Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
Thơ & Thơ Huế
đôi điều về dòng thơ mặc thị
Trần Hạ Tháp
Thơ như một biệt cảm, một ân ban vô giá vẫn tiếp tục góp phần làm phát quang xứ Huế.Từ "Thần kinh nhị thập cảnh" của Thiệu Trị tới Hàn Mặc Tử với "Đây thôn Vĩ Dạ", tiếp tụcnhững danh tác của bao tác giả nổi danh khác chưa liệt kê đầy đủ...Gần đây, ấn tượng "Tạm biệt Huế" của Thu Bồn chẳng hạn. Có thể thấy biệt cảm ấy dần đã trở nên truyền thống. Đấy là điều chừng như chẳng phải luận bàn. Song, thế nào là thơ Huế? Tưởng câu chuyện vẫn cứ còn trong cuộc mông lung. Nhiều nhà cao đàm khoát luận hốt nhiên đặt vấn đề. Một câu hỏi, thực ra trước đây chưa hề quan trọng hoá bao giờ.

Là thơ bất kỳ ai, ở đâu miễn là về Huế? Hay ngược lại, không cứ nhất thiết về Huế nhưng riêng cho thơ ai ở Huế làm ra? Rồi thì - chưa hết - thơ Huế là thơ tác giả gốc Huế? Hay chỉ cần tác giả thơ về Huế ấy từng sống và sáng tác ở đây, đủ gọi là thơ Huế? Cái gì chân xác trong mớ bòng bong nầy? Ngày mai, liệu chừng sự chân xác nào đó sẽ không còn gây tranh cãi? Và tranh cãi thế nào - tránh xúc phạm hồn thơ - vinh danh thêm cho mệnh thơ xứ Huế.

Với tôi thơ Huế - giản dị hơn, không sa đà bàn luận - là thơ của bất kỳ ai, ở đâu, khi nào - không lý đến gốc gác, địa phương, thời điểm sáng tác - chỉ miễn sao có đề tài về Huế. Hoặc thơ - bất cứ đề tài nào - có tác giả là người gốc Huế.

Tất nhiên, thơ Huế chả riêng gì cho Huế hay một thời đại nào. Với tác giả gốc Huế, do đã là thơ chẳng lẽ tác phẩm chỉ đề tài về Huế? Và chả với đề tài về Huế thì họ vẫn là người thơ của xứ sở, nếu quả thật xứng đáng (kể cả ngoài hay trong các hội chuyên ngành). Tóm lại, khái niệm thơ Huế không thể bó hẹp nhưng nên rõ ràng, nhằm tránh hiểu lầm vô bổ.

Không kể đã được cơ quan, đoàn thể nào thụ phong "tước hiệu" nhà thơ hay chưa, tôi cứ gọi chung các tác giả thơ Huế ở đây do tôn trọng chung. Không vì đời nay mà vô lễ với người xưa (như Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương...) đều cùng một tư cách những kẻ làm thơ. Có thể trong đời chư vị không biết tới một hội tịchnhà thơ nào cả, song chắc chắn họ và nhiều người khác nữa, không chỉ là nhà thơ một thời, họ đích thực những Nhà thơ muôn thuở.

Thử xem ngay một chữ Thơ, đâu đã định nghĩa nhất quán để cổ kim nhân loại hết thảy phải gật đầu? Quả thực thi ca đang từng giây từng phút hoàn thiện cho tới khi không còn bóng con người trên địa cầu nầy nữa. Thi ca là một cái gì - tuyệt nhiên - chưa bao giờ hoàn tất, chưa bao giờ xong việc để bất kỳ ai có thể đúc kết nhằm định ra khuôn vàng thước ngọc. Hoạ chăng thứ khuôn vàng thước ngọc riêng cho mỗi trường phái, mỗi giai đoạn, mỗi loại thi pháp đã hoàn thành, đã xong phần cục bộ riêng cho trường phái, giai đoạn ấy - như các lát cắt - trong tổng thể h ành trình vô tận của thi ca. Vâng, nói chung mọi ngành nghệ thuật, không riêng gì thi ca.

