Chim Việt Cành Nam                   Trở Về  ]          [ Trang chủ  ] 
Một câu chuyện thiền
 
Ðối Thoại Trong Im Lặng
lời bình của Nguyên Si
Tại một ngôi chùa kia, có hai sư huynh đệ trụ trì. Người anh thì thông minh uyên bác, nhưng người em thì đã dốt đặc cán mai, lại chỉ còn có một con mắt.

Một hôm, có một nhà sư đi ngang qua chùa và xin cho ở đậu. Tục lệ thời bấy giờ là muốn được đón nhận vào chùa, người khách phải toàn thắng người chủ trong một cuộc so tài về giáo lý. Nhà sư khách xin được so tài về giáo lý.

Người anh mệt mỏi vì học kinh điển suốt ngày, nên nhờ người em ra thay mặt mình. Ông quá biết rõ sự ngu dốt của em mình, nên dặn dò rất kỹ lưỡng:

- "Ðệ nhớ cứ giữ im lặng là hơn cả."

Người em vâng lời, và bước ra ngồi đối diện với người khách. Chẳng bao lâu, người khách chạy đến tìm người anh, mắt tròn xoe, và nói:

- "Xin thán phục! Sư đệ ngài quả là tinh thông giáo lý! Tôi xin chịu thua rồi."

- "Vì sao vậy?", người anh đưa mắt hỏi.

- "Ðây, để tôi kể cho ngài nghe cuộc đối thoại bất hủ này! Ðầu tiên, tôi giơ một ngón tay lên, để chỉ Ðức Phật, đấng Từ bi Giác ngộ. Sư đệ ngài liền giơ lên hai ngón tay, ý nói Ðức Phật và Giáo lý của Ngài không thể nào tách rời nhau được. Tôi liền giơ lên ba ngón tay, tượng trưng cho Tam Bảo là Phật Pháp Tăng. Thì tuyệt diệu thay! Sư đệ ngài liền xòe bàn tay phóng lên không trung, để phá tan tất cả và thu Chân Không vào một mối! Giáo lý của các ngài đã đạt tới mức Thượng thừa! Tôi xin bái phục, và cũng xin hẹn ngày sau tái ngộ."

Người khách bỏ đi rồi, thì chỉ một lát sau người em hùng hổ chạy tới:

- "Ðâu? Hắn đâu rồi?"

- "Hình như đệ đã thắng hắn rồi phải không?", người anh hỏi.

- "Thắng cái khỉ khô! Ðệ sắp cho hắn một trận bây giờ đây này..."

Người anh ngạc nhiên hỏi nguyên do.

Người em trả lời, giọng ấm ức:

- "Huynh có thể nào tưởng tượng, hắn hỗn xược đến thế này là cùng. Ðầu tiên, hắn mỉm cười chế riễu đệ, và giơ một ngón tay lên chê là đệ chỉ có một mắt. Ðệ cố nén giận, vì nghĩ dù sao mình là chủ, hắn là khách, cũng nên giữ lễ với hắn một chút. Nên đệ giơ hai ngón tay lên mừng cho hắn còn đủ hai mắt. Nhưng quá quẩn thay! Hắn lại giơ lên ba ngón tay, ý nói cả hai người cộng lại cũng chỉ có được ba con mắt! Tới đó, đệ không còn chịu nổi nữa, liền vung tay lên định ban cho hắn một chưởng thì hắn vùng bỏ chạy mất..." (*)

Lời bình của Nguyên Si

Tục ngữ ta có câu: "Ông nói gà, bà nói vịt", thiết tưởng rất thích hợp với câu chuyện trên đây. Nhưng gà với vịt còn có thể nấu nướng như nhau, chứ Phật Pháp Tăng và con mắt chột của nhà sư thì làm sao mà bỏ chung vào một lò được? Cũng vì vậy mà trong chùa nọ suýt xẩy ra một trận đấu chưởng kinh hồn!

Nguyên Si tôi le lưỡi, lắc đầu, gãi tai, mà than thở: Ôi! cuộc đối thoại trên có phải chăng là một cuộc đối thoại giữa hai nhà sư đi tìm Chân Lý, hay rốt cục cũng chỉ là hai cuộc độc thoại của hai tâm hồn bị ám? Sự cảm thông giữa những con người mới thật là khó khăn thay! Cũng như mỗi khi bàn chuyện Thiền, Nguyên Si muốn nói bao nhiêu điều với độc giả. Nhưng nặn óc ra lời rồi, mà ngòi bút những ngập ngừng trên giấy trắng, chẳng hiểu rồi đây độc giả có cảm thông cho hay chăng?

