Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
|
Năm
lớp nhất tôi trọ tại nhà thầy. Cha mẹ tôi nghe thầy nghiêm
khắc gửi tôi đến, nhờ cô nấu cơm, nhờ thầy kềm cặp
chữ nghĩa và đạo đức cho nên người. Theo lời đồn đãi
thì thầy rất nghiêm khắc. Thế nhưng tôi được học với
thầy ở trường, sống với thầy một nhà. Tôi biết cuộc
sống riêng tư của một ông thầy ngày trước. Không như lời
đồn, thầy tận tụy với nghề và thương yêu học trò. Sống
với thầy tôi phát hiện ra nhiều điều kỳ dị. Mỗi khi
bước vào lớp dáng đi của thầy bệ vệ oai nghi, lưng thẳng,
tay chân cử động không thừa không thiếu một động tác
nào, giống như thầy đóng kịch trên sân khấu. Thầy đổi
cả giọng nói mỗi khi đến giờ tập đọc, viết chính tả.
Thầy uốn lưỡi, đổi giọng, phát âm thật chuẩn. Đó thực
là con người khác hẳn ngoài đời. Lúc thường ngực thầy
lép, lưng cong như tôm, tay chân khẳng kheo, cử chỉ chậm chạp
rù rờ như một ông lão. Giọng thầy ngày thường rất khó
nghe, lí nhí, thiếu chữ, thiếu hơi, nói sai và đầy âm sắc
địa phương.
Tôi còn nhớ thầy chỉ có hai bộ áo quần, một kiểu, một màu, một loại vải. Suốt năm thầy chỉ thay đổi hai bộ đồ này. Bọn học trò con nhà giàu tưởng thầy chỉ có một bộ, chế riễu "công tử nhất manh". Có hôm bận, cô giặt xong không ủi. Thầy cầm chiếc áo nhăn nheo lên tỏ vẻ không bằng lòng. Cô nói; - Đi dạy chớ làm quan quyền gì mà phải ăn mặc cho sang? Thầy nói; - Không cần sang, chỉ cần sạch, phẳng. Cô cố hạ thấp nghề nghiệp của thầy, mỉa mai: - Ông dạy ba đứa con nít chứ làm ông to bà lớn gì mà chưng với diện ? Thầy nói dạy người lớn chẳng cần. Dạy con nít mới khó. Ông thầy ăn mặc chững chạc con nít nó mới sợ mới chịu học... Cô cười mà chúng tôi cũng cười cái lý lẽ kì dị của thầy. Chúng tôi đều cho rằng áo quần ông thầy không có liên quan gì đến việc học bọn trẻ. Cô nói, quất cho mạnh vào chúng nó sợ chớ sạch mà chúng sợ sao? Thầy nhỏ nhẹ : " Ai lại đánh học trò ..." Hình như thầy chỉ hơn cô năm ba tuổi, tôi đoán lúc ấy thầy chỉ khoảng 40, một cái tuổi rất còn trẻ so với bây giờ, thế nhưng vì lối sống khắc khổ của một nhà mô phạm và bệnh tật làm cho thầy già nua, già hơn tuổi rất nhiều, trông như cha con. Cô xấu hổ với mấy thầy trợ giáo trẻ, thầy thông, thầy phán...Cô là con trong một gia đình nhiều chị em. Mấy người kia nhan sắc thua cô một trời một vực mà chồng họ hơn chồng cô nhiều. Có người nhà giàu, kẻ làm to, hầu hết đều trẻ trung đẹp đẽ. Còn số cô đen bạc lấy phải ông giáo quèn. Cô thường gọi cái nghề của thầy như thế. Ngày kỵ giỗ trong gia đình cô chẳng dám dẫn thầy về, Có ai hỏi, sao ông giáo không đến? Cô nói, đọc sách ngâm thơ cả ngày, chẳng chịu đi đâu cả. Sự thật ngoài giờ đến trường về nhà thầy thui thủi một mình trong nhà chấm bài, soạn bài đâu có thời gian ra ngoài đàn đúm, cũng chẳng mấy khi phong lưu đọc sách