Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ] [ Tác
giả ]
|
|
1*
Thành phố X nổi tiếng về nhiều mặt, kể luôn cả văn hoá khoa bảng. Cũng không lạ khi con số học vị tiến sĩ đặc biệt lớn ở đây. Tiến sĩ Y một trong số lượng đại trà này. Hôm kia, nhà khoa bảng đang ngồi làm việc sau mấy giàn sách cao nghệu, bỗng bực mình vì lũ trẻ ngoài hiên quá rộn. Chúng nổi lên tranh cãi nhau, có cả ấm ức tru tréo kèm theo. Đứa còn dám to gan mở cửa sổ phòng bố làm việc, thò đầu nhìn ngó láo liên. "Thôi, lờ đi. Mackeno ! Kiên nhẫn cho xong". Tiến sĩ tự nhủ. Lát sau chừng có người nhỏ giọng khuyên bảo gì chúng mới chịu yên cho. Ai đấy nhỉ? Tiếng một lão già xa lạ. Đóng laptop, bỏ giấy tờ vào cặp xong tiến sĩ Y xoay nắm cửa bước ra ngoài với sắc mặt hằm hằm. Thằng anh sợ hãi gãi gãi đầu nhìn bố: -Bé Tuệ đấy ạ... Đã bảo nhiều lần không được ồn khi bố soạn luận án mà nó cứ náo lên. -Thế vì sao em rấm rức? Nói mau thằng to đầu kia. Đứa em gái xụ mặt: -Anh Trí tát con. Đừng chối. Nói bị thua...Rồi tát. Ông bố tức lộn ruột nhưng vẫn phải phán quyết: -Được...Cứ ổn định. Bố nghe đã. Nói xem cãi cọ cái gì? Thế là chúng tranh nhau kể. Tiến sĩ Y nổi nóng: -Vớ vẩn, toàn chuyện phi khoa học, vô căn cứ. Đứa lớp tám, đứa lớp bảy thế đấy hả chúng mày? Logic để đâu? Nghe vậy, thằng Trí nhìn mặt bố, đoán là đồng minh, khuỳnh tay mắng át em ngay: -Là con đã bảo y như bố... Khoa học thì là thấy rồi mới được nói có. Còn không bao giờ thấy thì đừng nói có. Thế... Nó còn hỗn, đã không ra con nhà khoa học lại dám nói con dốt. Bố lừ mắt: -Trí, Tuệ con nhà này cả hai đều có tội nhé. Anh ưa dùng bạo lực trấn áp. Em nói thiếu khoa học, lại hỗn. Mỗi đứa đều bị phạt 3 chổi lông gà. Thằng anh trước, đứa em sau... Không tha được tội gây mất trật tự trong giờ cao điểm tư duy của bố. Chúng mày cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Cu Trí không khiếu nại còn nhơn nhơn vì biết bố phết mạnh nhưng chổi lông gà đã qua tay nó, có phù phép trước rồi. Bé Tuệ non cơ hơn chưa gì đã khóc, phụng má: -Thế ông đi xin vừa giảng cho đấy... Thì sao hở? Có nói ra không? Nói đi... Tiến sĩ Y lạ lùng dừng chổi lông gà, chợt nhớ ra: -Ham cãi nhau để ông ăn xin lần được vào nhà đấy phỏng? Thì ra, có lão già mang cái bị nhỏ vào sân. Lạ, lão cũng chả xin cơm nước, tiền bạc gì. Xua xua tay cảm ơn, lão cứ đứng nhìn cây chanh ở đầu sân cười mãi... Nghe chúng cãi nhau liên tu, lại ưa nói toàn những câu chữ luận án, khoa học, logic này nọ quá buồn cười. Thuận tay banh cửa sổ ngó vào trong xem thử thấy ông bố bệ vệ đang ngồi xoay lưng làm việc, lão già lạ liền gật gù nhỏ giọng: -Đừng ồn, sẽ góp ý giúp các cháu. Không khó, chỉ xin ít lá chanh là tốt. Lão đi ngay. Tiến sĩ Y tò mò quên hình phạt, buông ngay chổi lông gà: -Mất cảnh giác. Nhỡ người gian thì khốn Trí, Tuệ ạ. Tốt nhất, đừng có nghe ai hết. Nhưng mà...Cái lão vớ vẩn ấy giúp ý kiến gì? Nói nghe thử. -Ông ấy giảng... Không phải như anh cu Trí nói cứ hễ mắt ta thấy thì là đều có tất. Lại bảo, cũng đừng vì không bao giờ thấy mà vội bảo là không. Phải không bố? Bé Tuệ thấy bố chỉ ậm ừ chưa nói gì liền nhanh nhẩu mách tiếp: -Ông còn ví dụ làm anh cu Trí nói "hay quá" cơ đấy. Cu Trí tiu nghỉu cãi lại: -Nhưng tao chỉ nói... nhỏ nhỏ trong mồm, không tru tréo lên như mày. -Cứ lộn xộn mãi. Khai báo tiếp đi. -Ông ấy hỏi... Con mắt chính mình có bao giờ thấy cụ tổ 18 đời trước đâu? Nhưng đừng vì mắt không thấy lại bảo