Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Người đàn bà kể chuyện

Quý Thể

Trước khi đến thăm chị Hoàng tôi đã chuẩn bị tinh thần để chứng kiến một cảnh thương tâm. Không thương tâm làm sao được khi đôi vợ chông Hoàng Lân đang sống hạnh phúc, bỗng chốc tan tành tất cả. Họ có với nhau bốn con cả trai lẫn gái, chúng vừa xinh đẹp, ngoan ngoãn lại học giỏi. Cặp vợ chông này đối với nhau vừa trìu mến vừa kính trọng thực đúng với câu "tương kính như tân". Thế rồi bỗng dưng Lân ngả bệnh. Hoàng chạy chữa đủ thầy đủ thuốc, cuối cúng số phận cướp mất hạnh phúc của họ. Lân qua đời, hôm đám tang cố tôi giúp sức, chôn cất người bạn xong thì tôi cũng mệt nhoài. Tôi sợ chị Hoàng không đứng vững nổi trước thử thách quá sức chịu đựng này. Hôm nay là ngày thứ bảy sau cái chết của Lân, tôi nghĩ mình phải có bổn phận tới thăm người vợ vừa mất chồng. Người chết thì đã an phận, còn người sống là chị Hoàng cần vượt qua được cái dốc đau thương cao vời vợi nầy. Sự có mặt của bạn bè lúc này thực là cần thiết. 

Bảy giờ tối tôi đến nhà chị. Tôi nghĩ vào giờ này con người ta bắt đầu cô đơn. Ban ngày dù sao cũng có người lui tới, có công việc làm cho khuây khoả nỗi buồn, Khi công việc xong thì chắc chắn nỗi buồn ập đến. Tôi nghĩ mình phải xuất hiện đúng lúc để xua đi phần nào nỗi cô đơn cho người đàn bà bất hạnh này. 

Tới nơi tôi lại rất ngạc nhiên. Nhà chị đèn đuốc sáng trưng. Tại phòng khách đang có đông người, đàn ông lẫn đàn bà, có người tôi biết mặt, cũng có người tôi không biết. Chị Hoàng ngồi chính giữa, khách khứa chung quanh. Trước mặt tôi không hề thấy hình ảnh một goá phụ ràn rụa nước mắt như tôi đã tưởng tượng trước khi ra đi. Tôi thấy nét mặt chị nghiêm nghị chứ không có chút gì tỏ ra não nuột phiền muộn. Còn mọi người thì có cái gì đó gần như là một sự háo hức chờ đợi. 

Chị Hoàng đang kể chuyện. Giọng nói của chị tuy nhỏ nhưng lại rất trong nên dễ nghe : 

- Chiều thứ bảy hôm đó ảnh đi làm về, như mọi ngày thì Lân đi tắm rồi ra ngồi xem tờ báo "Tin Chiều". Thường thường ảnh vừa xem báo vừa lai rai cốc rượu nhỏ. Nhưng hôm đó ảnh than mệt, không tắm, không xem báo, không uống rượu. Lân vào giường nằm, nhắm mắt. Từ ngày hai chúng tôi lấy nhau anh ấy sống điều độ như một chiếc đồng hồ, chẳng bao giờ có cái giấc ngủ bất thường như thế này. Tôi tự nhủ chắc có vấn đề gì làm cho anh bận tâm. Nhưng tôi tự trấn an mình, vả lại tuần qua đi công tác hai lần, chắc là ảnh mệt, năm nay anh cũng đã bốn mươi chín rồi. Cái đồng hồ đâu có thể đúng giờ mãi được, cũng có lúc nó trục trặc chứ. Tôi nhẹ nhàng sờ vào trán anh, thấy vẫn mát nhưng ấm, còn hơi thở thì hình như cái dài cái ngắn. Tôi tự nhủ không sao, ai lại chẳng có lúc như thế này... 

