Chim
Việt Cành Nam
[
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả
]
|
|
Đi thăm viếng England
và London, chúng ta không thể không đi thăm một địa danh đã
được biết đến từ lâu đời và dù đã trải qua hằng
bao nhiêu thế kỷ, nơi đây vẫn là một trong những địa
điểm bí ẩn mà các lịch sử gia, khoa học gia, thiên văn
gia trên thế giới vẫn chưa tìm đuợc giải đáp thỏa đáng
về lịch sử của nơi này. Đó là chùm đá vùng thượng cổ
Stonehenge vào thời kỳ đồ đá mới và đồ đồng ở gần
Amesbury, thuộc hạt Wiltshire, 13 km về phía bắc Salisbury, và
130 km phía tây của thủ đô London. Stonehenge đuợc Unesco công
nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1986.
Địa thế Stonehenge tọa lạc trong một tam giác đất lọt giữa hai công lộ có rất nhiều giao thông qua lại. Phía nam là công lộ A303, con đường chính nối liền London với vùng Tây Nam. Công lộ phía bắc của Stonehenge A 344 đi ngang qua Stonehenge và cắt ngang đền thờ chính từ vùng cảnh trí. Hiện nay chúng ta đi ngang qua một đường hầm dưới đường A 344 để đến thăm Sonehenge, bắt đầu một vòng quanh chum đá thượng cổ này. Vì quang cảnh chung quanh mênh mông rộng lớn nên từ xa xa, chúng ta có cảm nhận là chùm đá vòng này không lớn như trí óc tưởng tượng. Địa danh Stonehenge (đá treo) có lẽ bắt nguồn từ chữ Anh cổ stăn /stone kết nối với chữ henge (bản lề) với những tảng đá cự thạch lớn đứng thẳng có mang một thanh đá ngang phía trên. Lịch sử của Stonehenge đến bây giờ vẫn chưa ai tìm được câu giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên người ta biết vùng này rất có ý nghĩa cho người tiền sử, trong vòng 3 miles đường kính chung quanh Stonehenge có đến hơn 500 gò đống mộ, phần lớn có lẽ là của những vị vua chúa và trưởng bộ lạc. Như thế có thể hiểu trong quá khứ Stonehenge có thể được xem như là nơi để cử hành những buổi tế lễ, tang lễ quan trọng. Vòng đá Stonehenge và vài trăm vòng đá tương tự tại Anh quốc cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu thiên văn học cho rằng những vòng đá này có thể đã sắp sếp để tính toán được chuyển động của mặt trời, mặt trăng, sao, và có thể tiên đoán được nguyệt thực, thiên thực để giúp dân biết cách trồng trọt và gặt hái hợp thời điểm. Stonehenge cũng được xem như là lịch trời (celestial calendar) chính xác. Hàng năm cứ vào ngày hạ chí (summer solstice/June 21), nhiều người đổ tới Stonehenge để chứng kiến mặt trời mọc từ phía Ðá Gót chân (Heel Stone: tảng đá số 6 nằm phía xa gần đuờng đi bộ trong hình) sắp thẳng hàng với những tảng đá ở trung tâm và đá Altar của vòng tròn đá này. Dưới đây là phác họa trong brochure do trung tâm Stonehenge cung cấp: Stonehenge và lối vào từ North Barrow (số 1 trong bản đồ vẽ) 1: Gò đống phía Bắc/North Barrow; 2: Trạm đá/Station stone; 3: Bờ rãnh bao quanh; 4: Gò đống phía Nam/South Barrow; 5: Trạm đá; 6: Đá Gót chân/Heel stone; 7: Đại lộ/The Avenue; 8: Đá Hiến Tế /Slaughter stone; 9: Vòng đá cự thạnh/sarsen có đại tam thạch với đá đặt ngang lintel; 10: vòng đá xanh nhỏ /bluestones; 11: vòng đá cự thạch sắp đặt như vành móng ngựa.
