Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
Nghĩa động càn khôn

truyện ngắn : Trần Hạ Tháp

 
"Lôi đình bất toả cô trung phẫn
Quỉ mỵ do kinh Thất Trảm chương"
(Cao Bá Quát)
- 1 -
Triệu Tuấn hiếu nghĩa và rất mực thông minh. Tánh tình cần cù ít nói. Gia cảnh gã nghèo khổ, thân tộc tứ cố vô thân. Tuổi ấu thơ sớm mồ côi cha, lớn lên chuyên việc bút nghiên chưa bao lâu thì mẹ gã cũng qua đời. Đóng cửa cư tang ba năm xong, gã thôi việc đồng áng để quảy gánh hàng rong. Triệu Tuấn vốn quen lao lực không sợ khổ song suốt năm cúi mình trên mảnh ruộng, gã đã không còn thời gian để đọc sách. Chưa thiết đến vợ con, ngoài túp lều tranh rách nát ra Triệu Tuấn chỉ biết lấy chữ nghĩa thánh hiền làm sự sản. Đấy là niềm vui của gã trong thanh bần đơn độc. Xóm làng chẳng ai ngó tới cứ coi gã như kẻ ươn gàn.

Một buổi trưa hạn hán lâu ngày, gã dừng quang gánh ở gốc đa làng nọ với nắm xôi qua bữa dọc đường. Đột ngột Triệu Tuấn kinh ngạc ngừng ăn, chăm chú lắng nghe... Không chỉ ý nghĩa của một bài thơ khiến gã nín thở quên ăn. Rõ ràng giọng ngâm sang sảng, đầy bi hùng đang vang lên từ gian lều cô quạnh ở đỉnh đồi lộng gió kia, đủ để làm gã bồi hồi tấc dạ. Triệu Tuấn chưa từng biết qua bài thơ ấy ? Vâng, và có lẽ hai câu này sẽ còn đọng lại mãi trong lòng gã : "Trượng nghĩa, đan tâm quân tử luận / Hàn thân, độc ảnh tiểu nhân ưu".

Ngơ ngẩn... hồi lâu. Triệu Tuấn rớm nước mắt bên gốc đa thầm lặng. Gã thổn thức phận đời quạnh hiu. Đã thế, không sai... gã cứ vẫn là một kẻ chẳng ra gì. Phải rồi, đau buồn về nghèo khổ, than thở mãi cảnh độc ảnh cô thân thì đích thị là ưu sầu của hạng tiểu nhân. Ai chính nhân quân tử, kẻ ấy chẳng lấy thế làm điều. Không sợ nghèo cũng chẳng vì thiếu kẻ đồng tâm, vắng tri kỷ mà đổi chí thay lòng... Bậc chính nhân quân tử chỉ một tấm lòng son sắt trong sáng và những việc làm trượng nghĩa mà thôi. Đó là chỗ luận bàn của họ. Nhưng không - dẫu chưa từng là một người quân tử - Triệu Tuấn cũng quyết không để mình thành hạng tiểu nhân nhu nhược... Gã chùi nước mắt thật nhanh, ngồi thẳng lên và tiếp tục với nắm xôi còn lại. Từ đó, người ta thường thấy một kẻ quảy gánh hàng rong đến nghỉ trưa dưới gốc đa kia. Gã luôn ngồi thẳng và mãi lắng tai nghe... Lắm lúc, nắm xôi vẫn cứ còn nguyên vẹn mà khuôn mặt gã dường như rất hứng khởi. Miệng gã lập lại những câu thơ vừa nghe qua, cố nhớ thật nhiều. Nét u sầu dần phai đi trên khuôn mặt kham khổ.

- 2 -
Giọng ngâm đã vang lên. Triệu Tuấn cũng vừa buông quang gánh. Gã nhìn bóng dưới bàn chân đã đúng ngọ, không sai. Gian lều lộng gió bốn bề. Những liếp phên như run rẩy nhiều hơn trên đồi. Gã lại ngồi xuống gốc đa. Lão nhân quắc thước, râu bạc dài phơ phất trước gió. Con mắt ông mở lớn ngước nhìn trời xanh. Tưởng như tâm sự kia không nín giữ mà phải đường hoàng tỏ lộ. Ông đứng thẳng giữa gian lều, thân rung lên theo từng chữ từng câu... Giọng mỗi lúc mỗi vang rền. Âm thanh ấy chỉ nghe một lần vĩnh viễn không cách gì quên được. Tựa hồ như sấm dội, như lớp lớp cuồng phong bi hùng thổn thức một mình giữa trời đất cỏ cây... Chánh ngọ, thời khắc quang minh chính đại nhất trong mỗi một ngày. Thời khắc mặt trời lên thiên đỉnh.

Triệu Tuấn cúi đầu không dám nhìn thẳng vào mắt lão nhân. Khí hạo nhiên toát ra từ con người ấy hình như còn rung động đến cả cỏ cây. Gã ớn lạnh trong người. Chưa bao giờ xúc động can trường đến thế. Một niềm kính sợ vừa thương cảm khó nói nên lời khi ngước mắt nhìn lên đỉnh đồi kia. Gã đắn đo : "Quyền giả hùng tâm". Nếu kẻ quyền thế ưa bày tỏ hùng tâm tráng chí thì "Hiền giả ưu nhân", ngưòi hiền hay lo âu cho đạo nghĩa của người đời. Phải chăng, lão nhân là bậc tài cao đạo hạnh ? Tự nhiên, một ước vọng... bắt đầu nhen nhúm lên trong lòng Triệu Tuấn. Gã không dám làm khinh động lão nhân. Gã chỉ biết mỗi trưa đúng ngọ... lặng lẽ ở gốc đa tận hưởng cái cảm giác ấm lòng. Một xúc cảm chỉ có gã, một mình riêng nhận. Cảm giác thật thanh thản đầy bình an và nhẹ nhõm trong lòng. Tâm tư gã như vừa có một định lực trong sáng nâng đỡ. Phiền luỵ day dứt bao lâu từng đè nặng thì nay tự tan biến, như người bệnh đã lành bước ra cửa thấy lại ánh dương quang. Triệu Tuấn đọc sách, viết chữ chưa nhiều như những bậc thức giả, đạo cao đức trọng song gã đã có đầy đủ khí chất của một kẻ trân trọng chữ nghĩa đích thực. Gã biết, trước nhất ở đấy con người được tu tâm dưỡng tánh nhiều hơn là công phu để làm chiếc thang danh lợi. Sách vở thiếu gì lời dạy kia. Duy bậc hiền ẩn mới giúp ý ấy được hiện bày, khiến lời dạy của thánh hiền không trở thành hư ảo. Những hậu bối như gã được yên lòng, tự trong cảnh nghèo vẫn giữ được mình không động tâm khắc khoải. Đó là ân huệ có thực của chữ nghĩa, là khí hạo nhiên tiềm tàng qua sách vở giữa ngàn thu. Triệu Tuấn là người đang mang ân huệ ấy. Gã cảm kích lão nhân vô ngần. Đời gã rồi ra sao thì những giây phút đầy thầm lặng này cũng đã là hạnh ngộ. Một hạnh ngộ giữa bao nhiêu phiền ngộ của kiếp phù sinh. Ao ước gần gũi lão nhân trên đỉnh đồi kia để kính lễ suốt đời chăng ? Gã lại tự xót xa cho mình vì đã vấn vương điều vọng tưởng ? Nửa ngày đã qua. Nửa ngày... còn lại áo cơm vẫn đang chờ.

