Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Trong
thời kì chiến tranh, đường sắt miền nam vẫn còn hoạt
động cho đến những năm đầu thập kỉ 60. Thời đó tôi
vẫn đi học đại học Saigon bằng đường sắt. Cho đến
năm 62, chiến sự ác liệt hơn, giải phóng quân bắt đầu
đánh phá cầu cống, hoả xa miền nam ngừng hoạt động. Xe
lửa ngừng lăn bánh mấy thanh đường ray gỉ sét, im lìm nằm
ngủ trong cỏ dại, có chỗ bị dân tháo ra rèn dao cuốc. Nhiều
chiếc đầu máy hơi nước cũ kĩ lạnh lẽo đứng trong nhà
kho, còn những toa tàu đậu ở sân ga hoá thành nhà cho dân
bụi đời. Quả tim ngành đường sắt miền nam ngừng đập.
Nhiều năm sau không thấy bóng dáng những con tàu, với chiếc
đầu máy diesel sơn màu vàng tiếng máy ù ù, tiếng còi tàu
vang vọng trong nắng chiều, trong sương mai, hay chiếc đầu
máy chạy hơi nước cổ lỗ thở phì phò như lão già hen suyễn,
nhả khói trắng hơi nước, phì khói đen lò than và tiếng
hát xình xịch cánh tay quay của con tàu. Dân chúng miền nam
nhớ những con tàu như nhớ người quen. Con tàu chở người
đi về tứ xứ, chở sản vật của từng miền vào nam ra bắc
của thuở đất nước thanh bình.
Giải phóng xong mới mấy năm, chính quyền cách mạng đã nhanh chóng khôi phục đường sắt, đáp ứng niềm mơ ước của toàn dân. Ngày đầu tiên, buổi lễ long trọng thông đường bắc nam, đón con tàu thống nhất cắm cờ đỏ sao vàng, nối liền hai miền là một biểu tượng rất đẹp hình ảnh thống nhất, nay giang sơn đã qui về một mối. Thế nhưng sau đó, những chuyến xe cũ kĩ, con đường sắt chắp vá, hư hỏng và luôn luôn quá tải, gập gềnh, hành khách lúc nào cũng đông đúc, chật chội, đi xe lửa vô cùng cực nhọc. Lúc này, đất nước mới được giải phóng, bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu gia đình li tán nay tìm lại nhau, dân miền nam tập kết ra bắc trở về, bao nhiêu chuyến đi, tất cả đều là những chuyến ra đi, trở về mang theo rất nhiều kì vọng, nỗi niềm nhung nhơ, chờ mong, hy vọng, thất vọng... Thời kì này giới con buôn chuyên sử dụng đường sắt làm phương tiện đi buôn hàng chuyến. Thành ra đường sắt cùng những chuyến xe đều quá tải và thật đúng là những chuyến xe chở đầy nhọc nhằn khổ ải. Ba chúng tôi, trong một buổi nhậu sương sương bỗng hứng bất tử rủ nhau làm một chuyến du lịch bằng xe hoả. Chuyến đi mang ý nghĩa một cuộc hành hương tìm về cội nguồn dân tộc, đất bắc, niềm mong mỏi thầm kín bao năm qua. Và còn một mục đích nữa, sau bao năm nhớ nhung xe lửa, đi để được hưởng lại cái thú lắc lư trên chiếc xe, nghe tiếng xập xình mỗi khi bánh sắt lăn qua khớp nối ray, tiếng ken két bánh sắt qua khúc quanh, và nhất là được ngắm làng mạc hai bên đường sau giải phóng ra sao? Chúng tôi chẳng bàn bạc suy tính gì cả, cũng chẳng cần mang theo nhiều hành lí, chỉ vài bộ áo quần trong chiếc ba lô