không có cụ tổ nào... Đằng khác, ảo ảnh thị giác như khi ngón tay ấn vào tròng mắt chẳng hạn... Liền thấy 1 bố hoá ra thành 2 bố trước mặt. Tuy mắt thấy rành rành bố thứ hai nhé. Cứ là không có thực bố ấy đâu đấy. Thế, đừng vì mắt đang thấy hay không thấy cái gì đó, đã vội vã căn cứ để nói có hoặc không. Cũng là hiểu biết đấy, nhưng chỉ biết một mà chẳng biết mười. Theo cái kinh điển gì gì... Ông đi xin kêu cái biết như thế cứ gọi là vô minh, là huyễn giả, chỉ có hại cho đời. Con bé kể đến đây lấy làm đắc ý nhắm chừng bố không còn kết tội "thiếu khoa học" như thằng anh lên án. Nó đứng xa cái chổi lông gà, mắt ngước nhìn chờ kết quả. Quả nhiên hồi lâu nghe phán quyết lại rằng: -Tốt, triết học đến thế mà copy lại rất quán triệt. Bố tha chổi lông gà. Bé Tuệ có trí nhớ ưu việt đấy, nhưng sơ suất không chú ý tới tên nguồn tài liệu ở đâu ra. Cái Kinh... Kinh sách ấy tên là gì thì mới quý hơn chứ. Đầu tiên phải nhớ nằm lòng điều này con ạ. Con bé cười hi hi nhìn thằng anh đang đau khổ vì cứ tưởng bố là đồng minh. Tức quá, cu Trí định bảo: -Thế mọi ngày vẫn dạy con là thế, sao bây giờ bố... Chợt nó giật mình vì tiến sĩ Y vừa ôm cặp phóng xe ra khỏi cổng, trước khi rồ ga còn nói to: -Bố đến nhà tiến sĩ Z, cuộc hội thảo quan trọng không từ chối được. Bảo mẹ đi làm về không cần đợi cơm. Ăn trước nhé. 2* Cuộc hội thảo nhanh chóng kết thúc tại tư gia tiến sĩ Z. Phu nhân tiến sĩ chủ nhà bước vào duyên dáng nói về thông tin không kém phần quan trọng: -Xin các tiến sĩ cho chừng 30 phút nữa thì hoàn tất. Hôm nay đặc biệt quý vị sẽ thưởng thức một món quê hương không thể nào chê được. Mọi người dẹp xong các bảo bối tuỳ thân qua một bên, chừa khoảng trống ở giữa và, trong lúc háo hức chờ đợi...Rượu xịn, chai Black & White được triển khai trước một vòng để tạo hứng. Tiến sĩ Z chủ nhà mỉm cười khoát tay: -Một trong những vận dụng khoa học là dự đoán. Vâng, quý vị tiến sĩ vẫn có thể làm việc mà chẳng cần rời ghế dựa... Thứ mùi ngào ngạt bốc lên từ nhà bếp mà quý vị vừa nhận ra, là một trong những dữ kiện được cung cấp từ trước nhé. Với tiền đề này, tha hồ các nhà khoa học chúng ta có quyền lập trình nhằm đưa ra vô vàn giả thuyết khoa học... Món ăn gì đang tới? Quá trình vận động tạo tác ra làm sao? Đó mới là vấn đề. Chuyện thường ngày nhưng chả khi nào là không làm ta lý thú. Tiêu khiển nâng cao tư duy loại này cứ vẫn là dạng quen thuộc nhất đối với chúng ta. Xin mời... Chư vị tiến sĩ ồn ào hẳn lên. Sau rốt, là kết luận đóng đinh: -Đồng quê bao la vốn không thể nói đủ...Bao nhiêu sản phẩm tuyệt vời? Song chắc rằng, cái gì đấy đang được nướng qua than và hẳn phải có phụ gia... là bưởi, hay lá chanh gì đó. Giả thuyết mang giá trị tập thể và đương nhiên được đánh giá cao hơn hết. Trong khi người phục vụ lo bưng lên bày biện, tiến sĩ Z vỗ tay tán dương ngay: -Vâng, cá trê đồng nướng với lá chanh non, chấm nước mắm tẩm gừng giã nhuyễn. Lưu ý, đính kèm có cả khế chua và chuối chát... Đây, cái đĩa sứ lớn bày tám con trê đồng màu đen tuyền để nguyên râu không cháy rụi nhé. Thế, mới đúng là "Ô long triều bát hướng" Ẩm thực chân truyền từ xứ Huế. Đặc biệt ghi dấu một thời vang bóng của ông bác họ vào miền nam chiến đấu. -Tuyệt vời! Lại không làm mất quan điểm... Mọi người cùng ồ lên thích thú. Phu nhân tiến sĩ Z vẫn không quên phụ lục cho cái menu độc đáo nhà mình: -Ông bác họ nhà
em từ quê lên, xách biếu. Tưởng đơn giản hoá ra không dễ.