Mặt trời lệch vai, tiếng ngâm thơ đã dứt. Triệu Tuấn cúi mình vào đôi quang gánh. Gã bước đi bần thần, chân vấp phải vật cản, lao đao. Một quả dưa đất lăn lóc ngay trước mặt. Thì ra không chú ý, Triệu Tuấn đã đi ra ngoài lòng đường rất xa.

Để quang gánh xuống, gã bê quả dưa đất đặt vào chỗ cũ. Nó trầy trụa chút ít và chưa lìa khỏi cuống. Một giọng nói sang sảng vang lên sau lưng gã :

- Hay cho anh kia. Kẻ chính nhân đi dưới vườn đào không đưa tay chỉnh mũ, lúc qua vườn dưa chẳng cúi xuống sửa giầy... Hà cớ gì quang gánh lạc vào chốn rau quả của lão phu ?

Triệu Tuấn giật mình bối rối. Lão nhân đang đứng ở lưng chừng đồi ngó xuống, thần thái uy nghiêm vô cùng. Gã không gian tà gì nhưng chính thị sơ suất do mình, không thể tránh né :

- Vãn bối mãi suy tư đi vấp vào đây nên phải cúi xuống đặt lại cho ngay ngắn. Không là hạng gian tà song đã sơ suất xin lão trượng tha cho . May mà quả dưa vẫn chưa hề gì.

Lão nhân gật đầu nhìn thẳng vào mặt Triệu Tuấn. Con mắt ông như soi thấu tâm can người đối diện, mỗi tiếng rõ ràng như khắc :

- Ta chỉ mới nhắc nhở, chưa từng bảo anh gian dối bao giờ. Ở đời thiện ác khó phân, chánh tà lẫn lộn... Đã là kẻ đọc sách sao ta dửng dưng không nói đôi lời. Anh kia, đừng sợ lời răn dè vì răn dè thì chẳng bao giờ dư cả.

- Vãn bối cung kính nghe lời chỉ giáo. Được gần gũi lão trượng để sửa mình... âu chính là cái tâm của vãn bối lâu nay.

- Nghe chừng như anh là người có học. Nhưng chưa từng gặp ta bao giờ sao vội nói câu khách khí kia. Tánh ta bộc trực thường ghét sự dua nịnh tâng bốc. Thôi hãy đi đi, không việc gì phải lo lắng.

Triệu Tuấn tần ngần chưa đi. Gã biết đây là cơ hội song khó nổi tỏ bày... Lão nhân nghiêm mặt :

- Không hổ thẹn hà tất phải đắn đo. Phải anh còn oan ức điều gì ? Cứ đường ngay ngõ thẳng mà đi. Nói năng cũng thế ...

Như nhẹ cả người, Triệu Tuấn bộc bạch thân thế. Gã đem ước vọng của mình thưa với lão nhân, cuối cùng cung kính :

- Thưa lão trượng, chỉ mới gặp lần đầu vãn bối biết là vô lễ nhưng không mạo muội tất về sau hối hận trong lòng. Tâm thành xin người mở lòng đoái tưởng bảo ban... Được thọ giáo ấy là tâm nguyện.

Thấy lão nhân không nói gì chỉ nhìn trời im lặng, Triệu Tuấn nghẹn ngào cúi đầu. Gã biết việc khó thành, run run bên đôi quang gánh :

- Dẫu có vui lòng lão trượng hay không,vãn bối cũng đã nguyện với lòng kiếp này không còn kính lễ bậc tôn sư nào khác. Nếu mỗi ngày còn được đến ngồi dưới gốc đa kia nghe... chữ, âu đã là phước của vãn bối. Sở nguyện đã thưa rồi, xin lão trượng bỏ qua tội đường đột với bề trên. Vãn bối cung kính tạ từ.

Lão nhân vẫn lặng im không trả lời. Triệu Tuấn đành lui về đôi quang gánh, lòng bùi ngùi khó tả. Gã ra đi. Chừng mươi bước,lão nhân mới lên tiếng :

- Anh kia, đã có tâm cầu học rất tốt. Đạo nghĩa thánh hiền chẳng phải của riêng ai. Đã thế nghe ta đôi lời.

Triệu Tuấn mừng rỡ quay lại. Lão nhân nói rõ :

- Tình cảnh của anh khiến ta thương cảm. Nhưng để làm một môn đồ thì vẫn chưa phải vội. Cứ chăm chỉ làm ăn, ôn luyện thi thư. Ngày... kia, có thể ta sẽ trở về mở lại trường văn. Còn nay ư ? Há rằng ta cứ đành lòng mặc vận nước hay sao ? Chưa phải lúc...

Ông quắc mắt râu vểnh ngược, nhìn chăm chăm vào chân trời hồi lâu. Triệu Tuấn chẳng ngờ vô tình khiến lão nhân động mối can tràng. Gã chẳng dám nói gì thêm cho tới lúc ông dường như sực tỉnh :

- Cổ thi có câu"Dũng tướng bôn chinh vô vấn mệnh / Gian thần toạ lộc hữu gia vinh" Anh biết được gì... nói ta nghe thử ?

- Thưa... Bao hào kiệt không kể mạng sống vào sinh ra tử cứu nước giúp dân. Bọn gian thần ngồi yên ăn lộc mà lại được hưởng thêm cả vinh quang... Ấy là mối lo của chánh đạo vậy.

Lão nhân cười lớn, xua tay :

- Chưa đủ, thế đấy... Nếu giảng giải suông chỉ mới gọi là hiểu nghĩa. Còn phải biết làm gì kia ? Đâu dễ tròn hai chữ hiểu biết được ru ? Ta không hỏi hiểu hay không. Ta chỉ cần cái biết của anh. Nếu để hiểu suông, chữ nghĩa nào khác món rượu chè để bọn sáo rỗng ngâm vịnh rung đùi tâng bốc lẫn nhau. Hiểu thế mà chẳng biết... để làm gì ư ? Này anh kia... đừng phù phiếm nhầm lẫn cái học chân chính với cái học danh lợi của hạng phàm phu tục tử. Học để thành đạt và học để thành nhân rốt cục chỉ phân biệt nhau chừng ấy đấy. Thành đạt ở chốn quan trường mà chẳng thể thành nhân thì chỉ là cái thành của hạng tiểu nhân, gian thần không khác. Này,học chữ tất biết nghĩa. Biết nghĩa để sống làm theo đạo lý. Vì thế, mặt rộng của chữ nghĩa cũng chính là đạo nghĩa.

Triệu Tuấn bỡ ngỡ vì chưa từng rõ ràng lời chí lý mới nghe như đơn giản ấy. Đã sáng tỏ trong lòng, từ đó gã càng bình tâm đọc sách chẳng ai nghe gã nói tới chuyện hoạn lộ quan trường.

