Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Chất giọng Huế có mấy sắc thái ?
Một quan niệm truyền thốngBiên khảo : Trần Hạ Tháp
Tiếng nói - một trong những "mã khoá chính" - mở ra sắc thái văn hoá của cả một vùng đất quê hương. Đó là bằng chứng cho sự tồn tại cố hữu nhất.
Sự tồn tại đã-đang-sẽ để lại mãi dấu ấn đặc biệt khó thể phai nhoà theo năm tháng.Tiếng nói lưu giữ lý lịch vùng miền qua "chất giọng". Nó như một gia sản chung được ban tặng ngay từ thuở mới lọt lòng. Một cách sớm nhất, từ lời ru của mẹ mà tiếng nói được nghe, được học, được thẩm thấu vào tận đáy tâm hồn.
Mỗi đứa con lớn lên, khi vào đời vẫn cưu mang tiếng mẹ đẻ trong suốt cuộc hành trình làm người, dù bất cứ ở đâu. Cưu mang ấy là cưu mang âm vang cụ nhể nhất về nguồn cội của mình. Tiếng nói, tự nhiên mang một phần ý nghĩa thiêng liêng tuyệt đối.
Là thực thể vô cùng sinh động, tiếng nói tồn tại "đời sống" riêng của chính nó. Phần "gốc" thuộc về chất giọng phát âm. Phần "ngọn" là cấu trúc, ngôn từ và ngữ nghĩa... Phần "ngọn" biến chuyển qua mỗi một thời kỳ, thời đại khác nhau. Có thể còn có tính bổ túc, tăng trưởng hoặc ngay cả bị lãng quên, đào thải do không còn thông dụng. Song, chất giọng ngược lại khó đổi thay theo năm tháng... Là thứ tiếng vọng cụ thể nhất, gần gũi và lặng lẽ tồn tại ngay trong cả nội tâm, khi ta thường xuyên đối thoại với tâm tư. Chất giọng vì thế là linh hồn, phần bất tử trong tiếng nói.
Tồn tại cả ý nghĩa "đất nước" - đầy tế nhị - ngay trong bản thân chất giọng một xứ miền. Vâng, người ta giải thích, nước uống với các phẩm chất riêng một vùng đất, thực phẩm chính, lúa gạo và thổ nhưỡng đặc thù vùng đất ấy sinh ra... Tất cả khiến chất giọng vùng miền chịu ảnh hưởng một cách lâu dài, rộng lớn. Chính vì thế, có thể một con sông lớn cho tới cái "Bàu" nhỏ, hoặc một con "Hói", thậm chí vùng "Đầm phá" mênh mông chẳng hạn... Lắm khi gắn liền với một chất giọng riêng, một thổ âm, một thổ ngữ với biết bao đặc thù, kỳ diệu...
Nói đến tiếng Huế sẽ thiếu sót lớn khi chưa đề cập tới phần "gốc" mà ở đây, tôi gọi phần "chất giọng". Đấy quả là những đặc sản âm vang từ bao đời được tự nhiên định vị để gắn liền với vùng địa lý trọng tâm. Những vùng địa lý cá thể đã góp phần cùng làm nên một xứ Huế, nói chung.
Đơn giản và học theo cách người xưa - tổ tiên của người Huế truyền thống - chúng ta vẫn có phương pháp định vị về thành phần các chất giọng xứ Huế. Một phương pháp rất đáng lưu ý, có tính phổ quát lâu dài và tất yếu rõ rệt :
1/ Tiếng Huế giọng Dinh : Trước đây, nhiều thế hệ (bây giờ đã là cha ông của chúng ta) thì "Dinh" mang rất nhiều ý nghĩa. Không quá đơn giản như ngày nay, một em bé miền quê thuộc các vùng Thừa Thiên Huế bây giờ, bất cứ lúc nào vẫn có thể được "đi Huế". Thời trước khác hẳn, "đi Dinh" quả thật hết sức đặc biệt, đến nỗi người ta luôn tỏ bày một cách đầy trân trọng, khác thường...
Lúc ấy, "đi Dinh" tương đương với sự cố lớn, đầy vinh hạnh trong đời một em bé miền quê - thậm chí một người lớn - đấy là điều cha ông chúng ta từng cho biết. Hơn cả ý nghĩa của một thành phố hoa lệ theo ngữ nghĩa ngày nay, từ "Dinh" lúc ấy còn bao hàm dinh thự, thủ phủ, nơi đỉnh cao của quyền lực, sự tập trung về văn hoá văn minh và kinh tế... Mọi mặt sinh hoạt xã hội quy tụ một nơi nầy. Hơn thế, đấy còn ám chỉ cố đô một thời vàng son ngự trị.