Chị Hoàng dừng lại mời mọi người uống nước. Tôi thấy họ có vẻ chăm chú vào câu chuyện của chị. Tôi nghĩ nói năng một cách mạch lạc như thế chứng tỏ trong bảy ngày qua chị đã có dịp kể về cái chết của chồng nhiều lần cho nhiều người nghe rồi. Câu chuyện kể lần đầu tiên chắc không thể mạch lạc như thế. Chị tiếp tục: 

- Đến giờ cơm tôi vào phòng, tính nếu ảnh ngủ thì để cho ngủ, nếu đã thức rồi thì mời dậy xơi cơm. Khi tôi rón rén tới gần. Lân trở mình hỏi : "Mấy giờ rồi?" Tôi đáp bảy giờ rồi mời anh ra xơi cơm. Chàng nói một cách mệt nhọc: "Không , em và các con ăn đi". Tôi hỏi : "Mình ăn cháo em nấu nhé?" Chàng đáp: " Không" rồi nhắm mắt lại. Tôi biết Lân chưa ngủ, nhưng trông cái thở thì biết Lân rất mệt. Tôi không dám hỏi nữa, đi ra khép cửa lại. Nửa đêm Lân kêu lạnh. Tôi đắp mền cho chàng, Lân run lập cập, hai hàm răng va vào nhau. Cả đời tôi chưa thấy người nào lạnh tới mức nầy. Tôi xức dầu nóng và ủ mền rất nhiều, chàng vẫn còn run. Tôi tính chở Lân tới phòng mạch bác sĩ nhưng đã quá khuya mà cũng chưa thể gọi là sáng. Chiếc đồng hồ quả lắc ở phòng khách ngân nga đổ ba tiếng. Tôi định đợi tới năm giờ, nghĩa là còn tới hai giờ nữa. Tôi sống trong sự chờ đợi và lo âu, thời gian kéo dài ra. Gần sáng thì cơn lạnh đi qua, chàng toát mồ hôi nhưng vẫn trằn trọc nằm không yên. Đúng năm giờ tôi gọi xe chở Lân đi bác sĩ... 

Chị Hoàng dừng lại nhìn chung quanh rồi gọi lớn: Liêm ơi, lấy cái bình thuỷ lên đây. Trời ơi, con bé đi đâu mà không lo chăm nước". Có tiếng một người nào đó nói: "Thôi nước non chi, xin chị kể tiếp đi". Vị khách này rõ ràng chỉ muốn nghe kể chuyện. Đến lúc này tôi mới vỡ lẽ ra rằng nhiều người tới thăm không chỉ để chia buồn mà kỳ thực trong thâm tâm họ muốn được nghe kể lại câu chuyện cái chết. Tôi không hiểu tại sao cái chết của một con người có cái gì thu hút sự hiếu kỳ đến thế. Hôm nay họ tề tựu lại đây để phân ưu hay để được nghe chuyện thật khó mà biết được. . chị Hoàng là vai chính trong câu chuyện, chị lại được tập dượt nhiều lần nên câu chuyện của chị ngày càng trôi chảy hấp dẫn. 

Chị mời mấy người đàn ông dùng thuốc, mời các bà các cô dùng nước. Chị ngồi khoanh tay trước ngực, lưng thẳng, nét mặt diễn tả phần nào tâm trạng nhân vật và tình huống của câu chuyện. Chỉ có điều là chị biết hạn chế, không để trở thành thái quá mà trong tình cảnh một quả phụ không được phép làm. 

- Trời ơi, khổ ơi là khổ! Lân thì to nặng mà kêu phải ông đạp xích lô vừa già vừa yếu, cái xe lại cũ kỹ ọp ẹp. Ông già vừa đẩy xe vừa thở. Tôi đẩy tiếp nhưng lỡ mang đôi guốc cao gót nên trật lên trật xuống mới khổ cho chứ. Chiếc xe vừa lên dốc cầu Ông, đẩy quá nửa cầu gió từ sông thổi lên lạnh buốt. Đèn đường sáng mờ mờ trong làn sương, chiếc xe lại trở chứng, sắp sửa đổ dốc thì một bánh xe xẹp! 

Đến đoạn này chị Hoàng đưa vào câu chuyện một tình tiết tuy không liên quan trực tiếp tới cái chết nhưng làm cho câu chuyện trở thành sống động và thực hơn. Có tiếng người hỏi ra vẻ sốt ruột: "Rồi sao nữa?" 