- 3 -
Cuộc gặp gỡ khá lạ lùng ấy đã gieo vào lòng hai người vốn xa lạ - một già, một trẻ - thêm những niềm tin vào chánh đạo, vào ý nghĩa đích thực của chữ nghĩa thánh hiền. Triệu Tuấn, gã hàng rong có tâm cầu học khiến lão nhân cảm xúc trong dạ.

Ông đâu hay, mỗi ngày dưới gốc đa kia vẫn có một đôi quang gánh đến nơi khi trời vừa đúng ngọ. Gã hàng rong ấy cũng chẳng thể biết rằng, đấy chính là thời khắc quan trọng nhất trong đời của vị lão nhân kia. Ông trong lúc đang đắn đo vận dụng hết tâm trí và cả nghị lực, can trường để làm một việc xưa nay chưa từng có... Gian lều là nơi lão nhân tĩnh toạ để bắt đầu công việc. Ông xa lánh người thân, nét mặt luôn đăm chiêu nghiêm cẩn. Có lúc ngồi suy tư trầm lặng hàng giờ hoặc có lúc vỗ án, mặt giận đỏ bừng tóc râu vểnh ngược. Có lúc ông dàu dàu nét mặt tưởng như trong lòng chán nản buông xuôi. Thế nhưng, cứ vẫn đến đúng ngọ dù nắng hay mưa ông đều cất tiếng ngâm thơ. Hình như rằng là để nghe lại tiếng lòng mình, dốc hết bầu khí hạo nhiên tàng ẩn trong từng câu chữ của người xưa. Ngâm thơ đối với ông như một nghi thức chứng tri và tiếp nhận. Chứng tri tâm can và tiếp nhận bầu khí hạo nhiên trong trời đất. Thế nhưng các ngày sau cuộc gặp gỡ ấy, tiếng ngâm thơ chừng như im vắng . Cảnh vật lại trở nên lặng lẽ.

Gã hàng rong thất thần. Lão nhân vẫn thấp thoáng trên đồi Gian lều cỏ tranh còn đó. Buổi chiều Triệu Tuấn hờ hững không buồn để mắt vào quang gánh. Gã chờ đợi và... ngủ ngồi, tựa lưng vào gốc đa quen thuộc. Không có một câu thơ nào gã được nghe thêm. Mặt trời dần lặn xuống non đoài. Gã lầm lũi ra về cùng đôi quang gánh chưa vơi như thường lệ. Triệu Tuấn không biết rằng, lão nhân bây giờ đang chấp bút... Ông đã qua thời gian đắn đo, suy tưởng. Một tờ sớ để hồi kinh dâng lên đức hoàng thượng đương triều. Lòng dạ ông đã quyết dù ra sao cũng cam đành. Lúc này, những câu chữ chừng như đã được an bài không thể nào khác đi được nữa. Mỗi chữ như một ngọn Thái sơn nặng đến muôn cân đặt xuống. Mỗi câu như một luỹ thành dựng lên với khí độ can trường, dũng liệt. Ông viết như thu hết sức bình sinh, tất cả khí lực một đời người vào phút giây tối hậu. Viết để sau đó, mệnh vận nào cũng chẳng còn hối tiếc với đời sau... Hơn ai hết, ông tự hiểu khi những dòng chữ ấy được dâng lên cũng là lúc mà tai hoạ có thể sẽ giáng xuống bất kỳ. Ông viết như trong thời khắc còn lại... sau cùng. Đấy không phải là một áng văn chương nhả ngọc phun châu. Càng không giống thứ văn sách nền nếp đầy điển tích cổ kim nhằm ca tụng hoàng triều hoặc luận bàn cốt đẩy đưa dua nịnh. Ông không mượn chữ nghĩa thánh hiền mưu cầu địa vị như kẻ tiến thân hoặc an nhàn tiêu dao ngày tháng. Văn bút của ông thật ra cũng để cầu an, song không phải cầu an lấy mình, mà là thứ văn bút vì nghĩa lớn bốn chữ Đại An Thiên Hạ. Tờ sớ ngày đêm ông đang chấp bút quả là vô cùng đặc biệt, tuyệt không màng tới cái an nhỏ mọn bản thân mình. Ngược lại, để cái An lớn trong thiên hạ được sáng lên, chắc chắn hiểm nguy sẽ đón đợi ông ở hai đầu thế sự...

Khi đã viết xong, ông cho gọi người nhà thức giấc giữa đêm khuya dặn dò trước sau rất cẩn mật. Chỉ nghe chuyến hồi kinh của ông dữ nhiều lành ít... Không một ai biết rằng, sau mấy lớp áo trước ngực ông là tờ sớ đã được viết trong gian lều cỏ ở đỉnh đồi. Việc làm của ông một mình ông biết, quỷ thần cũng không lường nổi. Sắp đặt xong việc nhà, ông một mình ra đứng ngắm cảnh nông phu cày bừa ngoài đồng áng. Đến ban trưa trở vào gian lều cỏ, ông chỉnh trang y phục mắt đăm đăm như chờ đợi một ai...

Ở gốc đa dưới đỉnh đồi, Triệu Tuấn cũng vừa buông quang gánh xuống. Một người phía sau gốc đa bước ra khiến gã giật mình. Người ấy nhìn vào đôi quang gánh dò hỏi :

-Bằng hữu là người lâu nay thường... hóng mát ở đây ?

Chưa kịp gật đầu chào hỏi, người lạ đã nắm lấy đôi quang gánh chừng muốn lấy đi. Triệu Tuấn sửng sốt :

- Tôi chỉ nghỉ trưa, ăn nắm xôi... chẳng làm hư hại gì nơi đây cả.

- Đúng thế, mời bằng hữu... Lão nhân gia chúng tôi dạy đợi ở đây để nói rằng, bằng hữu sẽ cùng người dùng bữa trưa nay.

- Lão nhân gia... có phải vẫn thường ngâm thơ trên ấy ?

-Vâng, bằng hữu ở xa chưa rành đấy thôi... Xin đơn giản gọi người bằng ba chữ Chu tiên sinh là đủ. Người rất ghét tâng bốc. Đã cho gọi, không việc gì phải lo sợ.

Triệu Tuấn bàng hoàng, chân bước lên đồi mà người như trong mộng. Gã mừng rỡ tưởng không nói nên lời, nhẩm lại :

- Chu tiên sinh... Chu tiên sinh... Phải chăng quan...

- Vâng, là Tế tửu Quốc Tử Giám mặc dầu, song người rất ghét sự tâng bốc, khúm núm trước mặt nhà quan. Thời gian này người hiện đang thong thả đôi chút vì chưa bắt đầu khoá giảng hằng năm. Kinh sư rất gần, người về lều tranh thăm quê và cũng đang sắp sửa hồi kinh.