ngâm thơ. Thầy có cái nón cối bằng điên điển rất nhẹ và đôi giày bata. Mỗi tuần vào chiều thứ bảy là lúc thầy đánh phấn giày, mũ, Thầy lấy cái bàn chải răng nhúng nước chải trên hộp phấn khô thành một thứ bột trắng nhão phết lên giày, mũ. Thầy đánh rất kỹ, mọi thứ đều trắng tinh, đem ra hàng rào phơi. Cô ngồi trước gương tô son điểm phấn. Thường ngày mỗi khi thầy đi làm , cô ít khi ở nhà, cô đi dạo, đi đánh bạc, đi chơi...Chiều thứ bảy thầy ở nhà cô không thể bỏ đi được, cô bực lắm. Cô trang điểm xong nhiøn bóng mình lộng lẫy trong gương cùng với bóng ông chồng xấu xí của mình, ở trần, gầy giơ xương, quần cộc, lưng tôm, đầu gối quá tai, cặm cụi làm việc, dáng thiểu não, cô ngao ngán thở dài rồi cô gắt: - Đánh giày mũ lúc nào chẳng được ? - Phải tập làm đúng giờ giấc cho qnen Cô vặn vẹo: - Đúng giờ làm chi? Thầy ấp úng không trả lời, chỉ ậm ừ " ...Ờ thì làm gương cho mấy đứa học trò ấy mà..." Một lần nữa cô hạch sách :" Dạy học chớ làm thầy tu hay sao mà làm ông thánh cho mấy đứa con nít trông à ? " Thầy biện bạch yếu ớt : "Lỡ theo cái nghiệp mất rồi..." Thầy sống như một cái đồng hồ, ăn uống thức ngủ đều đúng giờ. Chiều thứ bảy là để dánh giày, không thể bỏ được. Tính cô khác hẳn, cô dễ dãi xuề xòa ham vui, trẻ trung. Cô vui vẻ nói cười với tất cả mọi người. Cô chỉ bực tức gắt gỏng với chồng. Cô rất ghét, rất chán cái lối sống của thầy. Lúc đầu cô la lối chê bai mỉa mai đủ cách mà thầy vẫn không đổi, cô chán, không nói nữa. Cô bất cần thầy muốn làm gì thì làm, cô sóng theo kiểu mình. Buổi tối cơm nước xong thầy vào phòng soạn bài, chấm bài, cô với bọn trẻ ra nhà sau trò chuyện, mua quà ăn khuya vui vẻ lắm. Cô người lớn nhưng tính trẻ con, cô thích nghe chuyện ma. Có đêm chúng tôi quây quần cạnh cây đèn măng sông hiệu Aladin cháy vù vù rất ấm nghe chuyện ma. Bọn trẻ thích cô hơn thầy. Ban đêm chúng tôi thường thức rất khuya, sáng dậy trễ, thầy la cô: - Để cho trẻ con ngủ sớm, dậy sớm đầu óc minh mẩn học bài mau thuộc. Năm nay bọn chúng phải thi. Cô mỉa mai: Ai mà theo ông nổi, ngủ như gà, mới chạng vạng đã lên chuồng. Rồi cô kể lể, người già, người bệnh cũng phải thông cảm cho người khỏe, người trẻ. Bắt họ sống theo kiểu dở sống dở chết thế ai chịu nổi... Cô nấu cơm tháng cho học trò ăn, nhưng có tháng cô đánh bạc thua hết, cho học trò ăn cơm với nước mắm. Thầy biết được rầy cô, trẻ con cần ăn ngon, ăn bổ, ăn nhiều. Chúng nó ăn để học tập, hoạt động, để lớn. Còn người lớn ăn rồi già, rồi chết ích lợi chi? Có lần trong nhà hết đũa ăn. Cô nói, đến giờ thủ công ông bắt học trò làm đũa để nhà dùng. Chúng tôi đều cho đó là chuyện tự nhiên. Thầy không chịu, thầy nhíu mày gắt: Thầy giáo ai lai bắt học trò làm đũa đem về dùng? Cô còn trẻ đẹp, sinh lực dồi dào, cô chán cảnh nhà lắm. Về sau cô không chơi với bọn học trò