- Vào giờ đó thì có nơi nào sửa xe? Tôi nghĩ chỉ còn cách thuyết phục ông già xích lô đẩy Lân tới phòng khám bệnh. Ông già cằn nhằn: " Chạy cuốc này được bao lăm đồng mà đẩy đi như thế nầy dập hết ruột của tôi". Chắc ông lão muốn nói dập cả ruột xe lẫn ruột người. 

Tôi nghe có nhiều tiếng cười. Chị Hoàng cũng cười, nhưng chị kịp ngăn nụ cười lại. Ai lại có thể cười được khi chồng mới qua đời chỉ có bảy ngày? 

- Gõ cửa phong mạch bác sĩ mãi mới nghe, trong nhà có tiếng dép lẹp xẹp. Rồi đèn bật sáng ,cửa mở. Hiện ra trước mặt tôi không phải ông bác sĩ mà là bà vợ ông ta. Lần đầu tiên tôi thấy mặt vợ bác sĩ Mỹ, tôi muốn nói mặt trần không son phấn, trông thảm hại làm sao, ngày thường có son phấn còn đỡ. . 

Tôi sợ chị Hoàng đi quá xa. Tôi nghĩ những chi tiết kiểu nầy đưa vào câu chuyện cái chết của Lân không biết có hợp hay không, có làm loãng đi cái ý chính đi không ? Tôi quan sát một vòng bộ mặt quí thính giả ngồi chung quanh rõ ràng thể hiện sự hiếu kỳ lẫn thích thú. Như thế có thể kết luận là chi tiết không đi lạc. Tôi lại nghĩ đàn bà cũng lạ thật, trong những hoàn cảnh khó khăn họ vẫn quan tâm tới nhan sắc của nhau. 

- Phải nửa giờ sau thì bệnh nhân mới gặp được bác sĩ . Câu nói đầu tiên của ông thầy thuốc làm cho tôi nhẹ hẳn người: "Ồ không sao đâu, chẳng có gì nghiêm trọng cả, chở đi đâu mà sớm thế?". Về sau tôi mới nhớ ra rằng ông bác sĩ này chưa sờ tới bệnh nhân, không phải ông an ủi chúng tôi mà ngầm trách chúng tôi đã đánh thức cả nhà ông dậy. Ngoài cái câu đó ra, ông chẳng nói chẳng rằng gì. Ông nghe, gõ, biên toa, rồi tính tiền. Cái điều tôi mong là biết được chồng tôi bệnh gì, nặng nhẹ ra làm sao, lại chẳng thấy ông đá động đến. Thấy khuôn mặt ông không biểu lộ chút cảm xúc gì nên tôi cũng tự an ủi : Chắc cũng là bệnh xoàng. Tôi lại kêu xe chở Lân về nhà. Tôi đi mua thuốc cho chàng. Tôi hỏi ông dược sĩ bệnh của chồng tôi. Ông ta nói đọc cái toa này không thể biết bệnh gì, chỉ thấy toàn thuốc kháng sinh và thuốc bổ. Lân uống thuốc, ba ngày sau vẫn không thuyên giảm, đêm nào cũng nóng rồi lạnh, sức khoẻ xuống dần, nước da vàng không ăn uống gì cả. 

Nghe chị Hoàng kể tôi càng tin chắc giả thuyết tôi nêu ra ban đầu là đúng. Chị đã có dịp kể câu chuyện này nhiều lần rồi. Chị biết xếp đặt câu chuyện mạch lạc không chê vào đâu được. Chị đã dụng tâm để có khi đi xa chủ đề rồi quay lại. Dòng chính của câu chuyện vẫn giữ được mà người nghe không thấy chán. 