- 4 -
Một mâm cơm rau cà và hai chung rượu trắng. Kẻ giúp việc đã lui ra chỉ còn hai người, một già một trẻ trong gian lều lộng gió bốn bề. Liếp phên vẫn rung lên bần bật liên hồi. Bầu trời chính ngọ bên ngoài cao vời vợi, bạt ngàn mây trắng.

Chu tiên sinh ngồi chủ vị chiếu trên. Triệu Tuấn khách vị chiếu dưới, gã hết sức rụt rè. Tiếng chủ nhân cất lên :

- Ta đã cho phép, tất anh cũng phải thật lòng không nên câu nệ. Dùng bữa xong, anh để ta hỏi vài việc không phải tầm thường... Anh đi tìm thầy học, chứ có đến nhà quan đâu ?

Gã hàng rong vâng dạ, lòng hồi hộp chẳng thiết gì ăn uống. Khi đã xong bữa để bắt đầu câu chuyện, Chu tiên sinh hỏi gã :

- Thân thế, gia cảnh của anh ta đã nghe qua. Nay cũng nên cho biết việc nhà anh phải chăng đang rảnh, anh chưa hề bận bịu chuyện thê noa cho đến bây giờ ?

- Vâng. Vãn bối đã từng thưa qua... Tất cả đều là sự thật không dám sai trái nửa lời.

- Được. Còn nghe anh có tâm nguyện theo ta làm môn đồ. Nếu học để đợi lều chõng nay mai vào kinh ứng thí, hạng như anh cũng đã có thể tự mình... không phải cần ta dẫn dắt. Nay hỏi rằng, anh đang muốn bái ta làm tôn sư hay làm người luyện chữ trường thi ? Phải nói thật. Nếu không, về sau tất hối hận trong lòng.

Triệu Tuấn đã hiểu ý, gã cố nói nên lời song giọng lạc đi vì xúc cảm :

- Vãn bối không cha không mẹ, sống quạnh quẽ vô cùng Chuyện đèn sách theo đuổi công danh đã sớm bỏ bê, nay chẳng còn đeo nặng. Với tôn sư, vãn bối vẫn khát khao như muốn có một người cha sớm hôm bên cạnh...

Gã ngừng nữa chừng, không còn ngăn được ngọn trào lòng. Chu tiên sinh cười lớn. Ông cảm khái vô cùng. Câu nói của ông sau đó dường như chỉ để tự nhủ với mình :

- Nhà nghèo mới hay con hiếu. Nước loạn ắt biết tôi trung. Thời thơ ấu của anh và ta đều có chỗ đau buồn bất hạnh. Song đừng vì thế mà mất chí cầu học. Ta sớm cách xa thân phụ... Nay có người quạnh quẽ như anh muốn gần gũi ta cũng vì lẽ ấy. Nhớ đến thân phụ, ta cớ gì không đoái tưởng tới anh. Người cầu học không ít, nhưng thiết tha như anh e rằng có một. Để làm thầy anh, lại coi như cha... ta không vui lòng sao được. Ôi, đời nay lắm khi chỉ một phận sự có người suốt đời vẫn còn chưa chu tất, huống hồ anh lại muốn đa mang...

Quá mừng rỡ, gã hàng rong quỳ vội xuống giữa gian lều. Triệu Tuấn dập đầu trước Chu tiên sinh làm lễ bái sư. Ông nghiêm sắc mặt nói rằng :

- Từ nay ta với anh đã nghĩa thầy trò. Chí anh thế nào ta đã biết, song tâm ta anh chưa rõ nông sâu. Nay là lúc ta sắp lên đường hồi kinh đại sự. Là... việc sống chết tựa đường tơ kẽ tóc, nhưng ta quyết đem nắm xương tàn báo đền ân vua nợ nước. Chuyện nhà, ta đã sắp đặt xong xuôi. Nghiệm kỹ, để khỏi náo loạn thê noa ta vẫn giữ kín việc làm chưa từng thố lộ cùng ai. Nay anh gặp ta đúng vào lúc này phải chăng trời định ? Anh vốn chẳng có gì vướng bận lo toan. Ta đem theo để có thầy có trò sớm hôm, phòng khi tối lửa tắt đèn. Thế thì lúc ấy... có anh dẫu ta ra sao cũng được chút vui lòng.

Nói đến đây mắt ông chợt rực lên dữ dội, song hai cánh tay run run phải vịn vào lưng ghế. Triệu Tuấn toát mồ hôi trán. Gã linh cảm những điều kinh hoàng sắp tới với bậc tôn sư mà gã chỉ mới phút giây tao ngộ. Đã từ lâu, gã lầm lũi một mái lều tranh cô quạnh chẳng bạn bè thân thích giao du. Việc quốc sự, nhân quần chỉ thoảng ngoài tai như gió đồng không... Nay gã chợt giật mình tự thấy mông lung mù mịt. Tại sao tôn sư nói những lời trầm trọng. Người sắp hồi kinh ? Đại sự nào ? Là một vị văn quan chân yếu tay mềm chưa từng đánh đông dẹp bắc, nay như đang chuẩn bị lên đường ra chiến địa. Những lời dặn dò cho... hậu sự ư ?

Chu tiên sinh biết Triệu Tuấn hoang mang. Ông chỉ nói thêm đôi câu trước khi đứng dậy :

- Bây giờ ta chỉ cho anh hay chừng ấy. Đúng ba ngày sau tất phải lâm hành. Thời gian đủ để anh quyết định. Có theo ta hồi kinh hay không, anh cứ vẫn là môn đồ của ta. Nếu trở lại, lúc ấy những gì cần biết ta sẽ để anh tận tường. Đấy cũng là lúc mà việc thầy sắp làm gì, trò không thể không hay. Anh hãy về nhà suy nghĩ, thu xếp gọn gàng...

- Lòng con như nhất. Song tôn sư đã dạy, tất phải vâng theo. Đã theo thầy, kiếp dư sinh này chỉ có vui... con còn mong gì hơn thế. Xin tôn sư hãy đợi con tam nhật an trí việc nhà.

Bậc tôn sư nhìn theo người môn đồ mới thu nhận, gã bái biệt ông cùng đôi quang gánh xuống đồi. Bóng chiều buông lãng đãng non xa Chu tiên sinh ngước nhìn mây trời phiêu hốt, lòng ông vui buồn lẫn lộn. Đôi quang gánh ấy càng khiến ông khắc khoải... Vì đâu ?

Môn đồ cũ của Chu tiên sinh có một người cũng đã từng mang "quang gánh" trên vai. Song đấy là một gánh sơn hà. Khác Triệu Tuấn chỉ mới vừa bái kiến tôn sư trong hôm nay. Người môn đồ cũ ấy đã ra người... thiên cổ - Trần Hiến Tông hoàng đế - băng hà chỉ trên tuổi đôi mươi, người đã thọ giáo ông lúc còn ở cung Thái Tử. Từ khi ấy, Chu tiên sinh hiểu rằng, vận khí nhà Trần đã không còn cơ chấn chỉnh. Nhưng với tấm lòng son sắt của một kẻ cô trung, bốn chữ Đại An Thiên Hạ vẫn khiến ông tiếp tục cuộc hành trình đơn độc của riêng mình. Một hành trình đầy bi tráng và trơ trọi đến hoang vu... Hành trình chỉ dành riêng những kẻ đầy đủ khí hạo nhiên dấn bước. Với ông, cố chấp khư khư vàothành, bại đã không còn. Điều đáng nói - vĩnh cữu hơn - là câu hỏi có hay không ? sự tồn tại của khí phách văn chương trong thời ông đang sống. Ngoài ông ra, ai có thể trọn vẹn trả lời câu hỏi đó ? Bằng hữu và tri kỷ là đâu ? Chu tiên sinh vẫn đứng đó, lặng lẽ cho tới khi trời chập choạng bóng hoàng hôn...

