Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
Nữ giới và tài hoa...
*
Mặt ẩn văn hoá Huế

Trần Hạ Tháp

Mưa và nắng mỗi mùa một nét riêng của Huế. Đấy là cái đẹp tự nhiên. Bên cạnh đó còn cái đẹp nhân văn, điển hiønh là văn hóa nghệ thuật do con người xây đắp qua đã nhiều thời đại. Khi so sánh nhiều nơi, sẽ dễ dàng nhận thấy cái đẹp ở đây không hề đơn điệu mà hội đủ hai mặt như nghệ thuật với thiên nhiên. Cung điện đền đài và nhà vườn nơi thôn dã. Hoặc sinh động phồn hoa với bên cạnh là những cảnh chùa thanh tịnh...Cái đẹp hòa điệumang ý nghĩa"Thái Hòa". Là cái đẹp được đề cao trong căn bản mỹ học phương đông.

Cùng thể hiện hai mặt của vấn đề. Bên cạnh những hình thái "động"còn có hình thái "tĩnh" - trầm lặng hơn - Bên cạnh nam là nữ giới. Tính đồng hành cơ bản, rõ ràng nhất được nhận chân trong bản sắc văn hóa Huế. Mọi giá trị nhân văn sẽ được nhân đôi, khi mà phẩm chất nữ giới được minh chứng là yếu tố đồng hành đích thực. Là thể hiện bản sắc từ hòa điệu "Thái Hòa" kia trong góp phần vào quá trình chung tựu thành miền văn hóa. Vâng, cái đẹp nơi đây là cái đẹp đi về minh triết nói trên. Nhưng đâu là mặt ẩn của văn hóa Huế. Cái đẹp thầm lặng minh chứng cho tài hoa nữ giới ?

Thật độc đáo khi nhận ra rằng, bóng dáng người phụ nữ nơi đây chưa hẳn chỉ đóng khung vào mỗi một "bức tranh liêu trai" đầy thơ mộng qua bao nhiêu thơ ca và nhạc họa.... Từ Hàn Mặc Tử với một thoáng :

"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh" Để mãi còn lại đó dòng thơ bâng khuâng, bất tử"Ai biết tình ai có đậm đà". Đến Trịnh Công Sơn "Gọi nắng trên vai em gầy, đường xưa áo bay"...Quả thực dung nhan ấy là vô cùng tuyệt mỹ song cũng mơ hồ như khói tỏa sương lan. Cứ tưởng chừng"Như cánh vạc bay" hoặc không khác những "Đóa hoa vô thường" tinh khiết, hết sức mong manh giữa nắng gió cuộc đời. Chân dung ấy chỉ mới là hiện thân tính ước lệ của văn học, nghệ thuật. Phụ nữ Huế còn một chân dung khác - thực tế, tài hoa - đấy là chân dung về văn hóa.

Cái đẹp qua văn học nghệ thuật chỉ mới chú trọng vào chữ Dung. Một trong bốn cái đẹp truyền thống, mẫu mực Công - Dung - Ngôn - Hạnh mà nữ giới Huế - nói chung - vẫn coi như giá trị trước tiên, bình thường nhất để được xứng đáng là một người con gái Huế. Cái đẹp về văn hóa phong phú hơn và biểu hiện qua Ngôn, Hạnh và Công - phần hãnh diện, tự hào nhất trong suốt cả một cuộc đời phụ nữ...

"Dạ thưa xứ Huế bây giờ"
"Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương"

Với Bùi Giáng, ngoài hai thắng cảnh nổi tiếng xưa nay là núi ấy, sông kia...Dường như Huế chỉ còn lại vọng âm qua hai tiếng dạ, thưa nhẹ nhàng rất mực ngọt ngào và hiền dịu. Phụ nữ Huế kín đáo, ít tỏ bày song giọng nói đủ để làm nên "hiệu ứng nghệ thuật" không biết tự bao giờ. Vọng âm ấy - Ngôn - nói lên phong thái đặc biệt của phụ nữ đất thần kinh. Những người nghiêm trang giữ gìn lễ tiết, không đường đột dù cả trong ngữ điệu, ngôn từ. Giữa một không gian đầy thơ mộng thì giọng nói nhẹ nhàng và chân dung ẩn hiện kia, thấp thoáng sau lá trúc, vườn cau...Được khắc họa bằng hai chữ tuyệt vời "Nhân ảnh".