con cóc, thế là lên đường. Xuất hành đúng vào mùa mưa bão. Trên chuyến tàu chật như nêm, có khi tôi phải đứng một chân suốt cả tiếng đồng hồ, chịu bao nhiêu sự chật chội khó khăn trong chuyến xe hỗn tạp đầy sự ồn ào ngột ngạt. Là tàu chợ, tàu chỉ chạy từng đoạn ngắn, có khi một vài cây số dừng cho khách lên xuống. Đôi khi tàu dừng giữa rừng cho bọn thợ rừng đốn củi bó thành bó nhỏ ném bừa lên. Mọi người ai cũng vội vàng, ở dưới cứ việc tung củi lên, đụng ai nấy chịu. Bao nhiêu tiếng la lối chửi thề, nhiều cuộc xung đột cãi vã to nhỏ, có cả đánh nhau. Chúng tôi phải sống suốt ngày giữa đám loạn quân ấy. Xe đúng là một cõi địa ngục trần gian di động. Tàu chạy rất chậm lại luôn luôn dừng. Chúng tôi khởi hành từ sáng hôm qua, trưa hôm sau mới đến ga Nha Trang, 28 tiếng đồng hồ cho một quãng đường 450 km. Tàu dừng lại và có lệnh không đi nữa. Nghe nói một đoạn đường trên đèo Cả bị nước lũ làm sạt lở, một cây cầu sắt bị cuốn trôi. Không biết đến bao giờ tàu mới tiếp tục lên đường. Lại nghe nói phía bắc còn bốn năm chuyến tàu đứng đợi, và sau lưng chúng tôi cũng còn mấy chuyến nữa. Vậy không biết tới ngày nào chúng tôi tiếp tục lên đường? E còn lâu tàu mới chuyển bánh. Chúng tôi bàn nhau xuống xe, mỗi đứa tự do đi mỗi hướng "thám hiểm" thành phố biển Nha Trang. Tối về ga ngủ. Tôi xuống xe bách bộ một đoạn, thời kì đó chưa có xe thồ, đi một lúc mỏi chân, nhìn quanh tìm, may quá có chiếc xích lô đi tới, không đợi kêu, anh ta đạp xe kè kè một bên mời : "Anh Hai, đi đâu em chở?" Tôi lên xe. Anh ta lại hỏi đi đâu? Tôi nói cứ đạp tà tà. Hình như anh ta biết tâm trạng của tôi qua những bước đi vô định, nên lần này anh mời mọc rủ rê: "Anh Hai muốn tìm gái không? " Tôi nói : "Không, thôi làm ơn cho tôi xuống biển ngồi hóng mát đi " Anh ta tưởng tôi khách lạ chưa từng đến Nha Trang nên chở tôi lòng vòng cho thật xa mới chịu xuống biển. Tôi chọn một cái quán dưới gốc dương ngồi uống li nước dừa. Một cô gái đi tới, tôi đang bực mình về chuyến đi, không chú ý đến cô, nói trổng : "Cho li nước dừa". Cô gái bước đi. Tôi ngắm biển. Biển mùa này động, sóng vỗ ầm ầm, sóng sáng ngời, tung bụi nước lên đến chỗ tôi ngồi. Tôi nghe thoang thoảng mùi hương, hương gì không rõ tôi tạm gọi là "hương biển". Tôi chú ý phân tích hương biển thế nào? Hình như ấy là mùi rong rêu, mùi nước biển đục ngầu phù sa do con sông Cái chảy ra, cọng với cái mùi nồng nồng như khi vào chùa chiền ấy là mùi trầm hương. Tôi nghĩ, hay đó là long diên hương? Cái mùi hương đặc trưng của trùng dương với những ngọn sóng cao như quả núi và những con cá voi khổng lồ phun nước trắng xoá? Cô gái đi tới, mùi hương rõ hơn. Tôi tự cười. Rõ lắm chuyện. Mình lãng mạn quá. Thấy tóc cô ướt buông xoả làm cho nửa lưng áo thấm