- 5 -
Công quán, ngói âm dương dột nát, là ngôi nhà rường nhỏ nép mình sau Quốc Tử Giám ở kinh đô. Nơi lặng lẽ, không có bóng dáng quân binh nào canh giữ. Quan Tế tửu Chu Văn An ở đây trong thời kỳ công vụ. Đang triều Dụ Tông nhà Trần, vua kế tục Hiến Tông.

Từ khi Chu tiên sinh hồi kinh, người lính già nua hầu cận cũng đã ít khi lai vãng. Đúng kỳ, mỗi tháng số bổng lộc khiêm nhượng và phần lương khô được đem đến. Bây giờ, nhiệm vụ phục dịch hằng ngày của người lính già kia đã giao cho Triệu Tuấn lo toan. Gã hết sức cần mẫn chăm sóc Chu tiên sinh không khác cha già.

Trần Dụ Tông hoàng đế vẫn không lâm triều trong thời gian vô hạn định. Quan Tế Tửu như lửa đốt tâm can, không thiết uống ăn mỗi khi từ Quốc Tử Giám trở về. Trước án thư, ông vẫn đăm đăm từng đêm thao thức. Những ngày sóc, vọng, hối, huyền lần lượt trôi qua.

Không thể chần chừ thêm nữa, dặn dò Triệu Tuấn cẩn mật xong, Chu tiên sinh chỉnh đốn áo mão đại triều vào quỳ trước điện vàng một mực xin bệ kiến long nhan. Ông đến đúng vào lúc chánh ngọ.

Năm tên cẩm y thị vệ lập tức quát hỏi :

- Quan Tế tửu coi thường phép nước, chưa có thánh chỉ đã tự ý xin vào bệ kiến long nhan. Không sợ phạm vào tội chết ư ?

- Hạ quan vì quốc sự không thể đợi chờ. Việc lâm triều đã từ lâu chẳng còn thông lệ. Do tồn vong chính sự khẩn thiết, bất đắc dĩ hạ quan phải liều mạng dâng trình tấu sớ lên đấng cửu trùng.

Lát sau, viên tổng quản thị vệ bước ra. Hắn đi xiêu vẹo, trên tay đang cầm bình rượu, nạt lớn :

- Quả là to gan lớn mật. Mau đưa tấu sớ cho ta và lập tức lui ra. Dựa vào chút công sức nhỏ mọn của chức Tế tửu kia, há rằng ngươi dám khi quân phạm thượng ? Không muốn sống nữa ư ? Đưa mau.

- Hạ quan muốn đích thân tấu trình. Phi hoàng thượng ra không thể qua tay ai khác. Phiền tổng quản niệm tình.

Biết không thể đọc trộm được tấu sớ, viên tổng quản cười gằn hăm doạ. Hắn làm cử chỉ như muốn rút gươm ra :

- Rượu mời không uống, muốn uống rượu phạt. Để xem ngươi quỳ gối được bao lâu. Chữ nghĩa liệu có sắc bằng vật này chăng ?

Hắn lật đật bỏ vào nội cung. Một chốc sau, trong góc khuất có tiếng người thầm thì to nhỏ với viên tổng quản. Hắn ra chiều xum xoe cung kính :

- Bẩm vâng. Việc này để hạ quan lo liệu. Quả là có tấu sớ thật. Hình như lão luôn để trong ngực áo. Đại nhân yên tâm. Trước khi đến tay hoàng thượng, bằng mọi cách hạ quan sẽ khiến cho ngài biết trong đó viết gì.

- Tốt nhất đừng đụng chạm đến thân thể lão ta. Ít nhiều thì hoàng thượng cũng có đôi chút trọng thị vì tiên đế trước đây... Bọn ta chỉ cần ngài không nghe lời tấu trình kia là đủ. Kẻ sĩ trung nghĩa ư ? Ồ, sớm muộn cũng phải về thoái ẩn mà thôi. Thân cô thế cô, sẽ không ai dại bỏ phú quý vinh hoa theo con đường của lão. Nếu một mực khư khư, tất cái chết đã gần kề. Ngươi thử nói đi, ngoài lão ta ra có ai là người không nịnh hót bọn ta ? Ha ha... lập tức truyền thuộc hạ dò xét.

- Đại nhân dạy không sai. Hạ quan xin ra sức khuyển mã.

Quan Tế tửu vẫn một mực quỳ trước sân rồng. Nắng và sức già khiến con người cô trung ấy run run giữa trời hạn hán. Mồ hôi ướt dầm thân thể. Ông rạp mình xuống, úp mặt vào sân gạch lưu ly thở dốc. Nhờ thế tấu sớ trong ngực sẽ không bị nhèm đi. Có những tiếng cười gằn thoá mạ nổi lên... Tiếng gươm giáo chạm nhau kêu lách cách.

Cho đến ngày thứ ba, ông vẫn đến quỳ ở đây. Cứ thế cuối giờ thân khi cổng thành sắp đóng mới chậm chạp ra về. Triệu Tuấn vội ra dìu tôn sư vào công quán, chỉ thấy Chu tiên sinh im lặng lắc đầu. Gã vừa xót thương vừa kính trọng, chỉ lo chăm sóc tôn sư mà chẳng biết nói gì. Ông không cho Triệu Tuấn thay áo trong, nơi cất giũ bản tấu sớ như một vật bất ly thân. Gã đã hiểu rõ tầm quan trọng của tờ giấy mỏng manh kia. Tuy không được tận mắt song tôn sư đã nói qua cho gã biết để phòng khi... hậu sự. Ông nói từ buổi lên đường hồi kinh. Câu sau cùng hôm ấy khiến người môn đồ trẻ tuổi sững sờ, quặn thắt :

- Đệ tử của ta chẳng ít, không ngờ kẻ lo hậu sự cho thầy lại là một người chỉ mới vừa gặp gỡ đầu hôm sớm tối. Âu là cái duyên trời định cho ta được hưởng phước làm thầy trong mấy khắc... sau cùng. Ta vui lòng biết bao. Riêng đối với anh lại là phận bạc, gặp gỡ ta đúng vào khi bất trắc hiểm nguy. Có khi... đành bỏ lại anh trơ trọi. Cứ lấy hôm nay những gì ta làm là bài học duy nhất - đầu tiên và cuối cùng - cho anh đấy. Thầy xót thương anh cho dù chưa bao nhiêu ngày tao ngộ cả. Vì có lẽ, thêm lần nữa anh lại phải tự học tự sống lấy một mình. Nhưng kìa, ai cho phép... anh chảy nước mắt. Anh có từng nghe ta ngâm thơ chưa hử ? Đấy, cũng là khóc song chỉ có cổ nhân và núi sông là nghe được... Không được khóc bởi bọn tiểu nhân, gian thần sẽ lấy đó làm vui... Cứ kẻ dửng dưng, người khóc lóc sợ chết rồi xu phụ để an thân hưởng chút lợi lộc có là bao xa ? Từ thiên cổ, nhân gian ai là người không chết. Sống ra sao, bao nhiêu cũng chưa đủ... duy chỉ lúc sau cùng "cái quan luận định" mới có thể trọn vẹn một kiếp nhân sinh. Sống, ta chưa từng tự kiêu đã đủ... Chết, ta quyết không để tiếng chết thừa... Phút cuối đời có anh khiến thầy vui lòng thế này, lại phải khóc lóc kia ư ?
 