Có thể cùng đề tài song được sáng tác, thể hiện lần lượt qua rất nhiều trường phái, thi pháp khác nhau hẳn là vinh dự nói lên sự giàu có của đề tài loại ấy. Tôi muốn nhấn mạnh đến phương diện đặc biệt nầy.Huế - nói chung - là trong số đề tài muôn thuở luôn cho thấy khả năng mời gọi các sáng tác nghệ thuật. Một đài thơ, đài nghệ thuật hội tụ, tôn vinh đủ mặt các văn nghệ sĩ, thi nhân.

Ai định đoạt thế nào, cuối cùng thơ cứ vẫn là thơ. Hơn hết, nếu phải cần bận trí phân chia - hết sức thực tế - chỉ ba thứ: Thơ hay, thơ dở, và loại thơ phi-âm-phi-dương, bi tròn, nhàn nhạt. Bất chấp các tham vọng rất-không-thơ tìm cách lèo lái thuyền thơ theo chủ kiến riêng mình - rồi một cách công bằng - sau hết, vẫn còn dòng thời gian phán xét. Thưa, dù muốn hay không phán xét ấy vẫn cứ có độ khách quan tối hậu không thời đại, tư tưởng, quan niệm, trường phái riêng nào cầm chịch nổi. Một cách khác, thời gian là chân lý của mọi chân lý, kể luôn cả "chân lý thơ " nếu có...

Vì thế, thơ dung chứa vô hạn chứ không hề hữu hạn theo chấp kiến, giới hạn riêng ở một bến bờ - thời đại, không gian, tư tưởng hay trường phái, cung cách - nào cả. Thơ vượt thoát khỏi trói buộc khắt nghiệt hoặc ngay cả các quyến rũ thăng hoa trong chỉ một đời người ngắn hạn. Tất cả các thứ ảnh hưởng ấy - vốn rất thường tình và thường phàm - không đủ mức quán xuyến nhằm đo đạt giá trị thơ vĩnh cửu. Chưa nói tới nhầm lẫn - lắm khi cố tình - giữa sáng tác với vận dụng sáng tác hai chuyện khác nhau xa. Với chủ tâm vận dụng, ắt sáng tác thơ rơi rụng vào gia tài hữu hạn - kém hơn, chỉ phân đoạn - một đời người, điều mà khi làm thơ đúng nghĩa hẳn ai nấy đều đãng trí, lãng quên.

Chuyện làm thơ...Và thơ đi vào vĩnh cửu luôn khác nhau trời, vực. Nên tự hỏi, không lợi thế tuyển tập và chả giấy bút ấn in, lưu chiểu... Tại sao lắm câu hò của người mẹ Việt đời này qua đời khác, vẫn lưu truyền hậu thế? Tuy không thể tìm ra người chủ xướng tuyên ngôn song có thể gọi ca dao truyền khẩu là trường phái Thơ-vô-danh trên đất Việt. Không lập trình mà tồn tại nhi nhiên. Chẳng kích cầu, không chủ động vẫn trầm tích trong lòng nhân thế.

Người ta vẫn hay nói về thơ rất trịnh trọng "Thơ là cứu rỗi". Song cứu rỗi thế nào? Vô hạn vượt thời gian hay chỉ cẩu hợp qua cuộc chơi giữa mệnh đời ngắn hạn? Phải chăng, chỉ đáng gọi cứu rỗi khi mệnh thơ của một tác giả - qua thời gian ấn chứng - sống lâu dài hơn so với mệnh đời chính họ. Mệnh đời chỉ hữu hạn trăm năm. Mệnh thơ khác hẳn, khi trường thọ khi lại sớm yểu vong nhanh hơn cả mệnh đời. Là lúc thơ-đã-chết-khi-con-người-còn-sống.