Brochure bản đồ hướng dẫn. Hình chụp từ trên cao được xoay hướng cho phù hợp với minh họa Cận ảnh: Đá Hiến lễ (Slaughter Stone: #8) và vòng ngoài đá sarsen với lintels (#9). Ghi chú của người viết. Lần đầu tiên đi thăm Stonhenge vào đầu tháng 3,2011, trời lạnh như cắt da cắt thịt. Đi bộ từ khu đậu xe, mua vé , nhận audioguide và bắt đầu vào từ cửa bắc có cái gò đống để vào thế giới huyền bí của đá cự thạch. Lạnh lắm, gió thổi mạnh bay người, rét quá, vừa nghe vừa giữ máy vừa chống cái lạnh thốc thật là khó khăn. Tuy nhiên người viết cũng đã thăm được quanh lối đi lát sỏi, và rồi đi như chạy chung quanh vòng lớn phía ngoài để cảm nhận cái mêmh mông, cái huyền bí, cái vĩ đại của đá và nhỏ bé của người. Lần thứ hai đi thăm vào giữa tháng 5, 2013, trời ấm áp hơn. Đi xem thích thú hơn thoải mái hơn, và lần này thì không phải chạy mà có thì giờ đi vòng quanh Stonehenge ngắm và chụp hình đến hai lần! Đá Gót chân. March 2011 May 2013 Thời điểm bắt đầu xây dựng Stonehenge được cho là vào khoảng năm 3100 trước Công Nguyên và phải mất cả ngàn năm mới hoàn tất vì các tảng đá được sử dụng cho công trình này phải lấy ở một nơi rất xa. Đá ở đây có 2 loại: đá cự thạch là những khối cứng chắc và những khối đá mềm hơn blue stones lấy từ các vỉa than và quặng (do đó chúng được gọi là đá xanh) Các thời kỳ phát triển Stonehenge đã phát triển qua rất nhiều thời kỳ. Trước khi hoàn thành, tức là khoảng năm 8000 trước Công Nguyên (TCN), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 5 lỗ trụ có từ thời kỳ đồ đá được cho là vào khoảng năm 8,000 TCN. Những lỗ trụ này được dựng nên quanh cây gỗ có đường kính 0,75m được dựng lên và cuối cùng bị mục nát. Ba trong số các lỗ cho cột trụ được xếp theo phía đông-tây mà có thể là có ý nghĩa nghi lễ. Cũng có tài liệu cho rằng Stonehenge khởi đầu chỉ là một vòng đường mương rãnh và bờ lớn có từ thời Đồ Ðá Mới hay Tân Thạch Khí (Neolithic). Stonehenge 1 – khoảng nãm 3,100 TCN Stonehenge đầu tiên là một ụ đắp đất lớn nằm trên một vùng đất rộng và dốc, gồm một rãnh hào đào, một bờ rạch, và những lỗ Aubrey. Tất cả làm vào khoảng 3,100 trước công nguyên. Lỗ Aubrey là những hố tròn rộng và sâu cỡ 1m có đáy bằng phẳng bằng đá vôi. Những lỗ này mặc dù vài chỗ có chứa xương người hỏa táng nhưng không phải là nơi chứa cốt người mà là một phần của nghi lễ tôn giáo. Sau thời gian này, Stonehenge bị bỏ hoang cỡ 1,000 năm không có thay đổi hay bị đụng đến. Stonehenge 2 – khoảng nãm 3,000 TCN Vào thời kỳ này, Stonehenge được coi như là một nơi sớm nhất dùng để hoả táng trong các quần đảo ở Anh. Sự hiện diện của rất nhiều gò đống đã chứng minh điều đó. Xương của những người chưa được hoả táng cũng được tìm thấy tại các rãnh bị lấp đầy. Những bằng chứng có được từ các đồ gốm từ cuối thời kỳ đồ đá đã được tìm thấy đều có sự liên quan với thời kỳ này. Stonehenge 3 - khoảng nãm 2600 TCN Khoảng thời gian này có nhiều thay đổi. Những cấu trúc với đồ gỗ được dựng lên từ lâu bắt đầu mục nát