ướt, hoá ra cô vừa gội đầu hay vừa tắm xong. Cái làn hương mà tôi lầm tưởng là mùi long diên hương huyền thoại ấy xuất phát từ cô gái này, cũng chẳng phải mùi long diên hương, mùi của những đêm phương đông huyền ảo truyện cổ Ba Tư, ngàn lẻ một đêm. Tôi biết rồi. Cô gái vừa tắm xong, tắm với thứ xà phòng hiệu Santal, màu nâu thường gọi là xà phòng hương trầm. Cô đem nước ra cho tôi và quanh quẩn, hình như cô muốn ngồi cùng tôi, cô chưa chịu bỏ đi ngay. Đang trong tâm trạng bực dọc tôi chẳng cần gái, tôi không mời cô ngồi chung. Tôi ngồi trầm ngâm hút thuốc, nhìn những con sóng mùa biển động hung bạo đập tung sóng trắng xoá lên bãi cát. Hơn mười giờ rồi mà mặt trời ẩn nấp đâu đó sau lớp mây dày của một ngày trời động, trời biển đầy một màu xám tro, nặng như chì và ướt như mái tóc ẩm. Quán chỉ có một mình tôi và cả biển cũng chỉ có một là du khách duy nhất. Mùa này người dân Nha Trang chẳng ai ra biển, mà du khách cũng chẳng ai tới biển. Chỉ có kẻ lỡ đường như tôi mới ra đây ngồi. E cũng đã quá 12 giờ trưa rồi, tôi thấy đói, hướng vào quán kêu. Trong quán có một người đàn bà to béo, mặc chiếc áo bà ba màu đỏ, bà ta hối, cô gái chạy ra, tôi hỏi có gì ăn không? Cô gái nói đây chỉ là quán nước, anh cần tôi mua giùm, gần đây cũng chỉ có mì ăn liền. Tôi đưa tiền, chỉ một chốc sau "cô gái hương trầm" mang tô mì ra. Tôi ngồi ăn một mình, cô gái thấy tôi cô đơn, chắc có tâm sự buồn, cô cũng ngồi xuống đối diện nhìn tôi ăn và gợi chuyện: - Anh ở đâu tới đây? - Tôi ở Saigon , đi du lịch. - Sao lại du lịch mùa mưa bão này? - Ai hay đâu...Hứng lúc nào đi lúc nấy. - Anh ở khách sạn nào? - Tôi ngủ ga, chuyến tàu tôi đi không đi tiếp được nữa, nghe nói đường hư, cầu gãy...Ở ga để tàu chạy thì lên đường. Cô gái nghe tôi nói ngủ ga, thốt lên "Tội nghiệp" nghe như tiếng thở dài não nuột. Nói: - Mấy cái ghế gỗ ở ga đầy rệp ngủ không được đâu...đi với em em tìm nhà trọ cho, rẻ tiền thôi. - Tôi không đủ tiền ngủ khách sạn. Không phải tôi không đủ tiền, chỉ vì trong lúc này tâm trạng tôi không thấy hứng thú gì với việc thuê phòng trọ ở chung, ngủ chung với cô gái mới quen nhan sắc chẳng lấy gì mặn mà này. Hình như cô mới ra nghề. Cô vẫn còn đầy chất dân giã gái miệt vườn miền nam, với cách phát âm chữ "R"thành "G",( con cá gô nằm trong gổ )...Tôi tính hỏi em là ai mà ra nông nỗi này? Song tôi chỉ hỏi: - Em tên gì? - Em tên Bích Loan - Tên đẹp nhỉ? Mấy tuổi ? - Đẹp gì, mấy đứa em của em ba má đặt toàn tên Tây, Anne Mộng Lan, Jacqueline Hồng Đào, Louise Tuyết Nga...nghe còn hay hơn nhiều. Cả nhà em toàn tên Tây, em 23 tuổi, còn mấy ngày nữa là 24, già rồi.. Bây giờ đến lượt tôi: "Tội nghiệp" Tôi chẳng biết tại sao lại tội nghiệp cho một cô gái mới 24 cái xuân xanh. Tôi mơ hồ biết cô hiện