- Chúng tôi còn tới phòng khám của bác sĩ Mỹ thêm hai lần nữa. Nhưng bệnh của chồng tôi ngày một nặng hơn. Rồi anh quyết định đưa anh vào bệnh viện. Tôi sững sờ. Chính bệnh nhân đã thấy rõ sự trầm trọng của căn bệnh mình. Chính Lân chọn cho mình nơi chữa trị, như thế không còn nghi ngờ gì nữa bệnh của chàng rất nặng. Tại bệnh viện người ta làm nhiều xét nghiệm. Hết người này tới sờ tới nghe lại đến người khác. Kết quả ra sao tôi không biết vì họ dùng từ ngữ chuyên môn với nhau, nhưng trông nét mặt người nào cũng tỏ vẻ trầm ngâm. Trong câu chuyện của họ tôi chỉ nghe loáng thoàng chữ "Gan". Càng về sau chữ này xuất hiện càng nhiều. Họ lại nghe, lại thử, lại cho thuốc. Bây giờ không phải chỉ đơn độc chữ "gan" mà còn thêm vào chữ "xơ", rồi chữ này cũng biến mất, thay vào đó là chữ "ung thư"! Trời ơi đến lúc này thì tôi hiểu tất cả rồi. Tôi hiểu hết số phận của gia đình chúng tôi. Lân thì ngày càng yếu. Da vàng như nghệ, đôi mắt trở thành đục như tràn một lớp nước vo gạo. Da mặt vừa bóng vừa vàng như chiếc vại sành. Cái bụng to dần, to một cách kỳ dị, lệch sang một bên như quả bí ngô méo mó. Chân tay teo tóp lại nhanh đến nỗi tôi không ngờ. Mỗi khi thay quần áo cho chàng tôi không cầm được nước mắt. Trên mặt chàng hai hố chứa đầy bóng tối, môi khô da bong ra từng mảng rồi nứt nẻ rớm máu. 

Đến đoạn tả người chị Hoàng luôn luôn dùng hình ảnh kèm theo giúp cho người nghe dễ tưởng rtượng ra hình ảnh con bệnh. Rồi chị kể đến đoạn các thầy thuốc Tây y bó tay. Chị đem Lân về nhà trong nỗi đau thương ê chề. Rồi các vị đông y cũng chạy dài. Chị nuôi hy vọng vu vơ, ai biểu gì cũng làm theo, cho đến cái đoạn mà tôi cho là lý thú hơn cả trong câu chuyện, là đoạn nói về con rắn lục đuôi đỏ. Hãy nghe chị kể : 

- Ông thầy ngải kêu tôi ra sau hè dặn nho û"Bây giờ chỉ còn cách này là cứu được nhưng hơi khó, trong một tuần lễ phải kiếm cho ra một con rắn lục đuôi đỏ, bỏ trong chiếc nồi đất hầm thành than cho ổng uống thì tức khắc hết bệnh". Tôi hỏi rắn ở đâu mà tìm ? Ông thầy nói một cách úp mở: " Nếu phần phước của ông mà còn thì sẽ có quới nhân giúp cho". Tôi cho người đi tìm. Cơ khổ, ở cái nơi phố phường nhộn nhịp thế này biết con rắn đuôi đỏ ở đâu ? Tới ngày thứ năm rồi mà vấn không thấy một tia hy vọng. Tôi tự nhủ phần số của chồng tôi đã hết rồi ! Qua ngày thứ sáu, trong khi tôi đang ngồi khóc rấm rức thì bỗng dưng nghe tiếng người nói lơ lớ trước nhà. Tôi chạy ra thì thấy một người Chàm mặc áo dài trằng, đầu cũng đội khăn trắng, tay xách chiếc giỏ mây bên trong có con rắn. Một con rắn lục đuôi đỏ! Tôi mừng đến nỗi suýt quỳ xuống lạy tạ người bán rắn. Tôi mừng vì đã có quới nhơn phù hộ và như thế thì số phần của chàng chưa hết. Con rắn nằm một cách hiền lành trong chiếc giỏ. Người Chàm thản nhiên cho tay vào giỏ bắt con rắn ra đưa cho tôi rồi nói: "Cầm đi nó không cắn được đâu, miệng nó bị may lại rồi!". Vì mừng quá, vì thương chồng, tôi liều cầm con rắn: nó ngo ngoe, mềm nhũn, lạnh ngắt, tôi rợn cả người. Con rắn dài cở nửa thườc, màu xanh như chiếc đọt chuối non, vảy của nó đỏ dần về phía đuôi. Người Chàm cho nó vào chiếc nồi đất, lấy vung đậy lại rồi lấy đất sét trám chung quanh. Anh ta bắc nó lên bếp lửa đỏ rực. Con rắn vùng vẫy ở bên trong. Trời ơi tôi nghe có tiếng rít! Người Chàm bảo : "nó huýt gió". Tôi không hiểu nổi trong cảnh đó có gì vui mà con rắn này huýt gió. Sau nửa giờ con rắn hoá thành than. Tôi cho Lân uống trong bảy ngày, vừa hết con rắn thì Lân qua đời. Sau này tôi mới vỡ lẽ ra rằng đây là một cuộc xếp đặt của ông thầy ngải để bán con rắn với giá thật cao. 