Thở than xong, thì lại trộm nghĩ: phàm ở đời, muốn cảm thông nhau, thì chỉ có hai cách là nóikhông nói (theo nghĩa rộng).

Nói tức là dùng một phương pháp biểu tượng để diễn đạt tư tưởng của mình. Thường tình, người ta dùng lời nói (ngôn ngữ), chữ viết (văn tự), hoặc nếu không nói không viết được (hay lười nói lười viết), thì dùng dấu hiệu (hiệu ngữ). Nhưng trong trường hợp nào cũng dùng một cái này để chỉ định một cái kia. Do đó, thật là một phương pháp vô cùng thiếu sót, một chiếc cầu thông cảm mỏng manh và tạm bợ.

Xin kể một câu chuyện vui, xảy ra tại một trạm xe lửa bên Anh. Một bà già nghễnh ngãng hỏi người xếp ga:

- "Xe lửa đi Luân đôn mấy giờ mới tới và ngừng ở đây bao lâu, thưa ông?"

- "Thưa bà, từ hai giờ kém hai phút tới hai giờ hai phút (from two to two to two two)."

- "Chèng đéc ơi! Ông này nghễnh ngãng thiệt. Tôi có hỏi ông còi xe lửa kêu ra sao đâu mà ông cứ tu-tu hoài vậy."

Câu chuyện này nói rõ được sự thiếu sót của ngôn ngữ.

Nhưng dù mỏng manh thiếu sót, tạm bợ đến đâu chăng nữa, từ ngữ cũng là một phương tiện cần thiết để tiến lại gần Chân Lý, và gây cảm thông giữa những con người. Ðã "nhập thế cục" thì "bất khả vô văn tự"; ngày xưa Ðức Phật cũng đã do dự nhiều trước khi thuyết pháp, nhưng rốt cục Ngài cũng phải dùng đến ngôn ngữ. Ðối với người Phật tử, ngón tay của Ngài tuy không phải là mặt trăng, song phải lần theo mới thấy được mặt trăng; đến khi tới đầu ngón tay rồi, mới có thể từ bỏ ngón tay mà nhảy qua mặt trăng. Ðó mới là giai đoạn phá bỏ mọi chấp trước vào văn tự, cũng như mọi phương pháp giả lập. Như vậy, tu Phật là cả một công trình lâu dài, lần bước từ giai đoạn này qua giai đoạn khác, từ "hữu luận" qua tới "vô luận" rồi mới tới "duyên giác", đâu có phải một sớm một chiều mà đã thấu được lẽ Chân Không!

Riêng về các phương tiện diễn đạt tư tưởng hay tình cảm, thì phải công nhận rằng lời nói và chữ viết đích xác, tinh vi hơn dấu hiệu nhiều lắm. Dùng dấu hiệu thay từ ngữ, tức là muốn trở lui về thời kỳ thượng cổ! Thật vậy, mỗi lời, mỗi chữ chỉ có thể chỉ định một vài khái niệm, trong khi đó mỗi cử chỉ có thể chở theo hàng trăm ngàn ý nghĩa, tùy theo trí tưởng tượng của con người, nhất là những con người bệnh hoạn, mê sảng, bị ám, như hai nhà sư trong câu chuyện nói trên. Nhà sư chột mắt mang nặng mặc cảm về sự chột mắt của mình, nên nhìn đâu cũng ra sự chê bai, chế riễu: dù là giơ ngón tay hay vẫy ngón chân, vỗ bụng hay rung đùi, tất cả sẽ được thâu vào con mắt chột oái oăm. Nhà sư kia thì lại bị ám ảnh bởi những giáo điều, nên nhìn đâu cũng ra giáo lý "cao siêu": một là Phật, hai là Pháp, ba là Tam Bảo, bốn là Tứ Ðế, năm là Ngũ Minh, sáu là Lục Nhập, bảy là Thất Bồ Ðề Phần, tám là Bát Chánh Ðạo, v.v... (cứ như thế cho đến tận tám vạn bốn ngàn là Bát vạn tứ thiên Pháp Môn).