- 6 -
Ngày thứ tư, Chu tiên sinh dậy sớm khi còn bóng đêm dày đặc. Triệu Tuấn hầu trà bên thầy sau khi thổi xong mâm cơm đạm bạc. Hôm nay ông sẽ đi vào buổi sáng và trọn ngày quỳ ở sân rồng cho tới giờ... thân. Chỉ gắng gổ hai bát đầy, ông không cách gì cố thêm được nữa. Miệng đắng cổ khô, có ấm trà bạch mao giúp ông thêm tỉnh táo đôi phần. Đổ đầy trà vào một bầu rượu... rỗng, Triệu Tuấn cẩn thận cột sợi dây đeo cái vật nhỏ nắm tay kia vào thắt lưng người thầy râu bạc. Buổi trưa trời đang hạn hán lâu ngày, vật ấy sẽ giúp Chu tiên sinh cầm sức ở giữa sân rồng. Ông yên lặng cảm nhận rõ hai bàn tay người môn đồ run rẩy... Một việc làm chưa hề hỏi qua ông. Gã tự ý và đang chờ lời trách mắng. Liếc nhìn chồng sách trên án thư, Chu tiên sinh biết ba ngày qua anh ta chưa hề đọc được chữ nào. Ông đứng dậy bắt đầu mang áo mão đại triều.

Sáng hôm ấy, ngay đầu giờ mão khi cổng thành vừa mở thì các thị vệ đã nhìn thấy quan Tế tửu đến quỳ giữa sân rồng. Bọn chúng kinh ngạc bật cười nghĩ rằng chính cái nắng hạn hán lúc chánh ngọ như thiêu khiến kẻ liều mạng kia thay đổi...

Chốc sau, dưới một bức cấm thành, viên tổng quản thị vệ lại xuất hiện. Vẫn cái tiếng thầm thì nhỏ to bên tai hắn :

- Thế nào ? Nói ta nghe thử. Liệu cái đầu của ngươi đấy.

- Bẩm, đã có cách... Hiện tên lính già lưu lại công quán đã hết công vụ, hắn chỉ việc đem lương thực tới mỗi tháng một lần. Người nhà lão ta xin theo hầu hạ đã hơn tháng nay. Hiện không còn tai mắt dò xét. Xin đại nhân bớt giận. Vu oan giá hoạ ắt dễ hơn nhiều. Hiềm vì lẽ không được phép động vào lão ta, cái thứ chữ nghĩa chết tiệt kia. Hạ quan vốn quen việc võ biền. Chỉ còn một cách...

- Là cách nào ? nói mau. Để cho ngươi đầu giờ ngọ phải tra ra bằng được. Nếu không, chớ trách bọn ta bạc đãi. Một trăm nén... vàng chờ ngươi thuận buồm xuôi gió đấy. Ta ngờ rằng, khó bưng bít lâu hơn nữa. Khi ngự giá lên vọng lâu hóng gió, hoàng thượng đã nhìn thấy việc lạ. May mà bọn ta bày trò vui khiến ngài bỏ quên chưa hỏi tới. Để tiện cho ngươi ra tay, bọn ta đã mật lệnh cho Cửu môn Đề đốc phải nhắm mắt không được xét hỏi gì lôi thôi. Lập tức đi ngay.

Quan Tế tửu đã khiến trời đất cảm thông chăng ? Ngày hôm nay chỉ mới đầu giờ thìn mà nắng chẳng thua gì chánh ngọ. Đấng cửu trùng ngự lên vọng lâu sớm hơn những ngày trước. Điều ấy khiến các cận thần không sao ngăn cản được. Ngài phóng mắt rồng ra xa và nhìn thấy kẻ đang phủ phục ngoài kia. Chúng thần bẩm tấu sự việc. Dụ Tông chợt nhíu mày, ngài lưỡng lự hồi lâu rồi truyền chỉ cho vào.

Khi quan Tế tửu lê bước tới dưới vọng lâu, tung hô lễ bái xong thì đã không còn đứng vững. Chỉ có giọng nói vang và một thần trí dũng liệt, còn thân xác ông tựa hồ như kiệt sức. Dụ Tông truyền ca nhân mỹ nữ im lời, từ trên cao ngài phán bảo :

- Quan Tế tửu ưu tư quốc sự nào ? Không thấy cảnh thiên hạ đang âu ca hoan lạc đấy ư ? Đựơc hưởng ơn vua lộc nước tại sao Chu hiền khanh lại phải tự mình đày đoạ tuổi già ?

- Muôn tâu thánh thượng, thần vì báo đáp trong muôn một nên không thể không dâng lên tấu sớ. Trộm nghĩ, xưa nay lẽ hưng vong quốc sự đều không ngoài việc dùng người của đấng quân vương. Lẽ rằng, hiền tài đắc dụng ắt tiểu nhân, gian thần phải thoái. Đấy là đầu mối của việc trị quốc an dân và điều hoà chính sự. Ngược lại, tiểu nhân lộng hành tất hiền tài chẳng đất dung thân. Đấy là cơ hội cho bọn gian thần lũng đoạn làm hư hao chính sự, khiến suy quốc khổ dân. Nay gian thần lộng hành, ngạo khinh phép nước. Bên trong, chúng ngấm ngầm ra sức sâu mọt, vơ vét gian tham khiến trăm họ kêu ca, nơi nơi đồ thán. Bên ngoài một mặt cố bưng bít, mặt khác lại chuyên lấy

việc tâng bốc, ngợi ca khiến thánh thượng vui quên. Bàn tay chúng muốn che cả mặt trời tâu bày không thật, trước mặt giả cách trung lương mà sau lưng mưu đồ danh lợi... Đấy chẳng khác gì bọn phản quốc, khi quân. Trong khi... kẻ hiền tài, người quân tử cô thế đành phải im hơi không dám tâu bày. Bọn tiểu nhân, gian thần luôn sẵn cái cớ vu hoạ làm giặc để hãm hại khiến người người lo sợ. Lẽ đó, cửu trùng chỉ nghe tám phương hưng thịnh. Thiên tử những tưởng bốn biển an nhàn... Quả thực tội lỗi gian thần đã cao như núi. Đích thị hiểm nguy của lũ tham tàn rộng sâu tựa biển.

