Lời
nói đầu
Bà
Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục
Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo
ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều "nhân" xấu nên
khi chết đi chịu "quả" ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm
loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.
Ngài
Mục Liên là một trong số mười đại đệ tử của Đức
Phật, tài giỏi hàng đầu về thần thông. Một ngày ngài
dùng "đạo nhãn" xem trong thế gian và nhận thấy mẹ mình
bị sinh vào con đường đói khổ trong chốn địa ngục thẳm
sâu, chịu bao nhiêu cực hình. Ngài thương xót nên mang cơm
đến dâng cho mẹ. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp
nổi bừng lên nên khi bà mẹ đưa cơm vào miệng thì cơm hóa
thành ra than hồng, bà không ăn được.
Ngài
Mục Liên hết sức đau buồn, trở về bạch với Phật mọi
sự tình và cầu xin Phật chỉ dạy cho phương cách cứu độ
mẹ mình. Phật dạy rằng mặc dù lòng hiếu thảo của ngài
vô cùng lớn lao và tuy rất giỏi về thần thông ngài cũng
không thể một mình mà cứu độ được cho mẹ. Phải cần
nhờ đến oai thần, đến đức lớn như biển, đến lực
gia trì của chư tăng, ni trong mười phương, mới mong giải
thoát được cho mẹ.
Ngài
Mục Liên đã thực hiện đúng những lời Phật dạy, vào
ngày RẰM tháng BẢY, ngày lễ VU LAN, thành tâm kính lễ trai
tăng nên mẹ mới thoát khỏi kiếp quỷ đói và sinh về cảnh
giới an lành.
Truyện
MỤC LIÊN - THANH ĐỀ nhấn mạnh đến luật "nhân quả", đến
lòng hiếu thảo chí thành của ngài Mục Liên và công đức
trì trai, giữ giới thanh tịnh trong ba tháng an cư kiết hạ
của chư tăng, ni. Tất cả cùng thành tâm chú nguyện mà tạo
ra sức mạnh cảm thông và kích thích đến tâm hồn bà Thanh
Đề, làm bà tự bản thân mình thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển
tâm niệm ác, hướng về nẻo thiện và do đó thoát khỏi
hình phạt khổ cực nơi địa ngục. Kinh Phật dạy rằng:
"Tâm
có thể tạo nghiệp,
mà
tâm cũng có thể chuyển nghiệp."
Ngài
Mục Liên là một tấm gương sáng chói tượng trưng cho lòng
chí hiếu và báo ân. Ngài đã thực hành phép sám hối để
báo ân mà cứu được mẹ thoát khỏi địa ngục.
*
Ngày
lễ Vu Lan trong Đạo Phật là ngày "Phật Hoan Hỷ", ngày "Tự
Tứ". Tăng, ni tập trung vào sự tu niệm và thỉnh cầu những
bậc trưởng thượng chỉ dạy mọi lỗi lầm để mình thành
tâm sám hối nên Phật rất vui vì tinh thần phục thiện, hối
cải đó.
Ngày
Vu Lan cũng là ngày "Báo Hiếu", gợi lại lòng hiếu thảo của
người con Phật. Nhân dịp này Phật tử nhớ lại công ơn
cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng cực khổ mà nhờ đến sức
chú nguyện của chư tăng, ni để phụ lực mà độ cho cha
mẹ.
Cha
mẹ quá vãng dù đã qua bảy đời thì nếu có sa vào đường
khổ cũng nhờ phúc đức này mà được thoát khỏi, được
siêu thăng. Còn nếu cha mẹ không đi trong đường khổ thì
nhờ phúc đức này mà được tăng trưởng thiện căn. Nếu
cha mẹ còn sống, chưa qua đời, thời nhờ phúc đức đó
mà tăng trưởng tuổi thọ và phát tâm Bồ Đề.
Ngày
lễ Vu Lan cũng là ngày "Xá Tội Vong Nhân", ngày cầu siêu độ
cho tiền nhân quá cố. Đó là ngày tha thứ mọi lỗi lầm.
Mọi người đều ăn năn, xin cải đổi sám hối. Chư tăng,
ni cầu nguyện cho các vong nhân được thoát khỏi cảnh đọa
đày của ba đường ác là "địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh".
Hiếu
thảo thường được hiểu là lo đầy đủ mọi thứ về vật
chất cho cha mẹ. Nhưng cha mẹ sẽ qua đời một ngày nào đó.
Theo Đạo Phật, chúng ta không chỉ có mặt ở một đời này
mà còn có mặt ở vô số kiếp về trước và sau nữa, mất
thân này sẽ
mang
thân khác. Bởi vậy người con hiếu còn phải lo cho cha mẹ
cả về tinh thần, làm sao thức tỉnh cha mẹ hướng về đường
thiện, tin vào nhân quả tội phước, quy y tam Bảo, niệm Phật
làm lành để trong đời hiện tại cha mẹ được yên vui và
khi mất đi sẽ được hạnh phúc, an lành trong đời sau.
"Tâm
hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật". Với truyền
thống người Việt ta, hiếu thảo là một nền tảng đạo
đức rất cần thiết, rất thiêng liêng và cao cả. Có hiếu
trong gia đình thì mới có thể là một công dân tốt ngoài
xã hội. Hiếu là bước đầu để xây dựng một gia đình
tốt đẹp, một xã hội văn minh và tiến lên thành một quốc
gia cường thịnh.
*
Soạn
giả đã dựa vào một số tài liệu xưa và nay mà viết lại
toàn bộ truyện MỤC LIÊN - THANH ĐỀ bằng những dòng thơ
"lục bát" nhẹ nhàng, trong sáng và bình dị để độc giả
dễ đọc, dễ hiểu và dễ cảm nhận. Mong rằng ý nghĩa của
truyện xưa này sẽ là ngọn đuốc tuệ soi sáng cho con người
nương vào đó để vượt qua những con đường vô minh, hành
phép sám hối mà diệt tội, hầu vượt qua biển khổ sinh
tử mà ghé bờ giải thoát thơm hương.
Diệu
Phương
|