Như vậy, theo ý Nguyên Si, nếu có nói, thì hãy tránh dấu hiệu, dùng ngôn ngữ, cho đích xác, cho hợp lý, cho thông dụng, tránh những từ ngữ mơ hồ - chỉ định rất nhiều mà thật ra không chỉ định gì cả. Nhất là cố gắng cởi bỏ mặc cảm, thành kiến trong khi đối thoại. Mới nói như vậy thì cảm thấy dễ, nhưng thực hành mới thấy là khó vô cùng.

Còn nếu không nói ? Nếu không nói, thì tức là giữ im lặng. Im lặng cũng có thể cảm thông được. Hơn nữa, im lặng, nếu tuyệt đối, vì không còn thuộc vào thế giới hiện tượng mà đi sâu vào bản thể, nên sẽ có thể dẫn tới Chân Lý tuyệt đối.

Nhưng phải kể đến những loại im lặng giả hiệu.

Ðiển hình cho loại im lặng giả hiệu đầu tiên là câu chuyện "đối thoại trong im lặng" trên. Các nhà sư trong câu chuyện đều hiểu sai chữ "tĩnh". Thật tình, họ không im lặng chút nào vì chính tâm hồn họ còn bị xáo trộn bởi những mặc cảm, sự giận hờn, lòng tranh chấp.

Loại im lặng giả hiệu thứ hai là loại lợi dụng cái im lặng trong sáng, để che đậy một cái im lặng vẩn đục. Ta nhớ tới người xưa đã có câu: "Kẻ cực hiền giống như kẻ cực ngu" hay "Người biết thì không nói"... Thật vậy: kẻ cực ngu không biết gì hết nên dĩ nhiên phải im lặng rồi, còn người cực hiền thì đâu thấy gì đáng nói nên giữ im lặng. - giữa hai thái cực, ngu và hiền đều lên tiếng nói. Nhưng ngu nói ngu, và hiền nói hiền, tương đối còn dễ nhận ra, chứ trong cái im lặng thì làm sao phân biệt được người cực hiền với kẻ cực ngu? Có lẽ vì vậy cho nên mới có lắm kẻ lợi dụng sự im lặng đó, như lợi dụng tinh thần "bất lập văn tự" (không dựa lên chữ nghĩa) của Thiền tông, để che đậy cái rỗng tuếch, ngu xuẩn của mình! Than ôi! Nếu có phải than về Thiền tông, thì Nguyên Si tôi sẽ than như vầy: Ôi! Thiền quả là một nơi lẫn lộn vàng thau; một nơi mà lắm kẻ bịp bợm tha hồ dựa lên tinh thần "vô niệm", "pháp chấp" mà tung hoành, lấn áp lên những tinh thần thanh tịnh, cao minh. Họ thẳng tay dán nhãn hiệu "Thiền" vào những lời nói, những hành động phi lý nhất, và dần dần "Thiền" sẽ có thể bị đồng hóa với "lẩn thẩn", "điên rồ"...

Nhưng còn im lặng thật sự? Im lặng thật sự, thì còn gì đáng nói nữa...

Xin mượn, để kết luận, một bài thơ của Ðiều Ngự Giác Hoàng, sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, đời Trần, tả một cuộc "đối thoại" trong im lặng, đầy thi vị và giải thoát:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai, bất vấn nhân gian sự,
Chỉ bạng lan can khán thúy vi. (1)
Dịch thơ (Ngô tất tố):
Chim hót dễ dà, liễu tả tơi
Thềm hoa mây phủ bóng nhà dài.
Khách vào, chẳng hỏi niềm nhân sự,
Tựa bức lan can, chỉ ngắm trời.
                                                                                                           Nguyên Si
 

(*) Dịch thoát theo quyển "101 chuyện Thiền" ("Zen flesh, Zen bones") do Paul Reps soạn.

(1) Bông liễu nở đầy, chim hót chậm rãi. Trước bóng thềm nhà trồng hoa, mây chiều bay lơ lửng. Khách đến thăm, không hỏi đến việc đời, việc người. Mà chỉ tựa lan can, ngắm bầu trời xanh biếc.



  [  Trở Về  ]