Muôn tâu thánh thượng. Thần là kẻ hưởng ơn vua lộc nước lẽ nào chẳng thấy đau lòng ? Lòng dạ sắt son dẫu chết không từ, nguyệnvì bốn chữ Đại An Thiên Hạ thiết tha thảo sớ dâng lên ngay trước cửu trùng. Xin hãy chém ngay bảy đứa nịnh thần để chấn hưng phép nước,răn kẻ gian tà. Vẫn biết thiên tử sẽ nổi trận lôi đình, thần vì nghĩa lớn dẫuthác chẳng chút oán than. Ngưỡng mong thánh ý hồi tâm, chuẩn tấu.

Quan Tế tửu lấy tờ tấu sớ từ trong ngực áo, cung kính hai tay nâng khỏi đỉnh đầu. Hoàng cung lặng ngắt như tờ, cận thần xanh mặt. Đấng cửu trùng nghe như sấm nổ bên tai, long nhan biến sắc. Sự cố ấy quá bất ngờ khiến tất cả đều bàng hoàng kinh dị... Cuối cùng, bàn tay ngài cũng đưa ra. Lập tức một tên thái giám bước khỏi vọng lâu thu sớ. Quan Tế tửu mồ hôi ướt đẫm triều phục, thân hình ông run run chực quỵ xuống song hai cánh tay vẫn nâng cao không chút lung lay. Cảm giác nhẹ hẫng đi khi tên thái giám quay lưng, tâm can ông chợt thanh thản vô cùng... song cũng là lúc thể xác con người cô trung kia cạn kiệt , mặt úp xuống sân gạch lưu ly, ông thở hơi nặng nhọc. Nắng loá mắt hừng hực chung quanh tưởng trời đất như đang trong lò than lửa. Bụng quan Tế tửu kê lên một vật tròn. Ông lần tay nắm lấy, chợt thấy man mát một chút tình của người môn đồ quang gánh theo ông. Bầu nước nhỏ nắm tay cột ở thắt lưng còn đó...

Khi đấng cửu trùng đã đọc xong tấu sớ, ngài lặng lẽ gấp tờ hoa tiên mà không giao lại thái giám như thường lệ. Các cận thần len lét nhìn nhau, không thể biết tấu sớ đã nêu rõ chức tước những ai ? Bảy tên người mà quan Tế tửu đòi chém kia vẫn còn trong bí mật... Quả là một thỉnh nguyện táo gan, động trời chưa ai nghe nói. Rất lâu, trong không khí ngột ngạt ấy thánh ý mới được truyền ra. Đấng cửu trùng phán bảo với giọng nói bình thường. Rõ ràng, ngài không nổi trận lôi đình song có vẻ như sự êm dịu đã tự nói lên mức độ ảnh hưởng mà ngài đang muốn tìm cách phủ nhận :

- Tất cả đều là bề tôi của trẫm, ngay cả Chu hiền khanh cũng thế. Ai nấy đều khuông phò xã tắc, mỗi người đều có tính cách riêng cứ gì ai phải giống ai. Việc quốc gia đại sự, tự trẫm đã liệu rõ trắng đen Chu hiền khanh đã... quá lo xa rồi đấy. Để khỏi mất đi hoà khí giữa các quan bản triều với nhau, nay trẫm bỏ qua không xét việc làm này của Chu hiền khanh. Tờ tấu sớ này phải coi như... chưa từng có trên đời. Không chứng cớ bắt tội quan Tế tửu. Song, từ nay Chu hiền khanh cũng không được sớ, biểu gì nữa khiến trẫm lại phải nhọc công hoá giải bất hoà. Ai bất tuân thượng dụ... trẫm đều không tha tội chết, lập tức chém đầu.

- Tạ ơn hoàng thượng. Thần tuân chỉ.

Trước khi rời khỏi vọng lâu để hồi cung, Dụ Tông truyền đốt bỏ tấu sớ ngay trước long nhan. Các tàn lửa mong manh bay lượn rơi dần xuống trên đầu quan Tế tửu chưa hết thì đoàn ngự giá đã khuất sau cổng Nghi môn. Đang mùa hạn hán nhưng hình như có một thứ giá rét thấm vào lòng người phủ phục giữa sân rồng vắng lặng.

- 7 -
Cửa Huyền Vũ phía bắc kinh thành. Chiều đã bắt đầu nhạt nắng. Quan Tế tửu chậm chạp lần bước tới đây sau khi rời khỏi hoàng cung. Ông dừng lại dưới bóng mát một khắc để lau mồ hôi và điều hoà hơi thở. Hai tên lính cầm giáo chụm đầu vào nhau thì thào to nhỏ, lom lom nhìn ngó... Một lát sau chừng như không còn nghi ngờ gì nữa chúng khoái trá gọi nhau :

- Mau lên ngựa bẩm báo Tổng quản. Lão ta đang chuẩn bị treo mũ áo từ quan. Từ nay trong triều đình chẳng còn ai dám hạch tội các vương công đại thần. Quan ngài không phải còn e ngại nữa... Ha ha.

Chúng thấy rõ quan Tế tửu Quốc Tử Giám cởi bỏ bộ triều phục, hia mão... treo tất cả lên cửa Huyền Vũ và cung kính chín lạy, chín quỳ. Chỉ như vậy, đủ để từ nay chức vị kia trả lại cho đấng cửu trùng. Quan tước nào dù to lớn đến đâu, cũng chỉ trong khoảnh khắc một đời người. Cuối cùng, còn lại sau tất cả... vĩnh viễn ông cứ vẫn là Chu tiên sinh muôn thuở. Thật đơn giản, đời ông sáng vằng vặc dường như không có chỗ cho ân hận, sự biện minh về những ươn hèn, tự đánh mất mà lắm lúc có thể người bình thường khác vẫn phải đối diện... trước lòng mình. Để đích thực là con người vì Tất Cả , ông tuyệt nhiên không tư vị riêng ai ngay với cả bản thân mình. Rất có thể - người như ông - cũng chẳng hề chủ tâm để được tiếng trong sạch, thanh cao như một thứ trang sức đặc biệt trong đời. Đơn giản, đấy đã là khí cốt tự nhiên. Tại sao những người không như ông vẫn mải miết đi tìm ? Khí hạo nhiên kia có hay không giữa trời đất bao la ? Chu tiên sinh và những hạng người như ông dường như sinh ra, cốt trả lời câu hỏi ấy. Câu hỏi suốt ngàn thu chưa bao giờ thôi ẩn hiện ở đằng sau bóng chữ, khuất lấp trong nếp gấp văn chương. Ông rời cửa Huyền Vũ khi trời đã nhá nhem. Tới cũng như lúc đi bước chân không có gì đổi khác, mặc những đôi mắt cú vọ săm soi.