và sau đó là mở đầu cho xây dựng bằng đá. Hơn 80 tảng đá xanh từ vùng núi Presali, tây nam Wales được chuyên chở đến Stonehenge. Những đá xanh này được dàn dựng thành một vòng đôi không kín. Lối cửa chính để vào mô đất lớn tròn đuợc gọi là Ðại lộ. Thời kỳ chót của Stonehenge là thời kỳ những tảng đá lớn cự thạch được chuyển từ Marlborough Downs đến Stonehenge. Những cự thạch này sắp xếp thành một vòng đá ngoài. Những tảng đá được tạc với những lỗ mộng và những chiếc mộng nối với nhau trên chóp trước khi đá được dựng thẳng đứng, với một vòng gồm những thanh dầm đá nằm trên đỉnh. Những chiếc dầm đá ngang được lắp với nhau theo phương pháp gia công gỗ với lỗ mộng (mortie) và mộng (tenon) gắn vào đá đứng. Mỗi khối đá đứng cao khoảng 4,1m, rộng 2,1m và nặng khoảng 25 tấn. Vòng trong là vòng móng ngựa với tam đá (trilithons), mỗi tam đá có hai đá đứng và một đá ngang năm bên trên. Vòng trong cùng là một vòng với đá xanh nhỏ. Gần trung tâm là một đá nằm gọi là đá Tế đàn/Altar. Đây là cục đá xanh lớn nhất từ nam Wales chở đến. Nếu nhìn từ mặt đất, chúng ta có cảm tưởng Stonehenge là một sự sắp xếp hỗn độn ngẫu nhiên, nhưng với góc nhìn từ trên cao thì công trình đá cự thạch thực sự được xây dựng có dàn xếp quy mô. Làm sao ngày xưa cả hai loại đá được di chuyển đến cánh đồng Salisbury? Đá cự thạch lớn hơn nhưng di chuyển gần hơn và có thể đã được vận chuyển bằng xe kéo chạy trên đường rày gỗ với công lực kéo của một đoàn 200 đến 400 người. Nếu ước lượng dùng đuờng quanh để tránh những đồi cao trong vùng khi có thể được thì một tảng đá kéo như thế tốn cỡ 12 ngày. Về đá xanh. Các tấm đá nhỏ được gọi chung là các phiến đá xanh gồm nhiều loại khác nhau, nặng khoảng 4 tấn và được mang từ Preseli Hills miền nam xứ Wales, ở phía tây của Stonehenge, cách đấy 246km (cỡ 150 miles).Có giả thuyết cho rằng đá đã được nằm rải rác tại cánh đồng Salisbury từ thời đại Băng Hà (Ice Age), nhưng hầu hết giả thuyết khác đều cho rằng đây là công lực của người làm chứ không do băng đá làm giúp. Nhìn vào lộ trình từ Presali Hills đến Stonehenge thì chúng ta có thể biết rằng một phần di chuyển qua đường bộ bằng cách lăn, kéo, đẩy đá tới bờ nước ở Milford Haven, rồi di chuyển qua đường thủy trên sông Avon và sông Frome rồi được kéo lên bờ ở Wiltshire, rồi được chuyển bằng đường thủy theo sông Wylye đến Salisbury rồi sau cùng đến phía tây Amesbury. Hiện tại, ngày đông đúc nhất tại Stonehenge hàng năm là ngày Hạ chí (21 tháng 6 hàng năm). Trong ngày Hạ chí số người có thể lên đến 21,000 người, họ tới từ tối hôm trước cỡ 7PM và ngay sau khi mặt trời mọc ngày hôm sau (hạ chí) xong là họ rời. Hàng năm hội họp của nhiều đoàn thể hoặc vui chơi hoặc tôn giáo được tổ chức vào tuần lễ này tại đó. Hiện nay, ngoài ngày Hạ chí, Đông chí, và trừ những trường hợp có giấy phép đặc biệt của một đoàn thể nào đó được chấp thuận cho vào trong hàng rào dây thừng để quan sát trung tâm của chùm đá vòng cổ này, du khách chỉ được chiêm ngưỡng ở