Người cỡ như Nguyễn Du vẫn bâng khuâng tự hỏi "Bất tri tam bách dư niên hậu.Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" Không rõ ba trăm năm sau ai còn nhớ đến ông chăng ? Tố Như chỉ dám nghĩ mệnh thơ ông thật có dài hơn mệnh đời chừng ấy. Ông đã rất khiêm nhường - không cao vọng, đại ngôn - khi chưa từng ước mơ thơ ông sẽ trở thành bất tử. Càng đáng phục hơn, khi chấm dứt Truyện Kiều, tự mình đánh giá lại tài năng, khả năng truyền cảm chỉ là "Lời quê chắp nhặt dông dài. Mua vui cũng được một vài trống canh".

Trở lại với thơ Huế, xin không nói thêm về những điều đã biết, những cung cách thơ đã có chỗ trên chiếu ngồi đương đại. Nên chăng, thêm chút lập ngôn về những tác giả thơ người Huế - đặc biệt song không hề dị biệt - những kẻ làm thơ theo cung cách mặc nhiên, đầy thầm lặng.Viết xong hoặc chưa xong, khi vài ba đoạn một bài thơ bỏ ngõ...Đủ để bằng hữu ngồi nghe, không tung hứng chê khen, chẳng câu chấp danh huyễn. Thẩm thấu, rung cảm đích thực mới là điều đáng kể nơi đây. Không điệu đà, lập dị.

Có thể đâu đó tình cờ ở một góc quán cà phê, nơi vĩa hè, bên các bia mộ nghĩa trang, hoặc ngay cả trong cuộc giỗ bằng hữu đã qua đời...Viết - đọc với họ không ngại ngần sửa soạn. Vì thế, thơ tự nhiên đã bao hàm gặp gỡ. Vâng, gặp gỡ ngẫu nhiên giữa thơ và người làm thơ, không lập trình tâm lý. Họ làm thơ nhiều hơn - bị hoặc được - thơ làm. Viết ngay, đọc liền. Không đắn đo, không dịch chuyển tâm tư để hết sức tôn trọng thơ, tôn trọng cả chính mình phút giây ngẫu hứng.

Để rồi, một cách hết sức tự nhiên, lãng quên bài thơ như lột bỏ một tờ lịch cũ. Tôn trọng, nhưng không bận rộn chắt chiu thơ y như thứ trang sức riêng quý hiếm. Họ không cao vọng gia nhập hội chuyên ngành nào, song chả vì thế xa cách anh em. Lắm khi nghe xong, có ai lấy cất đi. Thời gian sau đôi bài thơ hiện hình trên tạp chí, ngay tác giả cũng chẳng hề hay biết. Thật tình họ chẳng mấy quan tâm đăng báo, in tập như ý muốn nhiều người. Bằng hữu thắc mắc rồi vỡ lẽ, quan niệm riêng cũng cần nên tôn trọng.

Ngần ấy, cảnh-giới-thơ của họ như một thị hiện trầm mặc bên muôn vàn thể hiện minh thị, sôi động khác của thi ca (qua tạp chí, thi tập, ký tặng xuất bản phẩm hoặc giấy mời, tổ chức đêm thơ...) Tôi tạm gọi đây là cung cách thơ mặc thị. Diễn đàn đơn giản những người nghe-thơ-bằng-hữu. Là cảm nhận nóng sốt, tại chỗ chẳng qua nghi thức hâm nóng, lăng xê. Đây quả thực không là thơ "tốc ký tặng nhau" như kiểu phóng bút vách tường, tao ngộ đề thơ thường thấy.

Tuổi trên dưới năm mươi. Đời thường, họ có nghề nghiệp khác nhau song đều là những trí thức, chuyên gia. Về ngoại ngữ và viễn thông như Đinh Thu, tin học cao cấp như Lê Huỳnh Lâm, hoặc Phan Đạo với hán văn, đông phương học. Vâng, đơn cử đôi ba bài thơ mà người viết tự cho phép sưu tầm, "thu giữ". Ngăn kéo, gầm bàn, ngay trong túi quần "đương sự" là những tờ rời hỗn mang chưa bao giờ xếp cất phẳng phiu, trắng trẻo...Không sao, tin rằng các tác giả cũng sẽ chỉ mỉm cười thông qua khi thấy tôi "vi cảnh"... Họ viết gì? Đọc gì?