thời sống bằng cách gì? Tôi thương cảm cho hoàn cảnh cô gái. Và mặc dù tôi không hỏi song cô gái bắt đầu giới thiệu và kể về cuộc đời mình, giọng cô kể chuyện đời mình rất bình thản, kể câu chuyện rất thật sống động, giống như ấy là điều hiển nhiên của đời cô: - Em cũng người ở trỏng. Ở Saigon, gia đình giàu sang, thấy em thế này, nói chắc anh không tin ? Nhà em giàu lắm, cũng thuộc hạng nhất nhì Saigon . Không phải chỉ giàu có mà ba em làm lớn, kẻ hầu người hạ, có cả cảnh sát gác cổng. Má có cửa hàng bán vàng, hột xoàn, đổi tiền ngoại đồng Franc Pháp, Franc Thuỵ Sĩ, đồng Bảng Anh, đồng Mark Đức, đồng dollar Mỹ... cửa hàng to lắm ở đường Catinat ( đường Tự Do, Đồng Khởi bây giờ) ngoài ra còn bán đồ cổ. Khách ra vào toàn triệu phú ngoại quốc chuyên sưu tầm đồ cổ đông phương. Bán một món lời ăn cả năm không hết. Lúc nhỏ em học trường đầm, trường Mari Curie, trong nhà nuôi bếp tây, người làm vườn, tài xế, và cả một tiểu đội lính bảo vệ, tha hồ sai bảo. Ở nhà em lâu lâu mới cho bà Hai nấu món Huế, chị Sáu nấu món Nam bộ, thỉnh thoảng ăn cơm Tàu ở Chợ Lớn. Buổi sáng đi học em thường ghé Givral ăn sáng. Hôm nào có phim hay em vào rạp Rex, đi chơi khuya về đói bụng kéo nhau đi ăn tối chợ cũ, ăn xong đi nhảy ở Arc-en-ciel, chơi suốt đêm là chuyện thường ... Trong nhà ăn cơm Tây nên em chỉ quen dùng muỗng nĩa. Em mới biết cầm đũa, song còn lóng ngóng lắm, gắp cứ trật lên trật xuống, cho đến bây giờ mấy món ăn dân tộc như mắm nêm , nắm ruốt, em chưa biết ăn,còn nước mắm phải cho thật nhiều đường em mới dám chấm... em chưa biết ăn rau mống, cá kho... Trước đây đi học hay ở nhà em chỉ mặc đồ đầm, đi ngủ thì mặc xoa-rê, em chưa biết cái áo bà ba, áo dài là gì. Giải phóng rồi mới xỏ chân thử vào cái quần lãnh đen, nhột nhạt khó chịu lắm ... Bây giờ tôi mới có dịp nói câu: - Tại sao em lại ra nông nỗi này? Tại thời thế sao ? Ba đi cải tạo chưa về sao? - Không, ba về rồi, sau giải phóng gia đình em vẫn còn nhiều tiền, động sản, bất động sản, vàng bạc hột xoàn, nhà cửa phố xá nhiều lắm, gia đình em vẫn còn sống theo kiểu đế vương, ngồi không ăn cả đời không hết. - Thế tại sao...? - Tại em hận đời, đời đen bạc. Tình người tráo trở. Cái lưỡi bọn đàn ông các anh chẳng khác gì loài rắn độc. Em và anh ta, một sinh viên nhà quê rất nghèo học trường thuốc, biết anh ta nghèo nhưng em vẫn yêu anh ta vì tin anh là người tốt, chung thuỷ, nhờ uy thế của gia đình em mà anh ta được xuất dương qua Pháp học trường đại học y khoa Paris. Ba em còn hứa học xong cho hai đứa thành hôn, ba em sẽ sắm cho chúng em cái phòng mạch với thật nhiều máy móc y khoa mới nhất, ở xứ này chưa phòng mạch nào có ... Qua bên đó, xa mặt cách lòng hắn ta lấy vợ đầm, nghe nói đã có con, không về nữa, bảo em lấy