phía xa, ngoài vòng đai dây thừng bao quanh. Đứng từ xa du khách đã có thể thấy rõ rằng mặt ngoài những tảng đá này không đồng diện. Rêu, nấm loang tạo bởi rêu mốc/lichen với nhiều mầu khác nhau đã tạo nhiều đốm, vết loang trên mặt đá. Lichen thường chứa fungus và rong xanh. Rong xanh trong lichen chứa diệp lục tố và có thể chuyển năng lực của mặt trời thành đường. Fungus trong lichen che chở rong xanh chống lại được những khắc nghiệt của thời tiết. Nghiên cứu gia cho rằng những đốm loang, rêu xanh lichen phát triển trên đá một phần là do du khách đụng chạm vào những tảng đá đó, 77 loại lichens đã được quan sát là hiện diện ở những tảng đá này và hầu hết đều ở tầm tay của mọi người có thể đụng hay sờ đuợc. Một vài tảng đá còn lại dấu vết của hoá chất tẩy bỏ Radio Caroline, được dùng để xóa đi những sơn xịt phá hoại vào đá trong những năm giữa 60s. Chúng ta cũng có thể thấy nhiều chim nhỏ đậu trên chóp đá. Loài jackdaws (một giống quạ nhỏ) đã được thấy là làm tổ trong kẽ vách đá và nhìn thấy rất thường. Khi đi vòng quanh chùm đá treo, chúng ta thấy có một cự thạch lớn đề tên đá Gót chân (Heel Stone) gần hàng rào vòng đến cửa chính vào thăm. Nhìn vào bản đồ thì ta thấy đá Gót chân nằm dọc theo Đại lộ. Đá Gót chân cũng còn được gọi là đá mặt trời vì trong ngày Hạ chí , nếu đứng trong vòng đá nhìn về hướng đông bắc qua Đại lộ thì sẽ thấy mặt trời mọc lên trên từ tảng đá Gót chân này. Đi quá Heel Stone thì chúng ta thấy một tảng đá nằm dài mang tên đá Hiến tế (Slaughter Stone). Tảng đá này lúc xưa cũng đứng thẳng nhưng rồi đã bị ngã đổ vì mất đá tựa và nay nằm dài trũng trong vũng đất thấp, thu thập mưa, nắng cùng sắt nên có màu đỏ sắt rỉ. Tảng đá này không bao giờ là tảng đá dùng trong hiến tế như tên mang mà chỉ là một tảng đá đã bị đổ trong lối vào thăm vòng đá Stonehenge. Nhóm khảo cứu của Tướng Willian Hawley (1920s) Giáo sư Mike Parker Pearson thuộc Ðại học Cao đẳng London (2008) tường trình đã khai quật và nghiên cứu hơn 50.000 mẩu xương được hỏa táng thuộc về hơn 60 người (hầu hết là người đàn ông trẻ tuổi) đã được chôn tại Stonehenge và cho rằng Stonehenge nguyên thủy chính là nghĩa trang rộng lớn cho những gia đình quý tộc sinh sống cách đây khoảng 3.000 nãm trước Công nguyên, tức sớm hơn Stonehenge thiên văn đến 500 nãm. Những lỗ Aubrey cũng đã chứng minh rằng đó là những lỗ dùng để dựng cột gỗ hay cột trụ chôn cất. Xương người hỏa táng cũng đã tìm thấy rải rác tại lỗ Aubrey và tại các bờ rãnh trong vùng. Tường trình cũng cho biết răng gia súc lấy từ 80.000 xương động vật khai quật cùng địa điểm cũng cho thấy, vào khoảng 2,500 nãm trước Công nguyên, Stonehenge từng là nơi tổ chức các bữa tiệc cộng đồng một cách linh đình. Những buổi tiệc này có thể là những buổi đại lễ, tụ họp của các nhà giàu có, quý tộc để vui chơi hoặc thương mại? Hoặc cũng có thể là ngày lễ festival vui chơi để dân chúng tụ họp gia đình, bàn chuyện xã hội, tôn giáo, chính trị, v.v…? Stonehenge có phải là trung tâm