trong nhà nữa. Tối lại khi thầy đóng cửa phòng soạn bài, cô son phấn đi đánh bài với mấy thầy thông thầy phán, trợ giáo, kể cả quan đốc học. Thầy biết cả nhưng thầy không nói. Khi tôi mới đến nhà thầy trọ học, có người khuyên: Ông giáo bị lao phổi nặng lắm, coi chừng lây...Lúc đầu tôi không thấy thầy ho hen giø cả, không có vẻ gì là người mắc lao. Không giống như những cặp vợ chồng thành thị, thầy cô không ngủ chung. Phòng cô trang hoàng đẹp lắm, giường Hồng Công, suốt ngày buông tấm màn tuynh màu hồng thoang thoảng hương son phấn đàn bà. Thầy nằm trên tấm phản cũ kỹ mốc meo, đầu gối trên chiếc gối đan bằng mây, với cây quạt mo. Ở nhà thầy mang guốc gỗ dày cộm, đóng quai da bò. Bước chân thầy bao giờ cũng rón rén chỉ sợ làm ồn. Khi chẳng còn tình yêu người ta nhờm tởm nhau. Cô ghê tởm mọi thứ của thầy. Sau này cô không giặt áo quần thầy, học trò phải giúp thầy. Trong nhà thầy có chén bát đũa riêng. Buổi sáng thầy ho khục khặc vài tiếng. Đến trường tôi không thấy thầy ho hen gì cả. Trưa về đến nhà thầy ho hen khạc nhổ rất nhiều. Thầy lấy vôi bột cho vào ống nhổ đem đổ vào cái hố sau vườn. Có lần tôi xin giúp, thầy không cho, thầy nói, phổi trẻ con dễ bị vi trùng lao xâm nhập. Tôi chẳng thấy thầy chữa trị gì cả. Không có thuốc hay chỉ vì thầy không có tiền mua thuốc ? Lâu lâu thầy sai tôi qua nhà thương xin xi rô hiệu Tô lu. Đây là thứ thuốc ho xoàng xĩnh chữa bệnh ho gió cho cả trẻ con lẫn người lớn. Cô nói, hôm nào ho nhiều xin phép nghỉ, vào lớp ho như thế làm sao dạy dỗ cho được ? Thầy nói: - Ở nhà tôi mới ho. Vào lớp tôi đâu dám ho ! Trời ơi hóa ra khi đứng lớp thầy nín ho. Thực là tài, tôi không thể nào làm được. Tôi không hiểu tại sao thầy lại cấm mình ho? Sau này tôi mới biết ho hen khạc nhổ ở chỗ đông người là mất lịch sự. Có lần đi dạy về, thầy nói, con sáng mắt tìm trong áo thầy có con gì nó cắn thầy suốt cả buổi rất khó chịu. Tôi thấy cổ, lưng cánh tay thầy đầy vết mẩn đỏ. Thầy gãi như cào cấu da thịt mình. Cô hỏi, gãi chi mà ghê thế? Thầy nói, cả buổi sáng đứng trên lớp tôi đâu dám gãi! Tôi không hiểu nổi thầy đã chịu đựng cho những con kiến cắn suốt buổi sáng để dạy dỗ mấy đứa chúng tôi. Thuở ấy chẳng có thuốc men giø, tôi xin vôi ăn trầu về bôi cho thầy. Tôi thấy trong áo thầy có nhiều kiến lửa. hóa ra có bầy kiến thấy hơi mỡ bò lên chỗ thầy móc áo. Chúng tôi không làm sao hiểu nổi thầy sống khó nhọc như thế để làm gì ? Thầy tu theo cái đạo khổ hạnh gì hay thầy muốn quan trên tăng lương, tăng chức? Tôi biết không phải. Bệnh lao thời ấy là bản án tử treo lơ lửng trên số phận, thầy cần gì lương với chức. Phải lâu lắm, nhiều chục năm sau tôi mới biết được lý do của sự ép xác. Nhờ đọc mấy cuốn sách về tâm lý thiếu nhi, sách nghệ thuật sư phạm, tôi thấy có một học thuyết cho rằng: Đối với trẻ con, ông