Bác đi quanh xem thành phố, luôn tiện tìm gia vị gì đấy
tưởng dễ như dưới quê nên chả cầm theo. Khổ bác, cả
buổi sáng đến gần trưa mới về bảo quạt than lên nướng.
Lại lôi ra cái bị lá chanh. Cầu kỳ phải biết, đích thân
chọn than rồi quạt lửa, áp lá như thế nào nữa đấy...
Ôi thôi.
-Thế bác đâu? Mời vào ngay không đàn em thất lễ. Phu nhân chủ nhà lắc đầu cười: -Chả sao, bác ấy vừa ra xe để về. Bảo lo cho đàn trâu đợt rét mà nhà đài vừa mới loan báo sáng nay... Vất vả lắm. Bác đã nói chả bù thời trai trẻ hoạt động tình báo ở nội thành, thế mà nhàn. Cứ quanh năm suốt tháng đọc sách, xem báo ở các đô thị miền nam nhiều đến nổi mắt sinh ra cận thị... Tiến sĩ Y bần thần hồi lâu: -Lá chanh ư? Mà bác ấy chức vụ gì dưới làng xã thế nhỉ? Tiến sĩ Z cười hô hố vỗ vai bạn: -Thì là làm ruộng, lội bùn tát cá. Cả đời cong lưng đi cắt cỏ nuôi gia súc... Ít bằng cấp thì phải chịu vất vả, có cái chức quyền gì. Ậy, bác ta bây giờ chỉ toàn đọc các kinh sách lạc hậu... Có khi ngồi ngất nghểu thổi sáo trên lưng trâu gọi là tiêu khiển chân quê. Mà này, dạng câu hỏi của tiến sĩ Y thì là cần dự đoán khoa học gì nữa... Rõ như ban ngày chứ lị. Thôi nhé, kính mời quý vị tiến sĩ cứ cầm đũa cho chắc tay. Mọi người cùng nhìn xuống, dõi theo bàn tay tiến sĩ Z đang cầm đũa nhẹ nhàng gỡ ra từng lá chanh non thơm lựng. Hiện rõ ra trước mặt quý vị tiến sĩ là tám con cá trê đồng mệnh danh "Ô long triều bát hướng" đầu lép kẹp đang vênh râu, uốn mình linh động. Rồng thì có mây, chính là những đám gừng giã nhuyễn được tẩm lên rất công phu. Vinh dự thật! Qua văn hoá ẩm thực cố đô, loại cá vốn đen điu chui lủi dưới bùn sâu, nhoáng cái...Lập tức hoá rồng, ngự toàn chỗ huy hoàng bệ vệ. Tám con trê đồng xoay đầu trấn thủ đủ 8 phương... Ứng với Bát quái kinh Dịch: càn-khảm-cấn-chấn-tốn-ly-khôn-đoài. Các kí hiệu chỉ định cho phương vị: tây bắc, chính bắc, đông bắc, chánh đông, đông nam, chánh nam, tây nam, và chánh tây. Giữa đĩa gọi là trung cung nơi dành riêng cho chuối chát, khế chua thái mỏng. Ớt thì được cắm ngược quả, xoè tròn ra thành hình cái tán rực rỡ, bắt mắt xây quanh. Thế, Đồ hình Bát quái Cửu cung... Tám phương vị chia đểu chung quanh cộng với trung cung nằm giữa là chín. Hệ quy chiếu từ văn minh cổ Á đông được vận dụng vi diệu, nghệ thuật vô cùng. Cũng không lạ khi quý vị tiến sĩ đầy chữ nghĩa kể cả chủ nhà, chả ai tỏ ra quan tâm đến ý nghĩa của tên gọi món ăn hấp dẫn này. Chỉ là tiểu tiết chăng? Mặc dù ai nấy đều rất hiểu, là mới tai nghe mắt thấy lần đầu. Tất nhiên động
não trong khi ăn cũng là phi khoa học. Tiến sĩ Q hạ câu đúc
kết nhanh gọn trước khi cụng ly nhau chan chát: "Dĩ thực vi
tiên! Dĩ yên vi phước!".*
|
___________________________ |
(*) Lấy cái ăn chú trọng trước hết. Coi là phước miễn được yên thân. |
|