Câu chuyện chị Hoàng kể nhờ con rắn lục đuôi đỏ và âm mưu của ông thầy ngải trở nên ly kỳ lại hoá ra nhẹ nhàng hơn cho một cái kết bi thương. Rồi chị kể tới việc ma chay chôn cất. Nhưng trong cảnh đau thương ấy chị lại đưa vào một chi tiết rất lạ : 

- Khi thấy chàng gần tắt hơi, tôi thương cảm quá nói với Lân như thế này : "Mình yên tâm mà đi, em thề với mình em ở vậy nuôi con thờ chồng. Ôi kỳ lạ thay ! Tôi thấy mắt ảnh hé mở, chớp chớp mấy cái, cổ gục gặc, hình như đôi môi thoáng nở nụ cười ra chiều mãn nguyện! 

Cái chi tiết mà tôi cho rằng hài hước độc đáo này đã làm cho câu chuyện bớt đi tính chất nặng nề. Nhà văn, người viết kịch, kẻ dựng phim cũng thướng sử dụng kỹ thuật nầy. Sau khi làm cho khán giả căng thẳng, đau thương hãi hùng tột độ, họ trả lại cho người xem sự thư giãn, thở phào, nhẹ nhõm. Không biết chị Hoàng tình cờ phát hiện hay chị đã học ở đâu đó cái kỹ thuật tài tình này? 

***

Mấy ngày sau tôi tới thăm chị Hoàng cũng khoảng vào bảy tám giờ tối. Cảnh cũ lại tái diễn: chị ngồi kể chuyện cho nhiều người nghe. Tôi cũng ngồi xuống quan sát thấy số người có giảm hơn lần trước. Tôi ngạc nhiên vì câu chuyện chị kể lần nầy có vài chỗ khác so với câu chuyện ban đầu. Chị đã biết bỏ đi một số đoạn mờ nhạt để thế vào đó những tình thiết sắc nét hơn. Kết cấu câu chuyện chặt chẽ và chị biết thêm vào những đoạn mô tả tâm trạng từng nhân vật. 

Chị nói tâm trạng của chị chuyển bbiến từ chỗ lo âu rồi tự dối mình để bớt lo âu, sau thì lo lắng thực sự, rồi sợ hãi, sầu não, mất hy vọng chán chường, buông xuôi. Còn Lân thì có lúc yêu thương vợ con, có lúc lại oán hận vì thiếu sự chăm sóc, dễ dãi rồi khó khăn, trách móc rồi tha thứ... Lúc đâu thì hình như chàng sợ chết, sau không còn sợ chết nữa, chỉ lo cho vợ con không có ai lo, cuối cùng thì chàng chẳng còn lo sợ gì tất cả, đó cũng là lúc chàng sắp lìa đời. Chị phân tích tâm lý từ vai chính cho tới những vai phụ trong cái vở kịch lớn này. Tôi thầm phục sự tinh tế của người đàn bà nầy. Đến đây ngoài sự liệt kê câu chuyện mà còn mang tính nghệ thuật nữa. Nếu ngày sau tôi có nghe chị trở thành nhà văn chắc tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. 

