Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Nửa
khuya có lệnh chuyển tù. Không hiểu bọn chúng toan tính gì,
giữ bí mật gì, sợ gì mà luôn luôn di chuyển tù vào ban
đêm. Bọn tù chúng tôi như một bầy vịt, muốn lùa đi lúc
nào, đi đâu cũng được. Bọn tù cũng như bọn vịt bị đánh
thức nửa đêm chào xáo ồn ào vô cùng. Đâu đâu cũng vang
lên tiếng còi, uy hiếp tinh thần, kêu thét gấp gáp khắp
nơi. Tất cả trại tập họp tại sân lớn. Bọn cai ngục
thổi còi ra lệnh tù đứng thành hai hàng dọc, từ đầu sân
cho đến gần nhà bếp. Lần nay bọn chúng sắp xếp tù không
theo thứ tự nào hay phân loại tù chính trị tù hình sự.
Bọn cai ngục, mỗi thằng cầm trên tay một xâu còng số tám,
mấy chiếc còng thép va chạm vào nhau lách cách, ghê rợn và
chúng đi từ đầu hàng đến cuối hàng còng tay hai người
ở hai hàng ngang nhau làm một. Tay phải người này còng với
tay trái người kia. Hình như sau khi còng, dư ra một chiếc.
Anh tù đứng cuối cùng tốt sốâ được một mình mang một
cái còng vào hai tay.
Không biết duyên số
sao mà tôi lại được mang chung chiếc còng với một tên tù
thường phạm. Hắn ta trạc tuổi tôi, cũng chừng ba mấy bốn
mươi gì đó. Tôi biết hắn, hắn chẳng biết tôi, vì hắn
là người tù đặc biệt, trông lúc nào cũng vui vẻ, coi việc
tù tội chẳng ra gì. Đến nỗi bọn đại bàng không động
đến nó và nó coi tụi đại bàng cũng chẳng ra gì. Mặc dù
bị nhốt riêng hai khám tù thường phạm, tù chính trị, song
hắn là tên tù rất nổi tiếng, một tên tù đặc biệt, không
cần phải là tên đầu gấu hay đại ca cũng nổi tiếng. Song
cả hai bên thường phạm và chính trị đều biết. Hắn ốm
yếu xanh xao, đặc biệt hơn cả là mái tóc dài, để tự
nhiên, nó rủ xuống trước trán thành một mảnh hình tam giác.
Làm gì hay đang nói chuyện với ai, thỉnh thoảng nó phải
lắc dầu cho mảnh tóc tam giác ấy gác lên để khỏi che con
mắt trái. Hắn nổi tiếng, không phải thành tích ngoài đời
đánh chém người không gớm tay. Hắn nổi tiếng chỉ vì hắn
can cái tội rất kì quái, ai nghe cũng không nín được cười.
Hắn, và cũng chỉ có hắn mới dám chọc miệng hổ, cụ thể
là hắn cả gan dám "làm bậy" vợ thằng cò tây, một hung
thần, trong tỉnh ai nghe cũng khiếp vía. Tôi cũng rất tò mò
về thành tích lạ đời này song chưa có dịp hỏi chính đương
sự. Hôm nay số mệnh kết tôi với hắn thành một đôi không
rời, tôi tha hồ tìm hiểu.
Đoàn tù đi một lúc đã ra khỏi thị trấn. Chung quanh không còn nhà cửa và người nữa, xa xa chỉ có tiếng chó sủa ma vọng qua cánh đồng đêm đen đến tai những con người lầm lũi lê bước, số phận hẩm hiu. Đoàn người đi, vẫn từng cặp, từng cặp, tay trong tay, lối còng người thế này xem bộ âu yếm. Đi một đoạn xa, vẫn từng cặp, từng cặp, song bắt đầu lộn xộn không còn theo thứ tự ban đầu. Một nhóm tách ra đi trước, một nhóm sau, và vài cặp cố tình lui lại sau xa, có lẽ để tâm sự hỏi han. Ở trong tù ai cũng có cái tình của những con người đồng cảnh ngộ. Bọn cai ngục đi cạnh cứ ra sức hối đi nhanh và doạ thằng nào chạy bắn bỏ ngay. Tôi và hắn, lúc xuất phát ở quãng giữa, càng đi cứ tuột dần về phía sau. Tuột hậu như thế vì hắn say kể chuyện, còn tôi mê nghe chuyện. Lúc đầu tôi e dè hỏi: - Tôi nghe anh em tù kháo nhau rằng anh... Tôi chưa kịp tìm ra lời hỏi về cái tội tế nhị, trong một câu chuyện vô cùng tế nhị và tức cười của hắn thì hắn đã cướp lời: - Bị tù tội vì chuyện bậy