chồng khác đi. Anh nghĩ... Tôi chỉ còn cách thở dài cho cảnh đời éo le, thốt: - Thiệt tình...!!! Và cô gái khóc. Câu chuyện cuộc đời cô quả thật ngang trái đau đớn. Cô gái khóc thương cho mối tình bị phản bội, cô khóc cho bước đi lỡ lầm của mình, còn nhiều thứ để cho cô khóc nữa. Cô khóc thật, không phải kiểu khóc giả như mấy cô đóng phim, đóng kịch. Cô khóc muồi mẫn, tôi thương cảm quá cũng muốn khóc theo. Tôi an ủi: - Đời mà em, có người thế này người thế khác, hận làm chi ? Huỷ hoại cuộc đời mình làm gì? Sao không vươn lên để trả thù kẻ bạc tình? Hình như cô gái không chú ý đến lời an ủi của tôi. Chỉ một lúc sau cô quên ngay mối hận tình, trở lại bình thản, và cô còn cười duyên, nói cười vui vẻ như chưa hề xảy ra câu chuyện thương tâm. Thái độ cô khiến tôi phân vân, lẽ nào mới đây cô khóc nức nở, lại nhanh chóng bình thản, đôi mắt ráo hoảnh, nước mắt như mưa chảy về đâu? Thật kì dị, cô nói :"Ăn xong làm gì, mình đi chơi đi, ngồi đây lạnh lẽo. Mùa này ai lại đi biển. Thôi đi với em đi. Mấy hôm nay mưa gió em cũng kẹt lắm! Không còn một xu ..." Ôi hoá ra câu chuyện hay ho sống động và cảm động kia, đoạn cuối chỉ là "lời đề nghị khiếm nhã" này. Tôi mở ví đưa cho nàng số tiền kha khá, nàng vui hẳn lên. Tôi không biết làm gì cho hết thời gian, tôi đành chấp nhận theo nàng vào cuộc phiêu lưu này. Sáng hôm sau tôi trở lại ga Nha Trang. Lúc này hai người bạn của tôi vẫn chưa quay về như đã giao ước. Tôi chờ đợi đến trưa vẫn chưa thấy hai cậu ta về. Tôi chắc đêm qua hai anh chàng lãng tử này thế nào cũng chui vào cái động nào đó với em nào rồi. Cả ngày tôi ngồi bó gối chờ bạn, lặng lẽ quan sát cuộc sống tại cái phòng đợi của nhà ga đầy mùi nước tiểu và bọn ăn mày. Tôi sợ mấy người bạn ham vui mà trễ tàu. Vẫn chưa thấy tàu thông báo việc lên đường. Có lẽ đường chưa thông. Chiều lại, Thúc về. Anh ta hỏi tôi, tôi kể chuyến ra biển ngồi, ăn mì tôm và nói chuyện với cô gái nam bộ, mặc áo đầm, ăn đồ tây, nữ sinh Mari Curie, phiêu lưu cùng nàng một đêm, cũng chẳng có gì hay ho lắm... Thúc nghe, rồi anh kể chuyện về mình. Thúc nói: - Còn tớ lang thang, mỏi chân ngồi xích lô, thằng xe hỏi ưng đi chơi không, mình thấy thời gian còn dài quá, vô vị, nên gật đầu. Hắn chở tới cái động, có nhiều phòng cho thuê, loại nhà thổ rẻ tiền. Thế mà trong có lắm điều hay. Có một em ra đón. Nhan sắc cô gái trung bình, không gây được ấn tượng, chỉ có điều quanh em thoang thoảng hương trầm. Tôi giật mình. Lại "cô gái hương trầm" nào đây nữa? Chẳng lẽ là em. Tôi hỏi : "Có phải em kể về một gia đình sang trọng giàu có, cha làm to, mẹ bán hạt xoàn, em chưa biết cầm đũa, mặc quần dài đen không? - Không. Song nếu tớ là nhà văn thì cuộc đời cô gái của tớ đêm qua tớ cũng có thể viết thành cái