Thành ra, "tiếng Dinh" cũng là tiếng Huế nhưng để dành riêng, nhằm chỉ định cho chất giọng của người Huế - ở và lớn lên - ngay trong lòng đô thị ấy. Tiếng Dinh hiểu đơn giản, là thứ tiếng Huế (nói chung) chỉ thông dụng ở thành phố nầy làm chính. Có thể sẽ rõ ràng hơn, khi ta nói rằng đấy là thứ tiếng Huế với giọng Dinh.
Giọng Dinh nhẹ nhàng do các "vĩ thanh" - âm đuôi,ở chữ cuối cùng trong câu nói - chỉ có độ kéo dài chừng mực. Nó không co lại và cứng dần như khi đi dần về khuynh hướng Bắc Thừa Thiên, tiếp giáp Quảng Trị...
Mặt khác, giọng Dinh cũng không có lắm vĩ thanh dài, mềm mại như khi đi dần xuống Nam Thừa Thiên, giao lưu xứ Quảng sông Hàn. Song khi cần phân biệt hơn nữa, ta sẽ nhận ra rằng, giọng Dinh có hơi thiên về phía Quảng Trị một ít, so cùng ảnh hưởng không rõ ràng từ phía Nam đưa đến.
2/ Tiếng Huế giọng Hạ Bạn : Tổ tiên người Huế gọi những người lao động, làm công (nhất là về nông nghiệp) ở các miền khác trong cùng tỉnh là "bạn". Hạ bạn, để nói chung những miền về phía biển.
Nơi ấy, do việc đồng áng có hoàn cảnh, thổ nhưỡng dị biệt nên các vụ mùa thường khác thời điểm so với vùng trung du, xa biển... Chữ "hạ bạn" của bình dân đơn giản, vừa Hán vừa nôm. Nó chỉ các địa phương cận biển Thừa Thiên Huế. Mặt khác, vừa để gọi chung những đồng nghiệp nơi nầy.
"Về hạ bạn mần ăn" cũng có nghĩa để tranh thủ sự khác biệt, không thống nhất giữa thời vụ miền trung du và vùng cận biển để đi về miệt ấy làm thuê, cắt mướn. Có câu hò, bày tỏ tình cảm của người hạ bạn khi những kẻ làm thuê cắt mướn kia kiếu biệt ra về :
"Mãn mùa tót rã, rơm khô
"Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm".Vì sao nông dân trung du có khi phải tìm về hạ bạn để nương nhờ khi cơ cảnh ? Đơn giản, vùng biển còn có nghề cá, không như trung du chỉ đơn thuần nông nghiệp. Nắng hạn hay mưa lụt không gây ảnh hưởng trầm trọng như ở vùng trung du. Lắm lúc để kiếm lợi nhiều hơn từ nghề cá, người hạ bạn sẵn sàng chấp nhận thuê mướn. Họ sẽ được rãnh rang phần đồng áng.
Giọng Hạ Bạn thường có những vĩ thanh trĩu xuống khác thường. Nhất là những từ có thanh bổng, mang "dấu sắc"... Những từ nầy đều biến thành "dấu nặng" nhiều hơn là "dấu sắc". Ví như, khi nói mắm ruốc thì họ phát âm thành mặm ruộc nhiều hơn.
Giọng Hạ Bạn để so sánh, thì trầm thấp hơn cách phát âm của chất giọng Dinh. Đại đa số các miền biển Thừa Thiên, nhất là Trung Thừa Thiên đều có chất giọng đặc biệt - vĩ thanh trầm - như thế.
3/ Tiếng Huế giọng Thượng Bạn : Ngược vùng hạ bạn là thượng bạn.
Nói chung các vùng cận sơn hoặc bán sơn địa Thừa Thiên Huế theo cách gọi bình dân. Thượng bạn còn khó khăn hơn cả trung du. Nơi ấy địa hình hiểm trở, thổ nhưỡng khô khan. Song khi mất mùa hoặc đói kém thì đã có rừng xanh nâng đỡ phần nào. Thượng bạn không như hạ bạn, nơi đây khó làm thuê cắt mướn ngoại trừ "lên thượng bạn" là để biết thêm nghề đốt than độ nhật. Nghề làm thêm khốn khổ nhất nhưng mang tính truyền thống của con người thượng bạn. Câu hò để nói lên tình yêu cô gái trung du trước một chàng trai thượng bạn quá độ cơ hàn :
"Dẫu chàng đóng khố, đốt than "
"Đã thương thì em chịu lên ngàn, có đôi. "Chất giọng Thượng Bạn, nói chung có điểm nghịch với chất giọng ở miền Hạ Bạn. Thay vì các phần vĩ thanh - âm cuối, chữ cuối câu - đột ngột hạ xuống thấp so với tự nhiên, thì bây giờ chất giọng Thượng Bạn lại đột ngột được nâng cao, rất bổng. Ngoài ra, vĩ thanh "bổng" ấy rất thường được "nhấn" y như một "trọng âm" cuối vần và ngay cả cuối câu. Với chất giọng nầy, câu nói của người thượng bạn gần như một tiếng hô thán, gây ấn tượng thân tình nhiều hơn, sôi nổi thêm cho ý nghĩa lời nói.