- 8 -
Chu tiên sinh bồi hồi về đứng trước công quán. Nơi bao ngày qua ông tận tuỵ một thời. Đìu hiu và lặng lẽ ... Từng làn gió đêm thổi ngược làm tóc râu ông phất phới. Hơi nóng như vẫn còn lẩn khuất giữa không gian. Bước lần qua cổng với cảm giác trống vắng, thư thả... Ông vấp vào chiếc đôn sứ nằm lăn đổ giữa đường đi. Không thấy bóng dáng Triệu Tuấn chạy ra đón đỡ bên thầy ? Cây đèn lồng treo đêm trước thềm hiên vẫn chưa thắp. Bấy giờ, Chu tiên sinh mới chợt thấy lạ lùng ? Lặng ngắt bóng đêm, chỉ có những cánh dơi xập xoè qua lại. Công quán dường như chỗ không người. Linh cảm điều bất tường vừa đột biến...

Chu tiên sinh bước vội vào, hai tay quờ quạng trong bóng tối. Mở nhanh hai cánh cửa chỉ khép hờ, ông lờ mờ cảnh xiêu đổ tan tành khắp nơi trong công quán. Chân ông vấp vào những sách vở, bút nghiên đầy dẫy nền nhà... Bộ trường kỷ ở căn trên, hiện đã dời ra giữa. Thoang thoảng mùi máu tanh. Lòng dạ Chu tiên sinh quặn thắt.

Không biết bao lâu ông mới tìm ra lửa để thắp lên. Ánh nến vừa đủ để nhìn rõ cảnh thê lương. Không nơi nào còn nguyên vẹn. Tất cả đều lăn lóc, đổ bể, giường chiếu lật tung, y phục xé rời ra từng mảnh nhỏ. Những tờ hoa tiên vật vờ, bị giẫm nát. Một hình hài rũ rượi nghẹo đầu, bị trói chặc vào cột gỗ lim, không động đậy. Triệu Tuấn. Y phục trên thân xác người môn đồ trẻ tuổi ấy rách bươm, để lộ ra từng vệt máu tím bầm ngang dọc vắt chéo qua mặt mày, thân thể. Gã đã bị cực hình tra tấn. Một vũng máu nhầy nhụa dưới chân. Bậc tôn sư khó nhọc lần từng múi dây thừng, bàn tay run lên bần bật... Cố hết sức già, Chu tiên sinh không để cho thân xác người môn đồ đổ sấp. Ông kéo chiếc trường kỷ nặng nề tới vừa đủ một người buông xuống, nằm xuôi. Chút vốn liếng dạy dỗ tâm đắc nhất cuối đời ông đây sao ? Đạo trời đây sao ? Con mắt già ấy đang quắc lên dữ dội mà hình như đã ướt...

- Không bao giờ... Không... Không.

Chu tiên sinh tự nói với lòng chăng ? Vâng, song đấy cũng là giọng thều thào vừa lọt ra từ một cửa mồm đầy máu. Triệu Tuấn chưa... chết ư ? Gã đang mê man và bắt đầu nói sảng. Mạch máu lưu thông nhờ sợi thừng được cởi bỏ cùng với chấn động của thân hình vừa đặt xuống.

- Không... Không phản thầy. Ta thà chết không nói...

Nhểu một tí nước vào môi gã, ông phập phồng hy vọng. Cái bầu nước nhỏ nắm tay đã giúp Chu tiên sinh quỳ suốt giữa sân rồng hạn hán. Cái bầu ấy cũng sẽ giúp gã hồi sinh. Cái bầu rỗng rượu... nhưng đầy nước bên trong... còn đủ để những người như hai thầy trò ông tin tưởng dù cô thế giữa đất trời bao la này thực, song chánh đạo vẫn còn. Dẫu có khi đi bằng những bước lẽ loi, nhưng tiếng vọng của nó thì tuyệt nhiên không bao giờ vô ích. Dẫu hoạn nạn hoặc bình an, dẫu thanh bần hayphú quý, là thành công hay thất bại... Tất cả, rồi cuối cùng chẳng có ai còn lại. Có chăng ? Chỉ tiếng vọng của khí hạo nhiên là bất tử.

- 9 -
Mấy ngày sau... ngược phía bắc rời kinh sư. Trên con đường tinh sương mới rõ mặt đã có tiếng người trò chuyện. Lão nhân chống gậy đi trước, râu bạc phương phi con mắt đầy thần khí lẫm liệt. Bên lưng ông là chiếc bầu nắm tay lủng lẳng. Theo sau, người thanh niên với một đôi quang gánh toàn sách vở, bút nghiên. Gã xanh xao và đầy thương tích trên khuôn mặt hiền lành. Hai người một trước một sau bước chân không có gì vội vã. Cứ chừng nửa dặm, họ lại dừng bên vệ đường... Mỗi lần thế, câu chuyện lại được nối theo rôm rã. Nhìn họ, khó ai biết hai người vừa qua cơn sinh tử kinh hồn.

Lão nhân ngồi xuống chiếc đòn gánh úp sấp, bắt ngang qua hai đầu quang gánh. Thanh niên tựa vào gốc cây, đứng sau thủ lễ.

- Đệ tử không kịp giấu cất những trứ tác của người. Kinh sách thông dụng không việc gì. Chúng chỉ huỷ hoại tâm huyết một đời của tôn sư... Nhất là bộ Tứ Thư thuyết ước mười quyển đã không còn.

Lão nhân cười lớn, nói như chẳng việc gì :

- Nực cười cho bọn tiểu nhân, chúng biết có thể hại được ta nhưng không bằng tiêu huỷ tâm ta nên xoá sạch đi trứ tác. Thế, các người như anh muốn sống theo ta hay chỉ cần đọc đủ sách ta trứ tác ?

- Vâng, đệ tử rất mừng vì đoán chắc nay mai tôn sư ắt lập trường dạy học. Việc truyền thụ của người chính vì thế sẽ cặn kẽ hơn nhiều so những gì chúng con chỉ được đọc qua trứ tác.

- Bài giảng lớn nhất của ta, anh đã học. Thế đấy, mà rồi nhớ thử xem... ngoài đôi quang gánh theo ta cho đến nay, đã khi nào anhcó đủ một ngày ngồi nghe sách, viết chữ với thầy đâu ?

Thanh niên cảm động. Ôi, dẫu đã phải chết hôm ấy vì thầy thì cuộc đời nhỏ mọn của gã cũng đã vô cùng mãn nguyện. Huống hồ... Vâng, anh ta đã được giảng dạy bài học lớn nhất của tôn sư. Một bài giảng mang thực nghĩa đến tận cùng rốt ráo. Bài giảng ấy khôngphải cần lớp học. Bài giảng mà người chỉ giáo lẫn kẻ môn đồ đều tận tuỵ ngay trên mạng sống của chính mình.

Hai kẻ bộ hành lại cùng chia nhau bầu nước nhỏ. Thầy trước, trò sau. Đôi quang gánh và chiếc gậy tre tiếp tục cuộc đăng trình. Họ trở về ư ? Vâng, nhưng là để chuẩn bị cho một cuộc lên đường mới. Họ sẽ đi về phía mái trường và thế hệ tương lai...

(thành nội Huế - 2005 )
Trần Hạ Tháp


Trở Về  ]