***

Tháng sau tôi lại có dịp đến thăm chị Hoàng. Cũng vẫn cảnh chị Hoàng kể chuyện cho người khác nghe. Có điều số lượng người nghe ít hơn hai lần trước nhiều. Nhưng bù lại tôi được nghe một câu chuyện mà theo tôi là hoàn chỉnh hơn cả. 

Để cho câu chuyện thêm phần huyền bí chị thêm vào những chi tiết ly kỳ. Chị nói ngay từ buổi đầu mới lấy nhau đã có những dấu hiệu báo trước sự bất hạnh, đã có những điềm gở. Hai cây bạch lạp trên bàn thờ đang cháy, trời im phăng phắc không một cơn gió, bỗng cây đèn cầy bên trái tắt ngấm, rồi bình hương bốc lửa ngọn. Lại một điềm lạ nữa, trước khi phát bệnh một tuần, như được linh tính báo trước, một hôm Lân soạn tất cả quần áo cũ gói lại thành một gói đem cho. Khi hỏi sao không để dùng thì Lân nói : để thêm chật hòm!". Theo chị thì quá rõ, chỉ có người Bắc mới nói cái rương bằng hòm. Lân đâu phải là người Bắc. Mà đúng thật, đến khi tẩm liệm cho chàng chẳng còn áo quần cũ bỏ vào cho chàng. Lúc còn nằm ở bệnh viện, một đêm Lân ú ớ. Khi lay dậy chàng nói : "Ghê quá có ba người đàn bà đứng trên đầu giường chỉ vào anh. Một bà thật cao, một bà vừa, một bà lùn tịt bằng đứa bé lên năm. Rùng rợn hơn cả là họ đen như lọ chảo!" 

Như thế theo chị Hoàng thì cái chết của chồng đã được báo trước, ba bóng ma là cái hình ảnh kết thúc số phận hẩm hiu của chàng. Riêng phần kết cả ba câu chuyện chị kể đều đưa vào thuyết số mệnh nhưng cả ba cái kết đều có khác nhau. Câu chuyện đầu tiên chị oán trách số phận nghệt ngã. Câu chuyện thứ hai chị cho số mệnh là điêù tất nhiên nên không còn oán trách số mệnh mà còn thầm cảm ơn bởi vì sinh ký tử quì chết là trở về. Có ai ở mãi cõi đời ô trọc này nhất là chồng chị, con gnười đạo đức toàn vẹn. Với cái kết luận nầy chị đã tự an ủi mình mà còn làm cho người nghe cảm thấy lòng thanh thản hơn. Chỉ có điều với một câu chuyện hay như thế mà số người nghe lại ít hơn những lần trước rất nhiều. Không biết điều đó có làm cho chị buồn hay không ? 

***

Một thời gian sau tôi lại có dịp đến thăm chị Hoàng. Lần này cảnh cũ không còn nữa. Chị Hoàng ngồi một mình ủ rũ trong phòng khách. Trông chị cô đơn hơn lúc nào hết. Kỳ lạ thay, ba tháng sau cái chết của người chồng trông chị lại buồn thảm hơn những ngày đầu. Thấy tôi đến chị rất mừng. Chị lo pha trà mời. Chị mời tôi uống, chị cũng uống. Uống trà xong tôi đem những chuyện không đâu ra nói với chị. Tôi tránh nhắc lại cái chết của Lân. Tôi nghĩ khơi lại nỗi đau của người quá phụ thì thật là độc ác. Nhưng tôi thấy chị lơ đãng với tất cả mọi chuyện. Tôi lại nghĩ hay là chị đã quen với việc kể chuyện. Kể chuyện đã trở thành một nhu cầu trong người chị rồi. Chị cần kể chuyện hay có thể nói chị đã ghiền kể chuyện. Vậy thì không để cho chị kể chuyện mới thật là độc ác đối với chị. Nghĩ thế cho nên tôi lại bắt đầu: "tội nghiệp qua, không biết hôm đó chuyện xảy ra như thế nào"... 

Chị Hoàng hình như chỉ đợi có thế. 

Chiều thứ bảy hôm đó... 

Q. T