4/ Tiếng Huế giọng Mỹ Lợi : Có thể đại biểu cho chất giọng phía Nam Thừa Thiên Huế một cách đích thực. Địa bàn phía Nam rất gần Quảng Nam Đà Nẳng. Vùng biển có núi quây quanh ăn sâu vào đất liền như một trong những địa hình độc đáo, hiếm có chỗ thứ hai tương tự nơi nầy. Tất cả những tham số ấy cho ta giải thích vì sao ? Cùng là vùng cận biển Thừa Thiên Huế như nhau... Thế nhưng chất giọng có khi vẫn khác xa đến thế.
Chất giọng Mỹ Lợi nói chung, được tổ tiên người Huế ấn định theo một sắc thái riêng, gọi là giọng Huế Nam. Ngược lại, đi về Bắc Thừa Thiên không có đặc trưng đối xứng. Chưa từng nghe các vị tiền bối đề cập đến một chất giọng "Huế Bắc" nào. Có thể về phương diện ngữ nghĩa, ngôn từ hoặc cấu trúc văn phạm vẫn tồn tại tình trạng "đối xứng"(?). Song với vấn đề đang bàn - chất giọng - khó có thêm một đặc trưng "Huế Bắc".
5/ Tiếng Huế giọng Hàng Huyện : Chỉ chung cho những vùng trung du Thừa Thiên Huế, hoặc ngoại ô xứ Huế bây giờ... Người xưa không hề sử dụng từ "trung bạn" ở đây mà gọi "hàng tổng, hàng huyện" theo tập quán lâu ngày. Một cách đơn giản - và trân trọng - để chỉ những làng quê chung quanh thành phố Huế...
Cách phát âm chất giọng nầy tuy có tế nhị khác nhau, song những dị biệt không đặc trưng như các chất giọng Huế-biểu-mẫu đã liệt kê. Lẽ ấy, vẫn tựu trung vào một "chất giọng" riêng. Tiếng Huế giọng Hàng Huyện hoặc là tiếng Huế giọng Làng, cùng một nghĩa như nhau.
Như vậy, chừng 5 loại chất giọng chính trong góp phần làm nên thứ tiếng Huế, nói chung. Song, chất giọng Dinh vẫn là thành tố tiêu biểu nhất. Nó xứng đáng đại diện cho tất cả, khi đi sâu vào các giá trị tinh thần nổi bật,đặc sắc nhất mà tiếng Huế sở hữu. Vâng, một cách thiết thực để trả lời cho câu hỏi :
Khi Bùi Giáng viết thành thơ, ca ngợi một xứ sở hết sức gần gũi, cụ thể. Điều mà thi ca của ông - phần nhiều chỉ thấp thoáng - lướt qua với biết bao ảnh tượng xứ miền... Từ trời tây hùng vĩ cho tới đông phương đầy khói sương man mác. Ông đã viết riêng cho xứ Huế những gì :
"Dạ, thưa xứ Huế bây giờ "
"Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương "Phải chăng ? Ông muốn nói, qua hai tiếng "dạ, thưa" thì ấn tượng Huế - đã vĩnh cửu - sánh ngang dòng Hương giang, núi Ngự. Với Bùi Thi sĩ, thì Huế dẫu tồn tại cùng núi ấy sông kia, đừng quên đã gắn liền chất giọng...
Quả thực khó còn ngợi ca nào hơn thế. Ngợi ca chất giọng Huế. Nhưng ta tự hỏi, tại sao và ở mặt nào ? Chất giọng ấy đích thực khiến người hết sức nhạy cảm như Bùi Giáng đã viết nên lời trân trọng...