truyện tuyệt vời. Một cuộc đời lên voi xuống chó với bao nhiêu diễn biến thăng trầm ghê gớm. - Thế nào? - Cô ta xuất thân từ một danh gia vọng tộc miền nam, con một vị đại điền chủ gia tài hàng vạn mẫu ruộng nhất đẳng điền. Lúc nhỏ cô được học ở quê. Lớn lên về Saigon học trung học. Cô là nữ Sinh Trưng Vương, một trường nữ trung học sang trọng gồm hầu hết là con gái người bắc di cư. Thế nhưng cô này nói giọng nam, giọng miệt vườn không lẫn đi đâu được ( Với chi tiết này càng làm cho tôi thêm tin tưởng hai người là một ) Trong khi con cái nhà khác, kể cả con của những vị bộ trưởng đi học bằng xe đạp, có đứa sang lắm cha mẹ mới sắm cho chiếc xe vélosolex, hay chiếc mobilette, cô đi học bằng ôtô nhà, trường nể gia đình cô cho xe lái thẳng vào sân trường, tài xế nhanh chóng xuống xe mở cửa, đứng tránh ra một bên mời cô xuống xe. Cả trường, học sinh lẫn thầy cô, kể cả bà hiệu trưởng đứng trên lầu cao nhìn cô thán phục. Chiếc xe cô đi học hàng ngày là chiếc chevrolet màu sáng bạc, xe limousine của Mỹ, dài thườn thượt, xa hoa lộng lẫy, thời ấy cả Saigon chỉ có một chiếc. Anh tài xế mặc đồng phục trắng, trông chẳng khác gì sĩ quan hải quân. Trong nhà nuôi bao nhiêu người phục vụ, bếp nấu đồ Tây, vú em người Tàu, riêng cái tủ rượu đặt ở phòng khách nhà cô chứa mấy trăm chai rượu quí người ta biếu đủ hiệu rượu danh tiếng. Nhà cô là một toà nhà tuy ở dưới quê song xây theo lối tây, bản vẽ của kiến trúc sư danh tiếng bên Pháp qua làm, toà nhà đồ sộ, cả xứ Nam kì thời kì đó không ngôi nhà nào to bằng, sánh ngang với dinh toàn quyền Đông Dương. Trong nhà nuôi bếp Tàu nấu món ăn hàng bữa đều có các vị thuốc tẩm bổ, có cả sơn hào hải vị như vây, như yến, thế mà dọn lên, bố mẹ con cái chỉ nhúng đũa rồi bưng xuống cho bồi bếp ăn... Một cô gái xuất thân từ gia đình giàu sang như thế lại thất cơ lỡ vận rơi vào chốn bùn lầy nhơ cơ cực nhất trên cuộc đời này, một ổ điếm hạng bét đói khổ nhục nhã... Tôi hỏi: - Thế cô ta có nói lí do không? - Cũng chỉ vì đua đòi theo bè bạn thử chơi ma tuý. Cha mẹ chạy thầy chạy thuốc nhiều nơi trong nước không được, bèn đưa đi nước ngoài để xa lánh bạn xấu và nằm lại dưỡng đường chuyên khoa cai ma tuý bên Thuỵ Sĩ. Bệnh viện này sang trọng lắm, chuyên chữa bệnh cho hàng vương tôn công tử, vào đây phải có tiền triệu. Bạn cùng phòng của cô đều là những vedette cinéma ( minh tinh màn bạc ) xài tiền như nước, ở đây người ta không cho uống thuốc men gì cả. Họ chữa bệnh bằng tâm lý. Mỗi ngày được các vị chuyên gia tâm thần hỏi han, gọi là tâm lí trị liệu. Tiền phòng tiền chữa bệnh hàng tháng cả bạc vạn đôla. Cô vẫn không bỏ được nàng tiên trắng, tiên nâu. Cuối cùng cha mẹ đem về nước. Ban đầu cô gái còn ăn cắp đồ đạc trong nha, sau ăn cắp nhà người. Sau