong chiều hướng đó, mỗi người bên này hay bên kia giới tuyến 17 (1954 - 1975) sẽ gần nhau hơn, đoàn kết vững bền hơn: vững bền trên nền tảng SỰ THẬT LỊCH SỬ.

Trần Xuân An
Lúc 05:, ngày 11.9 HB8
Viết tại Nhà Sáng tác Đà Lạt


(*) Rất tiếc là cuộc giao lưu chỉ được thực hiện một phần ba (5/15 hội viên - trại viên).

(**) Nếu hiểu cho thật chặt chẽ theo danh từ là như vậy; tuy nhiên, trong thực tế, các nhà thơ làm bất cứ việc gì cũng chỉ để làm thơ, vẫn là những nhà thơ chuyên nghiệp.

(***) Có bổ sung thêm cho đầy đủ so với bản đã nộp cho ban tổ chức (22 & 23-9 HB8).



Trở Về  ]