thiên văn hay lịch trời không? Điều này hiện vẫn còn được bàn cãi. Tuy rằng ngày Hạ chí tại Stonehenge đã thể hiện rõ trong hiện tại, nhưng ngày xưa có bàn luận cho rằng đó không phải là mục đích của Stonehenge. Mặc dù Stonehenge càng ngày càng được nhắc đến như là một nơi tu họp đển chiêm ngưỡng mặt trời mọc trong ngày Hạ chí (21 tháng 6 hàng năm) với một tụ họp lên đến hơn 20,000 người hàng năm, nhưng các nghiên cứu khảo cứu khoa học gia đã có nhiều chứng cớ phát triển cho biết người tiền sử chỉ thăm viếng Stonehenge vào Đông chí. Chứng cớ rõ ràng nhất là răng và xương heo đã được chôn tại Durrington Walls. Qua nghiên cứu tường tận họ đã chứng minh những súc vật bị giết vào hoặc tháng 12 hay tháng 1 hàng năm. Giáo Sư Mike Parker Pearson cũng phải xác nhận rằng không có chứng cớ người ngày xưa tu họp đông đảo tại Stonehenge trong mùa hè. Sự sắp trục đường thẳng của Stonehenge Từ điểm gần đá Gót chân nằm trục của Stonehenge. Trục này chạy từ đông-bắc đến tây-nam bắt đầu từ đầu Đại lộ qua suốt xuống cửa vào. Những khai quật gần đây cho thấy một phần của Đại lộ chỉ là một quang cảnh tình cờ không phải dự tính mà làm thành. Và trục đường thẳng của Stone henge đã đi từ giữa Đại lộ qua cửa mở củahai vành móng ngựa cự thạnh, đá xanh đến đá Tế đàn (Altar Stone) nằm ở chân của Đại Tam Đá (The Great Trilithon). Vì hướng của mặt trời di chuyển trên trời trong năm, mặt trời lặn vào đông chí, ngày ngắn nhất của một năm, xảy ra đối diện một cách chính xác với chân trời từ ngày mặt trời mọc giữa mùa hè. Khi quan sát ngày đông chí (ngày 21 tháng 12), nếu đứng ở ngay cửa vào và đối mặt với trung điểm đá trong vòng đá Stonehenge, người ta đã thấy mặt trời lặn vào phần tây-nam của chân trời, ngay bên một cạnh đứng của Đại Tam Đá. Và vì là ngày ngắn nhất nên mặt trời lặn rất nhanh. Như thế Stonehenge, có phải chăng là Stonehenge đã được xây dựng để tôn niệm không phải ngày dài nhất mà là ngày ngắn nhất, chí điểm đắm sâu vào mùa đông? Tại sao lại tôn niệm ngày ngắn nhất? Một ngày quá ngắn khi mà mùa đông bắt đầu với thời gian làm việc ngắn hơn, thế giới chìm đắm trong đêm dài tịch mịch lâu hơn? Người viết những hàng chữ này cho rằng ngày đông chí là ngày người xưa đã tụ họp làm lễ ăn mừng mùa màng đã hoàn tất sau những tháng ngày vất vả làm việc cực nhọc, thức ăn đã được dự trữ đầy đủ để sửa soạn cho mùa đông, và như thế người dân có thể nghỉ ngơi, bớt làm việc và giảm bớt những sinh hoạt ngoài trời. Và vì ngày đông chí đối diện chính xác với ngày mặt trời mọc vào mùa hè nên trong vài thế kỷ qua, người ta đã chú ý đến ngày Hạ chí tại Stonehenge và đã quên mất ý nghĩa đích thực của ngày Đông chí? Kết luận Stonehenge trải qua bao nhiêu thế kỷ đến nay vẫn còn giữ những bí ẩn có lẽ không bao giờ người đời tìm được căn nguyên. Xin dành một chút cho riêng Stonehenge … có được không? Tác giả có dịp thăm Stonehenge, Wiltshire hai lần (03 March 2011 và 23 May 2013) nên ghi ở đây với hình ảnh đính kèm trong bài.
|
|