nữa thi ăn trộm, trộm măi hoá chuyên nghiệp, rồi theo bạn ăn cướp, bị bắt đi tù, cha mẹ chạy tiền bạc triệu để ra tù, ra tù đâu vào đó. Cha mẹ bất lực, từ con, đuổi ra khỏi nhà. Cô gái phải ra đứng đường, bán trôn nuôi miệng. Cuối cùng lọt vào động quỉ ... Thật đúng là đoá sen trong bùn, một nữ sinh xinh đẹp Trưng Vương chính hiệu...Tội nghiệp quá Nghe câu chuyện đầy lối nói khoa trương sự giàu sang hơn người, tuy nội dung hai câu chuyện khác hẳn nhau nhưng vẫn làm cho tôi ngờ ngợ phong cách nói năng ấy. Sáng hôm sau Tuân mới về. Cậu ta đi chơi suốt một ngày hai đêm, hai đêm qua cậu ta đã qua đêm với một cô gái. Cậu ta hân hoan: - Cảm ơn xe lửa dừng nửa đường, đã cho tớ được gặp cơ may ngàn năm có một, cô gái tuyệt vời. Một đoá kì hoa dị thảo trong chốn trần ai. Hai đêm ngà ngọc và một nửa ngày, cậu ta chỉ tiếc vì sợ trễ tàu nên không dám nán lại lâu. Đó không phải cô gái bình thường, một ngôi sao sân khấu tài sắc vẹn toàn, nổi danh tài sắc một thời, cô nói tên gánh hát, tên cô, nhưng tớ xưa nay không sành cải lương nên không nhớ. Nhưng đó là một diễn viên danh tiếng. Em kể: "Thời kì em còn đi hát, tiền cát-xê mỗi đêm em tiêu cả năm không hết, không phải tiêu pha tằng tiện như mọi người đâu, tiền làm ra dễ quá nên em xài xả láng, ăn chơi đế vương, hết đâu có bọn đàn ông tỷ phú cung phụng đó. Trò chơi của em thời ấy là cờ bạc, cờ bạc đủ kiểu. Mỗi khi em vào Đại La Thiên ( Một sòng bạc nổi tiếng ngày trước, còn gọi là Đại thế giới, nay là nhà Văn Hoá thanh niên quận năm ) Từ người gác cổng, bọn cờ bạc cắc ké, cho tới các lão Xì Thẩu đánh bạc chuyên nghiệp từ Ma Cau mỗi tuần đáp máy bay qua đều biết tiếng em, bởi em đánh bạc không cần đếm tiền. Tiền Đông Dương mới cáu cạnh, tờ "xăng" ( tiền trăm, thời ấy một ngôi nhà to có mấy trăm đồng ) xếp thành từng thỏi như cục gạch, em chỉ việc ngắt từng mớ mà ném vào bàn roulette. Bao nhiêu vương tôn công tử mê em như điếu đổ. Bao nhiêu người cung phụng và cũng bao nhiêu kẻ tán gia bại sản. Một điền chủ miệt Rạch Giá bán hàng trăm mẫu ruộng đem lên chỉ đủ cho em vung tay một đêm. Tội nghiệp ông Hội đồng Thuận nổi tiếng nhiều ruộng xứ Bến Tre đem tiền thu tô lên Saigon tính gởi vào Banque Indochine, chưa kịp gởi, vô sòng bạc gặp em trao cho em thử thời vận. Chưa tới một tiếng thì bay mất hoa lợi của cả ngàn mẫu ruộng! Và rồi, cờ bạc chẳng thương tiếc ai, tất cả tín đồ của nó cuối cùng trắng tay. Em cũng thế, không còn tiền, chẳng còn nhan sắc, mất luôn giọng ca muồi, là đào thương, ngôi sao sân khấu thượng thặng, ngày đó hình bóng em họa sĩ vẽ to bằng chiếc chiếu đôi treo mặt tiền sân khấu, sau thì bị gỡ xuống treo hình người khác lên. Em từ hàng đào thương nổi danh trong nam ngoài bắc rơi xuống hạng đào lẳng, ngày càng