Vâng, về mặt tinh thần, người nói chất giọng Dinh - đại đa số - theo lối sống thanh nhàn nơi u tịch vườn cây, đầy khí độ ôn hoà, nhẹ nhàng của phong lưu kẻ sĩ. Một thứ chất giọng xem ra rất ít chịu ảnh hưởng từ oai nghi của giai cấp quyền lực từng lâu dài ngự trị ở nơi đây. Chất giọng nhỏ, từ tốn nhưng không hề cho cảm giác vuốt ve, nựng nịu. Trước kẻ oai quyền, đấy là thông điệp vừa đủ để nhận biết người nói không chuộng vũ phu mà là hạng quen đọc sách, suy tư. Với họ, không phải "khẩu phục" mà "tâm phục" mới là điều đáng kể trong đời. Nói cách khác, họ trân trọng học thuật nhiều hơn "thủ thuật". Cũng chất giọng ấy, song trước những kẻ bình dân lao động - ngược lại - thường đem đến cảm giác gần gũi và thanh thản, không khiến ai nghi ngại, âu lo vì cảnh giác đối phó qua lời ăn tiếng nói. Một chất giọng rất bình thường, không lên cao xuống thấp, ít nương tựa vào các "thủ thuật phát âm" nâng cao hiệu ứng tâm lý người nghe theo ý đồ ngoại tại. Hiểu thế, ta có thể cảm thông nhiều hơn cho các nhà làm phim "lồng tiếng Huế". Họ không tránh khỏi lúng túng phần nào với chất giọng tế nhị kia do những đặc thù truyền thống.
Vâng, giọng Dinh không hề làm ta liên tưởng tới sự nổi trội tức khắc của một nhân vật trước đám đông qua độ vang và "âm lượng" phát ra. Có thể điều ngược lại được dành cho người Huế - giọng Dinh - khiến họ nổi tiếng thâm trầm, ít nói. Đôi khi, chính sự im lặng cộng hưởng với chiều sâu văn hoá nơi đây tạo thành một phô diễn sâu sắc. Có thể một câu nói nhưng không nhất thiết cần mở miệng, phát ngôn. Im lặng tư tưởng như một "hội chứng chính tông rất Huế", không thể nào nhầm lẫn. "Tri giả bất ngôn" biết nhiều, nói ít. Điều khác xa với "biết ít, nói nhiều".
Thực ra Huế, từ xưa cho tới bây giờ vẫn là một trong những trung tâm đào tạo giáo dục cho cả nước. Biết bao nhân sĩ bốn phương xuất thân đến bái sư, thụ giáo nơi nầy. Sự sống của những người Huế nói chất giọng Dinh, đa số vẫn thường xuyên gắn liền với sách vở, vườn xanh. Họ an bần bên trầm mặc non bộ, với sen mặt hồ lãng đãng ngày sương...
Tiếng Huế, qua chất giọng nầy - do thế - hình như rất giàu tính cách bình thản. Sự bình thản từ trầm lắng tư tưởng, khác xa sự bình thản của sỏi đá vô tri. Hơn ai hết, qua quá nhiều chuyển biến lịch sử đau thương mất mát, người Huế hiểu tận tường sự khác nhau giữa bình thản và thanh thản. Để khả dĩ hiểu tâm hồn Huế, để chiêm nghiệm đủ nhẫn nại và sức chịu đựng kỳ lạ ở nơi nầy, trước nhất đừng bao giờ hiểu nhầm hai nghĩa ấy... Sự bình thản - bên ngoài - của người Huế, xứ Huế chưa hề đủ để đánh giá mức độ thanh thản - ẩn bên trong - con người, xứ sở ấy.
Một chất giọng cứ tưởng như chẳng lấy gì làm sôi nổi giữa cuộc đời. Không nhanh nhẩu hoặc xuề xoà, chẳng tuỳ tiện bốc đồng. Rõ ràng thứ chất giọng ấy xa cách với gợi tưởng oai nghi, không nhằm để lại một ấn tượng chế ngự nào lên người đang lắng nghe tiếng Huế. Rất có thể, đấy lại là một trong những nét đặc sắc khiến chất giọng Huế, tiên quyết đã bao hàm yếu tố văn hoá thể hiện qua cung cách : Lịch sự, khiêm nhường khi giao tế ngôn ngữ.
Vâng, một chất giọng không ấn tượng đua tranh, không vồn vã nhanh nhẹn đủ để đáp ứng khuynh hướng kinh tế vốn vô cùng hoạt khẩu. Mặt khác, chất giọng ấy cũng không bộc lộ thứ uy vệ "ăn to, nói nậy" áp đảo người đối diện. Vì thế, chất giọng Huế phải chăng đã tự khẳng định mình ở đâu trong ba phạm trù văn hoá, quyền uy và kinh tế ?
(*) Chú thích : Tham luận dưới bút danh Liễu Thượng Văn trong cuộc hội thảo "Tiếng Huế, người Huế & văn hoá Huế" nhân Festival Huế 2004.(Thành nội - Huế)
Trần Hạ Tháp
[ Trở Về ]