Tên một ngôi làng Huế - Phước Tích - hơn năm trăm năm lịch sử. Cây thị già và chiếc lò gạch cổ, di tích làng nghề còn lại của một thời vang bóng xa xăm. Sự trống vắng đìu hiu, thấp thoáng bóng các mệ già còn lẫn khuất sau cửa rêu, loang lỡ. Người trẻ tha phương cầu thực ở nơi nào? Bến đò cũ lặng lẽ bao mùa nghe con nước xuống lên...

Những ngôi nhà rường u uất bên dòng sông quằn quại nỗi lòng. Tiếng mối mọt bàng hoàng qua không gian tĩnh lặng. Nơi đây, cuộc chiến không cân sức giữa vĩnh cửu với khắc nghiệt thời gian và thăng trầm thế sự. Một trong số ít làng tiêu biểu, đẹp nhất tương đối còn nét Huế cổ, hồn xưa.

Đinh Thu đến và viết trong hắt hiu trường canh "Đêm Phước Tích". Kỳ lạ, bài thơ dài nhưng tưởng chưa nói đủ như lòng... Giọng đọc "bốc" cơ hồ còn để người khuất mặt nghe sau lớp cửa bàn khoa.

Đêm Phước Tích rót vào cổ tích
Xin nâng ly cung thỉnh người xưa
Nghe mối mọt nghiến răng hiểm ác
Côn trùng tụng niệm khúc hoang sơ
Đêm Phước Tích - thời gian hoá gỗ
Những đường cong lãng mạn tổ tiên
Bàn tay nào mồ hôi vuốt bóng
Mắt nhìn chếnh choáng nét thiêng liêng
Mấy trăm năm tối đèn tắt lửa
Tươi ngời ngời màu gạch lò hoang
Đời cháy mãi dẫu không ngọn khói
Ảo ảnh chập chờn dấu rêu loang
Sông trôi giữa hai bờ sống - chết
Những tượng đồng cựa quậy tay chân
Trần truồng lặn hụp đêm huyền thoại
Trăng dát vàng lấp loáng mông lung
Nhớ quá bến sông xưa nhìn trộm
Nhánh rong vương tóc ướt dậy thì
Bãi cỏ nụ hôn rơi thuở trước
Ai cúi tìm mòn mõi gốc si
Rượu ngất trời - cuồng quay với đất
Vườn thênh thang chín tím bồ quân
Thầm tiếc môi thơm xa xứ hết
Con thằn lằn tặc lưỡi bâng khuâng
Nhà không người - gió xô cửa khép
Cỏ tênh tênh cao vượt đầu người
Rắn học trò khoanh bên bể cạn
Kiên nhẫn chờ nòng nọc đứt đuôi
Hàng chè tàu thẳng từ quá khứ
Đường đất quanh ôm dấu chân trần
Gốc thị già lời thề ám ảnh
Thấm vào tim mấy kiếp tình nhân
Cuộc sống cuốn người theo vạn nẽo
Mảng đời mang đau đáu hồn quê
Đêm Phước Tích chối từ phế tích
Cõi tâm linh níu áo quay về
Đêm Phước Tích chảy về cổ tích
Xin nâng ly cầu khẩn người đời
Đi thật nhẹ - đừng lên tiếng gọi
Người xưa còn quanh quất dạo chơi.
Khác với Đinh Thu - biên niên cổ tích, người đọc và nghe tự sự trước thiêng liêng - Lê Huỳnh Lâm chuyên chiêm nghiệm mỗi ngày.Thơ Lâm mang âm hao triết học phi lý A.Camus cộng với ít Tánh Không khi tỏ khi mờ. Và vì thế dễ hiểu nhầm thành bi quan, tuyệt vọng... Nhưng dưới Tướng thơ đầy bạo liệt kia , còn Tánh thơ lấp lánh căn lành.

Thiên niên kỷ mới còn tiếp tục những gì? Đọc "Tuổi thứ XXI" viết về người nhân danh nền văn minh thời đại.