béo ra chỉ hợp với mấy vai đào võ, đào già, con hầu... Cuối cùng em hổ thẹn, biết thân phận, biết cái thời xuân sắc của mình chẳng còn, em từ giã sân khấu, rơi mãi rơi mãi cho đến khi thành gái đứng đường...Cuối cùng bỏ xứ ra đây sống lây lất với những đồng bạc lẻ của khách làng chơi từ thượng vàng đến hạ cám. Đến nỗi bây giờ bọn ba gác xích lô còn chê em già không thèm, tìm mấy con mới ra nghề... Tôi hỏi, có phải cô gái thoang thoảng mùi hương trầm không? Tuân giật mình: - Ủa sao cậu biết? Cậu đã gặp cô ta rồi sao? Không còn nghi ngờ gì nữa, với lối nói chuyện đầy khoa trương khoác lác ấy chính là "phong cách sáng tác" của cô em. Tôi nói: - Tớ gặp cô gái chuyên mặc đồ đầm ăn cơm tây, chưa biết cầm đũa. Còn Thúc gặp nữ sinh Trưng Vương thứ thiệt, đi học bằng ô-tô limousine Chevrolet số một Saigon. Cậu gặp một ngôi sao sân khấu ném tiền qua cửa sổ trong những sòng bạc của tỷ phú. Ba người phụ nữ đặc biệt của thành phố Nha Trang đầy tiếng sóng này. Hai chàng lãng tử rất hãnh diện thích thú về người đã chung chăn gối với họ. Cả hai đều tưởng cơ duyên may mắn đặc biệt trời cho. Riêng tôi biết tất cả nhưng tôi không nói cứ để cho hai chàng bay bổng theo ảo tưởng. Cả ba chúng tôi đã gặp cùng một cô gái. Ba nhân cách khác nhau song chỉ là một. Một cô gái kì dị. Một nghệ sĩ chuyên sáng tác trong vòng tay đàn ông và trong bóng đêm hiu hắt đèn vàng trong căn nhà thổ tồi tàn. Cơn bão đã qua, nắng lên, biển thôi cơn phẩn nộ, tàu tiếp tục chuyến hành trình. Nhiều hành khách không thể chờ đợi được họ đã đáp ô tô. Tàu vắng khách, rộng rãi thoải mái hơn. Chúng tôi giã từ thành phố tiếng sóng cùng với những chuyến phiêu bồng tưởng tượng. Chúng tôi đều cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Ba anh em chúng tôi ngồi cạnh cửa sổ nhìn mặt trời lên. Riêng tôi thầm cầu mong vầng thái dương hôm nay cũng cất mình bay lên chiếu sáng cuộc đời tăm tối của nàng. Tôi cầu xin ấy là mặt trời có thật, không phải mặt trời giả chiếu thứ hào quang ảo phù phiếm hào nhoáng, tưởng tượng như nàng thường hư cấu trong những tác phẩm để tự huyễn hoặc đời mình... *** ...Ngày xưa tại kinh thành Batda bên nước Ba Tư có nàng Sêhêradát, mỗi đêm kể một câu chuyện dâng lên đức vua để được sống thêm một ngày, đó là một nghệ sĩ tài năng và sức sáng tạo phi thường, nàng đã có ngàn lẻ một tác phẩm để đời...Ngày nay cũng có một cô gái, mỗi đêm nàng cống hiến cho bọn đàn ông thân xác mỏi mòn, để sống. Ngoài ra nàng còn tặng cho bọn đàn ông những ảo tưởng hoang đường, những giấc mơ tuyệt vời. Không biết bao nhiêu tác phẩm tráng lệ đã chào đời trong đêm đen nhầy nhụa bất tận của cuộc đời nàng... Người nghệ sĩ sống vị tha tử tế với đời là thế, song cuộc đời bất công, cứ mãi nhẫn tâm với nàng ./. |
|