Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]


 
Chuyện "thề nguyền" qua câu hò của mẹ
Trần Hạ Tháp
"Lời thề trước miễu sau đình"
"Trai vong ơn, trai mắc...Gái bạc tình, gái mang..."
Những câu hò bên bốn tao nôi và lời ru tha thiết canh trường.Hò giã gạo thức trắng đêm thanh, tiếng chày khuya rộn rã cơ hồ còn văng vẳng đâu đây. Mẹ... Dù người đã khuất núi. Và đứa bé nằm nôi, đầu xanh nay điểm bạc, vang bóng ấy vẫn chưa thôi đồng vọng giữa hồn con...

Tại sao phải thề nguyền khi chỉ là "khẩu thuyết vô bằng" ? Phải chăng kẻ đem mối chân tình trao gửi, có khi sẽ ôm hận nghìn thu. Lời nói gió bay. Thề nguyền như nắng sớm mưa trưa, như đường đi xuôi ngược hai chiều...

"Mật ngọt chết ruồi" mẹ cẩn trọng khi đem chua - ngọt - nhỏ - to từ quả cây vườn vào ngụ ngôn giao tế :

"Ra đi mẹ có dặn lòng..."
"Chanh chua mua lấy, ngọt bồng chớ ham"
Gặp gỡ, cảm xúc, vấn vương và đi đến thề nguyền để cùng nhất tâm gắn bó.Trình tự ấy thông thường giúp khẳng định được niềm tin.Và rồi sẽ chẳng có gì đáng nói, khi không ai phải lỗi đạo cùng ai :
"Cho dù đá nát vàng phai"
"Còn lời nguyền cũ đừng ai lỗi thề"
Song cũng có thể rất dễ dàng thành nạn nhân của bội tín, vong thề. Là lúc tính thiêng liêng thề nguyền bị cố tình quên lãng để mưu toan điều phi nghĩa, bất nhân.

Phản bội quá khứ khi đã qua rồi thời khốn khổ, hàn vi. Lúc cao sang, ai bỏ mặc ai nghẹn ngào nơi lối cũ đường quê :

"Chàng ơi phụ thiếp làm chi"
"Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng"
Hào quang thành tựu ngoài đời không soi sáng vùng tối sau lưng còn để lại... Thành tựu vẫn thiếu đi nhân cách.Đâu là đạo nghĩa căn bản nhất một con người ? Nói làm gì vinh quanh và đức cao, vọng trọng :
"Ra đi để mẹ ở nhà"
"Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng ?"
"Thì thôi thệ hải, minh sơn..." (1)
"Để chàng hiển đạt ngựa xanh, lọng vàng"
Và vì thế, rất có thể lời thâm tình nhất cũng trở thành vô nghĩa. Lời thề nguyền nào ? Ai nhắc nhủ cùng ai :
"Ra đi ngó trước, ngó sau"
"Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng"
"Nhớ lời thề c ũ còn không..?"
"Gối nghiêng chàng sửa, thiếp bưng chén trà "
Cho đến thời bùng nổ thông tin nầy, thề nguyền không phải chỉ là sản phẩm đặc trưng riêng giới bình dân, ít học. Vâng, một thủ tục vốn mang nặng hình thức, ít nhiều dựa vào thần-quyền-tâm-lý. Dựa vào niềm tin về một sức mạnh siêu nhiên, vô hình...cầm chịch - làm chứng - cho những người trong cuộc. Họ hy vọng thế lực kia đủ khả năng trói buộc, giúp đôi bên không trở thành - nạn nhân hoặc tác nhân - bội tín :
"Giả như ai một dạ hai lòng..."
"Hai bên vai vát có Thần long hộ trì" (2)
Nhưng lời nói, dù trịnh trọng đến đâu cũng chỉ là lời nói.Mục đích của thề nguyền không dừng lại ở đây mà chờ đợi hành vi thể hiện được lời thề. Chứng nghiệm chúng - việc đầu môi chót lưỡi - hiển nhiên phải kinh qua thời gian và xác quyết sau cùng.Lắm lúc, xác quyết ấy chỉ còn là hiện thân đầy cay đắng...

Nhồng - loài chim quý khi đã lột lưỡi luyện âm, nói được tiếng người. Ngôn-ngữ-con-vật tuy líu lo nhưng chả có tâm tình.Song mĩa mai thay, con vật ấy không bội tín, nuốt lời như miệng lưỡi của người ta :