bạ chứ gì? - Vâng, nhân dịp hai chúng mình đi đường xa anh kể tôi nghe cho con đường bớt xa đi. Hắn kể, giọng hắn thanh tao như giọng đàn bà, phải biết nghệ thuật kể chuyện của hắn rất cao siêu. Cũng có thể vì hắn kể đi kể lại nhiều lần nên câu chuyện hắn kể ra trơn tuột, hấp dẫn người nghe vô cùng. - Tôi làm nghề thợ may... May gì ? - May áo quần... - Ý tôi muốn hỏi anh may gì, đồ tây hay đồ ta, nam hay nữ ? - Thứ gì tôi may cũng được, tuy không giỏi và có tiền để mở tiệm may như người khác song tay nghề của tôi gần hai mươi năm rồi cao lắm, uy tín, nhờ may khéo biết đo biết cắt lợi vải cho thân chủ, nhất là áo quần phụ nữ. May cắt chưa bao giờ hư vải phải bị đền... Hắn dừng lại cười khảy, tự chế riễu mình: - Cũng vì uy tín và khéo tay nên sinh chuyện... Khi tôi sắp hỏi sinh chuyện gì thì hắn liền tiếp: - Ông có biết mọi thằng thợ may, mới vô nghề hay đã lâu, thì mười thằng như chục đều mắc cái tật. Phải nói là cái tật cố hữu thâm căn cố đế, không bao giờ sửa chữa được. - Tôi hỏi: Tật gì? - Đó là cái tật cắn
sợi chỉ thừa ra nơi áo quần mình may. Mặc dù thợ may luôn
luôn có kéo. Kéo thợ may thường tốt lắm, bén lắm. Thợ
may không bao giờ cho ai mượn kéo, thế nhưng có kéo bén nhưng
để cắt mấy đoạn chỉ thừa thợ may không khi nào dùng
kéo mà cứ đưa lên miệng cắn. Thế mới sinh sự...
- ...Có con mụ me tây vợ thằng cò, nghe tiếng tôi cắt đồ bộ may rẻ mà khéo lắm, mới sai thằng bồi tới mời tôi đến nhà mụ ta may áo quần. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay tôi mới có dịp vô nhà tây mà lại nhà thằng cò, thứ gì cũng sang trọng to lớn và lạ mắt, tôi chưa thấy bao giờ. Thằng bồi mới hé cửa cho tôi bước vào, con chó becgiê ở đâu xông tới, hai chân trước nó bấu vai tôi, đầu nó cao hơn tôi, thè cái lưỡi dài và thở hơi khì khì nóng rực cả mặt tôi. Tôi hoảng hồn kêu to, thằng bồi kêu:" lắc ki! lắc ki! " Con chó bỏ tôi ra, nhưng nó vẫn đứng án ngữ trước mặt, hít ống quần tôi, ý không cho tôi vào nhà. Sau phải nhờ thằng bồi xua đuổi tôi mới theo cửa chính vào phòng khách. Trong nhà mụ me tây lên tiếng : "Dẫn bác thợ may ra phòng khách, mời nước, tôi tìm xấp vải ra ngay bây giờ." Tôi tưởng đến nhà tây thế nào cũng được cốc rượu tây, không ngờ tên bồi giữ của cho chủ chỉ cho tôi cốc nước lã. Tôi đòi nước chè, hắn nói nhà tây không uống chè như nhà ta. Một lúc sau có tiếng dép lẹt xẹt, mụ chủ đi ra, một mụ đàn bà to béo, gấp đôi tôi, mặt mụ ta đầy má bánh đúc, tô son phấn. Mụ trao tôi xấp hàng, bảo may một bộ đồ mặc ở nhà, mặc cho mát. Tôi lấy thước dây ra đo làm phận sự, đo được số nào, móc khúc bút chì giắt vành tai ghi vào bàn tay trái. Mụ thấy cách tôi làm việc và mấy cái dụng cụ nghề may không ra gì, mụ cười, nói: "Cái thước dây bao nhiêu tiền mà không chịu mua thước mới, dùng đến mòn cả số, đứt cả thước, nối lại bằng cách đạp gấp lên nhau, thước tấc như thế còn chi chính xác?". Tôi đáp:" Tôi dùng quen, nên khi đo xong, viết, bao giờ cũng trừ hao. Thành ra cái thước này chỉ có tôi dùng được. Thước xấu nên chẳng ai thèm mượn, đỡ cho mình...". Mụ cười :" Trời ơi, tiếc chi cái thước không cho người ta mượn. Người mình ( Mụ thầm chê dân mình,trong đó có cả mụ) tệ thật...Sao không sắm sổ đo rồi ghi, ghi nơi bàn tay mờ mất sao?" Tôi chống chế:" Hàng họ ế ẩm, lâu lâu mới có người may