Đã biết bao khách viễn phương đến Huế không chỉ để chiêm ngưỡng những di tích đền đài, lăng tẩm hay thắng cảnh thiên nhiên...Họ sẽ còn nhớ mãi hương vị tuyệt vời, sắc sảo của những món ăn xứ Huế. Bàn tay người phụ nữ nơi đây tài hoa. Thứ năng khiếu, mang bẩm chất thiên phú được trân trọng sánh ngang nghệ thuật, sáng tạo. Họ thực sự là những nghệ sĩ thầm lặng gửi đến muôn phương vô vàn tác phẩm thành danh, đã đi vào lòng thế nhân ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng...

"Thực phổ bách thiện" sách dạy nấu ăn truyền thống của người phụ nữ Huế. Một cuốn sách độc đáo, bất ngờ khi mà thế giới chữ nghĩa ngày ấy còn trong thời đại chỉ dành riêng cho tu mi nam tử vịnh ngâm và luận bàn thế sự. Tính thực tế và lợi ích thiết thực từng ngày của cuốn sách như một thông điệp ngầm nói lên vị trí, giá trị không thể lãng quên của người phụ nữ vốn bị xem thầm lặng chốn khuê phòng.

Họ qua đó như muốn nói rằng, bếp lửa gia điønh vẫn là giá trị đơn giản nhưng thân thiết, tồn tại lâu dài nhất qua mọi nền văn minh nhân loại. Đó là nơi mà hết thảy hoạt động của con người xuất phát và cũng là chỗ để quay về, sau mỗi ngày - hoặc suốt một đời người - bước chân vào thế cuộc. Kỹ thuật chuyên môn trong sách ấy đã cao cường, độc đáo song ẩn ý về "tâm thuật" mới là điều phát hiện đặc biệt khiến đời sau ngợi ca và trân trọng.

Rất khác tập quán văn hóa nhiều nơi, người Huế - truyền thống - không ngoại giao thân tiønh nơi tửu quán, ca lâu...Ngược lại, trân trọng nhất vẫn cứ là lúc người Huế đón khách tại nhà riêng. Như một niềm hãnh diện và cũng chính là cơ hội giới thiệu tài hoa của người bạn trăm năm trong ngôi nhà vườn truyền thống. Khách viễn phương sẽ được nhận chân đích thực đâu là ý nghĩa chữ Công của riêng người phụ nữ nơi đây. Hương vị và phong thái ấy, sự thầm lặng đi đôi với tài hoa kia thể hiện, khẩu vị và màu sắc độc đáo, cảnh sắc thoát tục bên non bộ và gốc lão mai rêu phong xứ Huế...Tất cả khiến khách viễn phương - như thuật ngữ bình dân diễn tả - "ngậm nghe" với vô vàn cảm xúc còn đọng mãi để chia tay mà một đời ghi nhớ...

"Mười thương" bài ca Huế theo điệu Lý tình tang cũng đã nói lên một phần tài hoa, duyên dáng và nhất là phẩm hạnh người con gái nơi đây. Cái "duyên" họ trân trọng, quý yêu nhất vẫn là cái duyên bao hàm phẩm hạnh hay đạo nghĩa luân thường. Khi mà mái tóc người con gái nơi đây tượng trưng cho những gì cao cả để phụng thờ, để cúi đầu và bái lạy trước phụ mẫu, tổ tiên và gia đường hương hỏa...Gọi "tóc thề", để khi cắt một ít tóc ấy làm tin cho mối tình sâu nặng với ai là người con gái Huế coi như đã thể hiện một lời thề hết sức lớn lao và tối thượng. Tóc thề nơi đây biểu trưng cho thủy chung, đạo nghĩa suốt đời người. Vì thế, một mái tóc dài - trong ý thức truyền thống - vẫn luôn là nét duyên trước hết khi ngợi ca dung nhan một người con gái Huế. Chữ Hạnh. Nét duyên của đạo nghĩa luân thường và thủy chung như nhất.

Ai thấu hiểu được ý nghĩa "tóc thề xứ Huế" là hiểu được vì sao ? Người phụ nữ nơi đây thường kín đáo và giữ gìn lễ tiết. Họ muốn nói, muốn hướng mình về đạo nghĩa luân thường và thủy chung như nhất với tình yêu. Nét đẹp phụ nữ Huế sẽ càng sâu sắc, mặn mà khi chính sự thầm lặng đầy nguyên sơ kia như một câu hỏi luôn cuốn hút ai thật tình say đắm muốn khám phá, muốn tận tụy một đời bên những dung nhan và tài hoa đã làm nên mặt ẩn một nền văn hóa vinh danh.

(thành nội - Huế)
Trần Hạ Tháp


Trở Về  ]