thầy là thần tượng cho chúng nhìn vào, bắt chước noi theo. Nên ông thầy phải hóa thân thành vị thánh, một thần tượng có thực để chúng chiêm ngưỡng. Ông thánh giả bằng xương bằng thịt phải biết lột xác, quẳng cái xác phàm để thăng thiên hiển linh thành vị thánh. Đã là thánh thì phải có hình hài uy nghi, diện mạo nghiêm trang, suy nghĩ chính trực, nói năng đứng đắn...Tôi không biết học thuyết này có đúng và có góp gì vào công cuộc đào tạo những con người còn non nớt này? Nó còn phù hợp với thời đại nữa không? Nhưng rõ ràng thầy tôi là một tín đồ thuần thành. Thầy áp dụng một cách máy móc các tín điều vào việc dạy dỗ của mình. Thầy tôi vốn thực thà mộc mạc, đã tin thì tin một cách hết lòng. Trời ơi ! Thầy tôi nghèo khổ mà cố lo sao vào lớp phải có bộ cánh tươm tất. Hình hài ốm o tiều tụy mà cố đi đứng cho oai vệ. Ho không dám ho. Kiến cắn không dám gãi...Thầy tôi đã làm hết sức để vứt bỏ cái xác phàm khi đứng trên bục giảng cho những tâm hồn non nớt tựa vào đó mà bay cao lên bầu trời tri thức. Thầy dạy thêm nửa năm nữa thì bỏ. Trước đó khi đứng lớp thầy thường bỏ chạy vào nhà cầu ho và khạc. Một lúc sau thầy trở ra mặt mày nhợt nhạt. Cũng chẳng được lâu, cơn ho khác lại kéo đến...Thầy yếu dần. Áo quần thầy cô gớm không giặt ủi, không còn tươm tất như trước. Thầy xuống sức nhanh chóng, ngực lép hơn, vai nhô cao, hai tay khẳng kheo da bọc xương. Sức nặng đè cái cột sống đã mòn mỏi làm oằn xuống, khiến cho thầy đi đứng không còn thẳng thớm, oai vệ. Vi trùng lao đục thủng phổi thầy. Thầy chẳng hớp đủ không khí, thầy hụt hơi, chẳng thể nói được rõ ràng mạch lạc. Giày và mũ thầy dùng bao nhiêu năm đã tả tơi. Mốc meo thảm hại... Một buổi mai học trò trong nhà thấy thầy run rẩy. mặc áo quần, đội mũ, mang giày, đứng trước gương. Thầy ôm cặp lên rồi đặt cặp xuống, luyến tiếc vuốt ve cái cặp da bò đã theo thầy bao năm. Thầy lấy tờ giấy nắn nót viết. Thầy lấy sổ điểm, sổ soạn bài gói lại nhờ cô đem tới trường. Cô hỏi. giọng tò mò: - Cái gì đây ? - Đơn - Đơn giø? - Đơn xin nghỉ dạy. - Đang dạy sao lại nghỉ ? Thầy hỏi - Mình thấy tôi giống ai ? Cô tưởng thầy lẩm cẩm, nói: - Thì ông giống ông chớ giống ai? - Không, ý tôi muốn hỏi tôi có còn giống ông thầy giáo nữa không? Cô gắt: - Ngớ ngẩn ! Thầy cười. Sống gần thầy ít khi thấy thầy cười. Lần này nụ cười buồn héo hon, rồi thầy tự diễu cợt: - Trông tôi giống lão ăn xin. Ông thầy giáo chết rồi. Tôi còn dạy dỗ sao được nữa ? Cô chẳng hứng thú gì để giểu cợt. Cô bận , cô vội đi, cô nói: - Bây giờ tôi bận lắm, không đi cho ông được. Tối nay ông đốc học đánh bài bên nhà cô Án, gặp ông ấy tôi đưa cho... Thầy nói; - Không được, công văn ai lại đen đến chỗ bài bạc. Việc công phải đem đến trường. Cô quay đi gằn từng tiếng: - Vẽ chuyện...lôi thôi...công với tư ! Cuối năm thầy qua đời. |
|