đo sang trọng như bà, còn hầu hết bạn hàng của tôi là ông già bà cả, quê mùa, cứ nhắm chừng mà may đại khái cũng xong, không ai chê bai gì cả". Mụ ta hỏi bao giờ xong, tôi nói ba ngày, mụ hối, nói chiều mai được không? Tôi đáp gấp quá, tôi phải may cho nhiều người đưa hàng trước. Mụ ta liền thuyết cho tôi nghe một hồi về sự chờ đợi, mụ nói: " Hàng vải để trong tủ cả năm cũng được, đã kêu thợ lại đo đạc thì mong cho có áo quần mới xem thử thế nào. May liền cho tui, mặc kệ mấy người nhà quê, tôi đưa tiền gấp đôi gấp ba. Lỡ trong việc làm nghề có ai làm khó dễ, tui nói chồng tui một tiếng chuyện gì cũng êm". Tôi cũng ừ cho xong, song còn sợ chuyện tới nhà ông cò, sợ con chó, mụ nói, may xong đem tới, đứng ngoài cửa kêu sẽ có người dẫn vào. Tôi cầm xấp lãnh về may gấp. Loại lãnh đen bóng như xoa mỡ này mặc thì mát, rất bền, khi đi phát tiếng kêu sột soạt. Năm giờ chiều mai tôi cầm bộ áo quần tới, tôi kêu cửa, con chó sủa, lần nầy không phải tên bồi mà là thằng lính mặc bộ kaki vàng đeo lon, cấp bậc gì tôi không biết ra dẫn vào. Tôi đưa bộ đồ, nhận tiền công, tôi sẵn dịp nói lên gấp đôi, mụ không chê mắc rẻ còn buốt-boa thêm. Tôi chào từ giã, mụ ta bảo tôi đợi mụ vô phòng mặc thử, cần sửa chữa chỗ nào thì sửa cho mụ. Tôi ngồi trên bộ xalông sang trọng của quan Tây, đưa mắt nhìn khắp nơi. Một lúc sau có tiếng mụ kêu : " Anh thợ may ơi vô đây tôi chỉ, sửa giùm tôi chỗ này, bóp nhỏ lại một chút, đáy quần thụng quá". Tôi liền chạy ra sau, thấy cửa phòng mụ không đóng hẳn, chỉ khép hờ. Tôi đi vào, thấy mụ đứng trước gương soi nơi tủ quần áo. Tôi tới gần, mụ dạng hai chân ra chỉ, chỗ đũng quần bảo tôi bóp lại. Tôi ngồi xuống và thấy nơi ấy có mối chỉ trắng thừa ra. Quần đen, chỉ trắng nổi bật lắm và theo thói quen của mọi thằng thợ may thấy thì gai mắt chịu không được, tôi liền cúi xuống cắn sợi chỉ... Tới đoạn gay cấn hắn lại dừng. Tôi nôn nóng hỏi: - Sao? - Đúng lúc đó tôi bị đạp một cái như trời giáng, té chúi nhủi . Trời ơi thằng Tây về! Mặt mũi nó đỏ gay. Nó " trăm" một hồi tiếng tây. Con vợ cũng cãi một hồi tiếng bồi. Còn tôi lên tiếng cãi rằng tôi chỉ cắn sợi chỉ, không làm gì cả. Thằng Tây không cần nghe, nó tới lôi tôi dậy, bộp tai mấy cái gọi điện thoại, chỉ một lúc sau mấy thằng pô-lit dẫn tôi đi nhốt. Tôi nằm tù mười ngày đầu không thấy ai đá động đến. Sau thì chúng đưa ra toà, vì tôi phạm tội với người Pháp nên chúng đưa tôi ra toà án Tây. Khi xét xử chúng hỏi tôi rất nhiều câu, tôi chỉ biết có câu "uỳ mề xừ" ( vâng thưa ông ) Cuối cùng tôi chịu cái án ba năm, thành ra hôm nay mới được dịp cùng ông hai người mang chung một chiếc đồng hồ ômêga ( ám chỉ cây còng số tám, ômêga là loại đồng hồ tốt nhất quí nhất thời trước) kể chuyện cho ông quên đường dài... Tôi nói: - Mình bị oan ức, sao không kêu? Hắn: - Kêu sao được, mình đâu biết tiếng tây tiếng u gì. Tôi: - Sao không nhờ luật sư ? Oan như oan Thị Kính sao chịu được? Hắn: - Tiền đâu mà mướn luật sư. Vả lại nhà Phật có nói:" Ai chịu nhiều hàm oan, người đó sẽ được nhiều phước..." Nghe xong câu chuyện cười ra nước mắt như thế này tôi nghĩ, dù bọn thực dân có tàn ác và hệ thống pháp luật của chúng có bất công thế nào đi nữa thì chúng cũng không thắng được con người thật thà mộc mạc hồn nhiên như anh thợ may của chúng ta./. |
|