"Nói rồi lột lưỡi như không..."
"Phải chi lột lưỡi như nhồng mà hay"
Những giá trị ngàn vàng một đời người - tuổi trẻ, trinh tiết, tình yêu và hoài bão - vì thế một đi không trở lại.Bài học đau thương khi vỡ lẽ, chẳng ích gì cho kinh nghiệm tự thân.Chỉ một lần, đủ để mất đi tất cả. Sai lầm trả giá bằng tiêu vong những gì không thể nào tìm lại.Đã lỡ tin vào những hứa hẹn huy hoàng, lời thở than tuyệt vọng :
"Cầm vàng mà lội sang sông"
"Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng"
Danh vọng, tiền tài, quyền thế ? Vì cá nhân hay đạo nghĩa nhân quần ? Cái gì đích thực khiến bội tín, vong thề. Câu hỏi cũ trong tiềm thức nhân loại. Hỏi không để tìm ra giải đáp nhưng để đồng cảm với nỗi đau chưa bao giờ chấm dứt :
"Cầu mô cao cho bằng cầu danh vọng"
"Nghĩa mô trọng cho bằng nghĩa phu thê"
"Từ khi chàng lỗi câu thề"
"Tham giàu, phụ khó bỏ bề gia nương"
Kẻ bạc nghĩa, vô tâm là thế nhưng lòng mẹ vẫn vô bờ. Rộng lượng ấy tìm nơi đâu ? Giữa cuộc đời đầy nghiệt ngã đa đoan :
"Mẹ già răng rụng tóc sương"
"Hái cau mồng một, thắp hương vái trời..."
Vẫn có người may mắn ? - hay thực ra tinh vi hơn - nhìn rõ trước bản chất ẩn sau những cảm xúc kịch bản đầy thoa mị tâm hồn :
"Đã nghề khóc mướn, cười thuê"
"Tin chi lời bậu câu thề trăm năm..."
Vỡ mộng.Và vì thế, nhắc nhủ nhau bao nhiêu lời thấm thía :
"Hoạ hổ hoạ bì, nan hoạ cốt" (3)
"Tri nhân tri diện, bất tri tâm" (4)
"May mô may chút nữa em lầm"
"Khoai lang khô xắt lát, tưởng Cao Ly sâm bên Tàu"
Đấy là bi-hài-kịch của bội tín, vong thề.Cự tuyệt, tất nhiên khi ẩn ý lợi dụng của kẻ đội lốt chính nhân đã tới hồi lộ diện :
"Thôi thôi buông áo em ra"
"Mặt trời đã lặn, đường qua bụi bờ..."
Tính lãng mạn của thề nguyền - với kẻ giả đạo đức - là phương tiện tốt để nguỵ trang nhằm lung lạc những tâm hồn đa cảm.Mặt khác, đấy là thứ xiềng xích với ai đem chìa khoá con tim trao nhầm kẻ dối gian, quỷ quyệt :
"Câu thề trót đã cùng ai..."
"Khốn lui lỡ tới, luỵ dài đêm thâu" (5)
"Xui chi bạc phước má đào"
"Hoa lài cắm bãi phân trâu giữa đường"
Thề nguyền...Tuyên thệ dựa vào bất cứ ai, bất cứ thế lực nào dù hữu thể hoặc vô hình, thế quyền hay tín ngưỡng... Cuối cùng, đích thực chỉ thu gọn trước lương tâm mỗi con người trong cuộc :
"Vàng mười chẳng sợ lửa hui"
"Việc chi thề thốt chú với tui răng hè ? "
"Lương tâm mô mà rứa với tê..."
"Việc đời ai biết có khi hè, khi đông...?"
Lương tâm được nhận biết - rõ ràng nhất - qua thời gian và hành vi chân thực.Lương tâm dị ứng với những ngôn từ đầy mỹ lệ, hoa hoè.Vâng, đã là lương-tâm-thật, không bao giờ tự ca ngợi mình, tự vinh-danh-bản-ngã :
"Tốt gỗ hơn tốt sơn son"
"Vàng lưng, bạc bọc không sờn dạ em"
"Thưa với chàng, thoả ý thuyền quyên..."
"Sá chi quân tử nhà phên vách, vách bùn"
"Giả như ai lợi khẩu thề nguyền"
"Non mòn hay biển cạn, mắc chi em giao lời..."
Khôn và dại.Một đời người, qua bao lần tự vấn ? Chưa hẳn ai đã dừng lại để đúc kết sau cùng mà không cần ngẫm suy, thay đổi :
"Khôn mô khôn sánh bằng khôn-đạo-nghĩa"
"Dại mô dại cho bằng dại-mua-danh"
"Mai chiều khi bạc đầu xanh"
"Ngẫm câu thề thốt đã mấy lần tin ai ?"
Khi bảo rằng :
"Đi cho biết đó biết đây"
"Ở nhà với mẹ, biết ngày nào khôn ? "
Cái khôn trong biết bao khoa học tự nhiên và nhân văn xã hội.Vâng, nhưng cái khôn-đạo-nghĩa con người cần tìm học ở nơi đâu ?

"Ở nhà với mẹ" là hạnh phúc cho những ai - dù khôn ngoan, lớn tuổi đến đâu - cứ vẫn thấy luôn dại khờ, bé bỏng.Và vì thế, câu tự hỏi "biết ngày nào khôn" như một cách nói khác đi, để tỏ niềm vui vẫn còn trong vòng tay của mẹ.

Ôi, những câu hò.Có cần đâu những triết lý cao xa ? Suốt đời người xuôi ngược giữa hai đầu khôn dại, giữa văn minh và sách vở bộn bề...Tại sao lòng ai còn bâng khuâng, khắc khoải.

Bài-học-đời trải qua, chưa bao giờ là đủ - vẫn tiếp tục - để đứa con mãi mãi bất ngờ về đạo nghĩa còn mênh mông trong câu hò của mẹ.

(Thành nội - Huế.09/2008)
Trần Hạ Tháp
(1)Thệ hải, minh sơn : Thề nguyền có biển cả, núi non làm chứng

(2)Thần long(hộ pháp) :Các vị thần bảo vệ chánh pháp nhà Phật

(3)Hoạ hổ hoạ bì, nan hoạ cốt : Vẽ cọp vẽ da, khó vẽ xương

(4)Tri nhân tri diện, bất tri tâm : Biết người biết mặt, chẳng biết tâm

(5)Luỵ : Nước mắt - âm bình dân xưa của "Lệ"



Trở Về  ]