Người nhân danh văn minh đã hai mốt tuổi
Mang tội tổ tông
Chưa từng ăn trái cấm
Thánh địa hơn hai ngàn năm
Đấu trường đẫm máu
Người khai sáng
Lạc loài
Giữa bùa mê vũ trụ
Người nhân danh văn minh đã hai mốt tuổi
Vào hoả ngục
Nham thạch phun từ đất
Những tiếng nổ ác cảm
Hàng triệu thi thể tan nát
Hàng triệu thi thể co quắp
Hàng triệu con người
Khuyết tật thể xác
Người nhân danh văn minh đã hai mốt tuổi
Ảo vọng chinh phục nhân loại
Bằng đức tin
Bằng nguyên tử
Bằng internet
Bằng mẫu tự La tinh
Người nhân danh văn minh đã hai mốt tuổi
Nói chuyện với họng súng
Nói chuyện với bóng đêm
Nói chuyện với con mắt vô cảm
Giết đồng loại
Viên đạn vô hình:
Ý niệm
Người nhân danh văn minh đã hai mốt tuổi
Mang trái tim
Tật nguyền bẩm sinh
Phan Đạo - giọng độc thoại về tri chứng hôn phối miền giao hoan tịnh độ - kẻ cố tạm dịch đôi câu kinh qua thi pháp căn trần. Phật pháp chú ý đến duyên đồng sự, vì thế lục bát - theo tôi - là sở đắc họ Phan.

Như ở "Hôn phối số 16" chẳng hạn. "Đêm thăm thẳm nắng" không thể tìm giữa dòng Aristoteles hoặc ngay cả thế giới Linh Tượng của Platon cũng biệt mòn tăm cá. "Thai nhi" hay Thánh thai của Đạo gia, Xá lỵ của nhà Thiền, chân khí của một Yogini là thành tựu các hành giả phương đông kết tủa. Vi diệu ấy không thể nghĩ bàn. Với hiện tượng luận, cơ cấu luận, tâm lý học, thần học... Mọi sở đắc triết học gạo cội của trời Tây đóng băng trước huyền nhiệm có thực dưới chân Himalaya, nóc nhà thế giới.

Thưa, chẳng sex cũng không có hot sentence nào dưới đây. Càng lạ xa hậu-hiện-đại. Đây chỉ là thi pháp căn trần, đơn giản tôi gọi thế.

Ngõ về chừng lớn thai nhi
Trời mai dường cũng xanh rì cỏ nâu
Ta nằm trên bụng canh thâu
Xác thân dần rạc trước sau nỗi niềm
Cũng là rượu pháo tình duyên
Trần gian mấy kẻ thấu miền nở sinh
Một ta say cuộc tự tình
Đêm thăm thẳm nắng từ mình ái ân
Hay "Hôn phối số 41" dung thông cái Một và âm thanh, sắc tướng. Ngón tay để chỉ mặt trăng. Vô minh trong thơ cũng là giới hạn, bế tắt của ngôn từ.
Nổi chìm với giọt nước trong
Máu tim chừng đã lạnh mòn màu riêng
Hiên khuya bóng lộ trăng viền
Lời vô nghĩa gọi mùa biên biếc về
Tang tình này khúc chân quê
Mời nhau tôi hát động lề phố mai
Một đôi điều về thơ và thơ Huế, về ba tác giả tiêu biểu người Huế làm thơ theo cung cách mặc thị. Chữ dòng - trong dòng thơ mặc thị - cũng chỉ là cách dùng từ tạm bợ, hốt nhiên. Với tôi, dòng nào thì cung cách ấy. Và dòng nào cũng ra biển miễn sao đừng vong yểu mệnh thơ, đừng neo đậu theo các cuộc định cư quy hoạch quanh văn chương cồn bãi... Quan trọng hơn danh tướng - chỉ như hoa trong gương, trăng mặt nước - là sáng tạo góp phần ít nhiều vào cảnh-giới-thi-ca. Saint Augustin nói câu ngụ ngôn "Tôi biết thời gian là gì, nếu đừng ai cật vấn ".
(thành nội - Huế)
Trần Hạ Tháp


 [  Trở Về  ]